Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Hà Nam năm 2021 (đề chuyên)

VnDoc xin giới thiệu Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Hà Nam năm 2021 (đề chuyên). Đề thi gồm 2 phần câu hỏi với thời gian 150 phút, với đề thi này hi vọng sẽ giúp các bạn học sinh có thêm tài liệu ôn tập, chuẩn bị tốt cho kì thi vào lớp 10 sắp tới. Chúc các bạn ôn thi tốt

1. Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn chuyên Hà Nam 2021

I. Đọc hiểu

Câu 1:

Cách giải:

Hoàn cảnh sáng tác bài thơ Bếp lửa:

- Bài thơ Bếp lửa được sáng tác năm 1963, khi tác giả đang là sinh viên học ngành Luật ở nước ngoài.

- Bài thơ được đưa vào tập Hương cây – Bếp lửa (1968), tập thơ đầu tay của Bằng Việt và Lưu Quang Vũ.

Câu 2:

Cách giải:

Các biện pháp tu từ: Điệp từ, sử dụng câu cảm thán

Tác dụng: Tạo nhịp điệu cho câu thơ, gợi sự bồi hồi xúc động, khơi gợi kỷ niệm thân thuộc bên bà.

Câu 3:

Cách giải:

Thành phần biệt lập: Bếp lửa – thành phần phụ chú

Tác dụng: Giải thích nhấn mạnh vẻ đẹp của hình tượng bếp lửa.

Câu 4:

Cách giải:

Học sinh có thể trình bày cảm nhận của mình, có lý giải:

Gợi ý:

- Tình cảm người cháu dành cho bà trước hết là nỗi nhớ khi đang xa nhà

- Sự yêu kính trân trọng đối với bà.

- Thấu hiểu những nhọc nhằn vất vả của người bà trong những năm tháng tuổi thơ.

- Người bà đã đóng một vai trò không thể thiểu trong cuộc đời của người cháu.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

Cách giải:

1. Mở đoạn

- Giới thiệu về sự hi sinh thầm lặng trong cuộc sống

2. Thân đoạn

a. Giải thích

- Hi sinh là một đức tính cao quý của con người.

- Hi sinh là vì người khác mà chịu sự thiệt thòi về bản thân mình.

- Đó là những suy nghĩ, hành động tự nguyện vì người khác, không vụ lợi cá nhân, đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của bản thân mình.

b. Biểu hiện

- Trong chiến tranh:

+ Rất nhiều anh hùng, chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc, mang lại cuộc sống hòa bình, ấm no cho nhân dân.

+ Họ không ngại gian khổ mà hăng hái tham gia chiến đấu.

+ Các dẫn chứng tiêu biểu: Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, chăm lo cho cuộc sống của nhân dân; người anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai trong chiến dịch Điện Biên Phủ; Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng, Tô Vĩnh Diện dùng thân chèn pháo,...

- Trong đời sống hàng ngày:

+ Cha mẹ lao động vất vả, hi sinh thầm lặng vì các con để các con có một cuộc sống đầy đủ, tốt đẹp.

+ Những con người hi sinh bản thân để cứu bạn bè hoặc người khác khi họ gặp nạn: anh Trần Hữu Hiệp trong vụ chìm tàu ở vùng biển Cần Giờ, em Nguyễn Văn Nam đã hi sinh cứu 5 em nhỏ bị đuối nước,...

+ Những người chiến sĩ, giáo viên tình nguyện ra biển đảo hoặc lên miền núi để công tác, làm việc,...

+ Đội ngũ y bác sĩ luôn đứng tuyễn đầu để phòng chống dịch Covid.

c. Bàn luận

- Người có đức hi sinh được mọi người tôn trọng, yêu quý.

- Đức hi sinh giúp con người sống gần gũi với nhau hơn, biết yêu thương nhau hơn.

- Phê phán những con người sống vô cảm, ích kỉ, không biết hi sinh vì người khác.

d. Liên hệ bản thân

- Phải biết sống vì người khác, rèn luyện đức hi sinh cho bản thân.

- Không quên ơn những người đã hi sinh vì mình.

- Phát huy đức tính cao đẹp của dân tộc.

3. Kết đoạn

- Đức hi sinh sẽ giúp con người biết sống vì người khác nhiều hơn, xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Câu 2:

Cách giải:

1. Giải thích – lí luận kiến giải

- Ý kiến của Nguyễn Đình Thi nêu lên nguồn gốc của văn nghệ (nghệ thuật) – trong đó có văn học – cũng như vai trò, ý nghĩa, tác động của văn nghệ (nghệ thuật) đối với tâm hồn người tiếp nhận, thưởng thức.

- Văn nghệ “bắt rễ ở cuộc đời hàng ngày của con người” nghĩa là các tác phẩm văn học, nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống hiện thực. Người nghệ sĩ lấy chất liệu sáng tác từ đời sống hàng ngày.

- Văn nghệ “tạo được sự sống cho tâm hồn con người”: Văn học, nghệ thuật giúp đời sống tinh thần của con người trở nên phong phú hơn. Nó làm giàu có thêm tâm hồn với những tình cảm vui – buồn, yêu thương –
căm giận… Văn nghệ góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp thế giới tinh thần của người thưởng thức, tiếp nhận.

- Văn chương là nghệ thuật của ngôn từ. Văn chương con được gọi với tên gọi khác là văn nghệ. Đôi khi văn học cũng được đồng nhất với văn chương. Trước hết, văn chương là một loại hình nghệ thuật đặc thù của con người. Văn chương “bắt rễ ở cuộc đời” không chỉ về khái niệm nguồn gốc mà còn ở nội dung phản ánh. Từ khi con người biết dùng ngôn ngữ để miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên và đời sống tình cảm thì văn chương xuất hiện. Không ở đâu khác, nó hiện hình ngay trong đời sống, xuất phát từ nhu cầu trình bày, thể hiện và thưởng thức của con người.

- Từ những sản phẩm văn chương có giá trị đã được tạo thành, nó được lưu giữ và lưu truyền trong xã hội. Từ cảm xúc của một người, văn chương tạo cảm xúc cho nhiều người, nhiều thế hệ và nhiều thời đại. Văn chương tạo được sự sống cho tâm hồn con người. Đọc một tác phẩm hay, ta không khỏi rung động và mường tượng về những gì được biểu đạt trong đó. Người đọc có thể khóc, cười, khổ đau hay hạnh phúc cùng nhân vật.

Người đọc thấy thật hạnh phúc khi nhân vật tốt đẹp có được hạnh phúc sau khi trải qua nhiều bi kịch, khổ đau. Người đọc cũng thấy thật hả hê khi kẻ xấu, kẻ ác bị trừng trị thích đáng, thấy thõa mãn khi công lí được bảo vệ, điều chân thiện được gìn giữ.

2. Chứng minh qua truyện ngắn “Chiếc lược ngà” – Nguyễn Quang Sáng và “Những ngôi sao xa xôi” – Lê Minh Khuê.

a. Văn nghệ bắt rễ ở cuộc đời hằng ngày của con người.

- Hiện thực cuộc sống trong hai tác phẩm là đời sống, tình cảm của con người Việt Nam trong chiến tranh, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt.

- Chiếc lược ngà:

+ Cuộc đời của anh Sáu cũng là cuộc đời chung của biết bao anh em đồng chí cách mạng. Đó cũng là cuộc đời chung của con người Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Họ anh dũng, kiên trung với đất nước. Vì sự nghiệp giải phóng đất nước, họ sẵn sàng rời bỏ gia đình đi chiến đấu. Họ sẵn sàng từ bỏ tình riêng, cống hiến, hi sinh vì sự nghiệp lớn của Cách mạng, của đất nước.

+ Nỗi đau chiến tranh mà gia đình anh Sáu phải chịu đựng là nỗi đau của bao gia đình Việt Nam khác: vết thẹo, nghịch lí khi không nhận ra cha chỉ vì “khác với bức ảnh chụp cùng má”, đến lúc đón nhận thì cha lại phải vào nơi bom rơi đạn nổ. Cuối cùng là nỗi đau mãi mãi khi không thể đoàn tụ.

- Những ngôi sao xa xôi:

+ Cuộc đời chiến đấu của ba cô gái trong tổ trinh sát mặt đường là tiêu biểu cho bao nhiêu thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mĩ.

+ Hiện thực bỏng rát của chiến tranh được tái hiện: con đường bị đánh lở loét, màu đỏ - trắng lẫn lộn; thân cây bị tước khô cháy, thùng xăng méo mó; âm thanh của bom nổ chậm; máy bay ầm ì. Không gian sống là một cái hang dưới chân cao điểm. Công việc của tổ trinh sát mặt đường có thể đối diện với cái chết bất cứ lúc nào.

b. Văn nghệ tạo được sự sống cho tâm hồn con người.

- Chiếc lược ngà:

+ Cảm nhận về tình cha con trong hoàn cảnh chiến tranh éo le.

. Hình ảnh người cha vui tươi, gấp gáp khi nhìn thấy con, mong muốn được ôm con vào lòng,

. Những cố gắng của ông Sáu để con chấp nhận mình, người cha ấy nâng niu từng tí cảm xúc của con để con không hoảng sợ ngay cả lúc sắp phải lên đường.

. Cố chấp của trái tim yêu thương rất rạch ròi ở bé Thu.

. Cảnh chia tay xúc động giữa hai cha con.

. Tình cha được thể hiện khi giữ lời hứa với con và con bước tiếp chặng đường mà cha đã đi, trở thành thanh niên xung phong.

+ Tác phẩm nuôi dưỡng trong lòng người đọc tình phụ tử thiêng liêng – là bài ca về tình phụ tử giữa chiến tranh ác liệt. Những tình cảm ấy khiến người đọc có cái nhìn toàn diện hơn về người lính Việt Nam trong chiến tranh, vì yêu thương mà cầm súng chiến đấu, để khi giặc tan “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”.

- Những ngôi sao xa xôi:

+ Cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của những cô gái thanh niên xung phong yêu nước, có trách nhiệm với công việc, tinh thần lạc quan tình đồng chí, đồng đội gắn bó; đặc biệt thấy được những nét riêng của Phương Định (vẻ đẹp ngoại hình, lí tưởng, lòng quả cảm, tâm hồn)

+ Truyền cho người đọc niềm cảm phục, yêu mến với những cô gái dũng cảm, mơ mộng, lãng mạn này.

3. Tổng kết

- Nếu văn học là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội (Stendhal) thì nhà văn chính là thư ký của thời đại (Balzac).

- Văn học bắt nguồn từ cuộc sống thông qua những từ ngữ, hình ảnh, những bút pháp nghệ thuật mà tác giả đã tài tình vận dụng để phản ánh. Chính cuộc sống bao la, diệu kì với bao trăn trở, suy tư này lại mang tới chất liệu vô giá, phong phú và trở thành “nơi xuất phát” cho văn học. Bởi “văn học là con đẻ của đời sống (Chế Lan Viên)”, hay “văn học không phải chỉ là chuyện văn chương mà thực chất là chuyện đời (Tố Hữu)”. Văn học là nguồn sống, là linh hồn, là hơi thở của cuộc đời này.

- “Nghệ thuật là sự mô phỏng của tự nhiên.(Ruskin)” Tuy vậy, nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng không phải là sự sao chép hoàn toàn tất cả những gì thuộc về đời sống. Văn học nghệ thuật là sự sáng tạo - sáng tạo trên những chất liệu vốn có góp nhặt được từ cuộc sống. “Thiên chức của người nghệ sĩ là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức.” (Thạch Lam). Bằng đặc trưng nghệ thuật của mình, văn học lay động đến tận cùng những góc khuất của cuộc sống để tìm hạt ngọc quý ẩn sâu bên trong tâm hồn mỗi con người. Văn học “trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật” (Biêlinxki). Để cuối cùng, văn học vì con người và cho con người, làm cho đời sống con người phong phú, giàu có hơn.

2. Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn chuyên Hà Nam 2021

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.

[...]

Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ

Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm

Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi

Nhóm nồi xôi gạo mới sẽ chung vui

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ

Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa!

(Bếp lửa, Bằng Việt, Ngữ văn 9 tập một, NXB Giáo dục Việt Nam 2018, tr.144)

Câu 1. Nêu hoàn cảnh sáng tác bài thơ “Bếp lửa".

Câu 2. Chỉ ra và phân tích tác dụng của các biện pháp tu từ được sử dụng trong 3 câu thơ đầu đoạn trích.

Câu 3. Xác định và nêu ý nghĩa của thành phần biệt lập trong câu thơ:

Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa!

Câu 4. Đoạn thơ giúp em cảm nhận điều gì về tình cảm của người cháu dành cho bà? (trình bày bằng đoạn văn 7 - 10 câu).

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Anh/chị hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) với chủ đề: Sự hi sinh thầm lặng,

Câu 2. (5,0 điểm).

Bắt rễ ở cuộc đời hằng ngày của con người, văn nghệ lại tạo được sự sống cho tâm hồn người.

(Trích Tiếng nói của văn nghệ, Nguyễn Đình Thi, Ngữ văn 9 tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr5)

Anh/chị hiểu nhận định trên như thế nào? Qua các đoạn trích truyện ngắn "Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng và "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê, anh/chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Hà Nam năm 2021 (đề chuyên)

Ngoài ra, VnDoc.com đã thành lập group chia sẻ tài liệu học tập THCS miễn phí trên Facebook: Tài liệu học tập lớp 10. Mời các bạn học sinh tham gia nhóm, để có thể nhận được những tài liệu mới nhất, giúp việc làm quen với môi trường học tập THPT, lớp 10 trở nên dễ dàng hơn. Hãy vào nhóm để nhận tài liệu học tập và nhận giải đáp thắc mắc các môn học nhé.

Để ôn tập và chuẩn bị tốt hơn cho kì thi vào lớp 10 các bạn tham khảo đề thi vào lớp 10 của các tỉnh khác nhé

.............................................

Ngoài Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Hà Nam năm 2021 (đề chuyên). Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo các đề thi học kì 2 lớp 9 các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề Thi vào lớp 10 năm 2024 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn ôn thi tốt

Đánh giá bài viết
1 356
Sắp xếp theo

    Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn

    Xem thêm