Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Thành Phố Hồ Chí Minh năm học 2020 - 2021 - lần 2

Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Thành Phố Hồ Chí Minh năm 2020

Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Thành Phố Hồ Chí Minh năm học 2020 - 2021 - lần 2 được VnDoc.com sưu tầm và đăng tải. Tài liệu sẽ giúp các bạn học sinh định hướng phương pháp giải các bài tập cụ thể. Ngoài ra việc tham khảo tài liệu còn giúp các bạn học sinh rèn luyện và nâng cao kỹ năng giải đề thi. Mời các bạn cùng tham khảo

Để tiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về giảng dạy và học tập các môn học lớp 9, VnDoc mời các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các bạn học sinh truy cập nhóm riêng dành cho lớp 9 sau: Nhóm Tài liệu học tập lớp 9. Rất mong nhận được sự ủng hộ của các thầy cô và các bạn.

Phần I (4 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

“Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất. Từ cổ chí kim, bao giờ con người cũng là động lực phát triển của lịch sử. Trong thế kỉ tới mà ai ai cũng thừa nhận rằng nền kinh tế tri thức sẽ phát triển mạnh mẽ thì vai trò con người lại càng nổi trội.”

(Ngữ Văn 9, tập II, NXB GD)

Câu 1: Đoạn trích trên trích trong văn bản nào? Đoạn trích thể hiện thái độ của tác giả về vấn đề gì?

Câu 2: Chỉ ra phép lập luận luận trong đoạn văn trên và cho biết hiệu quả của nghệ thuật lập luận đó trong việc thể hiện vấn đề được nói đến?

Câu 3: Viết một đoạn văn (khoảng 1/2 trang giấy thi) trình bày một vài nét nhận thức của bản thân trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay. (Trong đoạn văn có sử dụng thành phần biệt lập, chỉ rõ thành phần biệt lập được sử dụng)

Phần II. (6 điểm)

Đọc kĩ đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu ở dưới

“…Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này cháu không nghĩ như vậy nữa. Vả, khi ta việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất. Còn người thì ai mà chả “thèm” hở bác? Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc? Đấy, cháu tự nói với cháu thế đấy. Bác lái xe đi, về Lai Châu cứ đến đây dừng lại một lát. Không vào giờ “ốp” là cháu chạy xuống chơi, lâu thành lệ. Cháu bỗng dưng tự hỏi: Cái nhớ xe, nhớ người ấy thật ra là cái gì vậy? Nếu là nỗi nhớ phồn hoa đô hội thì xoàng. Cháu ở liền trong trạm hằng tháng. Bác lái xe bao lần dừng, bóp còi toe toe, mặc, cháu gan lì nhất định không xuống. Ấy thế là một hôm, bác lái phải thân hành lên trạm cháu. Cháu nói: “Đấy, bác cũng chẳng “thèm” người là gì?”

(Ngữ văn 9, tập I, NXBGD Việt Nam)

Câu 1: Nêu thông tin về tác giả của đoạn trích trên?

Câu 2: Chỉ ra một vài nét nghệ thuật trong đoạn trích trên? Nêu giá trị biểu đạt của nét nghệ thuật đó?

Câu 3: Theo đoạn văn bản trên, hãy viết một bài văn (khoảng 300 - 400 từ) trình bày suy nghĩ về vẻ đẹp và bài học cuộc sống mà nhân vật người kỹ sư khí tượng thủy văn đã mang lại cho em.

Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Thành Phố Hồ Chí Minh năm 2020

Phần I

Câu 1

Đoạn văn trên trích trong văn bản “Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới” - Tác giả Vũ Khoan

Thái độ của tác về vấn đề: trong những hành trang vào thế kỉ mới thì việc chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất.

Câu 2

- Phép lập luận được sử dụng trong đoạn văn trên là phép lập luận giải thích 0.25đ

- Tác dụng: tác giả dùng phép lập luận giải thích đã thuyết phục được người đọc nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của yếu tố bản thân con người trong việc chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới. Trong bất cứ thời đại nào thì con người luôn là động lực của sự phát triển xã hội. 0.75đ

Câu 3

- Về hình thức: (mỗi ý được 0.25)

+ Hs viết đúng hình thức đoạn văn

+ Có sử dụng thành phần biệt lập và chỉ rõ.

- Về nội dung: HS cần nêu được nhận thức về vấn đề: (mỗi ý được 0,25)

+ Thế hệ trẻ hôm nay cần nhận thấy rõ những điểm yếu và điểm mạnh của con người Việt Nam. Lấp đầy hành trang bằng những điểm mạnh, vứt bỏ những điểm yếu.

+ Không ngừng cố gắng học tập tích lũy tri thức, tiếp cận với nền khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại của các nước trên thế giới.

+ Học đi đôi với hành, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống.

+ Rèn luyện tu dưỡng đạo đức trở thành người có tài và có đức.

+ Rèn kĩ năng sống, kĩ năng giao tiếp, ứng xử...

+ Góp phần xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh hơn

Phần II

Câu 1. Nguyễn Thành Long (1925-1991) quê ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, viết văn từ thời kháng chiến chống Pháp. Ông là cây bút chuyên viết truyện ngắn và kí 0.5 đ

Câu 2.

- Sử dụng hàng loạt các câu nghi vấn (câu hỏi tu từ); sự kết hợp nhiều phương thức biểu đạt tự sự, trữ tình, bình luận, cách kể chuyện hấp dẫn

- Suy nghĩ đúng đắn về công việc và cuộc sống. Trong câu hỏi của anh chứa đựng mục đích lí tưởng sống cao đẹp, sống là phải biết làm việc, biết đóng góp và cống hiến cho quê hương đất nước. Đây chính là sự chuyển biến trong nhận thức của con người lao động mới.

Câu 3.

I. Hình thức và kĩ năng

- Hình thức: Bố cục rõ ràng, chữ viết rõ ràng, không sai chính tả, đúng văn phạm.

- Kĩ năng:

+ Đúng kiểu bài nghị luận về nhân vật văn học

+ Hệ thống luận điểm chặt chẽ, luận cứ xác đáng, phù hợp

II. Nội dung, kiến thức

1. Giới thiệu được những nét tiêu biểu về tác giả Nguyễn Thành Long và tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa

- Trình bày được cảm nhận của bản thân về nhân vật anh thanh niên - một nhân vật để lại ấn tượng sâu sắc về lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm cao với công việc, cởi mở chân thành hiếu khách

2. Giới thiệu nội dung, vị trí đoạn truyện:

- Giới thiệu vị trí đoạn văn bản trong sự phát triển của cốt truyện: Sau khi đón khách ở chân núi, đưa khách lên thăm nơi ở và làm việc, sau khi cắt hoa tặng cô kĩ sư trẻ, anh thanh niên cùng khách quay vào uống trà và anh chia sẻ những suy nghĩ của mình về công việc của anh.

- Đoạn trích cho thấy công việc của người kỹ sư rất phức tạp đồng thời hoàn cảnh làm việc của anh đặc biệt khó khăn nguy hiểm nhưng anh rất yêu nghề, có suy nghĩ đúng đắn về công việc và cuộc sống.

3. Đoạn trích cho thấy những phẩm chất tốt đẹp của nhân vật:

- Anh thanh niên là người yêu nghề, có suy nghĩ đúng đắn về công việc và cuộc sống:

+ Suy nghĩ thật đúng đắn về công việc (DC)

+ Anh hiểu rõ công việc của mình có liên quan đến mọi người (DC)

+ Anh nhận ra công việc của mình là mắt xích quan trọng trong công việc của mọi người ( DC)

+ Anh luôn tự ý thức về trách nhiệm của bản thân với cuộc sống chung của đất nước ( DC)

+ Đây là một quan niệm sống đẹp: Sống là cống hiến, là hy sinh hiến dâng trọn tuổi thanh xuân cho đất nước với mục đích lý tưởng cao đẹp.

+ Liên hệ

+ Tinh thần tận tụy và can đảm khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ

- Sự cởi mở, chân thành , quý trọng tình cảm với mọi người

- Suy nghĩ về vẻ đẹp và bài học cuộc sống từ hình tượng nhân vật: có thể tùy theo ý cá nhân nhưng phải sát nội dung trên. 2.0đ

4. Đánh giá 0.5đ

* Đánh giá về nhân vật, truyện

- Đoạn truyện đã xây dựng thành công nhân vật anh thanh niên với những nét đẹp tỏa sáng từ tâm hồn, từ ý nghĩ công việc, từ cách sống cách suy nghĩ cách biểu lộ tình cảm của anh với mọi người thật trong sáng đẹp đẽ. Anh chính là vẻ đẹp của con người lao động mới ngày đêm miệt mài thầm lặng cống hiến hết mình cho đất nước.

- Liên hệ tác phẩm văn thơ khác.

- Đánh giá nghệ thuật:

+ Xây dựng cuộc gặp gỡ bất ngờ, tự nhiên mà hợp lý, cách miêu tả suy nghĩ, lời nói hấp dẫn, đoạn trích thẫm đẫm chất thơ.

+ Đoạn trích có sự kết hợp giữa tự sự, trữ tình, bình luận.

d/ Sáng tạo: học sinh có những phát hiện mới nhưng hợp lý trong sự cảm nhận thì thưởng 0,5 điểm nếu bài làm chưa được điểm tối đa.

Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Thành Phố Hồ Chí Minh năm học 2020 - 2021 - lần 2 được VnDoc chia sẻ trên đây với 2 phần câu hỏi, giúp các bạn học sinh có thêm tài liệu ôn tập chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Ngoài đề thi minh họa của Thành Phố Hồ Chí Minh các bạn tham khảo các đề của các tỉnh khác nữa nhé

.............................................

Ngoài Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Thành Phố Hồ Chí Minh năm học 2020 - 2021 - lần 2. Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo các đề thi học kì 2 lớp 9 các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề Thi vào lớp 10 năm 2024 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn ôn thi tốt

Đánh giá bài viết
1 2.666
Sắp xếp theo

    Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn

    Xem thêm