Địa lý 12 Chân trời sáng tạo bài 17
Địa lí 12 Chân trời sáng tạo bài 17: Một số ngành công nghiệp được VnDoc sưu tầm và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo để có thêm tài liệu giải SGK Địa 12 Chân trời sáng tạo nhé. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.
Bài: Một số ngành công nghiệp
Mở đầu trang 70 Địa Lí 12: Nước ta đã hình thành một số ngành công nghiệp mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội, đồng thời đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của các ngành kinh tế khác. Vậy, ở nước ta có các ngành công nghiệp nào? Đặc điểm phát triển và phân bố ra sao?
Lời giải:
- Công nghiệp khai thác than, dầu, khí:
+ Công nghiệp khai thác than: xuất hiện từ sớm, sản lượng lớn, giá trị kinh tế cao, chủ yếu ở Quảng Ninh.
+ Công nghiệp khai thác dầu, khí: khai thác quy mô lớn, sản lượng cao, áp dụng công nghệ tiên tiến, chủ yếu ở vùng biển và thềm lục địa phía Nam.
- Công nghiệp sản xuất điện: phát triển mạnh, cơ cấu đa dạng: thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo, mạng lưới hoàn thiện.
- Công nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính: phát triển mạnh, sản phẩm khá đa dạng, phân bố chủ yếu ở các đô thị lớn.
- Công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm: phát triển mạnh, sản phẩm đa dạng, sản lượng không ngừng gia tăng, phân bố rộng khắp cả nước.
- Công nghiệp sản xuất đồ uống: phát triển mạnh, cơ cấu sản phẩm đa dạng, phân bố ở các đô thị, đặc biệt các đô thị lớn, gần nguồn nước khoáng.
- Công nghiệp dệt, may: hình thành từ sớm, sản phẩm đa dạng, gia tăng sản lượng, phân bố ở các đô thị lớn.
- Công nghiệp giày, dép: đang phát triển khá nhanh, sản lượng cao, sản phẩm đa dạng, ứng dụng công nghệ, phân bố rộng khắp cả nước.
I. Công nghiệp khai thác than, dầu, khí
Câu hỏi trang 70 Địa Lí 12: Dựa vào hình 17.1 và thông tin trong bài, hãy trình bày đặc điểm phát triển và phân bố công nghiệp khai thác than, dầu, khí ở nước ta.
Lời giải:
- Công nghiệp khai thác than:
+ Có trữ lượng than lớn, nhiều loại than (than đá, than nâu, than bùn,…).
+ Xuất hiện từ sớm, sản lượng xu hướng tăng, cung cấp nhiên liệu cho nhà máy nhiệt điện, luyện kim, xuất khẩu. Công nghệ khai thác ngày càng tiên tiến, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa góp phần tăng năng suất lao động, an toàn, bảo vệ môi trường.
+ Than đá sản lượng lớn nhất, giá trị kinh tế cao, chủ yếu ở Quảng Ninh, Thái Nguyên, Sơn La, Quảng Nam. Than nâu và than bùn sản lượng khai thác không nhiều.
- Công nghiệp khai thác dầu, khí:
+ Tiềm năng lớn, trữ lượng ước tính khoảng vài tỉ tấn dầu và hàng trăm tỉ m3 khí.
+ Dầu mỏ khai thác quy mô lớn, sản lượng khai thác năm 2021 đạt 9,1 triệu tấn. Phục vụ xuất khẩu, lọc hóa dầu.
+ Sản lượng khai thác khí tự nhiên dao động trong khoảng 6 – 10 tỉ m3 mỗi năm.
+ Áp dụng công nghệ tiên tiến của thế giới trong thăm dò, khai thác và chế biến, tăng hiệu quả và sự an toàn trong khai thác, bảo vệ môi trường.
+ Phân bố tại các bể trầm tích chứa dầu ở vùng thềm lục địa chủ yếu là bể Cửu Long và bề Nam Côn Sơn. Các mỏ dầu đang khai thác là Bạch Hổ, Rồng, Rạng Đông, Hồng Ngọc; các mỏ khí đang khai thác là Lan Đỏ, Lan Tây,…
II. Công nghiệp sản xuất điện
Câu hỏi trang 71 Địa Lí 12: Dựa vào hình 17.2, 17.3 và thông tin trong bài, hãy trình bày đặc điểm phát triển và phân bố công nghiệp sản xuất điện ở nước ta.du
Lời giải:
- Nhiều tiềm năng phát triển: tiềm năng thủy điện trên các hệ thống sông Hồng, Sê San, Đồng Nai,… tiềm năng nhiệt điện từ than, dầu mỏ, khí tự nhiên; tiềm năng năng lượng tái tạo từ gió, mặt trời.
- Phát triển mạnh, sản lượng điện tăng nhanh, đạt 244,9 tỉ kWh (2021). Cơ cấu sản lượng điện đa dạng, có sự thay đổi:
+ Thủy điện chiếm 30,6% (2021), có các nhà máy công suất lớn như Sơn La (2400 MW), Hòa Bình (1920 MW), Lai Châu (1200 MW).
+ Nhiệt điện chiếm 56,2% (2021), các nhà máy nhiệt điện than công suất lớn như Duyên Hải 1 (1245 MW), Vũng Áng 1 (1200 MW), Hải Phòng (1200 MW), Quảng Ninh (1200 MW). Các nhà máy nhiệt điện khí với công suất lớn như Phú Mỹ 1 (1140 MW), Nhơn Trạch 2 (750 MW), Cà Mau 1 (771 MW),…
+ Năng lượng tái tạo chiếm 13,3% (2021), có các nhà máy điện gió công suất lớn ở Đắk Lắk, Ninh Thuận,… các nhà máy điện mặt trời công suất lớn ở Phú Yên, Ninh Thuận, Trà Vinh,…
- Mạng lưới điện ngày càng hoàn thiện, có 2 hệ thống lưới điện chính: hệ thống lưới điện 500 kV với tuyến chính kéo dài từ Lai Châu đến Cần Thơ; hệ thống lưới điện 220 kV kết nối hầu hết các tỉnh trong nước.
III. Công nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính
Câu hỏi trang 73 Địa Lí 12: Dựa vào hình 16 và thông tin trong bài, hãy trình bày đặc điểm phát triển và phân bố công nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính ở nước ta.
Lời giải:
- Có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển: nguồn lao động trẻ, trình độ lao động ngày càng được nâng cao, khoa học – công nghệ, chính sách phát triển công nghiệp, hội nhập trong khu vực và trên thế giới.
- Là ngành công nghiệp trẻ, phát triển mạnh từ năm 2000 trở lại đây.
- Sản phẩm khá đa dạng: linh kiện điện tử, thiết bị truyền thông, điện tử dân dụng, thiết bị và dụng cụ quang học, máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính,…
- Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ.
- Phân bố chủ yếu ở các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ,… Hiện nay, một số địa phương đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào ngành này như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bình Dương, Đồng Nai,…
IV. Công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm
Câu hỏi trang 73 Địa Lí 12: Dựa vào hình 17.4 và thông tin trong bài, hãy trình bày đặc điểm phát triển và phân bố công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm ở nước ta.
Lời giải:
- Phát triển thuận lợi nhờ nguồn nguyên liệu trong nước phong phú, lực lượng lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Hình thành và phát triển mạnh từ cuối thế kỉ XIX.
- Các sản phẩm khá đa dạng, không ngừng gia tăng về sản lượng. Nhiều thành tựu khoa học – công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong các nhà máy sản xuất, chế biến thực phẩm như tự động hóa dây chuyền sản xuất,…
- Phân bố rộng khắp cả nước, tập trung gần nguồn nguyên liệu hoặc thị trường tiêu thụ lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Kiên Giang,…
V. Công nghiệp sản xuất đồ uống
Câu hỏi trang 74 Địa Lí 12: Dựa vào hình 17.4 và thông tin trong bài, hãy trình bày đặc điểm phát triển và phân bố công nghiệp sản xuất đồ uống ở nước ta.
Lời giải:
- Nguồn nông sản dồi dào, nhiều điểm nước khoáng chất lượng tốt, nhu cầu tiêu thụ ngày càng gia tăng,… => thuận lợi phát triển ngành.
- Phát triển mạnh, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Cơ cấu sản phẩm đa dạng như nước tinh khiết, nước khoáng, bia,… Nhiều sản phẩm hiện nay do các tập đoàn lớn trên thế giới sản xuất.
- Ứng dụng rộng rãi các thành tựu khoa học – công nghệ (tự động hóa, công nghệ sản xuất đồ uống lên men, công nghệ vi sóng trong tiệt trùng thực phẩm,…)
- Phân bố ở các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn, một số cơ sở sản xuất phân bố gần nguồn nước khoáng.
VI. Công nghiệp giày, dép
Câu hỏi trang 77 Địa Lí 12: Dựa vào hình 16 và thông tin trong bài, hãy trình bày đặc điểm phát triển và phân bố công nghiệp giày, dép ở nước ta
Lời giải:
- Phát triển khá nhanh, sản lượng giày, dép có vị trí cao trên thế giới.
- Các sản phẩm đa dạng: giày dép da, giày vải, giày thể thao,…
- Bên cạnh phương thức sản xuất thủ công, các công ty lớn từng bước đưa rô-bốt vào trong một số công đoạn sản xuất. Công nghệ in 3D cũng được ứng dụng.
- Phân bố rộng khắp cả nước, đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ,…
Luyện tập (trang 77)
Luyện tập trang 77 Địa Lí 12: Dựa vào hình 16 và kiến thức đã học, xác định đặc điểm phân bố của công nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính ở nước ta và giải thích nguyên nhân của sự phân bố đó.
Lời giải:
- Đặc điểm phân bố: tập trung nhiều nhất ở Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, Trung du và miền núi Bắc Bộ. Chủ yếu ở các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ,… Ngoài ra, một số địa phương như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bình Dương, Đồng Nai,…
- Giải thích: sự phân bố này là do các vùng, địa phương này đều thu hút được nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào sản xuất sản phẩm điện tử từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Xin-ga-po; thu hút được các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào ngành này như Samsung, LG,…
Vận dụng (trang 77)
Vận dụng trang 77 Địa Lí 12: Lựa chọn một ngành công nghiệp ở địa phương em sinh sống hoặc ở thành phố trực thuộc trung ương, sau đó viết bài giới thiệu ngắn về ngành công nghiệp đã chọn.
Lời giải:
Năm 2023, Sản xuất và phân phối điện tăng cao so cùng kỳ năm trước: trong đó, điện sản xuất ước đạt 9.400 triệu Kwh, điện thương phẩm ước đạt 1.280 triệu Kwh. Chương trình phát triển lưới điện thông minh được triển khai rộng rãi đã giúp nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện ngày càng tốt hơn. Ngành điện đã đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và sinh hoạt của người dân. Ngành luôn đảm bảo cung cấp đủ điện an toàn, tin cậy, đưa vào vận hành khối lượng lớn các dự án nguồn và lưới điện. Công tác đưa điện về nông thôn, miền núi hải đảo được chú trọng và thực hiện vượt chỉ tiêu giao, góp phần quan trọng thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ ổn định chính trị, an ninh, chủ quyền biên giới biển đảo. Đến nay Công ty Điện lực Hòa Bình đã cơ bản hoàn thành một các nhiệm vụ thuộc Đề án phát triển lưới điện thông minh. Đến nay 100% các trạm biến áp 110kV thuộc phạm vi quản lý của các công ty Điện lực tỉnh và các nhà máy thủy điện có công suất lắp đặt từ 10MW đến 30MW có kết nối hệ thống SCADA về trung tâm điều khiển, A1 theo quy định và 90% đáp ứng đủ tín hiệu SCADA theo quy định. Hoàn thành chỉ tiêu thực hiện 100% các TBA 110kV vận hành theo tiêu chí không người trực.
>>>> Bài tiếp theo: Địa lý 12 Chân trời sáng tạo bài 18
Như vậy VnDoc đã giới thiệu các bạn tài liệu Giải SGK Địa lý lớp 12 bài 17: Một số ngành công nghiệp. Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu: Trắc nghiệm Địa lý 12, Địa lý 12 Kết nối tri thức, Địa lý 12 Cánh diều, Tài liệu học tập lớp 12.