Lý thuyết Lịch sử 9 Kết nối tri thức bài 13
Lý thuyết Lịch Sử lớp 9 bài 13: Việt Nam trong năm đầu sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 sách Kết nối tri thức hay, chi tiết giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Lịch Sử 9.
Bài: Việt Nam trong năm đầu sau Cách mạng tháng Tám năm 1945
1. Các biện pháp xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng
- Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời đã phải đối mặt với nhiều khó khăn. Chính quyền cách mạng còn non trẻ và lực lượng vũ trang còn yếu, nền độc lập dân tộc bị đe dọa nghiêm trọng.
+ Từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc, quân đội Trung Hoa Dân quốc lấy danh nghĩa Đồng minh kéo vào Việt Nam. Theo chân đội quân này là các đảng phái tay sai như Việt Quốc, Việt Cách... không ngừng có những hành động chống phá chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
+ Từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam, quân Anh mở đường cho thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam.
- Trước tình hình đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng
- Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã diễn ra. Hơn 300 đại biểu đã được bầu vào Quốc hội.
Tổng tuyển cử bầu Quốc hội (1946)
- Trong phiên họp đầu tiên (3-1946), Quốc hội khóa I đã đưa ra các quyết định về chính đối nội, đối ngoại, thành lập Ban Dự thảo Hiến pháp và Chính phủ liên hiệp kháng chiến.
- Để tránh phải đối đầu với nhiều kẻ thù cùng một lúc, Chính phủ Việt Nam một mặt chủ trương tạm thời hòa hoàn, tránh xung đột với quân Trung Hoa Dân quốc, mặt khác kiên quyết làm thất bại âm mưu chia rẽ, phá hoại của chúng.
- Ngày 9-11-1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội thông qua.
- Sau cuộc Tổng tuyển cử, chính quyền địa phương các cấp được củng cố, kiện toàn,
- Khối đại đoàn kết dân tộc được phát triển thông qua việc củng cố Mặt trận Việt Minh và thành lập một số đoàn thể quần chúng, đảng phái dân chủ.
- Chính phủ kiện toàn Bộ Quốc phòng, thành lập Cục Quân y, Cục Quân nhu và các xưởng quân giới,... Lực lượng vũ trang nhân dân cũng được phát triển gồm: đội quân chủ lực và các đội vũ trang địa phương.
2. Giải quyết những khó khăn về kinh tế, văn hoá, giáo dục
a) Kinh tế
♦ Giải quyết nạn đói:
- Bối cảnh:
+ Nền kinh tế Việt Nam vốn đã nghèo nàn, lạc hậu, lại còn bị chiến tranh tàn phá nặng nề.
+ Hậu quả của nạn đói cuối năm 1944 - đầu năm 1945 chưa được khắc phục, đe dọa nghiêm trọng đời sống nhân dân.
- Biện pháp giải quyết của chính quyền cách mạng:
+ Chính phủ thực hiện những biện pháp trước mắt như: lập các hũ gạo cứu đói; kêu gọi “nhường cơm sẻ áo”, tổ chức “ngày đồng tâm”; nghiêm trị những kẻ đầu cơ tích trữ lúa gạo; đề ra biện pháp điều hòa thị trường lúa gạo giữa các địa phương.
+ Để giải quyết tận gốc nạn đói và phục hồi nền nông nghiệp, Chính phủ vận động toàn dân tăng gia sản xuất.
Nhân dân tích cực hưởng ứng các biện pháp giải quyết nạn đói của chính phủ
♦ Giải quyết khó khăn về tài chính:
- Để khắc phục tình trạng ngân khố quốc gia trống rỗng, Chính phủ phát động xây dựng “Quỹ độc lập” và phong trào “Tuần lễ vàng”.
- Tháng 11-1946, tiền Việt Nam được phép lưu hành trong cả nước nhằm xây dựng nền tài chính độc lập.
- Các ngành công thương nghiệp, giao thông vận tải,... cũng dần được khôi phục.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ giới công thương Hà Nội trong “Tuần lễ Vàng” ngày 18/9/1945 tại Bắc Bộ phủ
b) Giáo dục, văn hóa
- Bối cảnh: Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, tàn dư văn hóa lạc hậu của chế độ thực dân, phong kiến để lại hết sức nặng nề:
+ Hơn 90% dân số không biết chữ.
+ Các tệ nạn xã hội, dịch bệnh tràn lan.
- Để xoá nạn mù chữ, ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ, kêu gọi toàn dân tham gia xóa nạn mù chữ. Phong trào Bình dân học vụ phát triển sôi nổi, rộng khắp.
- Các trường phổ thông và đại học được khai giảng. Nội dung và phương pháp giáo dục được đổi mới theo tinh thần dân tộc, dân chủ.
- Nhà nước vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hoá mới. Công tác y tế, vệ sinh phòng bệnh được tăng cường.
- Báo chí cách mạng được quan tâm, phát triển và đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục lòng yêu nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm một lớp học Bình dân học vụ
3. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược
♦ Giai đoạn 2/9/1945 đến trước ngày 6/3/1946
- Bối cảnh:
+ Ngày 2-9-1945, quân Pháp đã có những hành động gây hấn ngay trong ngày nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn tổ chức mít tinh chào mừng ngày Độc lập.
+ Được sự giúp đỡ của quân Anh, đêm 22 và rạng sáng 23-9-1945, thực dân Pháp đánh úp trụ sở Uỷ ban hành chính Nam Bộ và cơ quan tự vệ thành phố Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai.
=> Trước tình hình đó, sáng 23-9-1945, cơ quan kháng chiến ở Nam Bộ đã thống nhất ra Lời kêu gọi đồng bào cầm vũ khí đánh đuổi quân xâm lược.
- Diễn biến chính:
+ Ngay từ đêm 23-9, nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn đã tích cực đấu tranh chống quân Pháp dưới nhiều hình thức.
+ Đến tháng 10-1945, thực dân Pháp với sự hỗ trợ của quân Anh và quân tiếp viện mới phá được vòng vây ở Sài Gòn, Chợ Lớn để đánh chiếm các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ.
- Kết quả: Cuộc chiến đấu ở Nam Bộ đã làm cho quân Pháp bị giam chân tại đây trong nhiều tháng
Một đơn vị Nam tiến tại ga Hàng Cỏ, Hà Nội trước khi lên đường vào Nam chi viện cho mặt trận Nam Bộ năm 1945.
♦ Giai đoạn 6/3/1946 đến trước ngày 19/12/1946
- Đến đầu năm 1946, thực dân Pháp tìm cách kéo quân ra miền Bắc, mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược. Ngày 28-2-1946, Hiệp ước Hoa-Pháp được kí kết. Pháp đưa quân ra miền Bắc thay thế quân Trung Hoa Dân quốc làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật.
- Trước tình hình đó, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thực hiện sách lược “hòa để tiến”, nhân nhượng có nguyên tắc bằng việc đàm phán, kí kết Hiệp định Sơ bộ 6-3 và Tạm ước 14-9. Các văn bản trên thể hiện lập trường hòa bình, hữu nghị với Pháp và đẩy quân Trung Hoa Dân quốc về nước.
>>> Bài tiếp theo: Lý thuyết Lịch sử 9 Kết nối tri thức bài 14
Trên đây là toàn bộ lời giải Lý thuyết Lịch sử lớp 9 bài 13: Việt Nam trong năm đầu sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Các em học sinh tham khảo thêm Lịch sử và Địa lý lớp 9 Chân trời sáng tạo và Lịch sử và Địa lý lớp 9 Cánh Diều. VnDoc liên tục cập nhật lời giải cũng như đáp án sách mới của SGK cũng như SBT các môn cho các bạn cùng tham khảo.