Tài liệu ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn phần Tiếng Việt

Tài liệu ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn phần Tiếng Việt

Hỗ trợ thêm cho các bạn học sinh lớp 9 có nhiều tư liệu ôn tập chuẩn bị tốt cho kì tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới VnDoc.com đã sưu tầm và xin được gửi tới bạn: Tài liệu ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn phần Tiếng Việt. Chúc các bạn ôn tập tốt và đạt kết quả cao trong kì thi.

Tài liệu ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn

Tài liệu ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn phần thơ và truyện

Bộ đề ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn

Tài liệu ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn phần Tiếng Việt

I. Từ vựng

1. Các lớp từ.

a. Từ xét về cấu tạo.

  • Từ đơn.
    • Khái niệm: Từ đơn là từ chỉ gồm một tiếng có nghĩa tạo thành.
    • Vai trò: Từ đơn được dùng để tạo từ ghép và từ láy, làm tăng vốn từ của dân tộc.
  • Từ ghép.
    • Khái niệm: Từ ghép là những từ được tạo ra bằng cách ghép các tiếng có quan hệ với nhau về nghĩa.
    • Phân loại từ ghép:
      • Từ ghép chính phụ: Từ ghép chính phụ có tiếng chính và tiếng phụ bổ sung nghĩa cho tiếng chính. tiếng chính đứng trước, tiếng phụ đứng sau. Từ ghép chính phụ có tính chất phân nghĩa. Nghĩa của từ ghép chính phụ hẹp hơn nghĩa của tiếng chính.
      • Từ ghép đẳng lập: Từ ghép đẳng lập có các tiếng bình đẳng về mặt ngữ pháp (không phân ra tiếng chính, tiếng phụ). Từ ghép đẳng lập có tính chất hợp nghĩa. Nghĩa của từ ghép đẳng lập khái quát hơn nghĩa của các tiếng tạo nên nó.
    • Vai trò: dùng để định danh sự vật, hiện tượng, để nêu đặc điểm, tính chất, trạng thái của sự vật.
  • Từ láy.
    • Khái niệm: Từ láy là những từ tạo ra bằng cách ghép các tiếng có quan hệ láy âm với nhau.
    • Vai trò: nhằm tạo nên những từ tượng thanh, tượng hình trong nói viết, có giá trị gợi hình, gợi cảm.

b. Từ xét về nghĩa

* Nghĩa của từ:

  • Khái niệm: Nghĩa của từ là nội dung (sự vật, tính chất, hoạt động, quan hệ,...) mà từ biểu thị.
  • Cách giải thích nghĩa của từ:
    • Trình bày khái niệm mà từ biểu thị.
    • Đưa ra những từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa với từ cần giải thích.

* Từ nhiều nghĩa.

  • Khái niệm: Từ có thể có một hay nhiều nghĩa. Từ nhiều nghĩa là từ mang sắc thái ý nghĩa khác nhau do hiện tượng chuyển nghĩa.
  • Các loại nghĩa của từ nhiều nghĩa:
    • Nghĩa gốc: là nghĩa xuất hiện từ đầu, làm cơ sở để hình thành các nghĩa khác.
    • Nghĩa chuyển: là nghĩa được hình thành trên cơ sở của nghĩa gốc.
    • Thông thường, trong câu, từ chỉ có một nghĩa nhất định. Tuy nhiên trong một số trường hợp, từ có thể được hiểu đồng thời theo cả nghĩa gốc lẫn nghĩa chuyển.

* Thành ngữ.

  • Khái niệm: Thành ngữ là cụm từ có cấu tạo cố định, biểu thị một ý nghĩa hoàn chỉnh. Nghĩa của thành ngữ có thể bắt nguồn trực tiếp từ nghĩa đen của các từ tạo nên nó nhưng thường thông qua một số phép chuyển nghĩa như ẩn dụ, so sánh...
  • Cách sử dụng: Thành ngữ có thể làm chủ ngữ, vị ngữ trong câu hay làm phụ ngữ trong cụm danh từ, cụm động từ,...Thành ngữ ngắn gọn, hàm súc, có tính hình tượng, tính biểu cảm cao.

* Các loại từ xét về quan hệ nghĩa:

  • Từ đồng nghĩa.
    • Khái niệm: Từ đồng nghĩa là những từ có nghĩa tương tự nhau. Một từ nhiều nghĩa có thể thuộc vào nhiều nhóm từ đồng nghĩa khác nhau.
    • Phân loại: (2 loại).
      • Từ đồng nghĩa hoàn toàn: không phân biệt nhau về sắc thái nghĩa.
      • Từ đồng nghĩa không hoàn toàn: có sắc thái nghĩa khác nhau.
    • Cách sử dụng: không phải bao giờ các từ đồng nghĩa cũng có thể thay thế được cho nhau. Khi nói cũng như khi viết, cần cân nhắc chọn trong số các từ đồng nghĩa những từ thể hiện đúng thực tế khách quan và sắc thái biểu cảm.
  • Từ trái nghĩa.
    • Khái niệm: Từ trái nghĩa là những từ có nghĩa trái ngược nhau. Một từ nhiều nghĩa có thể thuộc nhiều cặp từ trái nghĩa khác nhau.
    • Cách sử dụng: Từ trái nghĩa được sử dụng trong thể đối, tạo các hình tượng tương phản, gây ấn tượng mạnh, làm cho lời nói thêm sinh động.
  • Từ đồng âm.
    • Khái niệm: Từ đồng âm là những từ giống nhau về âm thanh nhưng nghĩa khác xa nhau, không liên quan gì với nhau.
    • Cách sử dụng: Trong giao tiếp phải chú ý đầy đủ đến ngữ cảnh để tránh hiểu sai nghĩa của từ hoặc dùng từ với nghĩa nước đôi do hiện tượng đồng âm.

* Cấp độ khái quát nghĩa của từ:

  • Khái niệm: Nghĩa của một từ ngữ có thể rộng hơn (khái quát hơn) hoặc hẹp hơn (ít khái quát hơn) nghĩa của từ ngữ khác:
    • Một từ ngữ được coi là có nghĩa rộng khi phạm vi nghĩa của từ ngữ đó bao hàm phạm vi nghĩa của một số từ ngữ khác.
    • Một từ ngữ được coi là có nghĩa hẹp khi phạm vi nghĩa của từ đó được bao hàm trong phạm vi nghĩa của một từ ngữ khác.
    • Một từ ngữ có nghĩa rộng đối với những từ ngữ này, đồng thời có thể có nghĩa hẹp đối với một từ ngữ khác.

* Trường từ vựng:

  • Khái niệm: Trường từ vựng là tập hợp của những từ có ít nhất một nét chung về nghĩa.

* Từ có nghĩa gợi liên tưởng:

  • Từ tượng thanh, từ tượng hình.
    • Khái niệm: Từ tượng thanh là từ mô tả âm thanh của tự nhiên, của con người. Từ tượng hình là từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái của sự vật.
    • Công dụng: Từ tượng thanh, từ tượng hình gợi được hình ảnh âm thanh cụ thể, sinh động, có giả trị biểu cảm cao; thường được dùng trong văn miêu tả và tự sự.

c. Từ xét về nguồn gốc

* Từ thuần Việt: Từ thuần Việt là những từ do nhân dân ta sáng tạo ra.

* Từ mượn: Từ mượn là từ vay mượn của tiếng nước ngoài để biểu thị những sự vật, hiện tương, đặc điểm,...mà tiếng Việt chưa có từ thật thích hợp để biểu thị. Từ mượn gồm phần lớn là từ Hán Việt (là những từ gốc Hán được phát âm theo cách của người Việt) và từ mượn các nước khác (Ấn Âu).

  • Nguyên tắc mượn từ: Mượn từ là một cách làm giàu tiếng Việt. Tuy vậy, để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt ngôn ngữ dân tộc, không nên mượn từ nước ngoài một cách tuỳ tiện.

* Từ toàn dân: là những từ ngữ được toàn dân sử dụng trong phạm vi cả nước.

* Từ địa phương, biệt ngữ xã hội:

  • Khái niệm:
    • Từ ngữ địa phương: là những từ ngữ chỉ được sử dụng ở một (hoặc một số) địa phương nhất định.
    • Biệt ngữ xã hội: là những từ chỉ được dùng trong một tầng lớp xã hội nhất định.
  • Cách sử dụng:
    • Việc sử dụng từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội phải phù hợp với tình huống giao tiếp. Trong thơ văn, tác giả có thể sử dụng một số từ ngữ thuộc hai lớp từ này để tô đậm màu sắc địa phương, màu sắc tầng lớp xã hội của ngôn ngữ, tính cách nhân vật.
    • Muốn tránh lạm dụng từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội, cần tìm hiểu các từ ngữ toàn dân có nghĩa tương ứng để sử dụng khi cần thiết.
Đánh giá bài viết
15 15.971
Sắp xếp theo

    Luyện thi

    Xem thêm