Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn 2024 - Đề 2

Đề thi thử vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Đề 2

Đề thi thử vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Đề 2 bao gồm phần Đọc hiểu và Làm văn, có đáp án đi kèm cho các em tham khảo, so sánh đối chiếu sau khi làm xong. Tài liệu giúp các em làm quen với đề, chuẩn bị tốt cho kì thi vào lớp 10 môn Văn sắp tới.

Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc, nghiêm cấm hành vi sao chép với mục đích thương mại.

1. Đề thi thử vào 10 môn Văn 

ĐỀ THI THỬ VÀO 10 THPT
Môn: Ngữ văn
Thời gian làm bài: 120 phút không kể thời gian phát đề

Phần I: Đọc hiểu (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

(...) Tự hào không bao giờ là một đức tính cả. Khiêm nhu mới là một đức tính. Khiêm nhường mới là một đức tính. Khi người ta còn khiêm nhường người ta còn học hỏi. Khi người ta còn khiêm nhường người ta mới cầu tiến. Khi người ta còn khiêm nhường là người ta đã bước vào trưởng thành. Chưa biết khiêm nhường là chưa biết trưởng thành.

Trong sách của chúng ta dạy quá nhiều chữ tự hào. Chúng ta hay kết thúc một diễn ngôn bằng chữ này: “Tự hào thay” hoặc là “Thành công tốt đẹp”. Thực ra, tự hào là tự cho mình là nhất. Nếu tự cho mình là nhất thì cần gì phải học hỏi gì nữa? Đó là thái độ của trẻ con khi thế giới tập trung ở nơi mình. Chỉ có trẻ con mới coi mình là thế giới, mình là đặc biệt, còn người trưởng thành luôn luôn biết rằng mình tồn tại trong vô số mối tương liên, tương quan, chứ không thể tồn tại một mình.

Một cộng đồng, một dân tộc hay một cá nhân phải học những điều khiêm nhu, khiêm nhường, chứ không phải học những điều tự cao, tự đại, tự hào.

(Nhật Chiêu, Chữ Tâm trong giáo dục: Tự chủ để trưởng thành, 23/1/2019)

Câu 1 (0.5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.

Câu 2 (0.5 điểm): Trong đoạn trích trên, tác giả đã chỉ ra những ý nghĩa nào của đức tính khiêm nhường?

Câu 3 (1.0 điểm): Hãy chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn thứ nhất.

Câu 4 (1.0 điểm): Em có đồng tình với quan điểm của tác giả: “Thực ra, tự hào là tự cho mình là nhất” không? Vì sao?

Phần II: Làm văn (7.0 điểm)

Câu 1: Từ đoạn trích phần đọc hiểu kết hợp với hiểu biết xã hội, em hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của đức tính khiêm nhường.

Câu 2: Cảm nhận của em về vẻ đẹp của biển cả và niềm vui của người lao động trong đoạn thơ sau:

“Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,

Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng,

Vảy bạc đuôi vàng lóe rạng đông,

Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.

Câu hát căng buồm với gió khơi,

Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời

Mặt trời đội biển nhô màu mới

Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.”

(Trích Đoàn thuyền đánh cá - Huy Cận, Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017)

2. Đáp án đề thi thử vào 10 môn Văn

HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ CHI TIẾT

ĐỀ THI THỬ VÀO LỚP 10 THPT

Môn thi: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian phát đề)

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

1

Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là: nghị luận.

0.5

2

Trong đoạn trích trên, tác giả đã chỉ ra những ý nghĩa của đức tính khiêm nhường:

+ “còn khiêm nhường người ta còn học hỏi”

+ “còn khiêm nhường người ta mới cầu tiến”

+ “còn khiêm nhường là người ta đã bước vào trưởng thành”

0.5

3

- Biện pháp tu từ: điệp cấu trúc “Khi người ta còn khiêm nhường ... người ta ...”

- Tác dụng:

+ Khẳng định, nhấn mạnh những ý nghĩa tích cực của đức tính khiêm nhường.

+ Thể hiện thái độ, mong muốn của tác giả gửi gắm đến người đọc hãy bồi dưỡng cho mình đức tính, lối sống khiêm nhường.

+ Giúp cho đoạn văn thêm phần thuyết phục, giọng điệu khẳng định, rắn rỏi.

1.0

4

HS trình bày quan điểm của bản thân, có thể đồng tình/không đồng tình/không hoàn toàn đồng tình,...

+ Tự hào là một cảm xúc của con người, được thể hiện khi hài lòng, hãnh diện về một điều gì đó.

=> Biết tự hào là điều tốt, đó là cơ sở hình thành sự tự tin, hình thành những cảm xúc tinh thần lạc quan, tích cực.

+ Ở góc độ khác, tự hào đúng là “tự cho mình là nhất”: quá đề cao giá trị của bản thân và những gì mình làm được, trở thành người đề cao cái tôi quá mức, tự cao, tự đại,...

=> Cần nhận thức được rõ về sự tự hào, cần biết cách kiềm chế, đúng mực,...

1.0

II

1

Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của đức tính khiêm nhường.

2.0

a. Bảo đảm yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bay đọan văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

0.25

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: ý nghĩa của đức tính khiêm nhường.

0.25

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ:...

Dưới đây là một số gợi ý triển khai:

- Khiêm nhường là đức tính tốt đẹp của con người, là khiêm tốn, hiền lành đức độ, không tự cao, tự đại,...

- Ý nghĩa của đức tính khiêm nhường:

+ Giúp con người sống thanh thản, tránh được vòng danh lợi hay những ham muốn tiền tài, vật chất.

+ Biết nhìn nhận những thiếu sót của bản thân để hoàn thiện, phát triển.

+ Người khiêm nhường sẽ chạm đến thành công, có thể đem tài năng, tri thức của mình để cống hiến cho xã hội.

+ Có được sự yêu mến, tôn trọng của mọi người xung quanh; tạo những mối quan hệ gần gũi, hòa hợp,...

- Bài học nhận thức và hành động: thay đổi nhận thức, lối sống, cách nhìn nhận vấn đề, rèn luyện đức tính khiêm nhường,...

1.0

d. Chính tả, ngữ pháp

Bảo đảm chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

0.25

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

0.25

2

Cảm nhận của em về vẻ đẹp của biển cả và niềm vui của người lao động trong đoạn thơ: “Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng ... muôn dặm phơi”.

a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận

Mở đoạn nêu được vấn đề, thân đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn khái quát được vấn đề.

0.25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: vẻ đẹp của biển cả và niềm vui của người lao động trong đoạn thơ.

0.5

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:

* Giới thiệu chung:

- Tác giả, tác phẩm:

+ Bài thơ được sáng tác trong chuyến đi công tác của Huy Cận tới vùng mỏ Hòn Gai, Quảng Ninh năm 1958 và được in trong tập “Trời mỗi ngày lại sáng”.

+ Bài thơ được bắt nguồn từ cảm hứng ngợi ca công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của miền Bắc.

=> Với ý nghĩa đó, thi phẩm "Đoàn thuyền đánh cá" là khúc tráng ca, ca ngợi con người lao động với tinh thần làm chủ và niềm vui, niềm tin trước cuộc sống mới trong những năm đầu xây dựng đất nước.

+ Bài thơ có bảy khổ, bố cục bài thơ theo trình tự một chuyến ra khơi của đoàn thuyền đánh cá : ra khơi lúc hoàng hôn, đánh cá một đêm trăng trên Hạ Long, trở về bến lúc rạng đông.

- Khái quát về trích đoạn thơ: hai khổ thơ là khúc ca ca ngợi hình ảnh con người lao động với kết quả rực rỡ, ca ngợi vẻ đẹp tươi sáng của bình minh trên biển Hạ Long.

0.5

* Cảm nhận về hai khổ thơ

(1) Luận điểm 1 - khổ 6: Cảnh kéo lưới lúc sáng

- “Sao mờ”: khoảng thời gian chuẩn bị trời đã bắt đầu rạng sáng, đó cũng chính là lúc công việc của người ngư dân càng trở nên khẩn trương để kéo lưới cho kịp trời sáng.

- Cụm từ “kéo xoăn tay”:

+ Những mẻ cá bội thu, nặng trĩu

+ Là một nét vẽ tạo hình với những bắp thịt săn chắc của những chàng thanh niên ngư dân cuồn cuộn nổi lên để kéo cá vào khoang thuyền.

- Ánh nắng hồng của bình minh hòa cùng với sắc màu của cá “bạc”, “vàng”: tô đậm thêm sự giàu có và quý giá “rừng vàng biển bạc” của biển cả mà thiên nhiên ban tặng cho con người.

- “Lưới xếp buồm lên” là hai hình ảnh đối lập.

+ “Lưới xếp” là kết thúc một ngày lao động.

+ “buồm lên” là đón chào một ngày mới.

=> “Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng” gợi tả công việc nhịp nhàng của ngư dân với sự vận hành của vũ trụ. Khi lưới xếp lên khoang cũng là lúc đoàn thuyền trở về đón bình minh, kết thúc một ngày lao động vất vả, mệt nhọc.

- Hình ảnh “nắng hồng” ở cuối khổ thơ là ẩn dụ đặc sắc. Đó là nắng của một ngày mới, một cuộc đời mới mà cách mạng đem lại cho chúng ta.

(2) Luận điểm 2 - khổ cuối: Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về.

- Câu đầu tác giả lặp lại ở khổ thơ thứ nhất: “Câu hát căng buồm với gió khơi”.

=> Khổ thơ cuối giống như điệp khúc của một bài hát, tạo cảm giác tuần hoàn về thời gian, về công việc lao động; nhấn mạnh khí thế tâm trạng của những người dân.

=> Câu hát đưa thuyền đi nay câu hát lại đưa thuyền về. Tiếng hát biểu hiện cho niềm vui của những người đánh cá khi được hưởng thành quả rực rỡ sau một đêm lao động vất vả. Tiếng hát ấy vang lên hùng tráng khi đoàn thuyền đang rẽ sóng trở về.

- Nhân hóa “đoàn thuyền” đang “chạy đua cùng mặt trời”, chạy đua cùng thời gian.

+ Hai tiếng “chạy đua” cho ta thấy những người dân chài mặc dù suốt đêm làm việc không mệt mỏi nhưng sức lực của họ vẫn dồi dào, khí thế của họ vẫn mạnh mẽ.

+ Con người thật xứng đáng với tầm vóc chủ nhân biển cả, vẫn muốn dành thời gian để lao động, để cống hiến. Sau một đêm lao động vất vả, họ vẫn dồi dào năng lượng, cũng giống như đất nước và con người Việt Nam, chìm trong chiến tranh, đạn bom loạn lạc, nhưng khi tổ quốc bước vào thời kì xây dựng, người dân vẫn luôn sẵn sàng tiên phong, đi theo tiếng gọi của Tổ quốc.

- “Mặt trời đội biển nhô màu mới”: nhân hóa.

=> Ánh mặt trời sáng rực, từ từ nhô lên ở phía chân trời xa cảm giác như mặt trời đội biển.

- Hình ảnh “mắt cá huy hoàng”: vừa là thành quả lao động, vừa gợi ra niềm vui, niềm tự hào của những người lao động và cuộc sống mới đầy tốt đẹp đang mở ra trước mắt. Đó là một hình ảnh đầy sáng tạo và lãng mạn.

2.5

* Đánh giá

- Hai khổ thơ toát lên vẻ đẹp của vùng biển quê hương, là niềm vui của con người đã làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc sống.

- Nghệ thuật: cách sử dụng màu sắc, cách vận dụng các thủ pháp nghệ thuật như ẩn dụ, nhân hóa, sử dụng kết cấu đầu cuối tương ứng,...

0.5

d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0.25

e. Sáng tạo : Thể hiện những suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ,…

0.5

Chia sẻ, đánh giá bài viết
2
Sắp xếp theo

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm

    Đề thi vào 10 môn Văn

    Xem thêm