Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Phân tích bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới của Phó Thủ tướng Vũ Khoan

“Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới” là bài nghị luận của Phó Thủ tướng Vũ Khoan, đề cập tới những vấn đề vừa có ý nghĩa thời sự, cấp thiết vừa có ý nghĩa lâu dài. Phân tích bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới của Phó Thủ tướng Vũ Khoan giúp chúng ta thấy được những điểm mạnh, điểm yếu của con người Việt Nam để rèn luyện những thói quen tốt khi bước vào nền kinh tế mới.

Phân tích bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới mẫu 1

Bài viết Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới của Phó Thủ tướng Vũ Khoan đăng trên tạp chí Tia sáng năm 2001 và in trong cuốn Một góc nhìn của trí thức (NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2002). Tác giả đã thẳng thắn đề cập tới một vấn đề "nhạy cảm” mà từ trước đến giờ ít người dám bàn tới. Đó là mặt mạnh, mặt yếu của con người Việt Nam và sự cấp thiết phải đổi mới bản thân con người để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời đại tri thức, khoa học kĩ thuật tiên tiến.

Lâu nay, khi nói tới phẩm chất của con người Việt Nam, chúng ta thường nhấn mạnh đến những đức tính tốt đẹp như lòng yêu nước, tinh thần cộng đồng, đức tính cần cù, dũng cảm, kiên trì, thông minh, sáng tạo… Những phẩm chất ấy đã được chứng minh trong thực tế lịch sử mấy ngàn năm, đặc biệt là qua các cuộc đấu tranh giữ nước.

Giống như các dân tộc khác trên thế giới, dân tộc Việt Nam bên cạnh những mặt mạnh cũng có không ít những mặt yếu. Nhận thức được những cái mạnh, đặc biệt là nhìn rõ những cái yếu của mình là điều hết sức cần thiết để một dân tộc, một đất nước tiến lên phía trước, vượt qua những trở ngại thách thức ở mỗi chặng đường lịch sử.

Hiện nay, dân tộc ta đang đứng trước những cơ hội mới để đưa đất nước tiến lên trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vượt qua tình trạng nghèo nàn, lạc hậu để trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào thời điểm 2020. Bước vào thế kỉ mới, với chúng ta cũng có nghĩa là bước vào cuộc hành trình với rất nhiều triển vọng tốt đẹp ở phía trước, nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức, đòi hỏi các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ phải vươn lên mạnh mẽ, thực sự đổi mới để đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của thời đại.

Bài viết Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới của Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã nêu ra chính xác và rất kịp thời những vấn đề trên, nhằm hướng tới thế hệ trẻ – bởi họ chính là lực lượng quyết định thành công sự nghiệp xây dựng đất nước trong thế kỉ mới.

Để chuẩn bị hành trang bước vào thế kỉ mới, thế hệ trẻ Việt Nam cần nhìn rõ điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam, từ đó rèn luyện cho mình những đức tính và thói quen tốt. Điểm mạnh của con người Việt Nam là thông minh, nhạy bén với cái mới, cần cù sáng tạo, đoàn kết đùm bọc lẫn nhau trong các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Bên cạnh đó cũng có nhiều điểm yếu cần phải khắc phục: thiếu kiến thức cơ bản, kém khả năng thực hành, thiếu đức tính tỉ mỉ, không coi trọng nghiêm ngặt quy trình công nghệ, thiếu tính cộng đồng trong làm ăn. Để đưa đất nước đi lên, chúng ta cần phát huy những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu, cố gắng hình thành những thói quen tốt ngay từ những việc nhỏ.

Đây là một bài văn nghị luận xã hội, nội dung đề cập những vấn đề vừa có ý nghĩa thời sự cấp thiết, vừa có ý nghĩa lâu dài. Tác giả không dùng cách viết theo kiểu sách vở, uyên bác, mà bằng cách diễn đạt giản dị, thiết thực, dựa trên cơ sở thực tiễn, ai cũng có thể hiểu được, nhưng không phải vì thế mà bài viết thiếu sâu sắc. Giá trị và sức thuyết phục của nó nằm ở ngay vấn đề mà tác giả đặt ra; ở cách nhìn nhận khách quan, đúng đắn; ở những lời lẽ và cách lập luận giản dị mà chặt chẽ; cuối cùng là ở thái độ tôn trọng và tinh thần trách nhiệm cao của tác giả.

Tác giả đã thể hiện thái độ khách quan qua cách lập luận thấu lí đạt tình, qua cách sử dụng từ ngữ chọn lọc, chính xác, qua giọng điệu trầm tĩnh, chín chắn, giàu sức thuyết phục.

Thời điểm mà tác giả viết bài này là vào đầu năm 2001, khi đất nước ta cùng toàn thế giới bước vào năm đầu tiên của thế kỉ XXI. Thông thường sau một thời gian dài, chuẩn bị bước vào một chặng đường mới, người ta thường nhìn lại, kiểm điểm lại xem những gì được, những gì chưa được để rút kinh nghiệm và chuẩn bị hành trang bước tiếp.

Phân tích bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới mẫu 2

Mỗi người Việt Nam - nhất là thế hệ trẻ chúng ta - đã được sống những giây phút thiêng liêng của cái Tết năm 2001. Đó là thời điểm chuyển tiếp từ thế kỉ XX vào thế kỉ XXI. Bước vào thế kỉ mới, đất trời như đổi khác hơn, con người cũng bồi hồi, xao động mong muốn được đổi khác, lớn lên, tiến bộ hơn để sống hạnh phúc hơn. Vậy chúng ta phải suy nghĩ thế nào, phải làm việc, học tập, ứng xử ra sao ? Biết bao băn khoăn, day dứt, bao câu hỏi đặt ra, đòi ta phải trả lời. Một trong những ý kiến giúp chúng ta giải bài toán đặc biệt, trước hết là bài toán về nhận thức tư tưởng, bài toán về cách sống ấy, nằm trong một văn bản nghị luận ngắn gọn mà sâu sắc: Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới của ông Vũ Khoan.

Mở đầu bài viết, tác giả đã đặt vấn đề trực tiếp, rõ ràng: "Cái mạnh, cái yếu" của người Việt Nam mà tác giả nói tới là những ưu điểm, những hạn chế trong phẩm chất, nhân cách bản thân mỗi con người. Đây là khởi nguồn của mọi thành công, hay thất bại trong cuộc sống. Khi bước vào thế kỉ mới, thiên niên kỉ mới, mỗi người phải chuẩn bị cho mình biết bao việc, trong đó hàng đầu, có tính quyết định chính là nhận ra ưu điểm, nhược điểm của chính mình. Vấn đề mà ông Vũ Khoan đặt ra và nhắc nhở tuổi trẻ chúng ta thật thẳng thắn và cần thiết.

Trước hết, tác giả giải thích lí do và ý nghĩa việc chuẩn bị hành trang - nhận ra ưu điểm và nhược điểm - trong nhân cách bản thân mỗi người: "Chúng ta đã chứng kiến sự phát triển như huyền thoại của khoa học và công nghệ... dưới tác động của những tiến bộ về khoa học và công nghệ, sự giao thoa, hội nhập giữa các nền kinh tế chắc chắn sẽ sâu rộng hơn nhiều". Như vậy, việc bồi đắp trí tuệ, trau dồi đạo đức, nhân cách của mỗi người tuổi trẻ chúng ta là một đòi hỏi khách quan có tính thời đại, tính lịch sử. Nó không đơn thuần là những khái niệm tinh thần chủ quan, trừu tượng mà là sự đòi hỏi khách quan, cụ thể của cuộc sống cả đất nước và mỗi con người. Tại sao? Ông Vũ Khoan chỉ rõ: nước ta phải cùng một lúc giải quyết ba nhiệm vụ: thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tiếp cận ngay với kinh tế tri thức. Trong ba nhiệm vụ đó, có lẽ nhiệm vụ "tiếp cận ngay với nền kinh tế tri thức" là một đòi hỏi bức bách, một sứ mệnh thiêng liêng, vẻ vang nhất đối với tuổi trẻ chúng ta.

Tiếp sau - phần chính của bài viết - tác giả thẳng thắn chỉ ra những "điểm mạnh và điểm yếu", những ưu điểm và hạn chế, thiếu sót trong phẩm chất con người Việt Nam chúng ta. Thứ nhất: Chúng ta thông minh, nhạy bén với cái mới, nhưng kiến thức cơ bản không vững chắc, khả năng thực hành bị hạn chế. Thứ hai: Chúng ta cần cù sáng tạo, nhưng trong cần cù, chúng ta thiếu đức tính tỉ mỉ, nhất là chưa có thói quen tôn trọng những quy định nghiêm ngặt của công việc là cường độ khẩn trương. Chúng ta có khả năng sáng tạo, nhưng chỉ loay hoay "cải tiến", làm tắt, chứ không coi trọng quy trình công nghệ. Thứ ba: Nhân dân ta có truyền thống đùm bọc, đoàn kết với nhau trong công cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Nhưng trong công việc làm ăn, trong kinh tế thì lại phạm vào thói xấu "trâu buộc ghét trâu ăn", kèn cựa, ganh tị với nhau. Thứ tư: Bản tính thích ứng - một tính tốt nữa của chúng ta - sẽ giúp nhân dân ta mau chóng hội nhập với thế giới. Nhưng trong "hội nhập" đã xuất hiện vài thói xấu như "thái độ kì thị", "sùng ngoại", "khôn vặt",... không giữ chữ "tín", gây tác hại khôn lường...

Chắc rằng, vị cán bộ cao cấp, nhà ngoại giao, người hoạt động giàu kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực của đất nước ta - ông Vũ Khoan - còn muốn nêu lên nhiều nữa "cái mạnh", "cái yếu" của người Việt Nam. Nhưng bốn cặp đối lập như trên, cũng đủ giúp chúng ta hiểu ra biết bao điều bổ ích. Điều bổ ích nhất là tác giả đã phân tích những điểm mạnh, điểm yếu trong tính cách, thói quen ấy một cách cụ thể, sâu sắc. Mỗi ưu điểm cũng như thiếu sót đều có nguyên nhân, đều có tác dụng, hoặc hạn chế khi đất nước và dân tộc bước vào thế kỉ mới, hội nhập với nền kinh tế trí thức. Chúng có quan hệ biện chứng, thúc đẩy, hoặc hạn chế công cuộc xây dựng đất nước trong thời đại ngày nay.

Qua lịch sử, qua nhiều tác phẩm văn chương và thực tế cuộc sống, chúng ta nhận thấy những phát hiện, những lời khẳng định và phê phán của ông Vũ Khoan là hoàn toàn chính xác. Khi viết, ông đã dẫn chứng nhiều ví dụ sinh động, vận dụng nhiều ca dao, tục ngữ, thành ngữ quen thuộc, dễ hiểu, dễ nhớ: "nước đến chân mới nhảy", "liệu cơm gắp mắm", "nhiễu điều phủ lấy giá gương", "trâu buộc ghét trâu ăn", "bóc ngắn cắn dài",... những cụm từ ấy điểm xuyết trong bài văn không chỉ giúp cho lí lẽ được mềm mại, mà còn đánh thức người đọc những tri thức cơ bản về lịch sử, về văn chương, đầy tính thuyết phục.

Với học sinh chúng ta, sự phát hiện của ông Vũ Khoan về những lỗ hổng trong kiến thức cơ bản do chạy theo những môn học "thời thượng", bệnh "học chay, học vẹt" là những lời phê phán, nhắc nhở thiết thực. Còn các phát hiện khác qua những cặp đối lập "cái mạnh", "cái yếu" của nhân cách Việt Nam biểu hiện trong lối sống, trong khoa học và các hoạt động kinh tế, chính trị, ngoại giao,... cũng đều là những lời nhắn gửi cần thiết đối với học sinh. Bởi vì, đó là những hành trang để chúng ta chuẩn bị vào đời, chuẩn bị làm một công dân Việt Nam bước vào thế kỉ mới.

Phần cuối bài viết, ông Vũ Khoan nhấn mạnh thêm lí do và ý nghĩa việc nhận ra điểm mạnh, điểm yếu trong mỗi con người. Nghĩa là phải biết "lấp đầy hành trang bằng những điểm mạnh, vứt bỏ những điểm yếu". Tác giả dùng cụm từ muốn "sánh vai cùng các cường quốc năm châu" như có ý nhắc chúng ta nhớ lại lời Hồ Chí Minh trong bức thư gửi học sinh nhân năm học mở đầu khi đất nước được độc lập, dân tộc được tự do. Người cho rằng: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em".

Lời Hồ Chí Minh nói cách đây nửa thế kỉ, nay lại đồng vọng trong tâm hồn chúng ta, được ông Vũ Khoan nhấn mạnh để hướng chúng ta vào nhiệm vụ cụ thể: hãy học tập tốt, hãy phát huy những ưu điểm, vứt bỏ những khuyết điểm trong tính cách, thói quen, nếp sống, công việc để vươn tới phía trước. Mỗi người chuẩn bị thật tốt những hành trang trí tuệ, tâm hồn, năng lực như thế chắc chắn đất nước ta, dân tộc ta sẽ "bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu" trong thế kỉ mới, thiên niên kỉ mới.

Tóm lại, qua văn bản Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới, chúng ta hiểu rằng: Để chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới, thế hệ trẻ Việt Nam cần nhìn rõ cái mạnh và cái yếu của con người Việt Nam để rèn cho mình những đức tính và thói quen tốt. Thế mạnh của người Việt Nam là thông minh, nhạy bén với cái mới, cần cù sáng tạo, đoàn kết, đùm bọc nhau trong thời kì chống ngoại xâm. Bên cạnh đó cũng có nhiều điểm yếu cần khắc phục: thiếu kiến thức cơ bản, kém khả năng thực hành, thiếu đức tính tỉ mỉ, không coi trọng nghiêm ngặt quy trình công nghệ, thiếu tính cộng đồng trong làm ăn. Bước vào thế kỉ mới, để đưa nước ta tiến lên, chúng ta cần phát huy những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu, hình thành những thói quen tốt ngay từ những việc nhỏ.

Bài nghị luận chính trị xã hội được viết một cách giản dị, sâu sắc với những lí lẽ rành mạch, những dẫn chứng cụ thể, sinh động, ngôn từ vừa hiện đại, vừa đậm đà chất dân tộc, rất dễ hiểu, đầy tính thuyết phục. Ấy là những lời giải tường minh, khúc chiết cho một bài toán về trí tuệ, tâm hồn đối với chúng ta.

Phân tích bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới mẫu 3

"Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới" là bài báo của Vũ Khoan, lần đầu được giới thiệu trên báo Tia sáng năm 2001. Tác giả là một trong những gương mặt mới của bộ phận lãnh đạo đất nước ta trong thời kì đổi mới, hội nhập. Đối tượng đối thoại của tác giả là "lớp trẻ Việt Nam", những chủ nhân của đất nước ta trong thế kỉ XXI, thế hệ nối bước ông cha, gánh trên đôi vai mình sứ mệnh lịch sử vô cùng nặng nề là xây dựng Việt Nam trở nên giàu mạnh cường thịnh. Có thể xem câu văn đầu bài luận đã nêu lên ý tưởng chủ đạo của bài luận văn: "Lớp trẻ Việt Nam cần nhận ra những cái mạnh, cái yếu của con người Việt Nam để rèn những thói quen tốt khi bước vào nền kinh tế mới".

Tác giả đặt vấn đề và khẳng định: chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất trong những hành trang mà đất nước ta phải có và cần có. Bởi lẽ con người, từ cổ chí kim "vẫn là động lực phát triển của lịch sử", "vai trò con người lại càng nổi trội" trong thế kỉ XXI khi nền kinh tế tri thức sẽ phát triển mạnh mẽ. Phải chuẩn bị những cái cần thiết trong hành trang mang vào thế kỉ mới khi mà "sự phát triển như huyền thoại của khoa học và công nghệ...", khi mà "dưới tác động của những tiến bộ về khoa học và công nghệ, sự giao thoa, hội nhập giữa các nền kinh tế chắc chắn sẽ sâu rộng hơn nhiều!". Vấn đề thời cơ và thách thức được Vũ Khoan nêu lên và giải thích một cách khúc chiết, sáng tỏ.

Tiếp theo, tác giả nêu lên 3 nhiệm vụ: một là, thoát khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu của nền kinh tế nông nghiệp; hai là, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; ba là phải tiếp cận ngay với nền kinh tế tri thức. Và Vũ Khoan chỉ rõ: "Làm nên sự nghiệp ấy đương nhiên là những con người Việt Nam với những điểm mạnh và điểm yếu của nó". Có thể nói: Ý chí tự lực tự cường, tinh thần đổi mới hội nhập, và cái nhìn tỉnh táo là tư tưởng bao trùm phần đầu bản luận văn này. Phần thứ hai, tác giả lần lượt nêu lên, giải thích và bình luận những điểm mạnh, những điểm yếu của con người Việt Nam.

Cái mạnh của con người Việt Nam là "sự thông minh sáng tạo", bản chất tốt đẹp ấy "rất có ích" trong xã hội mới, khi mà "sự sáng tạo là một yêu cầu hàng đầu". Trong cái mạnh đó, dân trí ta lại có "những lỗ hổng kiến thức cơ bản", "khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế". Nguyên nhân là do "thiên hướng chạy theo những môn học thời thượng", "do lối học chay học vẹt nặng nề". Nếu "không nhanh chóng lấp những lỗ hổng này", khắc phục những điểm yếu này "thì thật khó bề phát huy trí thông minh vốn có và không thể thích ứng với nền kinh tế mới chứa đựng đầy tri thức cơ bản và biến đổi không ngừng".

Cái mạnh nữa của dân ta là "sự cần cù sáng tạo" nhưng trong cái mạnh ấy, "lại ẩn chứa những khuyết tật" của con người sản xuất nhỏ như "thiếu đức tính tỉ mỉ", hành động theo phương châm "nước đến chân mới nhảy " (thiếu nhìn xa trông rông, còn bị động), "liệu cơm gắp mắm" (làm ăn kiểu cò con, dễ dãi); "chưa có được thói quen tôn trọng những quy định nghiêm ngặt của công việc là cường độ khẩn trương". Ngay như bản tính "sáng tạo" cũng chỉ "loay hoay "cải tiến", làm tắt, không coi trọng nghiêm ngặt quy trình công nghệ.

Truyền thống lâu đời "đùm bọc, đoàn kết "của nhân dân ta, làm nên sức mạnh Việt Nam để chiến thắng ngoại xâm, để bảo vệ và xây dựng đất nước. Nhưng do ảnh hưởng của nền sản xuất nhỏ, dân ta lại mang nhiều cái yếu cố hữu như: tính đố kị, lối nghĩ "trâu buộc ghét trâu ăn "(ghen ghét tài năng), tự do tùy tiện, thường đố kị nhau. Con người Việt Nam còn có nhiều điểm yếu khác nữa như thái độ kì thị đối với sự kinh doanh, thói quen ảnh hưởng sự bao cấp, nếp nghĩ sùng ngoại hoặc bài ngoại quá mức. Không ít người lại có thói quen: "khôn vặt", "bóc ngắn cắn dài", không coi trọng chữ "tín". Những cái yếu ấy, những thói quen xấu ấy, theo tác giả "sẽ gây tác hại khôn lường trong quá trình kinh doanh và hội nhập".

Phần cuối bài báo, Vũ Khoan nêu lên hai điều kiện khi đất nước ta, nhân dân ta bước vào thế kỉ mới, muốn "sánh vai cùng các cường quốc năm châu" thì phải:

- Một là, phải lấp đầy hành trang bằng những điểm mạnh, vứt bỏ những điểm yếu.

- Hai là, hãy làm cho lớp trẻ - những người chủ thực sự của đất nước - nhận ra điều đó, quen dần với những thói quen tốt đẹp ngay từ những việc nhỏ nhất.

Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới là một văn bản độc đáo, đặc sắc. Tác giả đã dũng cảm chỉ ra những cái yếu của con người Việt Nam khi bước vào thế kỉ mới, khi đứng trước vận hội mới, thách thức mới. Giọng văn sắc sảo, nhiệt thành, tâm huyết. Tác giả đứng trên tầm cao của thời đại mới, với ý chí tự cường để trao đổi với thế hệ trẻ những cái mạnh, những cái yếu của dân ta, động viên thanh thiếu nhi Việt Nam vươn lên gánh vác sứ mệnh lịch sử.

Cách lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc sảo, mang tính tranh biện đầy sức thuyết phục. Những câu tục ngữ, câu ca dao được tác giả vận dụng tạo nên một lối nói dung dị, đậm đà, gợi cho người đọc bao liên tưởng thú vị. Bài văn của Vũ Khoan đã giúp ta một cái nhìn sáng suốt về nhân dân ta, về bản thân mỗi chúng ta. Thế kỉ mới là thế kỉ hi vọng và bừng sáng đối với đất nước và con người Việt Nam.

Phân tích bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới mẫu 4

Sau khi đất nước hoàn toàn độc lập vào ngày 30/4/1975, đất nước ta phải mất rất nhiều năm để xây dựng và khôi phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh, đó là một hành trình nhiều gian nan và vất vả cần sự chung tay góp sức của cả dân tộc. Văn bản Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới là những lời tâm huyết, chân thành của Phó thủ tướng Vũ Khoan trước thềm một thế kỷ mới, một thiên niên kỷ mới bắt đầu, trước những sự thay đổi lớn trong tương lai của một đất nước đứng lên từ chiến tranh. Bài viết đã chỉ ra cho nhân dân ta, đặc biệt là thế hệ thanh niên, những con người tương lai sẽ chèo lái đất nước những điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam, từ đó cố gắng rèn luyện cho mình được những thói quen tốt, chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực mạnh mẽ cho quá trình gây dựng đất nước, sánh ngang cùng với các cường quốc năm châu.

Vũ Khoan là một nhà hoạt động chính trị, nhiều năm làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, từng là Bộ trưởng Bộ Thương mại, Phó Thủ tướng Chính phủ nước ta. Văn bản Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới được viết vào năm 2000, in trong tạp chí Tia sáng (2001), trong tập Một góc nhìn tri thức (2002). Đây là thời điểm giao thoa giữa hai thế kỷ, sẵn sàng cho những thay đổi mới của đất nước, dân tộc.

Vũ Khoan đi vào đề cập đến vấn đề vai trò của con người trong hành trình bước thế kỷ mới, ông nhận định rằng "Trong những hành trang ấy có lẽ sự chuẩn bị con người là quan trọng nhất", nhằm nhấn mạnh vai trò của con người trong công cuộc xây dựng đất nước. Sở dĩ nói như vậy bởi, từ cổ chí kim đến nay "con người là động lực phát triển lịch sử", đặc biệt trong xã hội hiện đại khi mà nền kinh tế tri thức ngày càng có những phát triển vượt bậc thì vai trò của con người lại càng nổi trội. Bởi chính bộ óc, trí tuệ của con người sẽ gây dựng lên nền kinh tế ấy, chứ không phải bất cứ giống loài nào khác. Tiếp theo tác giả đi vào phân tích hoàn cảnh của thế giới và đề ra những nhiệm vụ cho của đất nước trong thế kỷ mới.

Chúng ta cũng biết rằng trên thế giới sự phát triển của khoa học và công nghệ đã có những bước tiến lớn trong vòng 100 năm trở lại đây, đặc biệt là ở các nước phương Tây. Thêm vào đó song song với sự phát triển thì chính sách mở cửa, hội nhập đã được thực hiện từ rất sớm, các nền kinh tế vì thế càng có sự giao thoa sâu sắc, học hỏi lẫn nhau và nhanh chóng phát triển. Trước tình hình cả thế giới với những bước chân lớn và nhiều như vậy đòi hỏi Việt Nam ta phải tự đặt ra những mục tiêu và nhiệm vụ và bằng mọi giá phải hoàn thành nó, để rút ngắn thời gian nhanh chóng đuổi kịp các nước phát triển. Những nhiệm vụ ở đây được Vũ Khoan đề ra bao gồm: Đẩy mạnh nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước tiếp cận và phát triển nền kinh tế tri thức, đồng thời nhanh chóng thoát khỏi nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu. Đó là những nhiệm vụ tối cần, cấp thiết mà quan trọng nhất trong giai đoạn chuyển giao giữa hai thế kỷ của nước ta.

Sau khi chỉ ra vai trò của con người và những nhiệm vụ tối cần để phát triển đất nước trong thế kỷ mới Vũ Khoan mới bắt đầu đi sâu vào phân tích đặc tính của con người Việt Nam, để từ đó rút ra bài học nhằm cải thiện nguồn nhân lực cho đất nước. Với mỗi một phẩm chất và đặc tính thì ông đều phân làm điểm mạnh và điểm yếu, dám nhìn nhận thẳng vào sự thật, công khai mở ra những nhận thức mới về dân tộc ta, mà xưa nay ít ai đề cập vì lòng tự ái dân tộc.

Trước hết là về trí tuệ, Vũ Khoan nhận định con người Việt Nam ta được cả thế giới thừa nhận là "thông minh, nhạy bén với cái mới", điều này vô cùng có ý nghĩa với một xã hội đang phát triển và thay đổi từng ngày. Tuy nhiên chúng ta vẫn tồn tại nhiều điểm yếu, mà đa phần đến từ những lỗ hổng kiến thức, nặng lý thuyết, yếu thực hành, chính điều đó đã kiềm chế khả năng sáng tạo và thích ứng với môi trường xã hội năng động của chúng ta. Về đức tính chúng ta nổi bật với hay đức tính chính là cần cù và sáng tạo, phù hợp với nền kinh tế cần nhiều sự kiên trì, kỷ luật, những máy móc hiện đại tinh vi, tuy nhiên chúng ta lại thiếu đi cái tính tỉ mỉ, không có sự tính toán, luôn mang tinh thần "nước đến chân mới nhảy", đến đâu hay tới đó. Nếu nhanh nhạy, công việc trót lọt thì không sao, nhưng nếu làm không kịp thì để lại những hậu quả lớn, hơn thế nữa chúng ta lại cũng ưa "sáng tạo" ở những chỗ cần quy định nghiêm ngặt, còn bị ảnh hưởng bởi tư tưởng sản xuất nhỏ lẻ, thiếu bài bản.

Về tình cảm, người dân Việt Nam ta vốn có truyền thống lâu đời là đùm bọc, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, điều ấy thể hiện trong công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước ta từ hàng ngàn năm nay. Tuy nhiên có một điều đáng buồn rằng dường như những đức tính ấy lại không mấy sâu sắc trong việc làm ăn, bởi cái tư tưởng "tiểu nông", nhỏ nhen, hay đố kỵ, có thể chung hoạn nạn nhưng chưa chắc ấm no đã cơm lành canh ngọt. Chính điều này đã làm chúng ta khó có thể liên kết với nhau trên thế giới mạng, vốn là một môi trường phát triển nhiều tiềm năng.

Cuối cùng Vũ Khoan đề cập đến thói quen của người Việt Nam, chúng ta có một điểm mạnh ấy là khả năng thích ứng nhanh, chính vì thế dễ dàng làm quen và hội nhập tốt, ứng phó với những tiến trình phát triển phức tạp của thế giới. Bên cạnh điểm mạnh đó, Vũ Khoan cũng chỉ ra rằng chúng ta cũng có những thói quen hết sức xấu, đó là thái độ bài ngoại hoặc sính ngoại quá mức, khôn vặt, bóc ngắn cắn dài và nghiêm trọng hơn cả là thói quen không biết giữ chữ tín. Đó điều là những điểm đại kỵ trong công việc hợp tác làm ăn, là hòn đá cản đường vô cùng lớn trong tiến trình hội nhập và phát triển của nước ta.

Sau khi đã chỉ ra những điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam, Vũ Khoan đã đưa ra những lời khuyên, lời kêu gọi thay đổi nội hàm nguồn nhân lực để "sánh vai cùng các cường quốc năm châu". Ấy là chúng ta phải "lấp đầy hành trang bằng những điểm mạnh, vứt bỏ những điểm yếu" và muốn có được điều này ông nhấn mạnh tầm quan trọng, có ý nghĩa quyết định của việc thay đổi và giáo dục tầng lớp thanh niên "hãy làm cho lớp trẻ-những người chủ thực sự của đất nước trong thế kỷ tới - nhận ra điều đó, quen dần với những thói quen tốt đẹp ngay từ những việc nhỏ nhất". Sở dĩ nói như vậy bởi tầng lớp thanh niên là nguồn nhân lực lớn và dồi dào nhất, có khả năng, sức khỏe, trí tuệ, cũng là tầng lớp dễ thay đổi, thích nghi, khả năng học tập sáng tạo cao. Khi thay đổi dần những thói quen nhỏ cho tốt thì ắt hẳn rằng với trình độ, trí tuệ và sự phấn đấu của con người Việt Nam chúng ta sẽ sớm sáng vai cùng với các cường quốc năm châu như lời kỳ vọng của Bác.

Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới là một văn bản nghị luận thực tế, Vũ Khoan đã không ngần ngại thẳng thắn nhìn vào những điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam. Từ đó đưa ra lời kêu gọi, lời khuyên có sức cổ vũ lớn, không khiến người đọc phải tự ái, mà thay vào đó giúp mỗi người nhận thức được và xem xét để thay đổi bản thân ngày một tốt hơn, tương lai tham gia vào kiến thiết đất nước.

Audio Phân tích bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới của Phó Thủ tướng Vũ Khoan

Video Phân tích bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới của Phó Thủ tướng Vũ Khoan

Chia sẻ, đánh giá bài viết
5
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Lớp 9

    Xem thêm