Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

20 Đề ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn năm học 2025 - 2026

Bộ 20 Đề ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn theo cấu trúc mới năm học 2025 - 2026, giúp các bạn học sinh có thêm nhiều tài liệu ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn, chuẩn bị tốt cho kì thi tuyển sinh sắp tới đây đạt kết quả cao. Mời các bạn tải về để xem toàn bộ 20 đề ôn thi vào lớp 10 môn Văn.

Đề thi vào 10 môn Văn - Đề 1

ĐỀ TUYỂN SINH VÀO 10 NĂM HỌC 2025 - 2026

MÔN: NGỮ VĂN

Thời gian: 120 phút (không tính thời gian phát đề)

(Đề thi có 02 trang)

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu ở bên dưới

Đố kị nghĩa là bực tức, khó chịu trước những may mắn và thành công của người khác. Trong khi người thành công luôn nhìn thấy và học hỏi những đức tính tốt đẹp của người khác thì kẻ thất bại lại không làm được điều đó. Họ không muốn nhắc đến thành công của người khác, đồng thời luôn tìm cách chê bai, hạ thấp họ. Họ để mặc cho lòng tỵ hiềm, thói ganh tỵ, cảm giác tự ti gặm nhấm tâm trí ngày qua ngày.

Đố kị không những khiến con người cảm thấy mệt mỏi mà còn hạn chế sự phát triển của mỗi người. Thói đố kị khiến chúng ta lãng phí thời gian và không thể tận dụng hết năng lực để đạt được điều mình mong muốn. Ganh tị với sự thành công của người khác sẽ khiến chúng ta đánh mất cơ hội thành công của chính mình.

Tạo hóa tạo ra con người trong sự khác biệt và bình đẳng. Bạn cần phải ý thức được rằng, bạn là duy nhất và không bao giờ có người nào hoàn toàn giống bạn, cả về diện mạo lẫn tính cách. Vì thế, thay vì ganh tị với thành công và may mắn của người khác, bạn hãy tập trung toàn bộ tâm trí vào những ước mơ, dự định, đồng thời cố gắng hoàn thành chúng một cách triệt để. Hãy tự hào về sự khác biệt của bản thân bạn và vui mừng trước sự may mắn, thành công của những người xung quanh. Niềm vui ấy sẽ chắp cánh cho hạnh phúc của bạn và sớm muộn gì, bạn cũng sẽ đạt được thành công như họ.

(George Matthew Adams, “Không gì là không thể”, Thu Hằng dịch, Tr,117, NXB Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, 2019).

Câu 1. (0,5). Văn bản trên được viết theo thể loại nào?

Câu 2. (0,5). Xác định nội dung chính của đoạn trích.

Câu 3. (1,0). Phân tích hiệu quả biểu đạt của một biện pháp nghệ thuật nổi bật được sử dụng trong câu văn sau: “Trong khi người thành công luôn nhìn thấy và học hỏi những đức tính tốt đẹp của người khác thì kẻ thất bại lại không làm được điều đó.”

Câu 4. (1,0 điểm) Theo em, vì sao người có tính đố kị thường không muốn nhắc đến thành công của người khác"?

Câu 5. (1,0 điểm) Hãy chia sẻ với mọi người về những bức thông điệp có ý nghĩa mà em nhận được từ đoạn trích trên.

PHẦN II. VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm) Từ nội dung đoạn trích phần đọc - hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về vẻ đẹp của lối sống không có sự đố kị.

Câu 2. (4,0 điểm). Đọc và phân tích truyện ngắn sau:

BỐ TÔI

Tôi đi học dưới đồng bằng. Còn bố tôi, từ nơi núi đồi hiểm trở, ông luôn dõi theo tôi.

Bao giờ cũng vậy, ông mặc chiếc áo kẻ ô phẳng phiu nhất, xuống núi vào cuối mỗi tuần. Ông rẽ vào bưu điện để nhận những lá thư tôi gửi. Lặng lẽ, ông vụng về mở nó ra. Ông xem từng con chữ, lấy tay chạm vào nó, rồi ép vào khuôn mặt đầy râu của ông. Rồi lặng lẽ như lúc mở ra, ông xếp nó lại, nhét vào bao thư. Ông ngồi trầm ngâm một lúc, khẽ mỉm cười rồi đi về núi.

Về đến nhà, ông nói với mẹ tôi: “Con mình vừa gửi thư về”. Mẹ tôi hỏi: “Thư đâu?”. Ông trao thư cho bà. Bà lại cẩn thận mở nó ra, khen: “Con mình viết chữ đẹp quá! Những chữ tròn, thật tròn, những cái móc thật bén. Chỉ tiếc rằng không biết nó viết gì. Sao ông không nhờ ai đó ở bưu điện đọc giùm”? Ông nói: “Nó là con tôi, nó viết gì tôi đều biết cả”. Rồi ông lấy lại thư, xếp vào trong tủ cùng với những lá thư trước, những lá thư được bóc ra nhìn ngắm, chạm mặt rồi cất vào, không thiếu một lá, ngay cả những lá đầu tiên nét chữ còn non nớt.

Hôm nay là ngày đầu tiên tôi bước chân vào trường đại học. Một ngày khai trường đầu tiên không có bố. Bố tôi đã mất. Nhưng tôi biết bố sẽ đi cùng tôi trên những con đường mà tôi sẽ đi, suốt cả hành trình cuộc đời.

(Theo Nguyễn Ngọc Thuần, in trong “Bồi dưỡng học sinh vào lớp 6 môn tiếng Việt – NXB Giáo dục Việt Nam, 2012.)

HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I. ĐỌC -HIỂU (4,0 điểm)

1

Thể loại: Nghị luận

0,5

2

- Nội dung đoạn trích: Bàn luận về tác hại của thói đố kị

0,5

3

- Biện pháp tu từ: Biện pháp nghệ thuật tương phản: “người thành công luôn nhìn thấy và học hỏi những đức tính tốt đẹp – kẻ thất bại lại không làm được điều đó”

- Tác dụng:

+ Nhấn mạnh sự trái ngược giữa người thành công – người không đố kị với người thất bại- người đố kị để làm rõ sự ích kỉ, nhỏ nhen của người có tính đố kị và sự tích cực của người thành công.

+ Tạo nên sự cân xứng, hài hoà cho câu văn, làm nổi bật ý cần diễn đạt, từ đó nhắc nhở mỗi người tránh xa thói đố kị, có thái độ sống tích cực.

0,5

0,25

0,25

4

Người có tính đố kị thường không muốn nhắc đến thành công của người khác. Vì:

+ Người đố kị thường không muốn nhắc tới thành công của người khác bởi lẽ trong họ luôn tồn tại sự ganh tị và khi nhắc đến thành công của người khác họ thường mang cảm giác tự ti. Cảm giác ấy sẽ gặm nhấm tâm trí họ và khiến họ cảm thấy khó chịu.

+ Họ sợ người khác sẽ đề cao người thành thành công mà xem thường họ hoặc không muốn người khác hơn mình, được khen ngợi trước mặt mình.

+ Họ không đủ dũng khí để chấp nhận thành công của người khác, chia sẻ và vui mừng niềm vui của họ hoặc không đủ dũng khí để đối mặt với bản thân,…

Học sinh chỉ cần đưa được 2 lí do hợp lí là được điểm tối đa.

0,5

0,5

5

Học sinh có thể trình bày những bức thông điệp (ít nhất là 02 bức thông điệp) theo ý kiến cá nhân nhưng phải phù hợp. Mỗi bức thông điệp được 0,5 điểm. Ví dụ học sinh có thể chọn:

- Đố kị là thói xấu cần tránh xa vì sẽ gây hại cho cá nhân và cho cộng động.

- Trước thành công của người khác cần chia sẻ và có niềm vui thật chân thành bởi đó là cách ứng xử của con người có văn hoá.

- Hãy trân trọng những điểm khác biệt của mình vì ai cũng có những điểm riêng. Vì vậy, cần phải biết phát triển điểm khác biệt thành điểm mạnh của mình.

(Hoặc học sinh có thể nêu các bức thông điệp khác có ý nghĩa với bản thân nhưng phải lí giải được: vì sao bức thông điệp đó lại có ý nghĩa)

1,0

PHẦN II. VIẾT

Câu 1 (2,0 điểm). Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về vẻ đẹp của lối sống không có sự đố kị.

a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn: Có đủ mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.

0,25

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: vẻ đẹp của lối sống không có sự đố kị.

0,25

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành một đoạn văn. Có thể theo hướng sau:

* Mở đoạn: giới thiệu vấn đề cần nghị luận - vẻ đẹp của lối sống không có sự đố kị.

* Thân đoạn

- Giải thích: Đố kị là sự ghen ghét, không công nhận, thậm chí có suy nghĩ, hành động bài trừ đối với những thành tựu của người khác.

=> Lối sống không có sự đố kị là sống đẹp, có lối sống lành mạnh, phong phú, sống theo đạo lí con người, luôn hạnh phúc.

* Biểu hiện của lối sống không có sự đố kị:

- Sống văn minh

- Sống khoan dung, yêu thương và quan tâm mọi người xung quanh

- Sống đúng với lương tâm của mình, không đi ngược đạo lí làm người

- Sống lạc quan, yêu đời

* Ý nghĩa của lối sống không có sự đố kị:

- Được mọi người yêu quý

- Làm cho chúng ta cảm thấy yêu đời và thoải mái hơn

- Giúp cuộc sống và xã hội tươi đẹp hơn

* Bài học nhận thức và hành động

- Lòng đố kị là tính xấu của con người cần phải loại trừ con người cần có lòng cao thượng khoan dung rộng rãi.

- Cạnh tranh lành mạnh, cố gắng hết sức để vượt qua khó khăn.

* Kết đoạn: nêu cảm nghĩ của em về tư tưởng đạo lí , vẻ đẹp của lối sống không có sự đố kị

- Khẳng định vai trò và ý nghĩa của sống đẹp

- Em sẽ làm thế nào để có lối sống đẹp

1,0

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,25

e. Sáng tạo: Bố cục mạch lạc, lời văn sinh động, sáng tạo.

0,25

Câu 2. (4,0 điểm). Phân tích truyện ngắn “Bố tôi”.

a. Đảm bảo cấu trúc một bài văn: Có đầy đủ mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài giới thiệu được vấn đề; thân bài triển khai được vấn đề; kết bài khái quát được vấn đề.

0,25

b. Xác định đúng vấn đề: Viết bài văn phân tích truyện ngắn Bố tôi của Nguyễn Ngọc Thuần.

0,25

c. Học sinh có thể giải quyết vấn đề theo hướng sau:

* Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm và nêu ý kiến chung của người viết.

- Trong cuộc đời mỗi người, tình cảm gia đình luôn là điểm tựa tinh thần thiêng liêng nâng bước chân con người suốt chặng đường dài, là hành trang quý giá neo đậu trong tâm hồn mỗi người.

- Truyện ngắn Bố tôi của Nguyễn Ngọc Thuần đã xây dựng thành công hình ảnh người bố – một người đàn ông miền núi chất phác, hiền hậu, hết lòng yêu thương con, trân trọng tình cảm gia đình. Truyện ngắn gọn nhưng đã để lại cho người đọc những ấn tượng khó quên.

* Thân bài: Tập trung nêu nội dung, chủ đề và phân tích tác dụng của một số nét đặc sắc về nghệ thuật của truyện ngắn.

- Khái quát về tác phẩm:

+ Xuất xứ của truyện: Truyện Bố tôi in trong Tuyển tập truyện ngắn

hay viết cho thiếu nhi – Nxb Giáo dục Việt Nam.

+ Thể loại của truyện: truyện ngắn hiện đại.

- Nêu nội dung, chủ đề: Truyện kể về người bố của nhân vật “tôi”. Ông ở vùng đồi núi hiểm trở, người con học ở dưới đồng bằng xa nhà. Ông dành cho con những tình yêu thương sâu sắc và luôn dõi theo con từng ngày. Mỗi khi nhận được thư của con gửi về, ông cảm thấy vô cùng hạnh phúc và luôn trân trọng những bức thư ấy vì theo ông nghĩ con viết thư về được là vẫn mạnh khỏe. Ngày con bước chân vào giảng đường đại học cũng là lúc người bố ra đi mãi mãi, đó là ngày khai trường đầu tiên mà nhân vật “tôi” không có bố đi cùng. Nhưng nhân vật “tôi” tin rằng bố sẽ theo mình suốt hành trình cuộc đời phía trước. à Truyện ca ngợi tình yêu thương sâu nặng của người bố dành cho gia đình, con cái và tấm lòng biết ơn sâu nặng của người con dành cho người bố kính yêu. Đồng thời, truyện cũng gửi gắm lời nhắc nhở những người con phải biết thương yêu, kính trọng và biết ơn và sống hiếu thảo với bố mẹ của mình.

- Làm rõ nội dung, chủ đề: Chủ đề của truyện được mở ra bằng tình huống rất gần gũi, đời thường nhưng lại xúc động bởi sự xa cách của hai bố con trong niềm thương nhớ khôn nguôi: “Tôi đi học dưới đồng bằng. Còn bố tôi, từ núi đồi hiểm trở, ông luôn dõi theo tôi”. Cách vào đề ngăn gọn mà hấp dẫn, lôi cuốn người đọc dõi theo hành trình của hai bố con trong cuộc đời.

+ Chủ đề của truyện thể hiện ở hình ảnh người bố hiện ra thật giản dị, đời thường nhưng gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc:

§ Hình ảnh người bố nghèo, tần tảo, vất vả, một nắng hai sương làm nương rẫy ở trên vùng núi cao và không có điều kiện để đi học. “Còn bố tôi, từ một vùng núi cao xa xôi”, “đi chân đất xuống núi”; “chỉ tiếc là không biết nó viết gì. Sao ông không nhờ ai đó ở bưu điện đọc giùm”. Cuộc đời người bố vất vả, lam lũ như bao người nông dân vùng rừng núi xa xôi.

§ Một người bố luôn quan tâm, dõi theo con: Cuối mỗi tuần, bao giờ ông cũng “mặc chiếc áo phẳng phiu nhất”, đi chân đất xuống núi, rẽ vào bưu điện để nhận lá thư tôi gửi,... Hành động lặp lại thường xuyên theo chu kì ấy đã khắc hoạ chân thực nỗi nhớ mong con da diết của người bố.

§ Chủ đề của truyện còn thể hiện ở nhân vật người bố tinh tế, thấu hiểu được những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của con mình: “Nó là con tôi, nó viết gì tôi biết cả”,... Mỗi bức thư con gửi về, bố mẹ nhân vật “tôi” đều không thể đọc được, có lẽ cuộc đời cha mẹ của nhân vật “tôi” trước đây quá nghèo nên đã không được đi học. Nhưng họ luôn theo dõi từng bước đi của con nên họ hiểu rằng con vẫn mạnh khoẻ, bình an và học tập tốt. Đối với người dân ở vùng núi xa xôi, việc nuôi con học đại học là một điều không hề dễ dàng, vì vậy người con đang học đại học chính là đang thực hiện ước mơ của chính họ, tin vào tương lai có cuộc sống tốt đẹp hơn. Bố mẹ cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm, nỗi nhớ nhà của con thể hiện qua việc gửi thư về nhà mỗi tuần và hạnh phúc trong tình cảm ấy. Lời nói mộc mạc, chân chất của người bố thể hiện tâm hồn nhân hậu, thuần phác, tinh tế và sâu sắc.

§ Đọc truyện Bố tôi người đọc còn hiểu được người bố rất trân trọng, nâng niu tất cả những gì thuộc về con. Nhận được thư con, ông “lặng lẽ, ông vụng về mở nó ra”. Từng hành động của người bố ấy rất cẩn trọng “Ông xem từng con chữ, lấy tay chạm vào nó, rồi ép vào khuôn mặt đầy râu của ông. Rồi lặng lẽ như lúc mở ra, ông xếp nó lại, nhét vào bao thư”. Sự xúc động khiến ông “trầm ngâm” rồi “khẽ mỉm cười” thật hạnh phúc. Những hành động giản đơn ấy ẩn chứa tình yêu thương con vô bờ bến, niềm tin yêu tuyệt đối với con minh. “Rồi ông lấy lại lá thư, xếp vào trong tủ cùng những lá thư trước, những lá thư được bóc ra nhìn ngắm, chạm vào mặt rồi cất đi, không thiếu một lá, ngay cả những lá thư đầu tiên nét chữ còn non nớt”. Những hành động ấy còn thể hiện được sự nâng niu, trân trọng những lá thư của con và sâu thăm hơn chính là tình thương yêu, quý mến của người bố dành cho con.

=> Người bố luôn dành cho con tình thương yêu sâu nặng, luôn dõi theo từng bước đi của con thể hiện qua sự nâng níu, trân trọng và gìn giữ những lá thư của con như một vật báu.

+ Một khía cạnh khác thể hiện chủ đề của truyện là tình yêu thương, sự kính trọng và biết ơn sâu sắc của người con dành cho bố:

§ Khi học xa nhà, con ở dưới đồng bằng, bố ở vùng núi hiểm trở, người con rất nhớ thương bố. Mỗi lời kể của người con đều có sắc thái xúc động rưng rưng. Bố chính là điểm tựa vững chắc, luôn đứng sau che chở, động viên tinh thần cho con, vì vậy chắc chắn người con sẽ rất tự hào, kính trọng và yêu quý bố mình bởi luôn có bố yêu thương và ở bên cạnh mỗi lần khai trường.

§ Và dù bố đã mất nhưng người con vẫn luôn cảm thấy có bố bên cạnh, suốt cả hành trình cuộc đời là bởi vì tình yêu thương, sự quan tâm, hình bóng của người bố vẫn in sâu trong ký ức của con, mãi mãi không bao giờ phai nhòa.

=> Đó là một người con hiếu thảo, thấu hiểu tấm lòng của cha mẹ và luôn sống xứng đáng với tình cảm thiêng liêng ấy.

+ Chủ đề của truyện còn gửi gắm những bài học được gọi lên từ câu chuyện:

Tình cảm cha con là thiêng liêng và quý giá vì đây là tình cảm làm cơ sở cội nguồn cho tình yêu quê hương, đất nước.

Chúng ta cần yêu thương, trân trọng, kính yêu bố mẹ của mình vì tình cảm bố mẹ dành cho chúng ta là vô cùng lớn lao, cao cả.

- Phân tích tác dụng của một số nét đặc sắc về nghệ thuật của truyện.

+ Kết hợp khéo léo các phương thức kế, tả, biểu cảm khiến câu chuyện hấp dẫn, lôi cuốn.

Cốt truyện ngắn gọn, tình huống truyện đơn giản, nhân vật người bố được đặt trong những tình huống rất đời thường để bộc lộ tính cách, phẩm chất.

+ Mạch truyện đi theo trình tự thời gian, có đan xen cả hồi tưởng và đọng kết bằng những suy ngẫm sâu sắc trong hiện tại của nhân vật “tôi” khiến câu chuyện vừa xúc động vừa có chiều sâu.

+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật: nhân vật được xây dựng chủ yếu thể hiện qua ngoại hình, hành động, lời nói; ngôn ngữ của nhân vật.

+ Ngôn ngữ kể chuyện mộc mạc, bình dị, lôi cuốn.

=> Truyện Bố tôi chỉ là tình huống và những sự việc hết sức đời thường nhưng đã đem đến cho người đọc sự xúc động về tình phụ tử thiêng liêng, cao quý. Đọc xong truyện, ai cũng cảm thấy như mình còn có lỗi với bố mình về một điều gì đó và tự thầm hứa với bản thân phải biết thương yêu, trân trọng và sống hiếu thảo với bố mình. Và em cũng vậy!

* Kết bài:

- Khẳng định lại giá trị của truyện.

- Bài học được rút ra với bản thân hoặc lời nhắn gửi, bức thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm.

0,5

2,0

0,5

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt độc đáo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề.

0,25

e. Chính tả, dùng từ đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.

0,25

Đề thi vào 10 môn Văn - Đề 2

KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT

Môn thi: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút (không tính thời gian phát đề)

PHẦN ĐỌC - HIỂU (4,0 điểm).

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Ý chí, nghị lực tạo cho ta bản lĩnh và lòng dũng cảm. Người có ý chí và nghị lực là người luôn đương đầu với mọi khó khăn thử thách, là người dám nghĩ, dám làm, dám sống. Chàng trai Nguyễn Sơn Lâm, chỉ cao chưa đầy một mét, đi phải chống nạng nhưng lại giỏi ba thứ tiếng, từng thi Việt Nam Idol 2010, năm 2011, anh là người đã chinh phục đỉnh Phanxipăng và trở thành người khuyết tật Việt Nam đầu tiên đặt chân lên đỉnh núi này mà không cần đến sự giúp đỡ của người khác.

Ngoài ra, ý chí nghị lực giúp chúng ta khắc phục những khó khăn và thử thách, rèn cho ta niềm tin và thúc đẩy chúng ta luôn hướng về phía trước, vững tin vào tương lai. Đúng như người phương tây từng nói: “Hãy hướng về ánh sáng, mọi bóng tối sẽ ngả sau lưng bạn”, Nick Vujicic từng nói: “Không có mục tiêu nào quá lớn, không có ước mơ nào quá xa vời”, liệt sĩ bác sĩ Đặng Thùy Trâm từng nói: “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”… Tất cả đều chứa đựng trong đó những thông điệp lớn lao về ý chí và nghị lực”.

(Trích Những tấm gương nghị lực sống mãnh liệt giúp bạn có thêm sức mạnh để vươn lên voh.com.vn, ngày 27/9/2019)

Câu 1 (0,5 điểm). Chỉ ra luận đề của đoạn trích trên?

Câu 2 (0,5 điểm). Theo đoạn trích, ý chí nghị lực tạo cho ta điều gì?

Câu 3 (1,0 điểm). Phân tích vai trò của dẫn chứng được sử dụng trong đoạn văn thứ nhất .

Câu 4 (1,0 điểm). Hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ liệt kê được sử dụng trong câu văn sau:“Người có ý chí và nghị lực là người luôn đương đầu với mọi khó khăn thử thách, là người dám nghĩ, dám làm, dám sống.”

Câu 5 (1,0 điểm). Qua đoạn trích trên, em rút ra được những thông điệp gì?

Làm văn

Câu 1. Từ nội dung ở phần Đọc - hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về vai trò của ý chí, nghị lực trong cuộc sống.

Câu 2. Phân tích đoạn thơ sau:

... “Quê hương mỗi người đều có

Vừa khi mở mắt chào đời

Quê hương là dòng sữa mẹ

Thơm thơm giọt xuống bên nôi

Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người.”

(Quê hương, Đỗ Trung Quân, NXB Văn học, 1991)

* Tác giả: Đỗ Trung Quân (sinh 19 tháng 1 năm 1955) là một nhà thơ Việt Nam. Năm 1976, ông tham gia phong trào thanh niên xung phong và bắt đầu sáng tác. Nhiều bài thơ của ông được phổ nhạc và được nhiều người yêu thích như Quê hương, Phượng hồng... Phong cách thơ: Nhẹ nhàng, trong trẻo và sâu sắc.

* Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ viết năm 1986 với tên gọi Bài học đầu tiên cho con. Đầu thập niên 1990 bài thơ được phổ nhạc và trở nên nổi tiếng và nhiều người biết đến.

* Vị trí của đoạn trích: Đoạn trích thuộc 2 khổ cuối của bài thơ.

==========Hết=========

Tài liệu vẫn còn dài, mời các bạn tải về tham khảo trọn bộ

Chia sẻ, đánh giá bài viết
82
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
1 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Nhím Choco
    Nhím Choco

    Em muốn hỏi là mình tìm được đáp án của 45 đề này ở đâu ạ? Vì em tự học nên rất cần đáp án đề có thể chấm chữa bài ạ. Em xin cảm ơn.

    Thích Phản hồi 28/11/21
    • Đinh Khải
      Đinh Khải

      bạn đã tìm được đáp án của bộ đề này chx ạ cho mình xin với


      Thích Phản hồi 27/01/22
🖼️

Gợi ý cho bạn

Xem thêm
🖼️

Đề thi vào 10 môn Văn

Xem thêm