Đọc truyện Tấm Cám, anh (chị) suy nghĩ gì về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay
Những bài văn mẫu hay lớp 10
Văn mẫu 10: Đọc truyện Tấm Cám, anh (chị) suy nghĩ gì về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay là tài liệu văn mẫu lớp 10 hay được Thư viện văn mẫu 10 VnDoc sưu tầm và đăng tải, hi vọng sẽ giúp quý thầy cô và các em có thêm nhiều tài liệu tham khảo bổ ích để hoàn thành bài tập làm văn.
Đọc truyện Tấm Cám, anh (chị) suy nghĩ gì về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay
Truyện cổ tích là nguồn nước trong mát, bất tận, là nơi thấm đượm những ước mơ, khát vọng của nhân dân trong cuộc sống. Một trong những truyện được nhắt tới nhiều nhất là Tấm Cám. Đây là một câu chuyện tiêu biểu cho cuộc đấu giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và vẫn còn nguyên giá trị hiện thực cho đến ngày nay.
Thiện là gì? Thiện trong “chân, thiện, mĩ” có nghĩa là tốt” có lòng tốt, sống tốt, có lời nói, cử chỉ, hành động tốt. Người sống thiện là người tốt, hiền lành, thật bụng tin người, luôn mong được sống hạnh phúc. Tóm lại, cái thiện là những phẩm chất, hành vi tốt, ý định tốt, phù hợp với chuẩn mực đạo đức của con người và vì con người. Còn cái ác là gì? Cái ác đối lập với cái thiện. Cái ác là cái xấu, cái tàn bạo của những kẻ thích gây đau khổ, tai họa, thích cướp đoạt thành quả lao động của người khác để hưởng sung sướng cho riêng mình. Kẻ ác là kẻ xấu. Đây là loại người dối trá, tham lam, hay ganh ghét, độc ác, hại người, chỉ cốt cho riêng mình được sung sướng. Kẻ xấu tìm mọi cách để làm hại người tốt. Hai phạm trù đạo đức “thiện – ác” tuy đối lập nhưng tồn tại song song trong đời sống xã hội. Bao giờ cũng vậy, trong cuộc đấu tranh muôn đời giữa cái thiện và cái ác, con người luôn mơ ước, tin tưởng vào cái thiện và cái đẹp nhất định sẽ chiến thắng.
Trong truyện, ai là đại diện cho cái thiện, cho người tốt? Đại diện cho cái thiện, cho người tốt chính là Tấm. Cô đẹp người đẹp nết. Từ xưa đến nay, hình ảnh Tấm đã trở thành một khuôn mẫu để đánh giá nét đẹp của người phụ nữ. Tấm xinh đẹp, nhân hậu, chăm chỉ và hiếu thảo. Tấm còn đại diện cho cái thiện, cho những điều chính nghĩa, lẽ phải. Nhưng cái thiện luôn bị cái ác chèn ép, bắt nạt, hãm hại. Tấm không được sống trong hạnh phúc, thứ mà đáng lẽ cô phải được nhận để xứng đáng với nhân cách tốt đẹp của mình. Ban đầu, Tấm nhu nhược, bị động, bị hãm hại, chỉ biết khóc và trong chờ và sự giúp đỡ của Bụt. Thế nhưng con người ta, khi bị áp bức quá mức, bị dồn vào thế đường cùng, đi quá giới hạn mà lòng chịu đựng cho phép thì sẽ tự vùng lên, đấu tranh kiên quyết với cái ác để giành lại hạnh phúc cho mình.
Trong truyện, ai là đại diện cho cái ác, cho người xấu? Đại diện cho cái ác, cho người xấu chính là mẹ con Cám. Chúng đại diện cho cái ác, cho những điều xấu xa, thấp hèn, trái với lương tâm. Tâm địa độc ác của chúng ngày càng lộ rõ, tàn nhẫn với nhiều thủ đoạn độc ác. Chúng quyết hại Tấm để giành cho được địa vị hoàng hậu cao sang. Bốn lần chúng giết Tấm: khi hái cau ngày giỗ cha, lúc Tám đã biến thành chim vành anh, lúc Tấm biến thành hai cây xoan đào rồi khung cửi. Giết Tấm lần thứ nhất là để giành lấy ngôi hoàng hậu. Giết Tấm những lần sau là để giữ vững ngôi sang ấy. Nhưng mỗi lần gây tội ác Cám không khỏi run sợ và ngày càng run sợ. Lần nào Cám cũng về mách mẹ và lại được mụ ta bày mưu. Tội ác không dừng, tội ác cũng không có giới hạn. Muốn giữ quyền lợi của mình, bọn bóc lột không chùn tay trước thủ đoạn nào, kể cả giết người, truy sát kiếp này, kiếp khác, không dứt
“Quyền năng của cái ác luôn chỉ là những nỗ lực vô nghĩa”
Trong xã hội xưa nay, cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu như thế nào? Bao giờ cũng vậy, chiến thắng của cái thiện là tất yếu. Điều này rất đúng. Vì sao? Vì cái thiện là lẽ phải, là chính nghĩa, là kết tinh những giá trị đẹp đẽ nhất. Vì chiến thắng của cái thiện là chân lí của cuộc sống. Không chỉ ở Tấm Cám, bài học đạo đức về sự chiến thắng của cái thiện còn được đề cao ở rất nhiều truyện cổ khác. Chàng Thạch Sanh nghèo khổ nhưng trung thực và tài ba cuối cùng lấy được công chúa và lên làm vua. Trong Cây tre trăm đốt, anh trai cày hiền lành, chăm chỉ kết duyên cùng con gái phú ông. Sọ Dừa sánh duyên cùng cô Út. Những kết thúc có hậu đó đã ca ngợi chiến thằng rực rỡ của cái thiện.
Tuy nhiên cuộc đời thực không như cổ tích bởi còn nhiều người ở hiền mà vẫn chưa gặp lành, cái thiện vẫn bị đe dọa và cái ác nhiều khi lại là kẻ mạnh. Không có chiến thắng nào là dễ dàng và đơn giản. Chiến thắng của cái thiện cũng vậy. Trong thực tế, có khi cái thiện là những lực lượng nhỏ bé những người dân hiền lành nhân hậu, thấp cổ bé họng như con sâu, cái kiến giữa cuộc đời. Trong khi đó, cái ác thường có thế lực mạnh mẽ, xảo quyệt và đầy mưu mô hiểm độc. Trong những thời điểm và hoàn cảnh nhất định, cái thiện tạm thời bị cái ác lấn lướt và tưởng chừng thất bại, nhưng với tinh thần đấu tranh mạnh mẽ, cuối cùng cái thiện cũng chiến thắng. Tóm lại, cái ác có thể mạnh nhưng không thể tồn tại vĩnh viễn, cái thiện có thể yếu nhưng sẽ vẫn luôn tồn tại để đấu tranh chống lại cái ác. Và đấy là một minh chứng cho chân lí: “Ở hiền gặp lành” và “Gieo gió gặt bão”.
Tại sao những người nhỏ bé, nghèo khổ như cô Tấm lại chiến thắng được những cái xấu, cái ác để giành lấy hạnh phúc cho mình? Đúng, cái thiện đã chiến thắng bởi nó tuy nhỏ bé nhưng không đơn độc trong cuộc chiến chống lại cái xấu và cái ác. Những lúc gặp khó khăn hay đau khổ, Tấm đều được Bụt giúp đỡ vượt qua. Khi Tấm phải nhặt thóc trộn lẫn gạo, đã có đàn chim sẻ được Bụt sai xuống nhặt hộ. Khi Tấm có quần áo đẹp đi xem hội, Bụt bảo hãy đào bốn cái lọ chôn dưới chân giường … Bụt chính là ước mơ của nhân dân lao động, là sự cứu giúp cần thiết và kịp thời để Tấm đi đến thắng lợi cuối cùng. Bụt là kết tinh của tình yêu, niềm tin và sức mạnh mà nhân dân gửi gắm. Tấm xứng đáng được nhận sự cưu mang kì diệu đó bởi cô là hiện thân của cái thiện và cái đẹp. Chiến Thắng của Tấm, của cái thiện cũng chính là chiến thắng của niềm tin, ước mơ của người dân lao động sau lũy tre làng.
Truyện cổ tích có vai trò như thế nào trong việc phản ánh cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu? truyện Tấm Cám trước tiên là câu chuyện trong khuôn khổ của một gia đình: những mối bất hòa mà dì ghẻ, con chồng thường xung đột với nhau. Dân gian phản ánh tình trạng đó bằng câu ca dao:
“Mấy đời bánh đúc có xương,
Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”.
Tuy vậy, truyện còn có ý nghĩa sâu xa hơn, mở rộng đến phạm vi xã hội. Xét ở tầng ý nghĩa sâu hơn thì mẹ con Cám đại diện cho tầng lớp áp bức bóc lột trong xã hội, còn Tấm thì người bị áp bức. Mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ con Cám thực chất là mâu thuẫn giữa người lao động và kẻ bóc lột, giữa thật thà và gian trá, giữa thiện và ác. Kẻ xấu, kẻ ác, kẻ bóc lột nắm quyền hành trong tay, tha hồ làm mưa làm gió, tác oai, tác quái. Người bị áp bức phải chịu muôn vàn khốn khổ, nhưng nếu kiên trì đấu tranh thì sẽ chiến thắng và được sống hạnh phúc. Còn kẻ áp bức bóc lột nhất định phải bị trừng phạt thích đáng. Quy luật của công lí nhân dân thời xưa là vậy: “Ác giả ác báo”.
Tấm Cám là truyện cổ tích được phổ biến sâu rộng trong dân gian bởi nó đặc sắc và rất hấp dẫn, tiêu biểu cho tâm hồn lãng mạn, tinh thần lạc quan yêu đời và niềm khát khao vươn tới cái đẹp cùng điều thiện của nhân dân lao động. Hãy quay về với những truyện cổ như Tấm Cám để làm sống lại niềm tin về sự chiến thắng của cái thiện đối với cái ác, Chân lí đó đùng từ ngàn xưa và ngay cả trong thời đại hiện nay. Và đây là niềm tien để chúng ta dũng cảm cùng nhau đáu tranh bảo vệ cái thiện, làm cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.