Kể về bố (cha) của em

Văn mẫu lớp 6: Kể về bố của em được VnDoc sưu tầm, tổng hợp bao gồm các bài văn mẫu hay, chọn lọc cho các em học sinh tham khảo củng cố kỹ năng làm bài văn kể chuyện lớp 6 chuẩn bị cho bài viết số 3 lớp 6. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết.

Lập dàn ý kể về bố của em lớp 6

1. MỞ BÀI:

Bố chính là người trụ cột trong gia đình, là người thầy đầu tiên cho em những bài học về lẽ sống. Em rất yêu quý và kính trọng người.

2. THÂN BÀI:

Bố em có thân hình vạm vỡ, làn da nâu rám nắng khỏe khoắn, đôi mắt màu nâu dài và sâu luôn trìu mến với chúng em..

Bố là một người cha hiền lành, tốt bụng, luôn gánh vác những trọng trách lớn lao trong nhà...

Kể một vài kỉ niệm của em với bố khi em còn nhỏ, khi đã lớn hơn, và nêu cảm xúc về những kỉ niệm gắn liền với bố.

3. KẾT BÀI: Nêu tình cảm yêu quý, kính trọng em dành cho bố như thế nào.

Kể về bố của em mẫu 1

Kể về bố của em lớp 6

Tôi đang ngồi học, đêm đã buông xuống tĩnh mịch từ lâu, chợt nghe đâu đây tiếng gió thổi lao xao lùa vào gian phòng khe khẽ. Chợt, nhìn sang chiếc hộp gỗ trên bàn học, đó là hộp đựng bộ que tính bố đã tự tay làm cho tôi. Trong lòng tôi bỗng rưng rưng một niềm cảm xúc yêu thương bố lạ kì, mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Bố tôi năm nay đã ngoài 40 tuổi, mái tóc cũng đã điểm bạc. Nước da ngăm đen, rám nắng, và có chút chai sạn. Mỗi lần nhìn vào gương mặt ấy, khóe mắt tôi lại thấy cay cay, những tháng năm lăn lộn, không quản nắng mưa đã bôn ba trên mọi nẻo đường chở hàng nuôi tôi khôn lớn. Có những lúc, nhìn người ta đi ngoài đường, quần là áo lượt xe ô tô hạng sang tôi lại xót xa nhớ về người cha ấy của tôi. Lẽ ra giờ này bố cũng có thể như thế, nhưng vì tôi, vì đàn con thân yêu, bố đã hi sinh cả thanh xuân và sức lực của mình để gắng sức nuôi chúng tôi nên người. Tôi tự nhủ mình sẽ phải học thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của bố. Những cánh tay to, chắc khỏe, gân guốc đã lo toan, chèo chống cho gia đình này không biết bao phen sóng gió. Tôi cũng không dám tưởng tượng nếu không có bố, cuộc đời chị em tôi sẽ đi về đâu.

Bố tôi là người rất hiền lành và tốt bụng. Nhưng điều ấy không đồng nghĩa với việc bố để chị em tôi được dễ dãi, mơn trớn. Ông rất yêu các con của mình. Có gì ngon bố cũng để giành phần chúng tôi, vậy mà những đứa trẻ non nớt không hiểu chuyện như chúng tôi lại chưa làm được điều ấy. Công việc bên ngoại, bên nội, của hàng xóm láng giềng có ai nhờ đến bố đều giúp đỡ rất nhiệt tình. Có lẽ chính vì vậy mà bố được rất nhiều người quý mến, kính trọng, tin tưởng. Bố hay kể cho tôi nghe về tổ tiên tôi ngày trước, nhắc tôi phải biết uống nước nhớ nguồn. Những bài học nhân sinh, bài học về cách làm người của bố đã lớn dần lên cùng tháng năm, cho tôi những hiểu biết sâu sắc hơn về truyền thống, cội nguồn dân tộc.

Bố là cả một khoảng trời để chú chim non bé nhỏ là tôi được thỏa sức vẫy vùng. Thuở ấu thơ, tôi hay cùng bố ra bờ sông câu cá, bố dạy tôi tập bơi, dạy tôi cách thả diều, cách làm những chiếc đèn kéo quân vui tết trung thu. Tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng ấy của tôi đã được làm hồng lên bởi tình yêu thương, sự chỉ bảo ân cần của bố. Thỉnh thoảng, nhìn chiếc áo phai màu, sờn vai bố đang mặc tôi lại ùa về kỉ niệm những đêm đông bố đã chịu lạnh để tôi được cuộn tròn trong chiếc chăn bông ấm áp và ra ngoài làm việc. Bố đã hi sinh cho tôi nhiều lắm, tuổi thanh xuân, sức lực và cả tình yêu bao la vô bờ ấy, bố dồn cả vào trái tim non nớt của tôi, che chở, ủ ấm nó để nó không bao giờ chịu những vết trầy xước gì. Tôi cảm thấy mình thật sự là một đứa trẻ may mắn vì được lớn lên trong tình phụ tử thiêng liêng, cao đẹp như vậy.

Có thể thời gian trôi đi, tôi rồi cũng sẽ trưởng thành lên, và ai ai cũng vậy. Nhưng những bài học sâu sắc, những kỉ niệm, và tình cảm bao la mà bố dành cho tôi sẽ là hành trang nâng bước tôi trong suốt chặng đường dài bây giờ và mãi cả sau này nữa.

Kể về bố của em mẫu 2

“Lưng cha thì đội nắng gầy

Ôi tóc bạc tựa trăng soi...”

Điều may mắn và hạnh phúc nhất trong cuộc đời mỗi chúng ta là được sống trong vòng tay yêu thương của bố. Bố luôn là người che chở, bảo vệ cho ta trong suốt cuộc đời. Càng lớn lên và thấu hiểu những cay đắng, nhọc nhằn, tôi càng cảm thấy biết ơn vì những hi sinh lớn lao mà bố đã dành cho mình.

Bố tôi năm nay đã ngoài bốn mươi tuổi. Dáng người bố cao gầy. Trong mắt tôi, dáng hình ấy lúc nào cũng thật to lớn và vững chãi để che chở cho cả gia đình. Làn da bố rám nắng vì phơi nắng dầm sương, trải qua đủ khó khăn, khổ cực vì cuộc mưu sinh vất vả. Khuôn mặt bố vuông chữ điền, toát lên vẻ hiền lành và đôn hậu. Đôi mắt bố đen láy, trong đôi mắt ấy chứa đựng cả bầu trời yêu thương bố dành cho các con. Mỗi khi mỉm cười, đôi mắt bố thật đỗi dịu dàng, thể hiện sự trìu mến pha chút nuông chiều. Mái tóc bố không còn đen nữa mà đã lấm tấm bạc. Nhìn những sợi tóc bạc ấy, tôi càng thương bố nhiều hơn vì những gian lao, vất vả bố phải trải qua để nuôi chúng tôi khôn lớn. Tôi thích nhất là những lúc bố cười. Nụ cười ấy mới ấm áp làm sao. Những lúc như thế, tôi tự nhủ phải chăm ngoan hơn nữa để nụ cười ấy có thể xuất hiện nhiều hơn trên đôi môi của bố. Đôi bàn tay bố chai sần, thô ráp nhưng tôi vẫn luôn yêu đôi bàn tay ấy. Đôi bàn tay khó nhọc vì gia đình. Đôi bàn tay hi sinh vì sự bình yên, hạnh phúc của các con.

Trong kí ức tuổi thơ của tôi luôn đong đầy những kỉ niệm về bố. Ngày mới lẫm chẫm biết đi, bố dắt tay tôi đi trên con đường làng quen thuộc. Cái bóng liêu xiêu trải dài trên mặt đường trùm lên cái bóng bé nhỏ của tôi. Mỗi khi tôi vấp ngã, bố dịu dàng đỡ tôi dậy, đôi bàn tay nhẹ nhàng vuốt lên mái tóc khi tôi bật khóc. Bố là người kiệm lời, ít nói nhưng tôi biết tình yêu thương bố dành cho các con lúc nào cũng dạt dào và chan chứa. Bố cùng tôi đến trường trong ngày đầu đi học, dạy tôi làm những phép tính đầu tiên. Những đêm thức khuya học bài, lúc nào bố cũng chờ tôi đi ngủ rồi mới an giấc. Bố luôn yêu thương và chiều chuộng tôi nhưng vẫn nghiêm khắc chỉ bảo mỗi khi tôi mắc lỗi. Bố dạy tôi cách sống, cách làm người, hiểu được những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, ý nghĩa của sự trung thực, ngay thẳng, lòng khoan dung và biết ơn. Cả cuộc đời bố đã vất vả hi sinh vì gia đình, thế nhưng, vẫn có lúc tôi vô tình làm bố buồn, chẳng thể đáp ứng được sự kì vọng và tin tưởng của bố.

Sau này lớn lên, rồi tôi sẽ phải rời xa vòng tay của bố nhưng tôi tin rằng bố sẽ mãi là người che chở, dõi theo và bảo vệ cho tôi trong suốt cuộc đời. Những bài học của bố sẽ là hành trang theo tôi suốt cuộc đời, tình yêu của bố sẽ là động lực để tôi tiến lên phía trước.

Kể về bố của em mẫu 3

“Công cha như núi Thái Sơn” câu ca dao ấy vẫn luôn đúng cho tới tận ngày nay. Cha luôn là người dạy em những điều hay lẽ phải, nếu như mẹ cho em một bàn tay dịu dàng, một tình yêu thương ngọt ngào thì cha lại như một sự nâng đỡ em trong cuộc đời và cho em một tình yêu đong đầy nhưng cũng đầy nghiêm khắc. Đối với em cha không chỉ là một người trụ cột của gia đình, không chỉ là một người cha mà còn là một anh hùng, một tấm gương đạo đức để em học tập và noi theo.

Cha em như một vị anh hùng trong mắt em vậy. Cha em không cao lắm chỉ có một mét sáu bảy thôi thế nhưng thân hình ấy lại hơi mập đủ có thể che chở cho em trước những nguy hiểm. Nhớ có lần cả một cành cây khô rơi xuống cha đã lấy thân hình của mình để đỡ lấy cái đau ấy. Cha em mập là vậy nhưng cha lại rất nhanh nhẹn trong công việc. Không những thế cha còn có cả một khuôn mặt chữ điền vuông vắn có phúc, em biết điều đó vì được nghe rất nhiều người khen cha và thật tự hào về cha của mình. Cha có nước da trắng mà khiến nhiều người phụ nữ cũng phải ghen tị vì nước ấy. Những buổi đi làm đồng về cùng nhau rửa chân tay lấm bùn trên con mương nhỏ ai cũng phải trầm trồ vì làn da ấy. Rồi có người lớn khéo chửi đùa “Sư mày đàn ông con trai gì mà trắng hơn cả đàn bà thế”. Nước da trắng ấy không phải là da trắng bạch mà đủ độ trắng với một người đàn ông phong độ như cha em. Mắt cha em to tròn và ướt nước, nhìn ban đêm thì thật lấp lánh hiền từ như những ngôi sao ngoài trời đêm. Đôi môi đẹp lắm và cả những hàm răng đều tăm tắp như hạt ngô càng làm cho vẻ hiền từ của cha trở nên đẹp lạ thường. Mà đặc biệt mỗi khi cha cười em thấy hạnh phúc biết bao, đó là một nụ cười rạng rỡ, một nụ cười hiền lành chất phác của một người nông dân. Đặc biệt hơn nữa là đôi bàn tay cha, đôi bàn tay ngày ngày chăm lo em, đôi tay vuốt má, đôi tay ẵm em và cả đôi tay đòn roi đau đớn nữa. Bàn tay cha không mềm mại như bàn tay của nhiều người khác bởi quê hương nghề chính là đồng ruộng vì vậy mà đôi bàn tay của cha chai đi vì cày bừa, chai đi vì mưa nắng ngoài ruộng. Thế nhưng đôi bàn tay vẫn tràn đầy yêu thương khi vỗ về những đứa con nhỏ, vẫn xoa đầu hay vuốt mà chúng đầy ngọt ngào. Và cũng chính vì thế em hiểu được phần nào những nỗi vất vả mà cha đã phải chịu vì em. Không những thế bàn tay chai, khô cằn, ngắn ngủn đó lại em có thể viết rất đẹp và làm ra những đồ vật thật đẹp mắt trong nhà. Bàn tay ấy còn làm nên những ngôi nhà đẹp đẽ, nhìn những viên gạch đỏ lừ được xếp thành hàng bên cạnh những hàng vữa thật sự thích mắt. Và giờ đây khi em đã khi thời gian và những nhọc nhằn mà cha đã trải qua đã khắc tạc trên khuôn mặt mái tóc cha em. Mới ngày nào mà mái tóc đã ngả sang màu khói. Đó không hẳn là trắng cũng không hẳn đã là đen, đó là một màu tóc của sương sớm, là màu tóc của những ánh nắng gắt gỏng trên cánh đồng ban trưa và là màu của cơn mưa rào nọ. Tất cả những nhọc nhằn sóng gió của cuộc đời cũng như những vất vả khi chăm sóc những đứa con trưởng thành như hằn in trên những vết nhăn trên mắt cha. Mỗi lần cha cười những vết nhăn ấy lại lộ ra rõ hơn hay cũng có khi em nhận bắt gặp những nếp nhăn ấy nhưng không phải cười mà là cha đang suy nghĩ về điều gì đó. Dẫu thời gian có mang tuổi thanh xuân của cha đi nhưng cho đến bây giờ cha vẫn luôn là người bảo vệ em khỏi những nguy hiểm của cuộc sống, cha vẫn là điểm tựa vững chắc và bàn tay nâng đỡ khi em vấp ngã.

Em rất yêu mến cha của em nếu có một điều ước em luôn mong sức khỏe đến cho cha để cha sống với em mãi mãi. Nếu như mẹ giống như một thiên thần một bà tiên trong mắt em thì cha lại giống như một vị anh hùng, một ông tiên hiền lành không chỉ mang đến những phép màu cho cuộc đời em mà mang đến cả một tình phụ tử thiêng liêng đầy che chở.

Kể về bố của em mẫu 4

Cây vĩ cầm đã câm lặng từ lâu, con còn nhớ khi chai sạn chiều hôn lên tay cha. Cây vĩ cầm vẫn ngân nga hằng đêm, bay mãi vào một thời ấu thơ là cây vĩ cầm. Trải bao giông bão, bao tháng năm kiếp người vẫn còn với cha cây vĩ cầm”...

Lời bài hát vang lên da diết làm em chợt nhớ về hình bóng yêu thương của bố - người cha muôn vàn kính yêu, người nghệ sĩ trong gia đình em.

Thấy bóng bố ngồi yên tĩnh bên cây vĩ cầm, câu chuyện về những ngày còn trẻ của bố mà mẹ hay kể lại ùa về. Hơn hai mươi năm trước, bố còn là chàng thanh niên hai mươi tuổi, nhiều ước mơ và hoài bão. Bố từ nhỏ đã kế thừa tình yêu âm nhạc từ bà nội, đặc biệt đam mê với loại hình nghệ thuật này.

Khi em ra đời thì bà nội đã mất, mẹ bảo bà hát dân ca hay lắm, bà còn biết kéo đàn nhị nữa. Nhưng bố không thích đàn nhị như bà nội, lúc bố 13 tuổi, hay sang nhà người hàng xóm từ bên nước ngoài về Việt Nam định cư, nghe người ta kéo đàn vĩ cầm - loại nhạc cụ hiếm có ở Việt Nam rồi theo người ta học kéo đàn.

Nhiều năm sau đổi mới, người hàng xóm kia quay lại quê hương họ tặng cho bố một cây vĩ cầm màu nâu nho nhỏ. Cứ như vậy, cây vĩ cầm ấy theo bố đến hôm nay đã qua hơn hai mươi năm.

Sau này, bố gặp mẹ, bố là chàng trai Hà thành hào hoa, mẹ lại thiếu nữ Sài Gòn sôi nổi, cảm mến chàng thanh niên chơi vĩ cầm giỏi, ít lâu sau thì về chung một nhà. Mẹ bảo sau khi lập gia đình, bố không chơi vĩ cầm thường xuyên như trước nữa, chỉ chăm chú làm ăn lo cho vợ con. Mãi đến khi em lên lớp 2, thấy bố đem cây vĩ cầm đã cũ ra lau chùi, tò mò hỏi mẹ mới biết.

Em cứ nghĩ chắc mình sẽ không được nghe bố đàn vĩ cầm. Cho đến năm ngoái, anh trai đi xa về tặng cho bố một cây vĩ cầm màu nâu bóng, được thiết kế tỉ mỉ, đặt trong hộp gỗ. Em vẫn nhớ như in hình ảnh bố khi ấy, khuôn mặt vuông chữ điền chất phác của người đàn ông đã ngoài bốn mươi với nước da hơi ngăm bỗng bừng sáng hẳn lên.

Đôi mắt hiền từ thường ngày nheo nheo lại, vết nhăn mờ mờ nơi khóe mắt sau nhiều năm gánh vác gia đình thấp thoáng hiện lên. Bố nở nụ cười tươi, đôi tay gầy gầy khẽ vuốt ve cây đàn rồi nhẹ nhàng đặt nó lên, kẹp giữa bờ vai rộng và cần cổ.

Bàn tay bố từ từ đưa qua, kéo nhẹ dây đàn, bản nhạc du dương không biết tên vang lên, dù không được điêu luyện như những nghệ sĩ trên truyền hình nhưng nghe vô cùng ấm áp, xúc động. Hóa ra bố cũng là người nghệ sĩ tài giỏi như vậy.

Kéo đàn xong, bố nâng niu cây vĩ cầm, cẩn thận bỏ lại nó vào hộp rồi đem cất đi. Bóng dáng cao gầy, bước chân vững chắc, bình ổn thường ngày nhanh nhẹn hẳn lên. Sau đó, em cũng không được nghe bố kéo đàn vĩ cầm thêm lần nào nữa.

Bố trở về với cuộc sống thường ngày, vừa lo làm ăn nhỏ, vừa phụ giúp mẹ chăm lo gia đình. Bố là thần tượng của em từ ngày còn bé, luôn ân cần, dịu dàng, thậm chí nhiều món ăn bố nấu còn ngon hơn cả mẹ. Bố không bao giờ khắt khe trong việc học hành của em, thỉnh thoảng sẽ quan tâm con gái học hành có vất vả không, giúp em giảng giải nhiều bài tập khó. Nhiều lần, trời mưa gió mà vẫn phải đến trường, bố đều bỏ công việc, đưa đón em mới yên tâm.

Bố em vốn là người ít nói nhưng rất chu đáo, quan tâm đến mọi người. Những ngày đặc biệt như 20 – 10, 8 – 3, mẹ và em đều sẽ có quà, hai mẹ con lần nào cũng cảm động. Hàng xóm ai cũng yêu mến bố, đặc biệt là các cụ già, lúc nào cũng khen bố còn trẻ mà kiên nhẫn ngồi chơi cờ, tán gẫu với các cụ, các cụ bớt cô đơn hẳn.

Mỗi lần như vậy, em đều tự hào vô cùng. Bố chính là người mà em ngưỡng mộ nhất. Bố không chỉ là chỗ dựa vững chắc cho gia đình em mà còn là người luôn nhẹ nhàng dạy cho em nhiều bài học đạo lý làm người, sống đúng đắn và nhân hậu. Em luôn cảm thấy mình may mắn rất nhiều khi được trưởng thành trong sự bảo vệ yêu thương của bố mẹ.

Kể về bố của em mẫu 5

Gia đình em là một tổ ấm gồm 4 thành viên: bố mẹ, anh trai em và em. em yêu quý tất cả mọi người nhưng bố là người em kính trọng và yêu quý nhất bởi từ bé bố đã là người chăm sóc, gần gũi và yêu thương em vô ngần. Đặc biệt hơn cả thì bố chính là bức tường thành vững chãi để em trở về sau mỗi lần vấp ngã.

Bố em tên là Nguyễn Đình Phong năm nay 40 tuổi. Thân hình bố to, cao vạm vỡ. Một phần là bởi bố là bộ đội được rèn luyện trong môi trường quân ngũ nên rất khỏe và cường tráng. Làn da ngăm đen vì những buổi luyện tập trên thao trường hàng giờ đồng hồ. Em yêu nhất là đôi mắt bố. Dưới hàng lông mày rậm là đôi mắt to, luôn ánh lên sự yêu thương và quan tâm đến mọi người. Nhìn vào ánh mắt ấy em cảm nhận được cả một bầu trời yêu thương. Mỗi khi mắc lỗi, ánh mắt ấy lại ánh lên sự nghiêm nghị khiến em phải tự nhìn nhận lại bản thân để rút kinh nghiệm và không phạm phải sai lầm nữa. Nhưng những khi em vấp ngã, thất bại khi đã cố gắng hết sức thì bố cũng không hề trách móc, ánh mắt lại toát lên sự bao dung, động viên và an ủi để em vững bước. Trán của bố em cao vuông. Chính vầng trán ấy đã bao đêm thao thức, suy tư để tìm ra những hướng giải quyết hay cho gia đình. Theo năm tháng thì mái tóc bố đã dần pha sương. Bão tố cuộc đời đã in hằn trên mái đầu với những mái tóc điểm bạc và những nếp nhăn trên khuôn mặt vuông chữ điền.

Vào thời gian rảnh rỗi bố em rất thích đọc báo và xem thời sự. Vì vậy mà bố có vốn hiểu biết uyên thâm về mọi lĩnh vực của đời sống từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, giáo dục. Vì vậy mà từ khi biết nhận thức và tiếp thu, bố đã dạy em nhiều điều hay lẽ phải, cách đối nhân xử thế với mọi người để rồi em khôn lớn hơn mỗi ngày. Giọng của bố lúc dạy dỗ các con rất trầm ấm, dứt khoát mà đầy yêu thương, trìu mến.

Ở cơ quan, bố là người rất mẫu mực và nghiêm túc. Bởi vậy mà mọi người trong cơ quan đều yêu quý và kính nể bố. Khi làm việc nghiêm túc là vậy nhưng vào những giờ giải lao bố lại rất vui vẻ và trẻ trung. Cầm cây đàn ghi ta trên tay, bố cùng các đồng nghiệp hát vang bài ca: “ đời lính có khi thật nhớ nhà, nhờ gió đem lời yêu thương, gửi tới nơi quê nhà, nơi có những vì sao đợi mong…”. Giọng hát của bố nghe rất hay, lúc trầm, lúc bổng khi lại du dương.

Bố là người rất khéo tay. Mọi đồ đạc trong nhà hầu hết là do bố tự tay làm từ chiếc bàn học, cái kệ sách đến cái nôi ngày nhỏ em nằm. Nhờ bàn tay của bố mà mọi đồ đạc trong nhà đều rất đẹp đẽ. Tối tối thì bố lại dạy em học bài. tính bố em rất ân cần, chu đáo, khi thì hiền lành nhưng cũng có lúc rất cương quyết, nghiêm nghị.

Nếu mẹ là người ân cần chu đáo tần tảo sớm hôm lo cho gia đình thì bố lại chính người đàn ông đầy nghị lực, gánh vác mọi công việc lớn nhỏ trong nhà. Cha như cây đại thụ che chở mọi người khỏi những giông tố.

Bố đã vất vả nhiều vì cuộc sống này. Em luôn tự nhủ với lòng mình sẽ học thật giỏi để không phụ lòng cha mẹ.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu lớp 6: Kể về bố (cha) của em cho các bạn tham khảo. Ngoài ra các bạn luyện giải bài tập SGK Ngữ Văn lớp 6 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc. Đồng thời các dạng đề thi học kì 1 lớp 6, đề thi học kì 2 lớp 6 mới nhất được cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo đề thi, bài tập lớp 6 mới nhất.

Đánh giá bài viết
297 25.114
2 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Hajinaka Fueko
    Hajinaka Fueko

    hay quá

    Thích Phản hồi 01/05/21
    • Trần Thị Yến Trang
      Trần Thị Yến Trang

      hay quá 😭😢😰😨👍👍👪

      Thích Phản hồi 07/12/22

      Ngữ văn lớp 6 Kết nối tri thức

      Xem thêm