Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định 2021 (đề chuyên)

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định 2021 (đề chuyên) được VnDoc chia sẻ dưới đây là tài liệu khá hay cho các bạn học sinh ôn tập, chuẩn bị cho kì thi vào lớp 10 THP sắp tới

1. Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Chuyên Lê Hồng Phong năm 2021

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

NAM ĐỊNH

ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10

TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ HỒNG PHONG

NĂM HỌC 2021 - 2022

Môn thi: Ngữ văn (chuyên)

Thời gian làm bài: 150 phút

(Đề thi gồm 02 trang)

Phần I. Đọc - hiểu văn bản (2,5 điểm)

Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu:

Tôi đã được gì? Tôi đã được trở thành người có ích. Nhưng không phải chỉ đơn thuần là một người dân có ích. Tôi đã cùng các thi sĩ tiền chiến khác, và hàng bao thi sĩ trẻ xuất hiện về sau, là một người cầm bút có ích, làm thơ có ích. Tôi yêu Baudelaire từ bé, yêu tác giả Ác hoa (Fleurs du mal), từ tuổi hoa niên cho đến bây giờ, nhưng mãi sau khi vào Đảng tôi mới hiểu ông. Baudelaire viết, và câu này Aragon trích lại trong khi đề tựa cho Eluard;

“Vĩ đại thay là sứ mệnh thi ca. Trong ngục tối, thơ trở thành quật khởi, bên cửa số bệnh viện, thơ là khao khát và hi vọng lành bệnh. Thơ không phải chi nhìn nhận mà còn tu sửa. Ở mọi nơi, thơ phủ nhận bất công. Hỡi nhà thơ thiên sứ, hãy cất lời ca và đi tới tương lai. Lời ca của người là phản ánh niềm tin và hi vọng của nhân dân”

Tôi tưởng tôi đánh mất Baudelaire với cách mạng rồi không ngờ tôi lại được lại ông như thế đó. Được lại Verlaine vì ông là trưởng ban kiểm duyệt của Ba Lê Công xã, sau này tôi mới hay. Được Rimbaud, ông không chỉ là kẻ lái “Con thuyền say", ông là một chiến sĩ công xã đấy. Được lại Nguyễn Du, vì khi Đảng kỉ niệm hai trăm năm ngày mất của ông, tôi mới đánh giá hết giá trị nhân đạo của Truyện Kiều". So với "Bất tri tam bách du niên hậu” thì nhanh được một trăm năm trời đấy.

(Trich Mất nỗi đau riêng và được cái vui chung - Tập tiểu luận Từ gác Khuê văn đến quán Trung tân, Chế Lan Viên, tr 34-35, NXB Tác phẩm mới, 1981)

Câu 1. Ghi lại tên tác giả của Ác hoa và tác giả của Truyện Kiều.

Câu 2. Theo người viết, nhân vật xung tôi đã được gì, khi gắn bó với Đảng, với cách mạng và nhân dân?

Câu 3. Các cụm từ, câu văn: “bên cửa sổ bệnh viện, thơ là khao khát và hi vọng lành bệnh": "thơ phủ nhận bất công", thể hiện sứ mệnh nào của thơ ca?

Câu 4. Nếu chọn “Trong ngục tối, thơ trở thành quật khởi" vào vận dụng, anh/chị sẽ liên hệ mở rộng cho “Có những phút ngã lỏng/ Tôi vịn vào câu thơ mà đứng dậy" (Phùng Quán) hay "Sắc đẹp câu thơ cũng phải đấu tranh cho chân lí" (Chế Lan Viên)? Vì sao?

Phần II. Tập làm văn (7,5 điểm)

Câu 1

Anh/Chị sẽ: Nói lời riêng hay mượn lời kẻ khác?

Qua việc đọc các trích dẫn mà người viết đã sử dụng ở Phần Đọc hiểu và từ trải nghiệm giao tiếp của bản thân, anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 400 chữ), trình bày quan điểm của mình về vấn đề trên.

Câu 2.

Thơ không phải chỉ nhìn nhận mà còn tu sửa.

Anh/Chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm rõ sự nhìn nhận và tu sửa của thơ ca đối với con người và cuộc sống, đã được chuyên chở trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận (Ngữ Văn 9, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018).

2. Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Chuyên Lê Hồng Phong năm 2021

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

Tác giả của Ác hoa là Baudelaire.

Tác giả của Truyện Kiều là Nguyễn Du.

Câu 2:

Khi gắn bó với Đảng, cách mạng và nhân dân, nhân vật xưng tôi đã trở thành một người có ích; cùng với các thi sĩ là một người cầm bút có ích; không chỉ vậy, nhân vật tôi hiểu sâu sắc hơn về thơ Baudelaire và Nguyễn Du, hiểu ra sứ mệnh của thi ca.

Câu 3:

Các cụm từ “bên của sổ bệnh viện, thơ là khao khát và hi vọng lành bệnh”, “thơ phủ nhận bất công” thể hiện sứ mệnh của thơ ca là phản ánh và đồng thời nuôi dưỡng niềm tin và hi vọng cho con người, những điều tốt lành đẹp đẽ trong thơ ca không chỉ giúp người ta nhìn nhận cuộc sống mà còn tu sửa chính mình, hướng tới tương lai tươi đẹp và sống có ý nghĩa hơn, tích cực hơn.

Câu 4:

“Trong ngục tối, thơ trở thành quật khởi”. HS có thể đưa ra lựa chọn và kiến giải cá nhân, đảm bảo kiến giải logic và hợp lý. Dưới đây là một số gợi ý:

- Chọn liên hệ mở rộng cho “Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn vào câu thơ mà đứng dậy” (Phùng Quán) vì cả hai câu đều có nét tương đồng khi nói tới sứ mệnh của thơ ca:

+ “quật khởi” nghĩa là vùng dậy đấu tranh với khí thế mạnh mẽ, khi nói “Trong ngục tối, thơ trở thành quật khởi” nghĩa là thơ truyền cho người ta niềm tin và sức mạnh để vùng lên.

+ Ở đây “ngục tối” chính là hình ảnh ẩn dụ cho “những phút ngã lòng” và việc “vịn vào câu thơ mà đứng dậy” cũng giống với việc thơ truyền cho người ta hi vọng cùng sức mạnh chiến đấu (thơ trở thành quật khởi), vùng lên đấu tranh giành lại ánh sáng tự do.

- Chọn liên hệ mở rộng cho “Sắc đẹp câu thơ cũng phải đấu tranh cho chân lí” (Chế Lan Viên) vì cả hai câu đều có nét tương đồng khi nói tới sứ mệnh của thơ ca:

+ “Sắc đẹp câu thơ” đại diện cho những đặc sắc nghệ thuật và vẻ đẹp trong tâm hồn con người, cái đẹp ấy luôn phải gắn liền với thực tại bên lề cuộc sống, phải “đấu tranh cho chân lí”. Bởi nghệ thuật không chỉ đơn thuần vị nghệ thuật mà phải vị nhân sinh, nên thơ ca phải đấu tranh cho cuộc sống phũ phàng được hé lộ thông qua một lối thoát đầy tính nhân đạo của mỗi người cầm viết.

+ Nói thơ phải gắn liền với hiện thực, phải đấu tranh cho chân lí cũng giống như việc “thơ trở thành quật khởi”, những tác giả đóng vai trò là “người thư ký trung thành của thời đại” không chỉ phản ánh đúng hiện thực trong tác phẩm thơ ca của mình mà phải đặt vào đó niềm tin, hi vọng, phải truyền cho nó ngồn ngộn lửa sống để nó có thể “đấu tranh cho chân lí”, để “trở thành quật khởi” hay chính là tiếp thêm cho con người sức mạnh và can đảm để bước tiếp đến ngày mai tươi sáng, chiến đấu hết mình dẹp bỏ bóng tối ngục tù, giành lại tự do, khẳng định chân lí.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

1. Mở đoạn

- Trên mặt đất này, con người chính là loài thông minh nhất, thống trị muôn loài.

- Con người có vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ sắc sảo. Họ còn có phương tiện giao tiếp quý giá là lời ăn tiếng nói.

- Vậy cần nói lời riêng hay mượn lời kẻ khác?

2. Thân đoạn

a. Giải thích:

- Nói lời riêng: Nói lời cá nhân (từ mình). Nói lời độc đáo (đặc sắc của riêng mình)

- Mượn lời kẻ khác: không phải lời nói của mình.

=> Khẳng định: Cân phải nói lời riêng của mình (tâm tư riêng, cách nói riêng độc đáo…)

=> Thơ xuất phát từ tiếng nói riêng (tâm tư riêng, cách nói riêng độc đáo…) của người nghệ sĩ nhưng có thể nói được tiếng lòng chung của con người, có sức gợi sâu xa tới triệu tâm hồn (đi từ chân trời của một người đến chân trời của tất cả)

b. Bình luận

Cần phải nói lời riêng:

- Tình điệu riêng: Tình cảm cảm xúc luôn xuất phát từ cá nhân, lọc qua lăng kính tâm hồn cá nhân của mỗi người

Dẫn chứng: Trước khi trở thành tiếng nói chung nó phải là tiếng nói tâm hồn của cá nhân người nghệ sĩ (xuất phát từ cảnh ngộ, tâm tư, nỗi lòng riêng sâu kín, luôn ở ngôi thứ nhất của tâm hồn), kể cả sáng tác dân gian. Vì thế, tình cảm cảm xúc trong thơ luôn có tính cá nhân, cá thể hóa cao độ.

- Cách nói riêng: Mỗi người có một góc nhìn, quan điểm riêng, ý kiến riêng và không ai giống ai.

* Dẫn chứng: Xuất phát từ tiếp nhận thơ : Thường hướng tới sự đồng cảm, đồng điệu (lấy hồn ta hiểu hồn người) và nhu cầu khám phá nét riêng độc đáo (một cách nhìn, một cách cảm…)

c. Giá trị, ý nghĩa của lời nói riêng:

- Giúp con người hiểu nhau.

- Đem lại hiệu quả cao trong làm việc, học tập, sáng tạo.

- Lời nói riêng có sức mạnh lớn lao trong mọi hoàn cảnh.

d. Bài học cho mỗi người:

- Phải học tập và am hiểu về cách sử dụng ngôn ngữ đặc biệt không mượn lời riêng của người khác như thế sẽ làm mất đi giá trị của bản thân.

- Rèn luyện nhân cách, phẩm chất tốt đề có cách ứng xử khéo léo, đặc biệt là khi dùng lời nói cá nhân để giao tiếp.

3. Kết đoạn

- Khẳng định giá trị và ý nghĩa lời nói riêng.

- Phát huy giá trị của tiếng Việt!

Câu 2:

1. Mở bài

- Giới thiệu về ý kiến: Thơ không phải chỉ nhìn nhận mà còn tu sửa.

- Giới thiệu về tác giả Huy Cận và tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá”

2. Thân bài

a. Giải thích

- Thơ: thể loại văn học trữ tình đề cao cảm xúc

- Nhìn nhận hiện thực: phản ánh hiện thực đang có

- Tu sửa hiện thực: cách nói ẩn dụ, văn chương nói chung và thơ ca nói riêng không sao chép, chụp lại, mô phỏng hiện thực mà còn sáng tạo hiện thực theo “cái nhìn” của riêng người nghệ sĩ bao gồm hiện thực bề sâu và hiện thực tâm trạng -> hiện thực cần có.

=> Câu nói khẳng định đặc trưng phản ánh của thơ ca -> đề cao tính chủ thể sáng tạo, cái nhìn riêng độc đáo của người nghệ sĩ.

b. Bàn luận

* Vì sao thơ không chỉ nhìn nhận mà còn tu sửa: - Dựa vào đặc trưng phản ánh hiện thực của văn học

- Dựa vào đặc trưng của thể loại thơ là đề cao tính cảm xúc, tính chủ quan

* Thơ tu sửa như thế nào?

- Năng lực của ngôn ngữ thơ:

+ Khiến cho hiện thực trở nên lãng mạn, bay bổng hơn

+ Hiện thực đa chiều, quen mà lạ với góc nhìn thú vị: chiều sâu của hiện thực cuộc sống - Cái nhìn của nhà thơ: có tính dự báo, chứa niềm tin tích cực,…

c. Phân tích, chứng minh:

* Về Huy Cận và tác phẩm:

- Huy Cận là nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới. Sau CM thơ Huy Cận tràn đầy niềm vui, niềm tin yêu cuộc sống mới.

- Thiên nhiên vũ trụ là nguồn cảm hứng dồi dào trong thơ Huy Cận và nó mang những nét đẹp riêng.

- Đoàn thuyền đánh cá: kết quả của chuyến đi thực tế, ca ngợi con người lao động mới trên hai đặc điểm: tinh thần làm chủ và tràn đầy niềm vui ( đây là luồng gió mới trong phong cách sáng tác thời kì miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa).

* Phân tích:

- Hiện thực: Công việc đánh cá vào ban đêm nhọc nhằn, vất vả, nhiều rủi ro -> Trước cách mạng: sự cô đơn tội nghiệp của con người trước thiên nhiên.

- Tu sửa hiện thực:

+ Hành trình đoàn thuyền đánh cá đi vào trong đêm tối đem lại bình minh cho vùng biển

+ Con người lao động hăng say, hòa mình vào với thiên nhiên, thiên nhiên như người bạn tri kỷ -> hình ảnh đẹp, say mê, lãng mạn

+ Khúc ca: ca ngợi thiên nhiên giàu đẹp + ca ngợi con người -> nhịp điệu thơ

+ Niềm vui, niềm tự hào phơi phới về cuộc đời: đặc biệt thể hiện qua niềm tin ở con người

- Đặt trong sự so sánh với quá trình thơ trước năm 1945 của Huy Cận

- Lí giải: thời đại mới mang đến cái nhìn mới, cảm hứng mới

3. Kết bài

- Khẳng định lại ý kiến, khái quát về vẻ đẹp của bài thơ và tài năng của Huy Cận.

- Nêu suy nghĩ của bản thân

Ngoài ra, VnDoc.com đã thành lập group chia sẻ tài liệu học tập THCS miễn phí trên Facebook: Tài liệu học tập lớp 10. Mời các bạn học sinh tham gia nhóm, để có thể nhận được những tài liệu mới nhất, giúp việc làm quen với môi trường học tập THPT, lớp 10 trở nên dễ dàng hơn. Hãy vào nhóm để nhận tài liệu học tập và nhận giải đáp thắc mắc các môn học nhé.

Để ôn tập và chuẩn bị tốt hơn cho kì thi vào lớp 10 các bạn tham khảo đề thi vào lớp 10 của các tỉnh khác nhé

.............................................

Ngoài Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định 2021 (đề chuyên). Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo các đề thi học kì 2 lớp 9 các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề Thi vào lớp 10 năm 2024 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn ôn thi tốt

Đánh giá bài viết
1 1.851
Sắp xếp theo

    Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn

    Xem thêm