Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn 2024 - Đề 1

Đề thi thử vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Đề 1

Đề thi thử vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Đề 1 gồm hai phần Đọc hiểu và Làm Văn, có hướng dẫn giải chi tiết giúp các bạn học sinh ôn tập, làm quen với nhiều dạng đề khác nhau, chuẩn bị cho kì thi vào lớp 10 sắp tới đạt kết quả cao.

Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc, nghiêm cấm hành vi sao chép với mục đích thương mại.

ĐỀ THI THỬ VÀO 10 THPT
Môn: Ngữ văn
Thời gian làm bài: 120 phút không kể thời gian phát đề

Phần I (3.0 điểm)
Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu

NHỮNG ĐỨA TRẺ BẢN MÂY

Những đứa trẻ lớn trên lưng trâu
giọng nói trưởng thành như nứa vỡ
ước mơ được bay cao hơn chim
và lớn hơn cây cổ thụ

Những đứa trẻ tóc mọc trong mây
bước chân làm đau đá sỏi
khúc đồng dao đếm tuổi
suối ru hồn trong veo

Những đứa trẻ lớn trong màu xanh
có ánh mắt thấu đại ngàn
có đôi tai lắng trăm ngàn núi
và nụ cười vỡ ánh hoàng hôn.

Cứ lớn lên
lớn lên
những đứa trẻ khát khao bầu trời mới
                                                                                                        (Ngô Bá Hòa)

Câu 1 (0.5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính của bài thơ.

Câu 2 (0.75 điểm): Em có nhận xét gì về đặc điểm hình thức của bài thơ. Đặc điểm đó gợi cho em nhớ đến bài thơ nào, của tác giả nào đã học trong chương trình Ngữ văn lớp 9?

Câu 3 (0.75 điểm): Theo em, nhà thơ muốn gửi gắm thông điệp gì đến với người đọc?

Câu 4 (1.0 điểm): Cảm nhận của em về hình ảnh những đứa trẻ được tác giả khắc họa trong bài thơ.

Phần II (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm): Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của em về sự tác động của thế giới bên ngoài đối với con người.

Câu 2 (5.0 điểm): Phân tích sự thay đổi tâm trạng của bé Thu qua đoạn trích sau:

(...) Trong bữa cơm đó, anh Sáu gắp một cái trứng cá to vàng để vào chén nó. Nó liền lấy đũa xoi vào chén, để đó rồi bất thần hất cái trứng ra, cơm văng tung tóe cả mâm. Giận quá và không kịp suy nghĩ, anh vung tay đánh vào mông nó và hét lên:

- Sao mày cứng đầu quá vậy hả?

Tôi tưởng con bé sẽ lăn ra khóc, sẽ giẫy, sẽ đạp đổ cả mâm cơm, hoặc sẽ chạy vụt đi. Nhưng không, nó ngồi im, đầu cúi gằm xuống. Nghĩ thế nào mà nó cầm đũa, gắp lại cái trứng cá để vào chén rồi lặng lẽ đứng dậy, bước ra khỏi mâm. Xuống bến, nó nhảy xuống xuồng, mở lòi tói cố làm cho dây lòi tói khua rổn rảng, khua thật to, rồi lấy đầm bơi qua sông. Nó sang qua nhà nhà ngoại, mét với ngoại và khóc ở bên ấy. Chiều đó, mẹ nó sang dỗ dành mấy nó cũng không về.

Và:

(….) Trong lúc đó, nó vẫn ôm chặt lấy ba nó. Không ghìm được xúc động và không muốn cho con thấy mình khóc, anh Sáu một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt, rồi hôn lên mái tóc con:

- Ba đi rồi ba về với con

- Không! – Con bé hét lên, hai tay nó siết chặt lấy cổ, chắc nó nghĩ hai tay không thể giữ được ba nó, nó dang cả hai chan rồi câu chặt lấy ba nó, và đôi vai nhỏ bé của nó run run.

Nhìn cảnh ấy bà con xung quanh có người không cầm được nước mắt, còn tôi bỗng thấy khó thở như có bàn tay ai nắm lấy trái tim tôi.

(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà, Ngữ văn 9, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019).

HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ CHI TIẾT

ĐỀ THI THỬ VÀO LỚP 10 THPT

Môn thi: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian phát đề)

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

1

Phương thức biểu đạt chính của bài thơ là biểu cảm.

0.5

2

- Đặc điểm hình thức của bài thơ:

+ Số dòng trong mỗi khổ thơ không giống nhau.

+ Chỉ viết hoa chữ cái đầu dòng thơ đầu tiên trong mỗi khổ.

+ Không có dấu chấm câu cuối mỗi khổ thơ.

=> Gợi nhớ đến tác phẩm: Ánh trăng (Nguyễn Duy)

0.75

3

Thông điệp:

- Những đứa trẻ sống gần gũi với thiên nhiên sẽ lớn lên phát triển tốt về cả thể chất và tinh thần.

- Nên tạo điều kiện cho con trẻ được sống hòa mình với thiên nhiên, gần gũi với cuộc sống lao động.

0.75

4

Hình ảnh những đứa trẻ được khắc họa trong bài thơ:

- Là những đứa trẻ lớn lên trong cuộc sống lao động bình dị, đời thường; sống hòa mình với thiên nhiên.

- Những đứa trẻ phát triển tốt về thể chất: khỏe mạnh, rắn rỏi,...

- Tâm hồn phong phú, thích hát đồng dao, giọng nói trong trẻo

- Có ước mơ, khát vọng cao cả,...

1.0

II

1

Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về sự tác động của thế giới bên ngoài đối với con người.

2.0

a. Bảo đảm yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bay đọa văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

0.25

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: sự tác động của thế giới bên ngoài đối với con người.

0.25

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ:...

Dưới đây là một số gợi ý triển khai:

- Thế giới bên ngoài: bao gồm môi trường, hoàn cảnh sống, gia đình, bạn bè, con người xung quanh,...

=> Thế giới bên ngoài có những tác động lớn đến con người, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thể chất và tinh thần - đặc biệt với những đứa trẻ.

(Liên hệ câu chuyện ba lần chuyển nhà để con trai mình được sống, học tập trong ngôi trường và môi trường giáo dục tốt nhất của mẹ Mạnh Tử)

- Thế giới bên ngoài có thể có những tác động tích cực/tiêu cực đến con người (lấy dẫn chứng, phân tích, chứng minh).

- Mỗi người cần biết nhìn nhận, lựa chọn cho bản thân môi trường, hoàn cảnh sống tích cực, có thể tạo điều kiện cho mình phát triển và hoàn thiện.

- Môi trường sống tốt không đồng nghĩa với môi trường giàu có, sang trọng, nên hướng về thiên nhiên, những lối sống tối giản,...

- Hoàn cảnh và môi trường sống chỉ là 1 trong các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của con người, không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh => sống cần có chính kiến để mạnh mẽ, kiên định trước những tác động của thế giới bên ngoài.

1.0

d. Chính tả, ngữ pháp

Bảo đảm chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

0.25

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

0.25

2

Phân tích sự thay đổi tâm trạng của bé Thu qua hai đoạn trích.

5.0

a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận

Mở đoạn nêu được vấn đề, thân đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn khái quát được vấn đề.

0.25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: sự thay đổi tâm trạng của bé Thu

0.5

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:

* Giới thiệu chung:

- Tác giả, tác phẩm:

+ Tác phẩm được Nguyễn Quang Sáng viết năm 1966 - khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt.

+ Thông qua truyện ngắn, tác giả muốn khẳng định: chiến tranh có thể cướp đi tất cả thậm chí là mạng sống con người nhưng tình cảm gia đình thì không thể giết chết.

- Hoàn cảnh hai cha con ông Sáu:

+ Ông Sáu xa nhà đi kháng chiến, mãi đến khi con gái lên tám tuổi ông mới có dịp về nhà thăm gia đình và con.

+ Bé Thu không chịu nhận cha vì vết thẹo trên mặt làm ba không giống người chụp chung với má trong bức ảnh em biết.

+ Thu đối xử với ba như người xa lạ, đến khi hiểu ra cũng là lúc ông Sáu phải trở về khu căn cứ.

+ Ở khu căn cứ, ông Sáu dồn nỗi nhớ thương vào việc làm cho con cây lược, nhưng ông đã hi sinh trong một trận càn của Mỹ nguy. Trước lúc nhắm mắt, ông còn kịp trao cây lược lại cho người bạn nhờ gửi con.

0.5

* Sự thay đổi tâm trạng của bé Thu

(1) Đoạn 1: Trước khi nhận cha: bé Thu là đứa bé bướng bỉnh, ương ngạnh.

- Bé Thu gặp lại cha sau 8 năm xa cách. Trước sự vồ vập của cha: con bé thấy lạ quá, ngờ vực và hoảng sở; mặt tái đi rồi vụt chạy và kêu thét: “Má! Má!”

- Những ngày sau: cô bé không ngoan, thiếu lễ phép, khước từ mọi sự quan tâm của ông Sáu.

=> Đó là điều dễ hiểu vì “người cha” vốn có trong hình dung của bé khác với ông Sáu.

- Khi thấy ông Sáu gặp “một cái trứng cá to vàng để vào chén nó”, Thu “liền lấy đũa soi vào chén, để đó rồi bất thần hất cái trứng ra, cơm văng tung tóe cả mâm”

+ Từ “bất thần”: hành động không phải cố tình mà do đang mải suy nghĩ?

+ Ông Sáu không kiềm chế được nên đã đánh và mắng con: “Sao mày cứng đầu quá vậy, hả?”

+ Bé Thu “gắp lại cái trứng cá để vào chén, rồi lặng lẽ đứng dậy, bước ra khỏi mâm rồi sang nhà ngoại”

=> Bé Thu là cô gái bướng bỉnh nhưng là người thực sự có tình cảm và biết suy nghĩ. Cô bé yêu - ghét rõ ràng, kiên định trong nhận thức và tình cảm. Thái độ ngang ngạnh của em chính là tình yêu to lớn dành cho người cha trong hình dung của mình.

(2) Đoạn 2: Khi nhận ra cha: bé Thu yêu thương cha tha thiết, mãnh liệt.

- Điều kì diệu xảy ra vào những giây phút cuối cùng khi ông Sáu chia tay gia đình lên đường chiến đấu. Trong khi mọi người đang chuẩn bị cho ông lên đường, con bé “như bị bỏ rơi, nó không bướng bỉnh hay nhăn mày cau có nữa, vẻ mặt nó sầm lại, buồn rầu”.

- Bé Thu có sự thay đổi thái độ rõ rệt: “đôi mắt nó như to hơn, cái nhìn của nó không ngơ ngác, không lạ lùng, nó nhìn với vẻ nghĩ ngợi sâu xa” => có sự giằng co, day dứt trong lòng.

- Tiếng thét nức nở: “Ba..a...a..ba”; ra sức níu giữ cha trong thời khắc ngắn ngủi.

- Cô bé khóc vì sự ân hận không nhận ra cha, khóc vì xót thương cha vì chiến tranh phải xa gia đình,..

- Chấp nhận để ông Sáu đi kèm theo lời dặn: “Ba về! Ba mua cho con một cây lược nghe ba”.

=> Không còn sự bướng bỉnh, ương ngạnh mà thay vào đó là tình yêu thương, tự hào về cha. Chính tình yêu ấy đã tạo nên sức mạnh để rèn giũa Thu trở thành một cô giao liên gan dạ, dnxg cảm.

2.5

* Đánh giá

- Hai trích đoạn đã cho thấy sự thay đổi trong tâm lí nhân vật bé Thu với cha mình.

- Cho thấy sự tài tình trong miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật, đặc biệt là tâm lý trẻ con.

0.5

d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0.25

e. Sáng tạo : Thể hiện những suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ,…

0.5

Chia sẻ, đánh giá bài viết
10
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Đề thi vào 10 môn Văn

    Xem thêm