Đề thi tham khảo vào lớp 10 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Bắc Ninh năm học 2020 - 2021
Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Bắc Ninh năm 2020
VnDoc xin giới thiệu Đề thi tham khảo vào lớp 10 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Bắc Ninh năm học 2020 - 2021. Nội dung đề thi gồm có 2 phần câu hỏi, đề thi gồm 01 trang. Với tổng thời gian học sinh làm bài thi là 120 phút, sẽ giúp ích cho các bạn học sinh ôn tập thử sức với các đề thi khác nhau. Sau đây là nội dung đề thi mời các bạn tham khảo
Để tiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về giảng dạy và học tập các môn học lớp 9, VnDoc mời các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các bạn học sinh truy cập nhóm riêng dành cho lớp 9 sau: Nhóm Tài liệu học tập lớp 9. Rất mong nhận được sự ủng hộ của các thầy cô và các bạn.
UBND TỈNH BẮC NINH SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỀ THAM KHẢO | KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2020-2021 Môn: Ngữ văn Thời gian: 120 phút, không kể thời gian phát đề |
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
...“Tiếng kêu của nó như tiếng xẻ, xẻ sự im lặng và xẻ cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng "ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó"..
(Ngữ văn 9, Tập một)
1. Đoạn văn trên trích tử văn bản nào? Tác giả là ai?
2. Nêu ngắn gọn hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung nghệ thuật của tác phẩm?
3. Xác định pháp liên kết được sử dụng trong đoạn văn.
4. Chỉ ra và nêu tác dụng của phép tu từ so sánh trong đoạn văn.
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 từ) bàn về ý nghĩa của tinh thần lạc quan đối với cuộc sống của mỗi người.
Câu 2. (5,0 điểm) Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:
Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.
Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé,
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.
Ta hát bài ca gọi cá vào,
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao,
Biển cho ta cá như lòng mẹ,
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.
Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng,
Vảy bạc đuôi vàng loé rạng đông,
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.
(Đoàn thuyền đánh cá- Huy Cận, Ngữ văn 9 tập 1,
NXB Giáo dục 2013, trang 140)
Đáp án đề tham khảo tuyển sinh vào 10 môn Văn - Bắc Ninh năm 2020
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. Đoạn văn trên trích tử văn bản Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng
2.
- Hoàn cảnh sáng tác bài Chiếc lược ngà: được viết năm 1966, tại chiến trường Nam Bộ trong thời kì kháng chiến chống Mĩ và được đưa vào tập truyện cùng tên.
- Giá trị nội dung nghệ thuật của tác phẩm:
+ Giá trị nội dung: Truyện ngắn Chiếc lược ngà nói về tình cảm gia đình đặc biệt là tình cha con sâu nặng cao đẹp trong hoàn cảnh chiến tranh éo le.
+ Giá trị nghệ thuật: Truyện ngắn Chiếc lược ngà kể theo điểm nhìn của bác Ba giúp tăng tính khách quan.Truyện thành công trong việc tạo dựng tình huống bất ngờ, tự nhiên và hợp lí, thành công nữa là miêu tả tâm lí nhân vật sâu sắc qua suy nghĩ, hành động và lời nói.
3. Phép liên kết được sử dụng trong đoạn văn: từ "đó" trong câu thứ 2 thế cho "tiếng kêu của nó"
4.
Phép tu từ so sánh:
- Tiếng kêu của nó như tiếng xé => Diễn tả tiếng kêu thất thanh, chất chứa yêu thương mà bé Thu dành cho ba mình.
- nhanh như một con sóc... => Tả hành động của bé Thu rất nhanh.
=> Tác giả thể hiện rõ nét khi bà lần đầu tiên bé thu gọi một tiếng ba - vừa thể hiện tình yêu và nỗi mong nhớ suốt bao năm trời bị dồn nén nhưng cũng là một sự dũng cảm, mạnh mẽ của chính cô bé và trong đó có cả cả sự hối hận.
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm) Viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 từ) bàn về ý nghĩa của tinh thần lạc quan đối với cuộc sống của mỗi người.
*Giới thiệu vấn đề nghị luận: ý nghĩa của tinh thần lạc quan đối với cuộc sống của mỗi người.
*Bàn luận về tinh thần lạc quan
Giải thích: Lạc quan là gì?
- Lạc quan là một trong thái độ sống tích cực.
- Lạc quan là trạng thái của con người trong bất kì sự việc, hoạt động nào đều vui tươi, thoải mái.
Biểu hiện của tinh thần lạc quan
- Luôn tươi cười dù có chuyện gì xảy ra
- Luôn yêu đời, hướng về phía trước
- Luôn bình tĩnh xử lí mọi tình huống dù có chuyện gì xảy ra
Ý nghĩa của tinh thần lạc quan đối với cuộc sống của mỗi người
- Lạc quan sẽ tạo nên cuộc sống tươi đẹp cho tất cả mọi người
- Giúp chúng ta biết sống một cách có ý nghĩa hơn
- Giúp con người tránh khỏi những hiểm họa trong cuộc sống
- Những người lạc quan thường thành công trong cuộc sống và công việc
Một số tấm gương về tinh thần lạc quan
- Bác Hồ ở trong tù vẫn có thể sáng tác thơ, ngắm trăng
- Các bệnh nhân ung thư vẫn lạc quan để chiến đấu bệnh tật để giành giật sự sống
- Các em bé mồ côi vẫn lạc quan sống để mong ngày gặp lại cha mẹ của mình
Phản đề: Bên cạnh đó nó còn có những tác động xấu khi con người có tinh thần lạc quan thái quá.
*Kết thúc vấn đề: Nêu cảm nghĩ của em về tinh thần lạc quan: Đây là một tinh thần rất tốt, giúp con người vượt qua số phận.
Câu 2. (5,0 điểm)
Cảm nhận của em về đoạn thơ trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá:
Mở bài:
- Giới thiệu ngắn gọn về bài thơ Đoạn thuyền đánh cá và tác giả Huy Cận.
- Trích dẫn được đoạn thơ: Đó là vẻ đẹp và mối giao hòa giữa con người và thiên nhiên trên cái nền lộng lẫy, tráng lệ của vũ trụ biển cả.
Thân bài:
Huy Cận đã phóng bút tái hiện vẻ đẹp của cảnh đánh cá trên biển trong đêm trăng với niềm vui phấn khởi của con người lao động thật hào hùng, mạnh mẽ và đầy chất thơ, chất họa:
Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng
Dưới sự hình dung và tưởng tượng bay bổng, hình ảnh con thuyền đánh cá hiện lên thật đẹp, thật độc đáo, mang tầm vóc vũ trụ: người lái thì là gió trời; cánh buồm thì là vầng trăng và con thuyền đang bay giữa không trung (lướt giữa mây cao), như có thể chạm vào mây trời. Nó khác hẳn với con thuyền cô đơn, nhỏ bé, lạc lõng giữa không cùng trời đất mênh mang trong bài thơ "Tràng Giang" trước cách mạng:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Còn ở đây, con thuyền không hề nhỏ bé, đơn độc mà lại rất lớn lao, như vươn tới sao trời trước biển rộng bao la. Bức tranh không gian của biển cả được mở rộng ra ba chiều: chiều cao của mây, chiều sâu của bụng biển và chiều rộng của biển khơi có tác dụng tôn thêm tầm vóc lớn lao của con thuyền và con người lao động. Các động từ được sử dụng dày đặc: “lái - lướt - đậu - dò - dàn đan - vây giăng” có tác dụng diễn tả hành động đánh cá rất nhanh, rất khẩn trương của những đoàn thuyền đánh cá trên biển. Hình ảnh: “dàn đan thế trận” là một hình ảnh ẩn dụ cho hành động đánh cá của ngư dân. Đánh cá nhưng cũng cần phải bày binh bố trận, có chiến thuật, chiến lược thì mới có thể bắt được nhiều tôm cá. Chính vì thế, họ đã đưa con thuyền tiến ra tận khơi xa, dò bụng biển để tìm được nguồn cá lớn. Và những con thuyền hiện lên như là những con tuấn mã, băng băng lướt qua sóng đèo, chinh phục tự nhiên. Ngư dân thì làm việc với tinh thần dũng cảm, hăng say và trí tuệ nghề nghiệp với một tâm hồn phơi phới của người làm chủ thiên nhiên, vũ trụ.
Đặc biệt, hình ảnh người lao động hiện lên thật sống động, trở thành trung tâm của bức tranh thiên nhiên với những nét phác họa tạo hình đầy góc cạnh, gân guốc, khỏe khoắn trong cảnh kéo lưới khi trời bắt đầu sáng:
Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng,
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.
Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.
"Sao mờ" là khoảng thời gian chuẩn bị trời đã bắt đầu rạng sáng, đó cũng chính lúc công việc của người ngư dân càng trở nên khẩn trương, mau lẹ để kéo lưới cho kịp trời sáng. Cảnh lao động hiện lên như một bức tranh sống động, với những nét tạo hình đầy khỏe khắn, gân guốc với hình ảnh trung tâm là con người lao động. Cụm từ “kéo xoăn tay” không chỉ cho thấy những mẻ cá bội thu, nặng trĩu mà đây còn là một nét vẽ tạo hình với những bắp thịt săn chắc của những chàng thanh niên ngư dân cuồn cuộn nổi lên để kéo cá vào khoang thuyền. Từ đó khiến ta chợt nhớ tới câu thơ của nhà thơ Tế Hanh trong bài thơ “Quê hương” khi cũng viết về dân chài lưới quê mình:
Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm.
Ánh nắng hồng của bình minh hòa cùng với sắc màu của cá: “bạc”, “vàng” có tác dụng tô đậm thêm sự giàu có và quí giá “rừng vàng bể bảng” của biển cả mà thiên nhiên ban tặng cho con người. "Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng” gợi tả công việc nhịp nhàng của ngư dân với sự vận hành của vũ trụ. Khi lưới xếp lên khoang cũng là lúc đoàn thuyền trở về đón ánh bình minh, kết thúc một ngày lao động vất vả, mệt nhọc. Hình ảnh “nắng hồng” ở cuối khổ thơ biểu tượng cho niềm vui, niềm lạc quan tin tưởng của người lao động trước thành quả mà họ đã gặt hái được. Và người ngư dân như càng thấm thía hơn niềm vui và sự biết ơn đối với người mẹ biển khơi:
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.
Nghệ thuật so sánh và nhân hóa vừa cho thấy được tình cảm bao la, vĩ đại, cao cả của người mẹ biển cả tự nhiên; lại vừa bộc lộ niềm biết ơn sâu sắc của con người ngư dân đối với người mẹ thiên nhiên, vũ trụ.
Bài ca lao động khép lại trong khổ thơ cuối với hình ảnh đoàn thuyền trở về trong thắng lợi lúc bình minh lên. Lúc này, con người lao động trở nên hài hòa cùng với vũ trụ thiên nhiên: phấn khởi, hồ hởi trong niềm vui chiến thắng sau một đêm kéo lưới vất vả:
Câu hát căng buồm cùng gió khơi
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời
Mặt trời đội biển nhô màu mới
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.
Nếu tiếng hát mở đầu khi ra khơi là tiếng hát biểu trưng cho tinh thần lạc quan, niềm hi vọng, tin tưởng để rồi khi trở về sẽ bắt được nhiều cá tôm, làm giàu cho tổ quốc thân yêu thì câu hát ở cuối bài thơ lại biểu tượng cho niềm vui sướng, hạnh phúc trước thành quả lao động mà họ đã gặt hái được sau một đêm kéo lưới vất vả.
Hình ảnh mặt trời cũng là hình ảnh được lặp lại khi mở đầu và kết thúc bài thơ. Mở đầu là hình ảnh mặt trời xuống biển, kết thúc bài thơ lại là mặt trời đội biển giữa muôn trùng sóng nước. Điều đó gợi nên sự vận động của thời gian và công việc lao động của con người đã hoàn tất. Tuy nhiên, sắc thái ý nghĩa qua mỗi lần hình ảnh "mặt trời" xuất hiện lại khác nhau. Nếu như hình ảnh mặt trời ở khổ đầu báo hiệu thời khắc của ngày tàn, đêm xuống và công việc lao động của người ngư dân bắt đầu mở ra thì "mặt trời" ở khổ cuối lại báo hiệu thời khắc của một ngày mới bình minh, biểu tượng cho ánh sáng mới, cuộc sống mới, chan chứa niềm vui, hạnh phúc của con người sau chuyến hành trình lao động nhọc nhằn, gian khó, hiểm nguy.
Trong bức tranh ấy, con người ngư dân xuất hiện trong tư thế sánh ngang với mặt trời, với thiên nhiên, vũ trụ: “Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”. Từ "với", "cùng" đã diễn tả sự hài hòa cân đối giữa thiên nhiên và con người lao động. Nếu trong thơ xưa, con người thường chìm khuất trước thiên nhiên thì nay, dưới cái nhìn của người chiến sĩ cách mạng trong thời đại mới, con người hiện lên thật tự tin, mạnh mẽ trong tư thế “chạy đua” với vũ trụ, trời đất. Và sự thực thì con người đã chiến thắng. Bởi khi mặt trời lóe rạng đông thì cũng là lúc đoàn thuyền đã trở về bến đỗ. Ánh mặt trời đã điểm tô cho thành quả lao động thêm rực rỡ. Mặt trời chiếu rọi vào những mắt cá khiến muôn mắt cá như muôn mặt trời tỏa ánh huy hoàng.
*Nghệ thuật đặc sắc và nổi bật:
- Cả bài thơ được dệt bằng nhiều hình ảnh đẹp, đa dạng, rộng lớn và tinh tế với nhiều màu sắc.
- Nhà thơ đã sáng tạo hình ảnh từ sự quan sát, cảm nhận chính xác về sự vật kết hợp với sự liên tưởng và trí tưởng tượng mạnh bạo cùng với cảm hứng lãng mạn bay bổng.
- Sự tài tình trong việc vận dụng các phương thức nghệ thuật để xây dựng hình ảnh trong bài thơ:so sánh và ẩn dụ, tượng trưng, thêm vào đó là lối phóng đại, khoa trương đã đạt được hiệu quả thẩm mĩ và tạo được dấu ấn riêng cho thi phẩm.
- Các yếu tố như lời thơ, nhịp điệu, vần... cũng tạo nên âm hưởng giọng điệu khỏe khoắn, tơi vui, mạnh mẽ... góp phần làm nên một bức tranh lao động thật đẹp, thật sống động.
Kết bài:
- Với cảm hứng lãng mạn bay bổng, nhà thơ đã phác họa thành công hình ảnh người lao động với niềm vui phấn khởi của họ trong cuộc sống mới.
- Giúp người đọc nhìn thấy một bản tráng ca anh hùng lao động tuyệt vời, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động, bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ trước sự hồi sinh của đất nước và cuộc sống mới trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc Việt Nam trong những năm đầu lịch sử.
Đề thi tham khảo vào lớp 10 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Bắc Ninh năm học 2020 - 2021 được VnDoc chia sẻ trên đây với 2 phần câu hỏi, giúp các bạn học sinh có thêm tài liệu ôn tập chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Ngoài đề thi minh họa của Sở GD&ĐT Bắc Ninh các bạn tham khảo các đề của các tỉnh khác nữa nhé
- Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn Phòng GD&ĐT huyện Phú Xuyên năm học 2020 - 2021
- Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An, Thái Nguyên năm học 2020 - 2021
- Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Hưng Yên năm học 2020 - 2021 (lần 2)
- Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn Trường THPT Chuyên Amsterdam năm học 2020 - 2021
- Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn Trường THCS Quỳnh Lộc, Hoàng Mai năm học 2020 - 2021
- Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn Trường THCS Văn Tự, Hà Nội năm học 2020 - 2021
- Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn Trường Sở GD&ĐT Ninh Bình năm học 2020 - 2021
.............................................
Ngoài Đề thi tham khảo vào lớp 10 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Bắc Ninh năm học 2020 - 2021. Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo các đề thi học kì 2 lớp 9 các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề Thi vào lớp 10 năm 2024 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn ôn thi tốt