Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Hà Tĩnh 2024

Sáng 6/6, các thí sinh Hà Tĩnh bắt đầu làm bài thi môn Văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025. VnDoc sẽ gửi tới các bạn Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Hà Tĩnh năm 2024 sau khi hết thời gian làm bài, kèm gợi ý đáp án giúp các bạn so sánh và đối chiếu với bài làm của mình.

1. Đáp án đề thi vào 10 môn Văn Hà Tĩnh 2024

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1.

Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm.

Câu 2.

Con gặp trong lời mẹ hát những hình ảnh gợi về kỉ niệm tuổi thơ là: cánh cò trắng, dải đồng xanh, màu vàng hoa mướp, con gà.

Câu 3.

Biện pháp nhân hóa: thời gian chạy

Hiệu quả:

+ Giúp câu thơ thêm sinh động, hấp dẫn.

+ Nhấn mạnh thời gian trôi quá nhanh kéo theo sự già đi của mẹ. Gợi cảm xúc nôn nao, buồn đến xót xa khi trông thấy mẹ ngày càng già đi, thêm tuổi. Qua đó thể hiện tình yêu thương sâu sắc và biết ơn công lao mẹ dành cho con.

Câu 4.

Học sinh tự nêu cảm nhận của mình, sau đây là gợi ý.

- Nhấn mạnh sự vất vả, hy sinh của người mẹ

- Thể hiện lòng biết ơn trân trọng những hi sinh của mẹ.

- Thể hiện tình thương, tình yêu dành cho mẹ.

II. LÀM VĂN

Câu 1.

1. Mở đoạn

- Xác định vấn đề: nghị luận về lòng biết ơn

2. Thân đoạn

a. Giải thích

- Biết ơn chính là việc mỗi chúng ta cảm kích, trân trọng và có hành động báo đáp trước những hành động, việc làm tốt đẹp hoặc sự giúp đỡ của người khác dành cho mình.

- Lòng biết ơn là sự ghi nhớ và trân trọng những gì có giá trị mà mình nhận được từ người khác hay với những thành quả lao động do cha ông để lại

b. Biểu hiện

- Lòng biết ơn được biểu hiện ở cả trong suy nghĩ lẫn những hành động từ cụ thể đến lớn lao

- Đó là suy nghĩ, thái độ trân trọng, kính mến

- Là hành động trả ơn, báo đáp công ơn của bản thân với những người có ơn với mình.

c. Ý nghĩa

- Lòng biết ơn là nghĩa cử, truyền thống tốt đẹp của ông cha ta từ bao đời nay

- Là một tình cảm cao đẹp và thiêng liêng của mỗi con người

d. Thực trạng/Dẫn chứng

- Ngày 20/11 là ngày để tất cả thế hệ học sinh cả nước tri ân đối với công lao dạy dỗ của thầy cô giáo

- Ngày 27/7 là ngày ghi nhớ công lao của thương binh liệt sĩ – những người đã hy sinh máu xương, cuộc đời của mình để bảo vệ Tổ quốc…

- Ngày 02/09 là ngày cả nước treo cờ kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

e. Phản đề

- Một số bộ phận người sống không có lòng biết ơn, quên đi nguồn cội, gốc gác của mình

- Coi những gì người khác làm cho mình là điều hiển nhiên

3. Kết đoạn

- Lòng biết ơn là phẩm chất đạo đức cao quý của con người.

- Liên hệ bản thân: cần có trách nhiệm giữ gìn, vun đắp, phát huy bằng những việc làm cụ thể

Câu 2

I – Mở bài

*Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm “Sang thu” và 2 khổ thơ đầu

Tác giả:

– Là nhà thơ chiến sĩ, trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Ông từng cầm súng chiến đấu trong chiến trường miền Nam.

– Sáng tác của ông cuốn hút người đọc nhờ cảm xúc tinh tế, ngòi bút giàu chất lãng mạn và lối viết giản dị, giàu sức gợi.

Tác phẩm:

– Đề tài: Mùa thu – một đề tài quen thuộc của thơ ca phương Đông nói chung và thơ ca Việt Nam nói riêng.

– Hoàn cảnh sáng tác:Vào năm 1977, được in lại nhiều lần trong các tập thơ mà gần đây nhất là tập “Từ chiến hào đến thành phố” – 1991.

II – Thân bài

*Phân tích

1. Những tín hiệu báo mùa thu sang:

– Bài thơ được mở ra bằng những tín hiệu rất riêng, báo mùa thu về:

+ “Hương ổi”: đi liền với từ “bỗng” gợi cảm giác đột ngột, ngỡ ngàng; “phả” – làn hương ngọt ngào, sánh đậm, mùi ổi chín như được cô lại, phả vào gió thu. “Hương ổi” gợi không gian thơ thân thuộc, yêu dấu của làng quê đất Việt với những khu vườn, lối ngõ đầy hoa trái, làm nên hương sắc mỗi mùa; gợi hương vị riêng của mùa thu trong thơ Hữu Thỉnh.

+ “Gió se” là ngọn gió heo may mùa thu dịu nhẹ, thoáng chút se lạnh lúc thu về, giúp ta cảm nhận rõ hơn cái ngọt lành của hương ổi.

+ “Sương chùng chình” – nghệ thuật nhân hóa, gợi dáng vẻ, tâm trạng của làn sương thu. Làn sương lãng đãng như cố ý chậm lại, lưu luyến mùa hè, chưa muốn bước hẳn sang thu.

=> Hệ thống hình ảnh độc đáo đã diễn tả một cách tài tình cái không khí se lạnh đầu thu và cả cái nhịp điệu chầm chậm của mùa thu về với đất trời.

– Đối diện với những tín hiệu báo thu là cái ngỡ ngàng của lòng người:

+ “Hình như” là lối nói giả định, không chắc chắn, phù hợp với những biểu hiện mơ hồ lúc giao mùa – những biểu hiện ấy không chỉ được cảm nhận bằng các giác quan mà còn phải cảm nhận bằng cả một tâm hồn tinh tế.

+ Âm điệu: là tiếng reo vui, ngỡ ngàng lúc thu sang.

=> Khổ thơ là những cảm nhận mới mẻ, tinh tế của tác giả lúc mùa sang. Ẩn sau những đổi thay của thiên nhiên đất trời lúc sang thu là niềm vui, niềm hạnh phúc của thi nhân.

2. Quang cảnh thiên nhiên ngả dần sang thu:

– Được tái hiện vừa chân thực lại vừa sống động::

+ “Sông” “dềnh dàng”: tả thực con sông của mùa thu vô cùng trong trẻo, tĩnh lặng, êm đềm. Nghệ thuật nhân hóa khiến con sông như đang được nghỉ ngơi sau một mùa hạ vất vả với bão giông.

+ “Chim” “vội vã”: vừa tả thực những cánh chim bay vội về phương Nam tránh rét, vừa gợi những vội vã, tất bật với lo toan thường nhật của đời người.

+ Phép đối “dềnh dàng” › ‹ “vội vã” làm nổi bật hai động thái trái ngược của thiên nhiên mà cũng là sự vận động của thiên nhiên giao mùa.

– Được khắc họa rất ấn tượng:

+ “Đám mây mùa hạ” được hữu hình hóa, vừa thực vừa hư, tái hiện được nhịp điệu của thời gian, là một chiếc cầu nối liền những ngày cuối hạ và đầu thu để sự chuyển giao giữa hai mùa không đứt đoạn.

=> Khoảnh khắc giao mùa hiện lên tinh tế, sống động qua những câu thơ rất giàu chất tạo hình. Ẩn sau những hình ảnh thiên nhiên lúc thu sang ấy còn là hình ảnh của đời sống lúc sang thu.

Nhận xét:Qua hai khổ thơ ta có thể thấy Hữu Thỉnh là một nhà thơ có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm và có tình yêu thiên nhiên tha thiết.

III – Kết bài

*Tổng kết

– Nội dung:

+ Cảm nhận và tái hiện tinh thế khoảnh khắc chuyển mùa từ hạ sang thu với sự giao thoa của nhiều lớp nghĩa: trời đất sang thu, đời sống sang thu, đời người sang thu.

+ Tái hiện những nét đẹp đặc trưng của mùa thu đất Bắc lúc vừa sang.

– Nghệ thuật: Ngôn ngữ, hình ảnh vừa giản dị, tự nhiên mà giàu sức gợi, vừa độc đáo, mới lạ. Giọng thơ nhỏ nhẹ, sâu lắng.

2. Đề thi vào 10 môn Văn Hà Tĩnh 2024

Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Hà Tĩnh 2024

3. Lịch thi vào lớp 10 Hà Tĩnh 2024

- Buổi sáng ngày 06/6/2024: Thi môn Ngữ văn và môn Tiếng Anh.

- Buổi chiều ngày 06/6/2024: Thi môn Toán.

4. Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Hà Tĩnh 2023

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

Theo đoạn trích “Có ai khen con đẹp” con nên cảm ơn và quên đi lời khen ấy. “Ai bảo con ngoan” con nhớ cảm ơn và gắng ngoan hiền hơn nữa.

Câu 2:

Những từ ngữ chỉ hành động mà cha mong muốn con làm khi người khác gặp khó khăn trong dòng thơ “Với người đang oằn lưng vì nỗi thống khổ. Con hãy đến bên và kề vai gánh giúp” là: đến (bên), kề (vai), gánh (giúp).

Câu 3:

- Điệp ngữ: Lần thứ....

- Tác dụng của biện pháp tu từ điệp ngữ:

+ Tạo nhịp điệu cho câu văn.

+ Sử dụng biện pháp điệp ngữ tác giả nhằm nhấn mạnh, hướng dẫn cách con cần phải ứng xử như thế nào qua các lần “người ta chìa tay xin con một đồng”.

+ Qua đó nhằm khuyên bảo, chỉ dạy cho con cách sống đúng đắn.

Câu 4:

Học sinh tự trình bày theo ý hiểu của bản thân, có lí giải phù hợp.

Gợi ý:

Nội dung hai dòng thơ: Người cha muốn nhắc nhở con phải biết quan tâm, chia sẻ với những người đang mang nỗi đau mà con gặp được trong cuộc đời. Đó cũng là cách giúp người con sống yêu thương, chan hòa, giàu lòng trắc ẩn.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

* Giải thích:

- Sự sẻ chia trong cuộc sống là sự lắng nghe, thấu hiểu cảm thông, cùng san sẻ nỗi buồn, niềm vui, cùng nhau vượt qua khỏ khăn gian khổ trong cuộc sống.

- Sự sẻ chia rất cần thiết và quan trọng trong cuộc sống.

* Ý nghĩa của sự sẻ chia trong cuộc sống:

- Sự sẻ chia giúp thu ngắn khoảng cách giữa người với người, giúp người gần người hơn, tạo nên tình yêu thương bền chặt trong các mối quan hệ.

- Sự sẻ chia giúp con người dễ dàng vượt qua những trở ngại về mặt tâm lý, những khó khăn trên bước đường tương lai phía trước, tiếp thêm sức mạnh để con người đối diện và giải quyết vấn đề.

- Sự sẻ chia giúp con người học cách quan tâm đến nngười khác, sống bao dung và tích cực hơn trong cuộc đời.

- Sự sẻ chia giúp con người nhận ra những giá trị tốt đẹp trong cuộc đời, biết trân trọng cuộc sống, trân trọng những người thân yêu xung quanh mình.

- Sự sẻ chia đôi khi khiến con người nhận ra những giá trị khuất lấp mà xưa nay chưa từng thấy ở con người.

* Bàn luận:

- Phê phán, lên án những người chỉ biết sống cho bản thân, ích kỉ, không biết chia sẻ.

- Học cách quan tâm, chia sẻ với người khác nhưng cũng cần sáng suốt chỉ ra những mặt bất cập để cùng nhau tốt lên. Cần phân biệt rõ ràng giữa sự chia sẻ và hùa theo một cách mù quáng.

Câu 2:

Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.

1. Giới thiệu chung

- Tác giả: Nguyễn Quang Sáng sinh năm 1932, quê ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia bộ đội, hoạt động ở chiến trường Nam Bộ. Từ sau 1954, tập kết ra miền Bắc, Nguyễn Quang Sáng bắt đầu viết văn. Những năm chống Mỹ, ông trở về Nam Bộ tham gia kháng chiến và tiếp tục sáng tác văn học. Tác phẩm của ông thuộc nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim và hầu như chỉ viết về cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như trong thời bình. - Tác phẩm: Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” được viết năm 1966, khi tác giả hoạt động ở chiến trường Nam Bộ và được đưa vào tập truyện cùng tên.

- Tác phẩm là bài ca về tình phụ tử thiêng liêng, đặc biệt là ở đoạn trích từ: “Tôi vẫn còn nhớ buổi chiều hôm đó... Anh mới nhắm mắt xuôi tay”. Đoạn trích thể hiện vẻ đẹp của tình phụ tử thiêng liêng, sâu sắc của ông Sáu đối với bé Thu trong những ngày ở chiến khu.

2. Phân tích

Giới thiệu khái quát cảnh ngộ gia đình ông Sáu và tình yêu thương ông Sáu dành cho con:

- Đất nước có chiến tranh, công Sáu phải đi công tác khi con gái chưa đầy một tuổi, khi con lớn lên, không một lần được gặp con, được yêu thương chăm sóc cho con.

- Sau tám năm vào sinh ra tử, khi được về thăm nhà, nỗi khao khát được gặp con, được ôm vào lòng khiến 3 không kìm nén được cảm xúc. Tuy nhiên, vì vết thẹo trên mặt, vết thương do chiến tranh gây ra nên đứa con gái hồn nhiên, ngây thơ của ông nhất định không chịu nhận cha. Đến lúc con gái nhận ra thì là lúc ông phải trở lại chiến trường. Niềm hạnh phúc mà ông hằng mong chờ đã tới nhưng quá ngắn ngủi vì đến giờ biệt li. Ông chỉ kịp rút khăn lau nước mắt rồi hôn lên tóc con, } lẽ ra đi không hẹn ngày về mang theo một ước nguyện của con là cây lược nhỏ.

b. Cảm nhận về vẻ đẹp nội dung của đoạn trích – vẻ đẹp của tình phụ tử thiêng liêng

- Luôn ghi nhớ như in lời con dặn vội vàng lúc chia tay chia tay “Ba về, ba mua cho con một cây lược nghe bat". Điều đó thúc giục ông đến việc làm cây lược ấy. Lúc rảnh rỗi anh ngồi cưa từng chiếc răng lược cho đến khi hoàn thành, những đêm nhớ con anh lấy cây lược ra ngắm nghía”.

- Chiếc lược trở thành một vật quý giá, nó làm vơi đi nỗi ân hận và chứa đựng bao nhiêu tình cảm nhớ nhung, yêu mến của người cha đối với đứa con trong xa cách. Chiếc lược ngà trở thành một kỉ vật thiêng liêng, nuôi dưỡng tinh thần chiến đấu cho người chiến sĩ trong những ngày tháng gian khổ.

- Bị thương nặng, chỉ đến khi gửi lại chiếc lược ngà lại cho bạn với lời nhắn nhủ sẽ trao tận tay bé Thu, ông mới yên lòng nhắm mắt.

- Ông Sáu hi sinh khi chưa kịp gửi món quà cho con gái. Đây là tình huống rất cảm động. Những mất mát do chiến tranh gây ra là không bù đắp nổi. Tuy không một lời trăng trối nhưng hành động cuối cùng của ông Sáu càng cho ta thấy tình cảm của ông dành cho con thật sâu nặng. Người đồng chí của ông – người kể chuyện đã thay ông làm việc đó. Chiếc ngà đã trở thành biểu tượng của tình cha con đời đời bất diệt.

c. Nghệ thuật

- Đoạn văn là lời kể của một người đồng chí của ông – bác Ba, người đã chứng kiến toàn bộ quá trình ông làm cây lược tặng con gái và thấu hiểu những suy nghĩ, cảm xúc của ông. Đoạn văn vì thế nên vừa khách quan vừa chân thành, giàu tình cảm.

- Ngôn ngữ văn xuôi giàu tình cảm, khả năng miêu tả tâm lí tinh tế, chính xác, bắt nguồn từ một tâm hồn nhạy cảm và tấm lòng yêu thương, trân trọng con người.

3. Đánh giá chung: Cảm nhận khái quát về đoạn văn, liên hệ bản thân.

5. Đề thi vào 10 môn Văn Hà Tĩnh 2023

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Có ai khen con đẹp. Con hãy cảm ơn và quên đi lời khen ấy.

Ai bảo con ngoan. Nhớ cảm ơn và gắng ngoan hiền hơn nữa.

Với người oà khóc vì nỗi đau mà họ đang mang.

Con hãy để bờ vai của mình thấm những giọt nước mắt ấy.

Với người đang oằn lưng vì nỗi khổ. Con hãy đến bên và kề vai gánh giúp.

Lần thứ hai hãy biểu họ một đồng. Lần thứ ba con phải biết lắc đầu. Và đến lần thứ tư con hãy im lặng, bước đi.

(Trích Gửi con, Bùi Nguyễn Trường Kiên, Ru cho một thuở, NXB Văn hoá - Văn nghệ, 2015)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Theo đoạn trích, “Có ai khen con đẹp”, “Ai bảo con ngoan" con nên làm gì?

Câu 2. Trong dòng thơ “Với người dạng oằn lưng vì nỗi khổ. Con hãy đến bên và kề vai gánh giúp "có những từ ngữ nào chỉ hành động mà cha mong muốn con làm khi người khác gặp khó khăn?

Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ điệp ngữ được sử dụng trong các dòng thơ sau:

Người chìa tay và xin con một đồng. Lần thứ nhất con hãy tặng người ấy hai đồng

Lần thứ hai hãy biếu họ một đồng. Lần thứ ba con phải biết lắc đầu. Và đến lần thứ tư con hãy im lặng, bước đi.

Câu 4. Em hiểu nội dung của các dòng thơ sau như thế nào?

Với người oà khóc vì nỗi đau mà họ đang mang.

Con hãy để bờ vai của mình thấm những giọt nước mắt ấy.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa sự sẻ chia của con người trong cuộc sống.

Câu 2. (5,0 điểm)

Cảm nhận của em về tình cảm của nhân vật anh Sáu dành cho con trong đoạn trích sau:

Tôi hãy còn nhớ buổi chiều hôm đó - buổi chiều sau một ngày mưa rừng, giọt mưa còn đọng trên lá, rừng sáng lấp lánh. Đang ngồi làm việc dưới tấm ni lông nóc, tôi bỗng nghe tiếng kêu. Từ con đường mòn chạy lẫn trong rừng sâu, anh hớt hải chạy về, tay cầm khúc ngà đưa lên khoe với tôi. Mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được quà.

Sau đó anh lấy vỏ đạn hai mươi li của Mĩ, đập mỏng làm thành một cây cưa nhỏ, cưa khúc ngà thành từng miếng nhỏ. Những lúc rỗi, anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc. Chẳng hiểu sao tôi thích ngồi nhìn anh làm và cảm thấy vui vui khi thấy bụi ngà rơi mỗi lúc một nhiều. Một ngày, anh cưa được một vài răng. Không bao lâu sau, cây lược được hoàn thành. Cây lược dài độ hơn một tấc, bề ngang độ ba phân rưỡi, cây lược cho con gái, cây lược dùng để chải mái tóc dài, cây lược chỉ có một hàng răng thưa. Trên sống lưng lược có khắc một hàng chữ nhỏ mà anh đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba". Cây lược ngà ấy chưa chải được mái tóc của con, nhưng nó như gỡ rối được phần nào tâm trạng của anh. Những đêm nhớ con, anh ít nhớ đến nỗi hối hận đánh con, nhớ con, anh lấy cây lược ra ngắm nghĩa rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt. Có cây lược, anh càng mong gặp lại con. Nhưng rồi một chuyện không may xảy ra. Một ngày cuối năm năm mươi tám - năm đó ta chưa võ trang - trong một trận càn lớn của quân Mĩ - ngụy, anh Sáu bị hi sinh. Anh bị viên đạn của máy bay Mĩ bắn vào ngực. Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được, anh đưa tay vào tủi, móc cây lược, đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu. Tôi không đủ lời lẽ để tả lại cái nhìn ấy, chỉ biết rằng, cho đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi cứ nhớ lại đôi mắt của anh.

- Tôi sẽ mang về trao tận tay cho cháu.

Tôi cúi xuống gần anh và khẽ nói. Đến lúc ấy, anh mới nhắm mắt đi xuôi.

(Trích Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng, Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr.199 - 200)

-HẾT-

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn văn Hà Tĩnh 2023

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Đề thi vào 10 môn Văn

    Xem thêm