Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Đồng Nai năm 2024
Đề thi vào 10 môn Văn năm 2024 tỉnh Đồng Nai
Sáng 7/6, thí sinh tỉnh Đồng Nai bắt đầu làm bài thi môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024. VnDoc sẽ gửi tới các bạn Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn tỉnh Đồng Nai năm 2024 kèm đáp án tham khảo ngay sau khi hết thời gian làm bài.
Tham khảo thêm: Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Toán tỉnh Đồng Nai năm 2024
1. Đáp án đề thi vào 10 môn Văn Đồng Nai 2024
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Nghị luận
Câu 2. như không khí trong lành, như một bầu trời xanh, như một áng mây đẹp, như một cành hoa dại, như một ánh sao khuya...
Câu 3. Biện pháp tu từ: liệt kê
Tác dụng: Tạo nên ấn tượng mạnh, hiệu quả cao trong miêu tả những thứ mà con người có thể sẽ phải bỏ tiền ra mua mới nhận thấy nó quý giá khi mà những thứ này luôn sẵn có mà mẹ thiên nhiên ban tặng hoàn toàn miễn phí.
Câu 4. Học sinh bày tỏ quan điểm cá nhân của bản thân.
Đồng tình, lý giải:
+ Trái Đất cũng giống như thi ca là những vẻ đẹp thuần khiết nhất của đời sống này
+ Trái Đất không chỉ mang lại sự sống mà còn mang những vẻ đẹp tuyệt mỹ có khả năng chữa lành tâm hồn cho mỗi con người.
II. LÀM VĂN
Câu 1.
*Giới thiệu vấn đề: Mỗi người phải làm gì để trở thành công dân xứng đáng có được một Tấm căn cước của trái đất này?
*Bàn luận vấn đề
a. Giải thích
- Tấm căn cước: Là giấy tờ chứng minh sự tồn tại của một cá thể trong một xã hội.
- Vấn đề đặt ra là con người chúng ta cần làm gì để xứng đáng trở thành một công dân có ích đối với với trái đất này.
b. Phân tích
- Nhận biết và trân trọng những giá trị mà tự nhiên mang lại.
- Biết cách sử dụng những giá trị mà tự nhiên mang đến một cách hợp lý.
- Học cách tái tạo hoặc tạo môi trường, điều kiện cho sự tái tạo những giá trị từ tự nhiên.
- Không vì lợi ích trước mắt mà có những hành động làm tổn hại đến tự nhiên.
c. Dẫn chứng
Học sinh tự lấy dẫn chứng phù hợp.
d. Phản đề:
- Một số bộ phận con người vẫn đang sống ích kỉ với tự nhiên. Có những hành động gây hậu quả nặng nề đến tự nhiên.
*Tổng kết vấn đề.
II. LÀM VĂN
Câu 2. HỌC SINH LỰA CHỌN 1 TRONG 2 KHỔ
1. Mở bài:
- Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm Đoàn thuyền đánh cá hoặc Mùa xuân nho nhỏ.
- Giới thiệu đề tài và dẫn dắt nội dung khổ thơ cần phân tích.
2. Thân bài
ĐỀ 1. Đoàn thuyền đánh cá
Khổ 1
- Tác giả liệt kê sự giàu có của biển cả bằng cách kể tên các loài cá và tập trung miêu tả màu sắc chủ chúng trong đêm trăng. Đó đều là những loài cá quý ở vùng biển nước ta, mang lại những giá trị kinh tế lớn.
- Biển không chỉ giàu mà còn rất đẹp: Đêm buông xuống, trăng bắt đầu lên, không gian bao la sóng nước, ánh trăng huyền ảo, thơ mộng và thanh thoát lan tỏa trên mặt biển. Hình ảnh ẩn dụ độc đáo: “Cá song lấp lánh đuốc đen hồng” gợi liên tưởng đến nhucon cá đang lao đi trong luồng nước dưới ánh trăng lấp lánh. Nhưng đẹp đẽ nhất là “cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe”: Ánh trăng in xuống mặt nước, những con cá quẫy đuôi như quấy ánh trăng tan ra, hòa trộn vào làn nước.
- Tác giả sử dụng một loạt những từ ngữ chỉ màu sắc: lấp lánh, đen hồng, vàng chóe. Tất cả tạo nên một bức tranh sơn mài nên thơ và đầy chất lãng mạn. Phải thật tinh tế mới có được những phát hiện tuyệt vời ấy.
- “Đêm thở sao lùa nước Hạ Long” là hình ảnh nhân hóa đẹp. Đêm được miêu tả như một sinh vật đại Dương, nó thở. Tiếng thở của biển đêm chính là ánh sao lùa sóng nước, hòa với tiếng gõ thuyền trong nhịp điệu hối thúc của đêm dần tàn. Đây là một hình ảnh đảo ngược, sóng biển đu đưa lùa ánh sao trời đáy nước chứ không phải bóng sao lùa sóng nước. Đây là một hình ảnh lạ, một sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ Huy Cận khiến cho cảnh thiên nhiên thêm sinh động. Tất cả hòa vào nhau, làm nên một bức tranh hòa nhịp kì diệu giữa thiên nhiên và con người lao động.
Khổ 2.
- Tiếng hát căng tràn mặt biển, gọi cá vào. Đó là khúc ca lao động khỏe khoắn, mạnh mẽ, gợi lên sự thân thiết, niềm vui, tình yêu lao động và sức mạnh, khát khao chinh phục biển cả.
- Không phải con người gõ thuyền gọi cá mà là trăng cao gõ. Trong đêm trăng sáng, vầng trăng in xuống mặt nước, sóng xô bóng trăng dưới nước, gõ vào mạn thuyền tạo nên nhịp điệu cho bài ca lao động. Có thể nói đây là hình ảnh lãng mạn, đầy chất thơ, làm đẹp thêm cho công việc đánh cá. Thiên nhiên đã cùng con người hòa đồng trong lao động. Và như vậy, bức tranh không chỉ có màu sắc hình ảnh mà có cả âm thanh rộn rã.
- Hai câu sau: Gợi lên sự giao hòa, thân thiết, ưu ái con người với biển quê hương rất ân tình, thể hiện sự biết ơn, trân trọng của con người với biển cả hùng vĩ. Biển được ví như người mẹ với người dân chài, thể hiện tình yêu, lòng biết ơn, trận trọng và gắn bó như ruột thịt.
ĐỀ 2. Mùa xuân nho nhỏ
*Cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân thiên nhiên:
- Bài thơ được mở ra bằng khung cảnh thiên nhiên tươi sáng và tràn đầy sức sống:
“Mọc giữa dòng sông xanh
…
Hót chi mà vang trời”
+ Cấu trúc đảo ngữ ở câu thơ 1,2 gợi sức sống mạnh mẽ đến bất ngờ, khiến bông hoa như có cội rễ, tràn đầy sức xuân, sắc xuân.
+ Các hình ảnh “dòng sông” “bông hoa” “bầu trời” “chim chiền chiện” thật bình dị và gợi cảm, đã tái hiện một không gian cao rộng của mùa xuân với những hình ảnh đặc trưng của xứ Huế.
+ Màu sắc: “sông xanh” “hoa tím biếc” rất hài hòa, tươi sáng. Dòng sông xanh đã trở thành cái nền cho sắc tím của hoa, làm nổi bật vẻ đẹp sống động của mùa xuân.
+ Âm thanh: tiếng chim chiền chiện: là tín hiệu của một buổi sớm mùa xuân trong trẻo, mát lành; gợi không gian cao rộng của bầu trời tươi sáng, ấm áp; gợi liên tưởng đến những không đầy ắp màu xanh của một khu vườn quê với những vòm cây xanh mát hay một cánh đồng rộng lớn, bình yên.
=> Chỉ bằng vài nét phác, tác giả đã vẽ ra được khung cảnh mùa xuân tuyệt đẹp, đủ đầy hình ảnh, âm thanh, màu sắc, ứ đầy sức sống và đậm đà nét Huế.
- Đối diện với vẻ đẹp ấy là cảm xúc say sưa, tươi vui của nhà thơ đang hòa mình vào đất trời:
“Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”
+ Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: có thể là giọt mưa xuân long lanh, có thể là âm thanh tiếng chim đang rót giữa đất trời. Ta không chỉ nghe thấy mà con nhìn thấy cả giọt âm thanh trong vắt.
+ Đại từ “tôi” + hành động “tôi hứng” thế hiện sự chiếm lĩnh, giao hòa của tác giả với mùa xuân. Câu thơ biểu hiện niềm say sưa, ngây ngất của tác giả trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời.
3. Kết bài: Tổng kết chung về đề tài cũng như nội dung và nghệ thuật.
2. Đề thi vào 10 môn Văn Đồng Nai 2024
Lịch thi vào lớp 10 Đồng Nai năm 2024:
Ngày | Buổi | Môn thi | Thời gian làm bài | Giờ phát đề cho thí sinh | Giờ bắt đầu làm bài |
06/6/2024 | SÁNG | Toán | 120 phút | 07 giờ 55 | 08 giờ 00 |
CHIỀU | Tiếng Anh | 60 phút | 13 giờ 55 | 14 giờ 00 | |
07/6/2024 | SÁNG | Ngữ văn | 120 phút | 07 giờ 55 | 08 giờ 00 |
CHIỀU | Chuyên | 150 phút | 13 giờ 55 | 14 giờ 00 |
3. Đáp án đề vào lớp 10 môn Văn tỉnh Đồng Nai năm 2023
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
Cách giải:
- Từ “Cổ tích” trong hai câu thơ “Cổ tích của cha...là khi cầm lấy bàn tay be bé / Nghe tiếng trống...” được sử dụng theo nghĩa chuyển.
- Từ “cổ tích” ở đây được hiểu là những điều kì diệu, hạnh phúc.
Câu 2:
Cách giải:
Hai biểu hiện cho thấy “con là con thôi” theo mong muốn của cha”:
- Biết chập chững gọi cha, biết bị bô gọi mẹ.
- Biết khóc khi khổ đau biết cười giòn tan khi mạnh mẽ.
Câu 3:
Cách giải:
- Hình ảnh “giông bão” trong câu thơ “Ngủ đi chiều nay giông bão về cha đã khóa chặt then cửa” được sử dụng với ý nghĩa tu từ. Phép tu từ ẩn dụ.
- Giông bão ở đây ý chỉ những khó khăn, những thử thách những điều không hay xảy ra trong cuộc đời.
Câu 4:
Cách giải:
Học sinh tự trình bày theo quan điểm của bản thân mình. Có lý giải phù hợp.
Gợi ý.
- Em muốn trở thành một người bình thường, một người được sống cuộc đời của chính mình vui vẻ, bình an.
- Lý giải: Sau tất cả, được là chính mình, làm chủ cuộc sống của mình khiến cho bản thân mình hạnh phúc có lẽ là điều không chỉ bản thân em mà những người yêu thương em đều mong muốn.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
Cách giải
Yêu cầu về mặt hình thức: Đoạn văn khoảng 150 chữ.
Yêu cầu về mặt nội dung:
- Nêu vấn đề nghị luận: Vai trò của gia đình trước những giông bão có thể đến với con trong cuộc sống.
- Bàn luận vấn đề:
+ Giông bão là những khó khăn, vất vả mà ta có thể gặp trong cuộc sống.
=> Trước những khó khăn trong cuộc sống gia đình có vai trò vô cùng quan trọng giúp mỗi cá nhân vượt qua thử thách đó.
- Vai trò của gia đình.
+ Khi còn nhỏ, gia đình là nơi bảo vệ con trước mọi giông bão.
+ Khi đã trưởng thành, gia đình lại là điểm tựa cho con trước giông bão. Là nơi con quay về sau những bão tố của cuộc đời. Là nơi xoa dịu, ôm ấp con.
+ Gia đình là nơi tiếp thêm động lực để con vượt qua giông bão. Gia đình khiến con có thể đứng dậy sau vấp ngã, mạnh mẽ và kiên cường hơn.
...
HS lấy dẫn chứng minh họa phù hợp.
- Bàn luận mở rộng:
+ Trân trọng và biết ơn gia đình mình.
+ Không nên quá ỷ lại, dựa dẫm vào sự bao bọc của cha mẹ mà không có gắng phát triển, trau dồi bản thân.
...
- Liên hệ bản thân và tổng kết vấn đề.
Câu 2:
HS lựa chọn 1 đề và làm theo yêu cầu đề
Gợi ý đề 2:
Câu 2:
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.
1. Mở bài:
- Giới thiệu chung về tác giả Y Phương, tác phẩm Nói với con.
- Giới thiệu vị trí và nội dung đoạn trích.
2. Thân bài
- Những phẩm chất cao quý của người đồng mình:
“Người đồng mình...
... chí lớn
+ Dòng thơ đầu được lặp lại: “người đồng mình” là cách gọi thể hiện sự gần gũi, thân thương như trong một gia đình. “Thương lắm” – bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc với cuộc sống nhiều vất vả, gian khó của họ.
+ Từ ngữ giàu sức gợi: “cao” “xa” vừa gợi h/a miền núi cao vừa gợi điều kiện sống khó khăn, vất vả.
“Nỗi buồn” “chí lớn” thể hiện bản lĩnh vững vàng, ý chí kiên cường của người đồng mình.
Lời thơ lẩn quất một nỗi buồn xen lẫn niềm tự hào về phẩm chất tốt đẹp của người
-Tác giả khái quát lên vẻ đẹp truyền thống của người miền cao:
“Người đồng mình..
... làm phong tục”
+ Hình ảnh “người đồng mình”: vóc dáng, hình hài nhỏ bé, “thô sơ da thịt”, họ chỉ có đôi bàn tay lao động cần cù nhưng chẳng mấy ai nhỏ bé, yếu hèn. Họ dám đương đầu với gian lao, vất vả, họ lớn lao về ý chí, cao cả về tinh hồn.
+ Công lao vĩ đại của người đồng mình: “đục đá kê cao quê hương” – xây dựng quê hương, tạo nên ruộng đồng, dựng lên nhà cửa, bản làng, làm nên giá trị vật chất, tinh thần cho quê hương. “Làm phong tục” – tạo nên bao nền nếp, phong tục đẹp, làm nên bản sắc riêng của cộng đồng.
-> Lời thơ tràn đầy niềm tự hào về vẻ đẹp của người đồng mình. Nhắn ngủ con phải biết kế thừa, phát huy những truyền thống đó.
- Từ đó, người cha khuyên con biết sống theo những truyền thống của người đồng mình.
“Dẫu làm sao ...
... không lo cực nhọc”
+ Điệp từ “sống” khởi đầu 3 dòng thơ liên tiếp, tô đậm mong ước thiết tha, mãnh liệt của cha dành cho con.
+ Ẩn dụ “đá” “thung” chỉ không gian sống của người niềm cao, gợi lên những nhọc nhằn, gian khó, đói nghèo. Người cha mong con “không chê” tức là biết yêu thương, trân trọng quê hương mình.
+So sánh “như sông” “như suối”: lối sống hồn nhiên, trong sáng, mạnh mẽ, phóng khoáng, vượt lên mọi gập ghềnh của cuộc đời.
+ Đối “lên thác xuống ghềnh": cuộc sống không dễ dàng, bằng phẳng, cần dũng cảm đối mặt, không ngại ngần.
-> Cha khuyên con tiếp nối tình cảm ân nghĩa, thủy chung với mảnh đất nơi mình sinh ra của người đồng mình và cả lòng can đảm, ý chí kiên cường của họ.
- Để rồi, bài thơ khép lại bằng lời dặn dò vừa ân cần, vừa nghiêm khắc
"Con oi...
... nghe con”
+ Hình ảnh “thô sơ da thịt” được nhắc lại để nhấn mạnh những khó khăn, thử thách mà con có thể gặp trên đường đời, bởi con còn non nớt, con chưa đủ hành trang mà đời thì gập ghềnh, gian khó.
+ Dẫu vậy, “không bao giờ nhỏ bé được” mà phải biết đương đầu với khó khăn, vượt qua thách thức, không được sống yếu hèn, hẹp hòi, ích kỉ. Phải sống sao cho xứng đáng với cha mẹ, với người đồng mình. Lời nhắn nhủ chứa đựng sự yêu thương, niềm tin tưởng mà người cha dành cho con.
3. Kết bài
- Nội dung:
+ Thể hiện tình cảm sâu nặng mà người cha dành cho con. Cha chăm nom con từng bước đi, nâng niu con từng tiếng cười, giọng nói và dạy dỗ con biết vững bước trên đường đời, biết sống sao cho xứng đáng với gia đình, quê hương.
+ Bộc lộ tình yêu quê hương xứ sở và niềm tự hào về người dồng mình của tác giả.
- Nghệ thuật: Từ ngữ, hình ảnh giản dị, giàu sức gợi, in đậm lối tư duy trong sáng, hồn nhiên, sinh động của người miền núi. Giọng điệu khi ân cần, tha thiết; khi mạnh mẽ, nghiêm khắc.
4. Đề vào lớp 10 môn Văn tỉnh Đồng Nai 2023
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Cha kể con nghe về những ngày xưa
Cổ tích rừng sâu hoàng tử cưỡi ngựa đi tìm công chúa
Cổ tích của cha... là khi cầm lấy bàn tay be bé
Nghe tiếng trống vỗ con con thúc lồng ngực mỉm cười
Chẳng cần con là vĩ nhân đâu... cha chỉ cần con là con thôi
Biết chập chững gọi cha, biết bi bô đòi mẹ
Biết khóc khi khổ đau biết cười giòn tan khi mạnh mẽ
Biết xúc cơm ăn biết lấy nước uống khi khát miệng thôi mà
[...]
Báu vật ơi! Thương con mong manh
Ngủ đi chiều nay giông bão về cha đã khoá chặt then cửa
Canh cho giấc mộng vẹn tròn... ừ! Cha sợ
Làm sao dai dẳng cùng con đến hết kiếp người
Chỉ cần con là người bình thường thôi
Xin đánh đổi tất cả những gì cha có
(Trích Chỉ cần con là người bình thường thôi, con bê đê Nồng Nàn Phố, http://thivien.net)
Câu 1 (0.75 điểm). Từ “Cổ tích” trong hai câu thơ Cổ tích của cha... là khi cầm lấy bàn tay be bé/ Nghe tiếng trống vỗ con con thúc lồng ngực mỉm cười được sử dụng theo nghĩa gốc hay nghĩa chuyển? Giải thích nghĩa của từ này.
Câu 2 (0.5 điểm). Hãy nêu ít nhất hai biểu hiện cho thấy “con là con thôi” theo mong muốn của cha.
Câu 3 (0.75 điểm). Hình ảnh “giông bão” trong câu thơ Ngủ đi chiều nay giông bão về cha đã khóa chặt then cửa được sử dụng với ý nghĩa tu từ. Theo em, đó là phép tu từ nào? Hình ảnh ấy chỉ điều gì?
Câu 4 (1.0 điểm). Trong đoạn thơ, người cha Chi cần con là người bình thường thôi, riêng em, em muốn mình trở thành người như thế nào? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ ý thơ Báu vật ơi! Thương con mong mạnh/ Ngủ đi chiều nay giông bão về cha đã khoá chặt then cửa ở phần Đọc hiểu, hãy viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày vai trò của gia đình trước những giông bão có thể đến với con trong cuộc sống.
Câu 2 (5.0 điểm). Học sinh được lựa chọn một trong hai câu a hoặc b để làm bài.
a. Cảm nhận tình yêu thương của ông Sáu dành cho con qua đoạn trích sau:
Đến lúc được về, cái tình người cha cứ nôn nao trong người anh. Xuồng vào bến, thấy một đứa bé độ tám tuổi tóc cắt ngang vai, mặc quần đen, áo bông đỏ đang chơi nhà chòi dưới bóng cây xoài trước sân nhà, đoán biết là con, không thể chờ xuồng cặp lại bến, anh nhún chân nhảy thót lên, xô chiếc xuồng tạt ra, khiến tôi bị chới với. Anh bước vội vàng với những bước dài, rồi dừng lại kêu to:
- Thu! Con.
Vừa lúc ấy, tôi đã đến gần anh. Với lòng mong nhớ của anh, chắc anh nghĩ rằng, con anh sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy cổ anh. Anh vừa bước, vừa khom người đưa tay đón chờ con. Nghe gọi, con bé giật mình, tròn mắt nhìn. Nó ngơ ngác, lạ lùng. Còn anh, anh không ghìm nổi xúc động. Mỗi lần bị xúc động, vết thẹo dài bên mà phải lại đỏ ửng lên, giần giật, trông rất dễ sợ. Với vẻ mặt xúc động ấy và hai tay vẫn đưa về phía trước, anh chậm chậm bước tới, giọng lặp bặp run run:
- Ba đây con!
- Ba đây con!
Con bé thấy lạ quá, nó chớp mắt nhìn tôi như muốn hỏi đó là ai, mặt nó bỗng tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên. “Má! Má!”. Còn anh, anh đứng sững lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy.
(Trích Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng, Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)
b. Phân tích đoạn thơ sau để làm rõ những mong muốn người cha đặt nơi con:
Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đầu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.
(Trích Nói với con, Y Phương, Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)
- HẾT -
5. Đáp án đề vào lớp 10 môn Văn tỉnh Đồng Nai năm 2022
I. Đọc hiểu
Câu 1: Phép liên kết: phép lặp: hoàn cảnh, lựa chọn.
Câu 2: Trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta luôn có nhiều hơn một sự lựa chọn.
Câu 3: Biện pháp tu từ: ẩn dụ (muối mặn)
Tác dụng: Giúp cho câu văn diễn đạt hình ảnh, có chiêu sâu hơn. Đồng thời, hình ảnh ẩn dụ cũng nhấn mạnh đứng trước khó khăn cách lựa chọn của mỗi người sẽ quyết định đến kết quả mà bản thân nhận được.
+ Phê phán những người có lối sống tiêu cực.
+ Cần cố gắng học hỏi, bồi dưỡng năng lượng tích cực trong tâm hồn.
II. Tập làm văn
Câu 2.
1. Mở bài:
- Giới thiệu chung về tác giả Thanh Hải và tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ.
- Giới thiệu 3 khổ thơ cần phân tích.
2. Thân bài: Khát vọng, lí tưởng sống cao đẹp của nhà thơ
- Mùa xuân đất nước đã khơi dậy trong lòng nhà thơ những khát vọng sống cao quý:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một nhành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”
+ Điệp từ “ta làm”, lặp cấu trúc, liệt kê -> giúp tác giả bày tỏ ước nguyện được hiến dâng cuộc đời mình cho quê hương, xứ sở.
+ Các hình ảnh “con chim hót” “một cành hoa” “nốt nhạc trầm”: giản dị, tự nhiên mà đẹp, thể hiện ước nguyện khiêm nhường mà đáng quý.
+ Có sự ứng đối với các hình ảnh ở đầu bài thơ -> lí tưởng cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên, tất yếu; gợi liên tưởng đến mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, giữa con người – đất nước.
- Tấm lòng thiết tha được hòa nhập, được cống hiến cho cuộc đời, cho đất nước. Khát vọng sống đẹp được nâng lên thành lí tưởng sống cao cả”.
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”.
+ “Mùa xuân nho nhỏ”: ẩn dụ cho những gì đẹp nhất, tinh túy nhất của cuộc đời con người để góp phần làm nên mùa xuân của đất nước. Là cách nói khiêm nhường, giản dị, gợi một tâm hồn đẹp, một lối sống đẹp, một nhân cách đẹp “lặng lẽ dâng cho đời”.
+ Điệp từ “dù là”
+ hình ảnh tương phản “tuổi hai mươi” “khi tóc bạc” khẳng định sự tồn tại bền vững của những khát vọng và lí tưởng sống ấy. Cả cuộc đời mình ông vẫn muốn chắt chiu những gì tốt đẹp nhất để hiến dâng cho đời.
=>Khổ thơ là lời tổng kết của nhà thơ về cuộc đời mình. Cho đến tận cuối đời ông vẫn khát khao cống hiến cho đất nước.
* Nhận xét về lối sống của tác giả: Tác giả có lối sống đẹp, luôn tận hiến cho đất nước, cuộc sống.
3. Kết bài:
- Nội dung: Bày tỏ lẽ sống đẹp đẽ, cao cả, đó là sẵn sàng dâng hiến cuộc đời mình cho đất nước, quê hương.
- Nghệ thuật:
+ Thể thơ 5 chữ, giàu nhịp điệu có
+Ngôn ngữ, hình ảnh giản dị, trong sáng.
+ Cảm xúc chân thành, tha thiết.
6. Đề vào lớp 10 môn Văn tỉnh Đồng Nai năm 2022
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
[1] Thực ra, hoàn cảnh là một bức tranh không màu, nó đen tối hay tươi sáng là do chính bạn lựa chọn màu vẽ. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta luôn có nhiều hơn một sự lựa chọn!
[2] Cuộc sống có thể cho bạn muối mặn, nhưng lựa chọn bỏ ngay vào miệng để nhận lây sự đăng chát hay bỏ vào chén canh nhạt để có món canh thơm ngon là do bạn. Con người có thể cho bạn sự trọng vọng hay khinh rẻ, bạn có thể lựa chọn đón nhận hay phớt lờ. Số phận ban cho cỏ dại sự chà đạp, xa lánh của con người, tuy nhiên, số phận cũng để cho cỏ dại lựa chọn nở hoa hay héo úa. Và bạn đã biết, cỏ dại lựa chọn điều gì. Rõ ràng, bạn luôn có quyền lựa chọn thái độ sống cho mình, chỉ là đôi khi, bạn lười biếng lựa chọn và để cho số phận kéo đi.
(Đến cỏ dại còn đàng hoàng mà sống..., Phạm Sỹ Thanh, NXB Thế giới, 2019, tr.46-47)
Câu 1 (0.5 điểm). Chỉ ra một phép liên kết hình thức trong đoạn 1.
Câu 2 (0.5 điểm). Theo tác giả, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta có bao nhiêu quyền lựa chọn?
Câu 3 (1.0 điểm). Xác định và nêu tác dụng của một phép tu từ được sử dụng trong câu: Cuộc sống có thể cho bạn muối mặn, nhưng lựa chọn bỏ ngay vào miệng để nhận lấy sự đắng chát hay bỏ vào chén canh nhạt để có món canh thơm ngon là do bạn.
Câu 4 (1.0 điểm). Em có đồng ý với quan điểm: hoàn cảnh là một bức tranh không màu, nó đen tối hay tươi sáng là do chính bạn lựa chọn màu vẽ? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm). Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, hãy viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) bàn về ý nghĩa của việc lựa chọn thái độ sống tích cực đối với mỗi người.
Câu 2 (5.0 điểm). Học sinh được lựa chọn một trong hai câu a hoặc b để làm bài.
a. Phân tích đoạn trích sau để làm rõ thái độ sống mà nhân vật anh thanh niên đã lựa chọn:
Anh hạ giọng, nửa tâm sự, nửa đọc lại một điều rõ ràng đã ngẫm nghĩ nhiều:
- Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này cháu không nghĩ như vậy nữa. Và, khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huông chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất. Còn người thì ai mà chả “thèm” hở bác? Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc? Đấy, cháu tự nói với cháu thế đấy. Bác lái xe đi, về Lai Châu cứ đến đây dừng lại một lát. Không vào giờ "ôp cháu chạy xuống chơi, lâu thành lệ. Cháu bỗng dưng tự hỏi: Cái nhớ xe, nhớ người ấy triệt ra là cái gì vậy? Nếu là nỗi nhớ phồn hoa đô hội thì xoàng. Cháu ở liền trong trạm hàng tháng. Bác lái xe bao lần dừng, bóp còi toe toe, mặc, cháu gan lì nhất định không xuống:
Ấy thế là một hôm, bác lái phải thân hành lên trạm cháu. Cháu nói: “Đấy, bác cũng chẳng “thèm” người là gì?”
Anh xoay sang người con gái đang một mắt đọc cuốn sách, một mắt lắng nghe, chân cô đung đưa khe khẽ, nói:
- Và cô cũng thấy đấy, lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà. Mỗi người viết một vẻ.
(Trích Lặng lẽ Sa Pa, Nguyễn Thành Long, Ngữ văn 9, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.185).
b. Cảm nhận lẽ sống mà Thanh Hải đã lựa chọn qua đoạn thơ sau:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
(Trích Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải, Ngữ văn 9, Tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.56)