Tập làm văn lớp 5: Hướng dẫn cách làm bài văn tả cảnh hay
Hướng dẫn Cách làm bài văn tả cảnh
Hướng dẫn cách làm bài văn tả cảnh lớp 5 gồm hướng dẫn chi tiết cách làm lập dàn ý chi tiết cho một bài văn tả cảnh chuẩn bị cho các bài văn mẫu tả cảnh giúp các em học sinh định hướng, biết cách xây dựng vốn từ, củng cố và hoàn thiện các bài văn tả cảnh. Mời các em cùng thầy cô tham khảo chi tiết.
Chọn đối tượng cần tả trong văn tả cảnh lớp 5
Thực tế, chương trình sách giáo khoa, một số đề thi, đề tự luyện văn tả cảnh thường ra một số đề dạng mở. Tức là, học sinh có thể tùy chọn đối tượng tả cụ thể trong chủ đề yêu cầu của đề bài.
Tuy thế, nhiều em còn lúng túng không biết lựa chọn tả cảnh gì. Đôi khi các em còn chọn những đối tượng cụ thể mà không hề có cơ hội quan sát hoặc chỉ quan sát theo kiểu đã biết sơ qua.
Việc lựa chọn đúng đối tượng sẽ giúp học sinh có được ngay hứng thú ban đầu để chuẩn bị cho việc quan sát cảnh, tạo cơ sở cho việc hoàn thành tốt bài văn, đoạn văn yêu cầu.
Thực hiện nội dung này, giáo viên có thể thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Giáo viên cho học sinh xác định chính xác đối tượng chung trong đề bài.
Bước 2: Liệt kê ra một số đối tượng cụ thể thuộc yêu cầu của đề bài.
Bước 3: Kiểm tra những hiểu biết của mình về các đối tượng cụ thể đó.
Bước 4: Dự đoán những thuận lợi, khó khăn khi quan sát, sắp xếp ý, trình tự tả, sử dụng ngôn từ khi miêu tả với các đối tượng được liệt kê.
Bước 5: Dựa vào bước 3, bước 4, đối tượng nào nhiều ưu điểm hơn thì quyết định chọn đối tượng đó.
Xây dựng mở bài tả cảnh - Tiếng Việt 5
Trong chương trình dạy tập làm văn lớp 5 cũng có hướng dẫn học sinh mở bài khi miêu tả cảnh như mở bài gián tiếp và trực tiếp.
Tuy nhiên, học sinh mới hiểu phần lí thuyết mà chưa biết cách làm thế nào cho hay cho sinh động và ở hai kiểu mở bài đó có những cách mở bài nào.
Đây chính là nguyên nhân khiến cho các em vô cùng lúng túng và mất nhiều thời gian để suy nghĩ trong khi đã sẵn sàng viết phần thân bài.
Mở bài là phần đầu tiên, vị trí của nó bao giờ cũng nằm ở phần đầu bài, là phần trước nhất đến với người đọc, gây cho người đọc cảm giác, ấn tượng về bài viết, tạo ra âm hưởng chung cho toàn bài.
Phần này có vai trò và tầm quan trọng khá đặc biết vì một mở bài gọn gàng, hấp dẫn sẽ tạo được hứng thú cho người đọc và báo hiệu một nội dung tốt.
Để học sinh làm tốt phần mở bài giáo viên cần cho học sinh hiểu thế nào là mở bài trực tiếp, gián tiếp, ưu nhược điểm của từng loại.
Mở bài trực tiếp là giới thiệu ngay với người đọc cảnh mà mình sẽ miêu tả. Ưu điểm: Cách trình bày nhanh gọn, tự nhiên, giản dị, dễ tiếp nhận và thích hợp với bài viết ngắn.
Nhược điểm: Nếu mở bài không khéo sẽ gây cảm giác khô khan, ít hấp dẫn.
Với kiểu mở bài này giáo viên có thể hướng dẫn học sinh cách vào bài trực tiếp như sau:
Mở bài bằng một câu cảm nhận xét, đánh giá về cảnh. Ví dụ: Ôi, dòng sông Hồng mới đẹp làm sao!
Mở bài bằng cách nêu cảnh miêu tả và vị trí hoặc thời gian quan sát cảnh. Ví dụ: Chiều qua, em cùng các bạn ra bờ sông Hồng chơi. Cảnh ở đó rất đẹp.
Mở bài gián tiếp là nói chuyện khác có liên quan rồi dẫn vào giới thiệu đối tượng mình định tả.
Có một số cách mở bài gián tiếp như: Mở bài bằng một âm thanh; một câu nói; một cách so sánh; một lời đối thoại; trích dẫn câu văn, câu thơ, câu đố, câu hát… về đối tượng.
Giáo viên cần khuyến khích học sinh mở bài theo cách gián tiếp (đặc biệt học sinh khá giỏi). Vì mở bài gián tiếp sẽ làm cho bài văn thêm sinh động, gợi cảm hấp dẫn gây hứng thú cho người đọc. Tuy vậy nếu mở bài không khéo sẽ lan man, vòng vèo, phân tán sự chú ý của người đọc.
Tùy theo từng đối tượng mà ta lựa chọn cách mở bài gián tiếp cho phù hợp.
Mỗi một đề văn giáo viên cần khéo léo đặt các câu hỏi để học sinh suy nghĩ và tìm ra cách mở bài hay nhất độc đáo nhất. Những học sinh có khả năng, có thể định hướng có thể tung ra một số câu thơ, văn, câu đố, lời hát theo chủ đề để các em bắt được và hòa nhịp vào với bài văn của mình.
Tuy nhiên để học sinh có cảm xúc, có “cảm tình” với đối tượng miêu tả, có hứng thú khi làm bài, giáo viên chỉnh sửa lại đề bài theo hướng gợi mở cho học sinh để nếu các em có lúng túng trong việc vào bài thì có thể dựa vào đó mà viết.
Xây dựng thân bài tả cảnh
Giáo viên cần hướng dẫn học sinh: Bám sát dàn bài chi tiết; dùng từ gợi tả, gợi cảm và các biện pháp tu từ như so sánh, nhân hóa; dùng từ đặt câu có liên kết và các biện pháp tu từ về câu; đoạn văn trình bày đúng cách có liên kết đoạn; sử dụng đúng các dấu câu.
Việc hướng dẫn học sinh làm các yêu cầu trên quả là rất khó khăn nhưng giáo viên cần phải kiên trì. Hướng dẫn học sinh có thể đạt được kết quả trong ngày một ngày hai mà phải đòi hỏi cả một quá trình.
Giáo viên cần hướng dẫn ở mọi nơi, mọi lúc đặc biệt trong các giờ tập làm văn cần chữa triệt để các lỗi sai về cách dùng từ, đặt câu, luyện tập sử dụng các biện pháp nghệ thuật.
Để học sinh làm tốt phần thân bài, giáo viên cần hướng dẫn học sinh viết theo một trình tự nhất định đã được chọn khi lập dàn bài.
Xây dựng kết bài tả cảnh
Nếu như mở bài như một lời thân ái mời chào của chúng ta đối với khách tới thăm thì kết bài là lời tạm biệt đầy tình cảm mến yêu, nó khép lại trước mắt người đọc những cảm xúc tràn trề, những hình ảnh đẹp đẽ mà các em đã miêu tả, nó kết lại những ý lớn ở phần thân bài.
Vì thế khi viết phần kết bài, giáo viên cần hướng dẫn học sinh viết làm sao cho thật cô đọng, ngắn gọn, tránh hành văn cộc lốc, công thức hoặc khuôn sáo.
Giáo viên hướng dẫn học sinh hai kiểu kết bài mở rộng và không mở rộng. Với mỗi cách kết bài đều có những cách diễn đạt khác nhau
Kết bài không mở rộng thường được đóng ý một cách gọn đủ các ý: Nhận xét, đánh giá về cảnh; tình cảm đối với cảnh; hành động chăm sóc, bảo vệ,...
Các ý trên có thể được sắp xếp ở các vị trí khác nhau để cho các kết bài khác nhau.
Kiểu kết bài mở rộng: Khi viết kết bài mở rộng học sinh vẫn đưa 3 ý suy nghĩ, tình cảm, hành động như mở bài không mở rộng nhưng diễn đạt mở rộng bằng cách: Nêu ra câu hỏi; nêu một ý mới lạ; đưa ra một lời bình.
Từ việc phân tích một số mẫu kết bài trên học sinh sẽ luyện tập viết kết bài theo một trong các cách kể trên.