Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn (Đề 2)

Đề luyện thi vào lớp 10 môn Văn do VnDoc biên soạn, bám sát chương trình học sẽ giúp các em học sinh lớp 9 trong quá trình ôn thi vào lớp 10 luyện thêm đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn có đáp án.

Đề thi học kì 2 lớp 9 môn Ngữ văn bao gồm đầy đủ các phần thiết yếu sau:

  • Phần Đọc hiểu văn bản được chọn lọc bám sát chương trình học.
  • Phần Làm văn bao gồm nghị luận xã hội và nghị luận văn học giúp các em học sinh hình thành kĩ năng làm văn của mình cũng như phục vụ quá trình ôn thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 9.

Mời thầy cô và các em tham khảo: Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn (Đề 1) do VnDoc biên soạn.

Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hình thức sao chép nhằm mục đích thương mại.

Đề luyện thi vào lớp 10 môn Ngữ văn

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Miền Trung

“(...) Miền Trung
Câu ví dặm nằm nghiêng
Trên nắng và dưới cát
Đến câu hát cũng hai lần sàng lại
Sao lọt tai rồi vẫn day dứt quanh năm

Miền Trung
Bao giờ em về thăm
Mảnh đất nghèo mùng tơi không kịp rớt
Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ
Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ
Không ai giao mà trắng mặt người

Miền Trung
Eo đất này thắt đáy lưng ong
Cho tình người đọng mật
Em gắng về
Đừng để mẹ già mong.”

(Hoàng Trần Cương)

Câu 1 (0,5đ): Bài thơ được viết theo thể thơ gì?

Câu 2 (0,75đ): Nêu nội dung chính của đoạn thơ.

Câu 3 (0,75đ): Hình ảnh: “Miền Trung/ Eo đất này thắt đáy lưng ong/ Cho tình người đọng mật” để lại cho em suy nghĩ gì?

Câu 4 (1đ): Đoạn thơ mang thông điệp gì?

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của em về ý kiến: “Sống là không chờ đợi.”

Câu 2 (5đ): Phân tích vẻ đẹp người lao động trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận.

Hướng dẫn giải đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn

Đáp án phần Đọc hiểu văn bản

Câu 1 (0,5đ): Bài thơ được viết theo thể thơ tự do.

Câu 2 (0,75đ):

Đoạn thơ miêu tả chân thực những nỗi vất vả, khó nhọc mà người dân miền Trung phải sống, phải đối mặt hằng ngày; đồng thời cũng thể hiện tình cảm yêu mến của tác giả đối với mảnh đất nghèo này.

Câu 3 (0,75đ):

Hình ảnh: “Miền Trung/ Eo đất này thắt đáy lưng ong/ Cho tình người đọng mật” đã để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc. Mảnh đất miền Trung tuy phải chịu nhiều thiên tai, bão lũ khiến cuộc sống của con người nơi đây vất vả, cơ cực. Tuy nhiên, họ là những con người dạt dào tình cảm, trân thành, giản dị, đó là những điều vô cùng đáng quý.

Câu 4 (1đ):

Đoạn thơ miêu tả chân thực khó khăn trong cuộc sống của đông bào miền Trung đồng thời mang ý nghĩa, thông điệp sâu sa: con người dù sống ở bất cứ đâu, trong hoàn cảnh nào dù khó khăn về vật chất nhưng hãy giàu về tình cảm yêu thương, có như vậy xã hội mới ngày càng tốt lên được.

II. Làm văn (7đ)

Câu 1 (2đ):

Dàn ý bài văn nghị luận xã hội về ý kiến: “Sống là không chờ đợi.”

1. Mở bài

Ý kiến cho rằng: “Sống là không chờ đợi” là ý kiến hoàn toàn đúng đắn.

2. Thân bài

a. Giải thích

Sống không chờ đợi nghĩa là mỗi chúng ta hãy chủ động nắm bắt mọi cơ hội, mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống mà không trông chờ, dựa dẫm vào bất cứ ai để có thể tận hưởng trọn vẹn cuộc sống.

b. Phân tích

  • Thời gian là vô hạn nhưng cuộc sống lại hữu hạn, hãy sống hết mình để không có gì phải hối tiếc.
  • Người biết nắm bắt và làm chủ cuộc sống của mình sẽ nhanh chóng đạt được thành công, sẽ học hỏi được nhiều điều tốt đẹp.
  • Sống không chờ đợi sẽ giúp chúng ta hình thành những thói quen tốt, những phẩm chất tốt.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng phù hợp với bài làm của mình.

Lưu ý: lựa chọn những dẫn chứng tiêu biểu.

d. Phản biện

Trong cuộc sống, bên cạnh những người biết nắm bắt, tận hưởng cuộc sống thì vẫn còn những người bị động, dựa dẫm vào người khác, không biết tự vươn lên làm chủ cuộc sống của mình, bỏ lỡ nhiều cơ hội quý giá.

3. Kết bài

Ý kiến trên mang đến cho chúng ta nhiều suy ngẫm và giúp ta có nhận thức đúng đắn từ đó có hành động thiết thực xây dựng cuộc sống của mình.

Câu 2 (5đ):

Dàn ý bài văn phân tích vẻ đẹp người lao động trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận.

1. Mở bài

Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá mang đến cho bạn đọc cái nhìn chân thực hơn về những người lao động bình thường ven biển. Vẻ đẹp của họ được Huy Cận khắc họa vô cùng chân thực và thành công.

2. Thân bài

a. Khổ thơ 1 và 2:

  • Hoàn cảnh ra khơi: Buổi hoàng hôn ấm áp, yên bình.
  • Vũ trụ là một ngôi nhà lớn mà màn đêm là cánh cửa, ngọn sóng là then.

→ Giữa lúc thiên nhiên nghỉ ngơi thì con người lại bắt đầu công cuộc lao động của mình.

  • "Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi", từ "lại" vừa tạo ra sự đối lập giữa tứ thơ ở hai câu trên và hai câu thơ dưới, vừa biểu hiện sự lặp lại của công việc giống như mọi ngày, giống như bao nhiêu năm tháng đã đã qua đoàn thuyền đánh cá vẫn tiếp tục ra khơi không ngừng nghỉ.
  • Con người lao động không mệt mỏi, luôn vững tinh thần, công việc dù có lặp lại nhưng không hề nhàm chán vẫn mang đến những cảm giác, phấn chấn, náo nức, say mê ở người ngư dân.

b. Khổ 3:

  • Những câu hát vui tươi cất lên đã sưởi ấm cái màn đêm tăm tối, khơi gợi niềm phấn khởi trong con người, xua đi những khó khăn mệt mỏi, mang lại một không khí lao động vô cùng hào hùng và lãng mạn.
  • "Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi!", câu hát với một tâm hồn ngập tràn niềm vui và sức sống, niềm trông đợi vào một mẻ lưới đầy. Cách xưng hô, thân thiết mời gọi ấy càng kéo gần khoảng cách giữa mẹ thiên nhiên và con người.

c. Khổ 4 và 5:

  • Hình ảnh con thuyền đánh cá giữa đêm trăng, vừa mang vẻ đẹp lãng mạn, thi vị lại vừa hào hùng và mạnh mẽ, đồng thời miêu tả sự giàu có nơi biển cả.
  • Con người không chỉ lao động bằng sức mạnh mà còn dựa vào lòng dũng cảm, sẵn sàng ra tận khơi xa "dò bụng bể", đồng thời còn vận dụng đầu óc để vạch ra kế hoạch rõ ràng, tạo "thế trận lưới vây giăng" sao cho được nhiều cá, tôm.

d. Khổ 6:

Vẻ đẹp của người ngư dân còn hiện lên thông qua tấm lòng yêu mến và trân trọng thiên nhiên. "Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng", câu thơ vừa thể hiện chuyến ra khơi bội thu của những người nông dân, cũng thể hiện sức mạnh của họ trong công việc kéo lưới giữa biển khơi đầy vất vả.

e. Khổ 7:

  • Khúc ca khải hoàn trở về với chuyến bội thu
  • Vẻ đẹp lớn lao kì vĩ của người lao động sánh ngang với thiên nhiên, con người đã dần đứng lên trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, họ có lòng tự tin, tinh thần hăng say lao động không ngừng nghỉ.

3. Kết bài

Dưới ngòi bút tài tình của Huy Cận “Đoàn thuyền đánh cá” là một bài ca hào hùng, tràn ngập niềm vui về cuộc sống và lao động của những ngư dân trên biển.

Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết dưới đây của chúng tôi:

Để tham khảo thêm nhiều đề thi và tài liệu học tập hay khác, trao đổi với thầy cô và giáo viên, mời các bạn tham gia nhóm: Luyện thi lớp 9 lên lớp 10.

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn (Đề 2). Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Đề thi vào lớp 10 môn Toán, Đề thi vào lớp 10 môn Tiếng Anh, Đề thi vào lớp 10 môn Vật lý, Thông tin Tuyển sinh vào lớp 10 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chúc các em đạt kết quả cao trong kỳ thi của mình.

Đánh giá bài viết
1 2.951
Sắp xếp theo

    Soạn Văn 9 - Văn 9

    Xem thêm