Soạn bài Những ngôi sao xa xôi
Soạn văn 9 bài Những ngôi sao xa xôi
Soạn bài lớp 9 học kì 2: Những ngôi sao xa xôi do Lê Minh Khuê sáng tác dưới đây được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các bạn để tham khảo giúp học tập tốt môn Ngữ Văn lớp 9 chuẩn bị cho bài giảng sắp tới đây của mình.
Bài giảng Những ngôi sao xa xôi
Phân tích nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê
Soạn văn 9 bài Những ngôi sao xa xôi mẫu 1
1. Tóm tắt câu chuyện
Truyện được trần thuật từ nhân vật Phương Định. Việc lựa chọn như vậy thuận lợi để tác giả miêu tả, thể hiện cảm xúc trực tiếp của nhân vật chính, người tham gia câu chuyện. Đồng thời cho người đọc cảm giác được tiếp xúc trực tiếp với các nhân vật, chứng kiến những gian khổ, nguy hiểm trong cuộc sống chiến đấu của họ.
2. Những cô gái thanh niên xung phong có nét chung gắn bó thành một khối thống nhất. Đó là:
- Ba cô đều làm chung một nhiệm vụ là trinh sát mặt đường. Cụ thể là đo khối lượng đất đá cần san lấp, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom. Đó là công việc nguy hiểm mà cái chết luôn rình rập.
- Họ đều là các cô gái còn trẻ, có tinh thần trách nhiệm cao với công việc, yêu thương và gắn bó với đồng đội.
- Họ chiến đấu dũng cảm và sống giản dị, lạc quan, thích ca hát, thêu thùa.
- Họ hồn nhiên, vui thích đón nhận cơn mưa đá với niềm vui con trẻ.
Mỗi người trong họ có cá tính riêng, có những nét riêng. Phương Định là con gái thành phố, xinh đẹp, thích mơ mộng và hay hát. Nho thích thêu thùa, chị Thao hay chép bài hát, bình tĩnh, can đảm nhưng sợ máu vắt và không ưa nước mắt.
3. Phương Định là một cô gái thành phố, tự biết mình đẹp nhưng trong lòng cô luôn coi những người mặc quân phục với ngôi sao trên mũ là đẹp nhất.
Phương Định thuộc nhiều bài hát, thích bịa bài hát, hay mơ mộng "hát và nghĩ vớ vẩn".
Cô hay quan sát, để ý đồng đội của mình. Cô dành tình cảm yêu thương cho Nho – người bạn như cây kem trắng; dành tình cảm quý mến, trân trọng cho chị Thao, con người "cương quyết, táo bạo".
Phương Định làm quen với bom nổ, với căng thẳng hàng ngày. Nhưng mỗi lần phá bom là một thử thách mới. Cô đi thẳng đến quả bom chưa nổ. Cô đào đất và đặt thuốc nổ dưới quả bom có thể nổ bất kì lúc nào. Hành động của cô thật nhanh gọn, khéo léo trong một không khí cực kì căng thẳng. Với cô cái chết thật mờ nhạt trước điều quan tâm lớn nhất: Liệu mìn có nổ, liệu bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai?
Khi Nho bị thương Phương Định bình tĩnh chăm sóc bạn, rửa vết thương, băng và tiêm cho bạn.
Gặp cơn mưa đá bất ngờ, tính hồn nhiên của cô được bộc lộ mạnh mẽ. Cô vui thích, cuống cuồng "Những niềm vui con trẻ ...lại nở tung ra, say sưa, tràn đầy". Và cơn mưa gợi cho cô nhớ về thành phố, về mẹ, về những ngôi sao to trên bầu trời thành phố.
Nhân vật Phương Định đã bộc lộ những nét tiêu biểu nhất của các cô gái trẻ: Hồn nhiên, mơ mộng, xinh đẹp, thích hát, tự trọng, luôn cố gắng trong công việc, vượt lên trên gian khổ, khó khăn, nguy hiểm và nỗi sợ hãi, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
4. Ngôn ngữ của truyện là ngôn ngữ của nhân vật xưng "tôi" – Phương Định. Cách lựa chọn ngôi kể này làm cho câu truyện được kể trực tiếp từ người trong cuộc – một cô gái. Điều đó khiến cho lời lẽ kể truyện hồn nhiên, trẻ trung và giàu nữ tính. Người kể truyện còn thêm vào những suy nghĩ, những bình luận làm cho những bình luận làm cho câu truyện không chỉ là sự việc mà còn là sự việc được bình giá, được suy ngẫm. Nhịp kể của câu truyện cũng thay đổi. Khi khẩn trương, căng thẳng, khi chậm rãi, sâu lắng. Điều đó cũng góp phần làm cho câu truyện trở lên linh hoạt và sinh động.
5. Thế hệ trẻ trong thời kháng chiến chống Mỹ là những người sẵn sàng làm nhệm vụ. Họ là những cô thanh niên xung phong như Phương Định, Nho, chị Thao (Những ngôi sao xa xôi). Họ là những chiến sĩ lái xe lạc quan, dũng cảm "Ung dung buồng lái ta ngồi – Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng" (Phạm Tiến Duật – Bài thơ về tiểu đội xe không kính). Họ là những chàng trai trên đỉnh Yên Sơn làm nhiệm vụ trên đài khí tượng, lặng lẽ cống hiến cho đất nước, những con số về gió, mây, mưa, góp phần cho sản xuất và chiến đấu chống máy bay Mỹ (Lặng lẽ Sapa). Họ còn là cô kỹ sư, là đoàn viên sẵn sàng nhận phân công, công tác ở bất cứ đâu.
Thế hệ những người trẻ tuổi đó hồn nhiên, dũng cảm, ham học hỏi, sẵn sàng làm bất cứ công việc gì mà đất nước yêu cầu.
Đó là một thế hệ rất đáng tự hào, rất đáng để cho thanh niên ngày nay học tập.
Soạn bài lớp 9: Những ngôi sao xa xôi mẫu 2
NHỮNG NGÔI SAO XA XÔI
Lê Minh Khuê
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Lê Minh Khuê sinh năm 1949, quê ở huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá, thuộc thế hệ những nhà văn bắt đầu sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Các tác phẩm của Lê Minh Khuê ra đời đầu những năm 70 của thế kỷ XX đều viết về cuộc sống chiến đấu của thanh niên xung phong và bộ đội trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa. Từ sau năm 1975, sáng tác của Lê Minh Khuê đã bám sát những biến chuyển của đời sống, đề cập đến nhiều vấn đề bức xúc của xã hội thời đổi mới. Ngòi bút miêu tả tâm lý của Lê Minh Khuê khá sắc sảo, nhất là khi miêu tả tâm lý phụ nữ.
2. Truyện Những ngôi sao xa xôi viết về ba cô gái thanh niên xung phong làm nhiệm vụ phá bom ở một cao điểm trong thời kì cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ đang diễn ra khốc liệt. Miêu tả các cô gái hằng ngày, hằng giờ đối mặt với hiểm nguy nhưng sức hấp dẫn của truyện không phải ở những chi tiết, sự kiện hồi hộp, nóng bỏng mà ở khả năng miêu tả đời sống tâm hồn con người khá sinh động, sâu sắc của tác giả.
3. Tóm tắt nội dung:
Ba nữ thanh niên xung phong thuộc tổ trinh sát mặt đường tại một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Nhiệm vụ của họ là quan sát khi địch ném bom, đo khối lượng đất đá cần phải san lấp, đánh dấu vị trí các quả bom chưa nổ và phá bom. Công việc của họ hết sức nguy hiểm. Mặc dù vậy, cuộc sống của họ vẫn vẫn có những niềm vui hồn nhiên của tuổi trẻ, những giây phút thanh thản, mơ mộng và đặc biệt là gắn bó, yêu thương nhau trong tình đồng đội.
4. Truyện được trần thuật từ ngôi thứ nhất, theo lời kể của Định - nhân vật chính. Sự lưạ chọn vai kể như vậy rất phù hợp với nội dung tác phẩm cũng thuận lợi cho việc miêu tả, biểu hiện thế giới tâm hồn, những cảm xúc và suy nghĩ của ba cô gái.
5. Nhân vật trong truyện là ba cô gái trong tổ rà phá bom. Người kể chuyện cũng là một trong ba cô gái ấy. Từ góc nhìn này, tác giả có điều kiện miêu tả những suynghĩ, tâm trạng của các cô một cách chân thực, cụ thể và gần gũi.
Cùng chung một tổ, cùng trải qua cuộc sống đầy những khó khăn, hiểm nghèo, họ đã trở thành những con người dũng cảm, can trường, coi những việc đếm bom, phá bom... chỉ là những công việc bình thường hàng ngày. Đó là những người có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc nhưng đồng thời cũng dễ xúc cảm, giàu ước mơ, dễ vui mà cũng dễ trầm tư. Họ thích làm đẹp của cuộc sống của mình và không bao giờ tỏ ra chán nản, thất vọng.
Họ có những điểm chung đồng thời cũng có những nét tính cách riêng: Phương Định nhạy cảm và hồn nhiên, thích mơ mộng, ưa sống với những kỷ niệm của tuổi thiếu nữ vô tư, Chị Thao từng trải hơn nhưng cũng không thiếu những rung động, khát khao của tuổi trẻ, Nho trông có vẻ yếu đuối nhưng cũng rất tinh nghịch.
Xen giữa những trận bom, giữa những câu chuyện của ba chị em trong cuộc sống đời thường nhưng rất nóng bỏng ấy là dòng suy nghĩ lan man của nhân vật "tôi". Từ những suy nghĩ vui vui về các anh bộ đội đến nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ rất rõ những đồ vật, những kỉ niệm ngày còn ở nhà... Đó là những suy nghĩ rất đời thường nhưng càng làm cho bức tranh chân dung người chiến sĩ thêm sống động. Nhất là đoạn cuối truyện, khi cơn mưa đá đã tan thì niềm vui nhỏ bé của các cô cũng không còn. Cô gái lại đắm chìm và những hồi ức về quê nhà. Bao nhiêu hình ảnh gắn liền với bấy nhiêu kỉ niệm: mẹ, cái cửa sổ, bà bán kem, lũ trẻ, hoa trong công viên... mỗi hình ảnh chỉ kịp vụt qua trong thoáng chốc nhưng rất sắc nét, rất cụ thể.
6. Trong truyện, tác giả sử dụng ngôn ngữ trần thuật phù hợp với nhân vật kể chuyện - cô gái thanh niên xung phong người Hà Nội - tạo cho tác phẩm có giọng điệu và ngôn ngữ tự nhiên, trẻ trung và đầy nữ tính. Những câu văn ngắn, nhịp nhanh tạo được không khí khẩn trương trong hoàn cảnh chiến trường. Ở những đoạn hồi tưởng, nhịp kể chậm lại, gợi nhớ những kỷ niệm của tuổi thiếu niên hồn nhiên, vô tư.
7. Hình ảnh ba cô gái thanh niên xung phong trong truyện ngắn này là hình ảnh tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Có thể nêu những nhận xét khái quát về hoàn cảnh sống và chiến đấu, về tính cách, phẩm chất nổi bật của họ: hoàn cảnh ngặt nghèo, thường xuyên đối mặt với hiểm nguy; hồn nhiên, yêu đời; sẵn sàng đương đầu với thử thách, tình cảm đồng đội cao đẹp...
II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
1. Tóm tắt:
Ba nữ thanh niên xung phong thuộc tổ trinh sát mặt đường tại một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Nhiệm vụ của họ là quan sát khi địch ném bom, đo khối lượng đất đá cần phải san lấp, đánh dấu vị trí các quả bom chưa nổ và phá bom. Công việc của họ hết sức nguy hiểm. Mặc dù vậy, cuộc sống của họ vẫn vẫn có những niềm vui hồn nhiên của tuổi trẻ, những giây phút thanh thản, mơ mộng và đặc biệt là gắn bó, yêu thương nhau trong tình đồng đội.
2. Đọc diễn cảm.
Mời các bạn tham khảo tài liệu liên quan
Dưới đây là bài soạn Những ngôi sao xa xôi bản rút gọn nếu bạn muốn xem hãy kích vào đây Soạn văn 9: Những ngôi sao xa xôi
Ngoài đề cương ôn tập chúng tôi còn sưu tập rất nhiều tài liệu học kì 2 lớp 9 từ tất cả các trường THCS trên toàn quốc của tất cả các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa, Sinh. Hy vọng rằng tài liệu lớp 9 này sẽ giúp ích trong việc ôn tập và rèn luyện thêm kiến thức ở nhà. Chúc các bạn học tốt và đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới