Hãy kể một việc làm sai lầm khiến em trưởng thành hơn
Kể một việc làm sai lầm khiến em trưởng thành hơn
- I. Dàn ý Kể một việc làm sai lầm khiến em trưởng thành hơn
- II. Văn mẫu Kể một việc làm sai lầm khiến em trưởng thành hơn
- 1. Kể một việc làm sai lầm khiến em trưởng thành hơn - Mẫu 1
- 2. Kể một việc làm sai lầm khiến em trưởng thành hơn - Mẫu 2
- 3. Kể một việc làm sai lầm khiến em trưởng thành hơn - Mẫu 3
- 4. Kể một việc làm sai lầm khiến em trưởng thành hơn - Mẫu 4
- 5. Kể một việc làm sai lầm khiến em trưởng thành hơn - Mẫu 5
- 6. Kể một việc làm sai lầm khiến em trưởng thành hơn - Mẫu 6
Văn mẫu lớp 9: Hãy kể một việc làm sai lầm khiến em trưởng thành gồm dàn ý và 6 bài văn mẫu hay lớp 9 cho các em tham khảo, có thêm nhiều ý tưởng hoàn thành bài văn hay và đạt điểm cao trong các bài kiểm tra Văn sắp tới.
I. Dàn ý Kể một việc làm sai lầm khiến em trưởng thành hơn
1. Mở bài
Giới thiệu và dẫn dắt vào câu chuyện một việc làm sai lầm khiến em trưởng thành hơn.
2. Thân bài
a. Nguyên nhân, hoàn cảnh xảy ra câu chuyện
Em vốn là một học sinh có học lực khá ở trong lớp, tuy rất ham mê trò chơi điện tử nhưng em chưa bao giờ trốn học đi chơi mà luôn biết cách sắp xếp cân đối giữa việc học với giải trí nên kết quả học tập cũng rất tốt và bố mẹ cũng an tâm nên không cấm em việc chơi các trò chơi điện tử.
Ngày hôm ấy các bạn có mở trận đấu game với một đội khác và rủ em tham gia với vai trò đội trưởng. Ban đầu em từ chối, nhưng các bạn cứ năn nỉ với những lí do rất thuyết phục nên em đã quyết định nhận lời.
Thật không may, trận đấu ngày hôm ấy lại trùng với lịch kiểm tra môn Toán của cô giáo chủ nhiệm lớp em, em tính xin cô nghỉ ốm rồi sau đó xin làm bài kiểm tra bù sẽ không có chuyện gì xảy ra.
b. Diễn biến
Chiều hôm ấy, đúng hai giờ chúng em có mặt tại quán điện tử nơi diễn ra trận chiến. Mỗi đội có năm người cùng tham gia. Sau ba hiệp đấu, đội em thua cuộc khi để đội bạn chiến thắng hai hiệp. Chúng em ra về với trạng thái đầy tiếc nuối vì những sai lầm nhỏ nhoi không đáng có.
Hơn 5 giờ chiều, em quay lại cổng trường và ra về cùng các bạn như không có chuyện gì xảy ra những tưởng vẫn theo sự tính toán của bản thân mình.
Chiều hôm đó, mẹ em đi chợ về rồi nấu nướng như bình thường nhưng sắc mặt mẹ có chút thay đổi, mẹ im lặng hơn bình thường.
Sau bữa tối, mẹ vào phòng nói chuyện với em, mẹ bảo chiều nay mẹ có gặp cô giáo ở chợ và có biết em xin nghỉ ốm không đi học, mẹ yêu cầu em trung thực với mẹ. Em thừa nhận những lỗi lầm của mình,, kể lại những chuyên đã xảy ra và xin lỗi mẹ.
Sáng hôm sau, khi đến trường, em lên phòng cô giáo, gặp riêng cô và xin lỗi cô về câu chuyện buổi chiều hôm qua. Trong suy nghĩ của em, cô sẽ nghiêm khắc trừng phạt em nhưng không, cô ôn tồn bảo em biết tự giác nhận lỗi là tốt, cô sẽ không phạt em lần này nhưng nếu còn tái phạm thì lần sau cô sẽ phạt nặng hơn những bạn khác.
Chính hành động nhẹ nhàng này của cô càng làm em thấy có lỗi hơn, tuy nhiên nó lại là động lực để em cố gắng vươn lên, là bài học đắt giá để em không tái phạm lần nữa.
3. Kết bài
Khái quát lại bài học được rút ra từ câu chuyện: cố gắng không mắc sai lầm, nếu có thì phải biết nhận lỗi và sửa chữa lỗi lầm đó.
II. Văn mẫu Kể một việc làm sai lầm khiến em trưởng thành hơn
1. Kể một việc làm sai lầm khiến em trưởng thành hơn - Mẫu 1
Sự hoàn hảo có lẽ điều con người luôn tìm kiếm, nhưng để thực sự có được điều đó thì mấy ai đã dám tự nói lên những sai lầm của chính mình, điều đáng trân trọng là sự hối lỗi, biết nhận ra sai lầm của bản thân không lặp lại nó để mình tốt hơn Dù thời gian có trôi đi thì chính bản thân tôi luôn tự dằn vặt và không làm sao quên được lỗi lầm ngày nào tô đã gây ra với chị hai vào năm học lớp 6.
Tôi còn nhớ tường tận từng giây phút, từng hành động vào buổi tối thứ bảy hôm đó, tôi cùng chị hai ngồi xem tivi, hát hò, đùa giỡn trong phòng của ba mẹ. Khi đó tôi cầm vào phòng ly cacao mẹ làm cho hai chị em, tôi không cẩn thận chạy thật nhanh vào phòng rồi bị trượt chân đổ hết ly nước vào xếp hồ sơ của mẹ. Giây phút đó tôi vô cùng hoảng sợ, chân tay run rẩy nhìn chị hai nói: “Chị ơi, em lỡ làm đổ nước bẩn hết giấy tờ của mẹ rồi, em phải làm sao đây chị hai?”. Mẹ nghe tiếng vỡ ly nên lập tức chạy vào phòng xem, mẹ cầm tập hồ sơ lên với vẻ mặt rất buồn, tức giận, mẹ nói: “Trời ơi, hợp đồng của mẹ mới vừa kí lúc chiều, đứa nào làm đổ nước bẩn hết của mẹ rồi?”. Mẹ quay sang nhìn chúng tôi muốn có được lời giải thích từ hai chị em tôi, tôi đã lập tức nhanh miệng nói lí nhí: “Chị hai lỡ trượt tay làm đổ nước lên tập giấy của mẹ đấy ạ.” Chị hai không giận dỗi, kể lỗi của tôi, ngược lại chị đã xin lỗi mẹ mặc dù mình không sai phạm.
Sau đó chị hai đã không hề la mắng, giận dỗi tôi mà kéo tôi về phòng, nhẹ nhàng nói với tôi rằng: “Chị không đồng tình với thái độ cư xử của em lúc nảy, chính em gây ra lỗi thì em phải bản lĩnh chịu trách nhiệm với hành động của mình, biết mình sai để lần sau cẩn thận hơn. Lần này chị sẽ không nói với mẹ, chị sẽ bỏ qua cho em, nhưng lần sau em không được làm như vậy, đổ lỗi cho người khác sẽ không giúp em xóa đi lỗi lầm của mình, em làm như thế sẽ hình thành trong em một đức tính xấu, em biết chưa!” Chị nói xong tôi thấy mình có lỗi và thương chị rất nhiều, thế là chạy đến ôm chị và khóc, tôi giận bản thân mình và xin lỗi chị rất nhiều. Những lời nói của chị đã giúp tôi ngộ ra rất nhiều điều, tôi đã không dám đối diện với sai lầm của mình mà còn ích kỉ đổ lỗi cho người khác.
Dù đã rất lâu rồi nhưng tôi vẫn không thể quên được ngày hôm đó, khi nhớ lại tôi chỉ thấy bản thân mình quá tệ, hổ thẹn với chính mình bao nhiều tôi lại càng thấy mình thật nhỏ nhen, ích kỉ và càng thương chị hơn rất nhiều. Tôi đã tự nhắc nhở bản thân sẽ không bao giờ tái phạm lại một lần nào nữa, đó là bài học đắt giá cho chính tôi.
2. Kể một việc làm sai lầm khiến em trưởng thành hơn - Mẫu 2
Trong quãng đời tuổi thơ của mình, tôi đã từng trải qua rất nhiều kỉ niệm. Có kỉ niệm vui, kỉ niệm buồn và có cả những bài học đắt giá. Và với tôi, sinh nhật năm lớp 7 đã để lại cho tôi bài học sâu sắc về cách đối xử với mọi người xung quanh.
Tôi và Dương vốn là đôi bạn thân. Chúng tôi lớn lên cùng nhau, cùng đi học và gắn bó với nhau mỗi ngày. Gia cảnh của Dương có phần khó khăn hơn nhà tôi nhưng tôi chưa bao giờ quan tâm đến điều đó. Dương là cô bé hiền lành, vui tính, ngoan ngoãn và rất quan tâm đến bạn bè nên tôi rất yêu quý bạn. Tôi cũng cảm nhận được Dương có chung cảm giác với mình. Mối quan hệ của chúng tôi rất tốt đẹp suốt những tháng ngày cấp 1.
Cho đến khi lên lớp 6, chúng tôi học hai trường khác nhau. Thời gian học bận rộn khiến tôi và Dương ít gặp nhau dần nhưng mỗi khi có dịp, chúng tôi vẫn chuyện trò không ngớt. Ở lớp, tôi dần gặp được những người bạn mới. Tôi nhập bọn với một nhóm các bạn khá “nổi tiếng” trong lớp, tham gia đi chơi và tụ tập cùng các bạn. Có những buổi hẹn với Dương, tôi nói dối bận học để đi chơi với bạn mới. Điều này kéo dài khá lâu. Chỉ có Dương là vẫn nhẹ nhàng, thông cảm cho tôi.
Sinh nhật năm lớp 7, tôi mời Dương cùng nhiều bạn trong lớp tới. Mọi người tặng tôi rất nhiều quà đẹp. Các bạn mới mang đến nhiều gấu bông, đồ lưu niệm, thậm chí là quần áo dành tặng tôi. Dương tặng tôi một cuốn truyện nhỏ. Lúc nhận quà, tôi cảm ơn qua loa và có thái độ không niềm nở đối với món quà đó. Ngược lại, tôi trầm trồ và tỏ vẻ thích thú với những hộp quà lộng lẫy. Trong suốt buổi tiệc, tôi mải mê nói chuyện với phần đông các bạn ở lớp, bỏ quên người bạn cô đơn của mình. Cuối buổi tiệc, Dương lặng lẽ ra về mà không nói với tôi lời nào.
Bố mẹ tôi đã nhận ra điều bất thường này và gọi tôi đến nói chuyện. Sau khi nghe tôi kể lại sự tình, bố mẹ đã nghiêm khắc trách phạt tôi vì lối cư xử của tôi. Nghe những lời bố mẹ nói, tôi nhận ra lỗi không phải ở hoàn cảnh hay những người bạn mới. Lỗi ở chính tôi – một kẻ vô tâm và dối trá. Tôi hối hận và thức suốt đêm trằn trọc, khóc ướt gối. Mẹ nói rằng thái độ và hành vi của tôi là hành xử của người vô ơn, không trung thành và dễ dàng quên đi người từng gắn bó với mình.
Ngày hôm sau, lấy hết can đảm, tôi đến gặp Dương và nói lời xin lỗi. Tôi vô cùng xấu hổ. Dương nhẹ nhàng tha thứ cho tôi và nhắc tôi đừng bao giờ lặp lại điều đó. Tuy chúng tôi đã thân thiết trở lại nhưng tôi vẫn không thể tha thứ cho mình mỗi khi nhớ lại.
Câu chuyện của tôi là như vậy đó. Bài học đắt giá về tình bạn đã khiến tôi trưởng thành hơn. Mong rằng mọi người hãy biết trân quý những người yêu thương chúng ta và đừng để ai buồn lòng vì sự vô tâm của mình!
3. Kể một việc làm sai lầm khiến em trưởng thành hơn - Mẫu 3
Có lẽ không ai trưởng thành mà không phải trải qua những lỗi lầm, những vấp ngã. Quan trọng là họ cần nhận ra và biết sửa sai, biết đứng lên tại chỗ vấp ngã. Tôi cũng vậy, tôi cũng từng mắc lỗi và câu chuyện buồn ấy khiến tôi trưởng thành hơn rất nhiều.
Hôm đó là vào một ngày mùa hạ. Tôi đang dắt xe ra để đi học thì tiếng bà nội vọng từ trong nhà ra:
- Con ơi, con mang áo mưa đi chưa? Chiều nay có mưa đấy!
Tôi nghĩ thầm trong đầu "trời đang nắng thế này làm sao mà có thể mưa được". Phần vì suy nghĩ ấy, phần vì vội đi học nên tôi chỉ trả lời bà ậm ừ:
- Dạ, .. con mang rồi bà ạ. Con đi học đây.
Suốt cả buổi học trên lớp, trời không có dấu hiệu gì của cơn mưa to cả. Tôi đinh ninh chắc là bà lo thừa rồi. Thế nhưng, đến lúc ra về thì trời bắt đầu nổi cơn giông. Mây đen ùn ùn kéo đến, gió thổi từng cơn. Lúc này tôi mới cảm thấy hối hận vì không nghe lời dặn của bà. Tôi vẫn cố dắt xe ra với hi vọng sẽ đạp thật nhanh về nhà để không dính mưa. Nhưng đang đi đến cánh đồng thì cơn mưa ào ào trút xuống. Xung quanh không một bóng nhà để tôi có thể trú chân. Tôi vẫn gắng sức đạp về nhà. Bỗng nhiên từ đằng xa, tôi thấy một bóng dáng gầy gò quen quen dưới làn mưa trắng xóa. Hóa ra đó chính là nội tôi, vì quá lo lắng nên đã đi xem cháu về đến đâu. Nội biết chắc tôi không đem theo áo mưa nên đã cầm ra cho tôi. Tôi mặc vội vào và chở bà cùng về. Sau trận mưa ấy, do sức khỏe yếu, nên bà đã bị ốm, một trận ốm nặng. Bà phải nhập viện. Tôi vô cùng hối hận và lo lắng. Tuy nhiên, thật may mắn, sau hơn 1 tuần nằm viện thì bà cũng đã khỏi. Nếu bà có bị sao thì tôi sẽ dằn vặt mình nhiều lắm.
Đó thực sự là một câu chuyện buồn đối với tôi. Từ đó, tôi rút ra được bài học cho bản thân mình rằng "Phải biết tự chăm lo cho bản thân mình nhiều hơn, không nên để người khác lo lắng". Bài học ấy đã khiến tôi trưởng thành hơn rất nhiều.
4. Kể một việc làm sai lầm khiến em trưởng thành hơn - Mẫu 4
Đọc sách, tôi rất thích một câu nói của nhà văn người Úc: "Không có gì là hoàn hảo, có chăng chỉ là sự đề cao mà thôi". Đúng, thử hỏi trong chúng ta có ai dám tự nói mình chưa mắc lỗi dù chỉ một lần không? Tôi cũng vậy, có lẽ tôi không thể quên lỗi lầm mình gây ra hôm đó, khiến người tôi yêu quý nhất – mẹ tôi, buồn lòng...
Hôm ấy, đất dát vàng ánh nắng, trời mát dịu, gió khẽ hôn lên má những người đi đường. Nhưng nó sẽ là ngày tuyệt đẹp, nếu tôi không có bài kiểm tra khoa học tệ hại đến như vậy, hậu quả của việc không chịu ôn bài. Về nhà, tôi bước nhẹ lên cầu thang mà chân nặng trĩu lại. Tôi buồn và lo vô cùng, nhất là khi gặp mẹ, người tôi nói rất chắc chắn vào tối qua: "Con học bài kỹ lắm rồi". Mẹ đâu biết khi mẹ lên nhà ông bà, ba đi công tác, tôi chỉ ngồi vào bàn máy tính chứ nào có ngồi vào bàn học, bởi tôi đinh ninh rằng cô sẽ không kiểm tra, vì tôi được mười điểm bài trước, nào ngờ cô cho làm bài kiểm tra mười lăm phút. Chả lẽ bây giờ lại nói với mẹ: "Con chưa học bài hôm qua" sao? Không, nhất định không. Đứng trước cửa, tôi bỗng nảy ra một ý "Mình thử nói dối mẹ xem sao". Nghĩ như vậy, tôi mở cửa bước vào nhà. Mẹ tôi từ trong bếp chạy ra. Nhìn mẹ, tôi chào lí nhí "Con chào mẹ". Như đoán biết được phần nào, mẹ tôi hỏi: "Có việc gì thế con"? Tôi đưa mẹ bài kiểm tra, nói ra vẻ ấm ức: Con bị đau tay, không tập trung làm bài được nên viết không kịp"... Mẹ tôi nhìn, tôi cố tránh hướng khác. Bỗng mẹ thở dài! "Con thay quần áo rồi tắm rửa đi!". Tôi "dạ" khẽ rồi đi nhanh vào phòng tắm và nghĩ thầm: "Ổn rồi, mọi việc thế là xong". Tôi tưởng chuyện như thế là kết thúc, nhưng tôi đã lầm. Sau ngày hôm đó, mẹ tôi cứ như người mất hồn, có lúc mẹ rửa bát chưa sạch, lại còn quên cắm nồi cơm điện. Thậm chí mẹ còn quên tắt đèn điện, điều mà lúc nào mẹ cũng nhắc tôi. Mẹ tôi ít cười và nói chuyện hơn. Đêm đêm, mẹ cứ trở mình không ngủ được. Bỗng dưng, tôi cảm thấy như mẹ đã biết tôi nói dối. Tôi hối hận khi nói dối mẹ. Nhưng tôi vẫn chưa đủ can đảm để xin lỗi mẹ. Hay nói cách khác, tôi vẫn chưa thừa nhận lỗi lầm của mình. Sáng một hôm, tôi dậy rất sớm, sớm đến nỗi ở ngoài cửa sổ sương đêm vẫn đang chảy "róc rách" trên kẽ lá.
Nhìn mẹ, mẹ vẫn đang ngủ say. Nhưng tôi đoán là mẹ mới chỉ ngủ được mà thôi. Tôi nghĩ: Quyển "Truyện về con người" chưa đọc, mình đọc thử xem". Nghĩ vậy, tôi lấy cuốn sách đó và giở trang đầu ra đọc. Phải chăng ông trời đã giúp tôi lấy cuốn sách đó để đọc câu chuyện "lỗi lầm" chăng ! "...Khi Thượng đế tạo ra con người, Ngài đã gắn cho họ hai cái túi vô hình, một túi chứa lỗi lầm của mọi người đeo trước ngực, còn cái túi kia đeo ở sau lưng chứa lỗi lầm của mình, nên con người thường không nhìn thấy lỗi của mình". Tôi suy ngẫm: "Mình không thấy lỗi lầm của mình sao?". Tôi nghĩ rất lâu, bất chợt mẹ tôi mở mắt, đi xuống giường. Nhìn mẹ, tự nhiên tôi đi đến một quyết định: Đợi mẹ vào phòng tắm, rồi lấy một mảnh giấy nắn nót đề vài chữ. Mẹ tôi bước ra, tôi để mảnh giấy trên bàn rồi chạy ù vào phòng tắm. Tôi đánh răng rửa mặt xong, đi ra và... chuẩn bị ăn bữa sáng ngon lành do mẹ làm. Và thật lạ, mảnh giấy ghi chữ: "Con xin lỗi mẹ" đã biến đâu mất, thay vào đó là một chiếc khăn thơm tình mẹ và cốc nước cam. Tôi cười, nụ cười mãn nguyện vì mẹ đã chấp nhận lời xin lỗi của tôi.
Đến bây giờ đã ba năm trôi qua, mảnh giấy đó vẫn nằm yên trong tủ đồ của mẹ. Tôi yêu mẹ vô cùng và tự nhủ sẽ không bao giờ để mẹ buồn nữa. Tôi cũng rút ra được bài học quý báu: Khi bạn biết xin lỗi bố mẹ, bạn sẽ có nhiều hơn một thứ bạn vẫn đang có, đó là tình thương.
5. Kể một việc làm sai lầm khiến em trưởng thành hơn - Mẫu 5
Năm nay tôi học lớp 9. Nhà tôi tuy nghèo nhưng tôi luôn được cha mẹ quan tâm và cũng luôn cố gắng là con ngoan trò giỏi. Ấy vậy mà, cuối năm học lớp 7 tôi đã một lần làm mẹ buồn.
Hôm đó, tôi dậy sớm để đánh răng rửa mặt chuẩn bị đi học. Hàng sáng, mẹ tôi thường để chảo cơm trên bếp, sao hôm nay lại chẳng thấy đâu. Tôi lên hỏi mẹ: "Mẹ ơi sao mẹ vẫn chưa rang cơm cho bọn con ăn hả mẹ?". Mẹ nhẹ nhàng nói: "Hôm nay nhà mình hết tiền mua gạo, phải đợi tiền lương của bố và chị con, hay con chịu khó bỏ ăn sáng một buổi có làm sao đâu?". Tôi bực mình dậm chân dậm tay tỏ vẻ không bằng lòng. Tôi thoáng nhìn thấy nét mặt mẹ rất buồn. Mẹ bảo: "Thôi đi học đi con, mẹ phải đi làm việc của mẹ". Tôi tức quá phát khóc lên, bỏ cả cặp sách lên giường ngủ tiếp.
Tôi không nhớ là hôm nay có bài để chuẩn bị cho tiết kiểm tra ngày mai, thú thực lúc đấy tôi rất bực nên chỉ vì chuyện nhỏ mà quên hết mọi thứ. Tôi chỉ khóc và lẳng lặng lấy chăn ra đắp. Lúc mẹ tôi đánh răng rửa mặt song mẹ lên nhà khóa cửa để đi làm, mẹ có biết đâu là tôi ở trong nhà. Thế là tôi nằm trong chăn ấm áp, chiếc chăn ru tôi vào giấc ngủ êm đềm. Đến khi thức dậy thì đã quá muộn. Tôi giật mình, bổ chổng bổ choảng vùng dậy thì chao ôi, cửa nhà đã khóa. Tôi ngồi trong nhà kêu ầm ĩ lên nhưng vô hiệu, mọi người đều đi làm hết. Nhà tôi là nhà tập thể, xung quanh lúc đó chỉ có mấy đứa trẻ con. Tôi gọi chúng và bảo: "Các em giúp chị mở cửa ra với". Một đứa nhanh nhảu nói: "Thế chìa khóa nhà chị để đâu thì chúng em mới mở được chứ!". Tôi đứng ngẩn người ra, quay lại nhìn đồng hồ thì thấy đã mời giờ rưỡi. Bụng tôi lúc này như có móng tay sắc nào cào vào. Mắt tôi hoa lên vì đói. Tôi lục hết mọi thứ trong nhà xem có cái gì ăn không nhưng vô hiệu, chả có gì cả. Tôi nhìn ra ô cửa sổ thì thấy bạn Lan nhà bên bảo: "Nguyệt ơi sao hôm nay bạn không đi học? Thầy giáo phê bình bạn đấy". Tôi liền nói: "Lan ơi, hôm nay có bài nào không cho tớ mượn để tớ chép?". Lan rút trong cặp ra đưa cho tôi bài chuẩn bị cho tiết kiểm tra. Tôi học vẹt được vài bài nhưng không chịu nổi cơn đói. Vừa hay lúc đó mẹ tôi về bảo: ”ơ, sao hôm nay con không đi học?". Tôi bảo: "Mẹ nhốt con trong nhà thì làm sao con đi được". Mẹ bảo: "Mẹ không biết, cho mẹ xin lỗi". Rồi mẹ rút trong túi ra gói mỳ. Tôi không kịp bỏ vào bát mà vơ lấy vơ để ăn sống. Mẹ tôi ngồi nhìn tôi ăn, chảy cả nước mắt. Tôi nhìn mẹ cũng cảm thấy mẹ không có lỗi trong chuyện này mà chính là mình đã làm mẹ lo. Sáng hôm sau đi học, tôi cố gắng làm bài kiểm tra một tiết, may sao được 5 điểm. Tôi ngượng quá vì mình làm lớp phó học tập mà điểm kém như thế.
Tôi rất ân hận vì đã làm đau lòng mẹ và phí công thầy cô đã bỏ sức ra để dạy tôi. Tôi hứa sẽ không bao giờ tái phạm nữa.
6. Kể một việc làm sai lầm khiến em trưởng thành hơn - Mẫu 6
Chuyện đó mới xảy ra cách đây một tuần. Tôi đã mắc lỗi mà không tự nhận khuyết điểm.
Chả là chiều thứ tư có tiết sinh hoạt lớp. Lớp trưởng lên tổng kết về ý thức kỉ luật của từng tổ. Cả lớp ngạc nhiên khi biết Tùng, lớp phó của lớp, ăn quà vặt trong lớp. Tùng rất vui tính mà sao hôm nay nét mặt cứ bị xị? Đúng rồi, nó sẽ phải viết bản kiểm điểm. Tội nghiệp nó quá. Tôi cũng rất sợ việc này. Tôi nhớ đến một lần tôi cũng phải viết bản kiểm điểm vì đi dép lê đến trường; cái giây phút đưa bản kiểm điểm cho bố mẹ kí lần đó thì đến lúc này tôi vẫn thấy như tim còn đập.
Đến phần nhận xét về tình hình chuẩn bị sách vở và làm bài tập, rất nhiều bạn bị nêu tên vì thứ hai vừa qua quên vở Giáo dục công dân, nhưng bạn lớp trưởng không nhắc đến tôi thì thật là may, vì hôm ấy tôi cũng quên vở, có lẽ lớp trưởng không biết việc đó. Tôi nhìn sang Sơn lo ngại vì nó biết việc này. Song Sơn vừa rụt rè giơ tay, lại cụp xuống làm tôi thở phào. Tôi hỏi nhỏ Sơn là tại sao nó không nói gì, thì nó chỉ lắc đầu buồn thiu. Tôi vẫn biết tự báo cáo với cô giáo thì hơn, nhưng tôi vẫn không đủ can đảm. Chợt Sơn lại giơ tay, rồi đứng lên, run run:
– Thưa cô! Hôm qua em đã không làm bài tập toán ạ.
À ra thế! Nó làm tôi thót cả tim! Nhưng rồi tôi lại thở nhẹ nhõm, không việc gì! Thú thực, sự nhận lỗi của Sơn có làm tôi xấu hổ: Tại sao tôi không đủ can đảm đứng lên như Sơn? Giá mà tôi làm được như vậy. Thế mà tôi vẫn cứ ngồi im thin thít. Tôi do dự vì tôi nghĩ lần trước tôi đã hứa với mẹ là không bao giờ phạm khuyết điểm nữa. Bây giờ nếu tôi không nói là tôi lừa dối cô, dối mẹ; còn nếu tôi nói thì tôi phải viết bản kiểm điểm thứ hai và sẽ bị mắng là không giữ lời hứa phấn đấu, không chừng còn bị “ăn đòn” nữa, bố tôi nóng tính lắm! Tôi đắn đo, thà bị mắng còn hơn là mang tội nói dối. Nhưng rồi tôi lại nghĩ: Sơn không nói ra, tôi cũng không nói, thì nào ai biết tôi nói dối và thế là không bị “ăn đòn”. Thôi ém nhẹ đi để thoát đòn thì cũng đáng.
Hôm ấy đã không ai mách cô về lỗi của tôi cả. Tuy nhiên, tôi cũng không vui. Tôi thấy vừa thương vừa phục Sơn. Thương vì nó sẽ bị bố mẹ mắng, phục vì lòng dũng cảm thật thà của nó. Tôi trách mình hèn, không dám thành thật. Tôi cứ tưởng sau buổi họp vì thoát tội tôi sẽ mừng, hóa ra không phải vậy. về nhà tôi chẳng thiết chơi gì. Sau này tuy tôi không bao giờ quên sách vở nữa nhưng vẫn ân hận mãi, cứ cầm đến vở Giáo dục công dân lại buồn.