Lý thuyết Lịch sử 9 Kết nối tri thức bài 3
VnDoc xin giới thiệu bài Lý thuyết Lịch sử 9 bài 3: Châu Á từ năm 1918 đến năm 1945 có nội dung trong chương trình sách mới. Thông qua đây các em học sinh đối chiếu với lời giải của mình, hoàn thành bài tập hiệu quả.
Bài: Châu Á từ năm 1918 đến năm 1945
1. Nhật Bản từ năm 1918 đến năm 1945
a) Nhật Bản trong những năm 1918-1929
- Nhờ hưởng lợi từ trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, nền kinh tế Nhật Bản phát triển nhanh chóng sau chiến tranh. Tuy nhiên, sự phát triển đó chỉ kéo dài trong 18 tháng.
- Đến những năm 1920-1921, nền kinh tế Nhật Bản sa sút. Đời sống người lao động không được cải thiện, phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân bùng lên mạnh mẽ.
- Tháng 7/1922, Đảng Cộng sản Nhật Bản được thành lập và trở thành lực lượng lãnh đạo phong trào công nhân.
- Vào những năm 1924-1929, kinh tế Nhật Bản phát triển nhưng không ổn định:
+ Năm 1926, sản lượng công nghiệp phục hồi vượt mức trước chiến tranh.
+ Từ năm 1927, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính ở Tô-ki-ô, kinh tế nb lâm vào khủng hoảng, suy thoái.
b) Nhật Bản trong những năm 1929-1945
- Giai đoạn 1929 - 1933: Cuộc đại suy thoái kinh tế thế giới đã giáng một đòn nặng nề vào kinh tế Nhật Bản.
+ So với năm 1929, năm 1931, sản lượng công nghiệp giảm 32,5%, ngoại thương giảm 80%, khoảng 3 triệu người thất nghiệp.
+ Cuộc đại suy thoái làm cho mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt. Năm 1929 có 276 cuộc bãi công nổ ra, đến năm 1931 đã có gần 1.000 cuộc bãi công.
- Giai đoạn 1933 - 1939: Để đưa đất nước ra khỏi đại suy thoái, Chính phủ Nhật Bản tăng cường chính sách quân sự hóa bộ máy nhà nước, gây chiến tranh xâm lược, bành trướng ra bên ngoài.
+ Ngay từ năm 1927, Thủ tướng Ta-na-ca đã đệ trình lên Nhật hoàng bản Tấu trình, đề ra kế hoạch xâm lược và thống trị thế giới.
+ Tháng 9-1931, Nhật Bản xâm chiếm vùng Đông Bắc Trung Quốc, đánh dấu việc hình thành "lò lửa chiến tranh" ở châu Á-Thái Bình Dương.
- Giai đoạn 1939 - 1945:
+ Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu diễn ra, Nhật Bản cũng ráo riết chuẩn bị chiến tranh.
+ Tháng 9/1940, quân Nhật kéo vào Đông Dương. Tháng 12-1941, Nhật Bản bất ngờ tấn công hạm đội Mỹ ở Trân Châu cảng. Nhật Bản xâm lược các nước Đông Nam Á khác, tiến đánh nhiều đảo thuộc châu Á-Thái Bình Dương,...
+ Đến ngày 15-8-1945, Nhật Bản phải chấp nhận đầu hàng không điều kiện trước quân Đồng minh.
Nhật Bản kí văn kiện đầu hàng Đồng minh không điều kiện (tháng 8/1945)
2. Phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc ở châu Á từ năm 1918 đến năm 1945
a) Khái quát
- Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga đã tác động đến nhiều nước châu Á. Phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc dâng cao và lan rộng khắp các khu vực: Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á và Tây Á.
- Phong trào đấu tranh giành độc lập ở châu Á giai đoạn này diễn ra theo hai khuynh hướng chính: dân chủ tư sản (tiêu biểu là Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a,...) và vô sản (tiêu biểu là Trung Quốc, Việt Nam,...).
+ Ở Ấn Độ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Quốc đại, đứng đầu là M. Gan-di, nhân dân đã đấu tranh đòi quyền độc lập, tẩy chay hàng hóa của Anh và phát triển nền kinh tế dân tộc.
+ Ở Mông Cổ, trong những năm 1921-1924 đã diễn ra phong trào giải phóng dân tộc, dẫn tới sự ra đời của nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ.
+ Ở Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trong những năm 1919-1922 đã đưa đến sự thành lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ.
b) Cách mạng Trung Quốc trong những năm 1919-1945
- Để chống lại âm mưu xâu xé Trung Quốc của các nước đế quốc, ngày 4-5-1919, phong trào Ngũ Tứ đã nổ ra ở Bắc Kinh. Phong trào đã nhanh chóng lan rộng ra cả nước, lôi cuốn đông đảo công nhân, nông dân, trí thức yêu nước tham gia.
Tranh minh họa về phong trào Ngũ Tứ (1919)
- Tháng 7-1921, Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập.
- Trong những năm 1927-1937, ở Trung Quốc đã diễn ra cuộc nội chiến giữa Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản.
- Tháng 7-1937, Nhật Bản mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược nhằm thôn tính toàn bộ Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Quốc Dân đảng và Đảng Cộng sản đã hợp tác để cùng kháng chiến chống Nhật.
c) Phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Đông Nam Á trong những năm 1918-1945
- Giai đoạn 1919 - 1939:
+ Giai cấp vô sản ở các nước Đông Nam Á từng bước trưởng thành, đã tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động một số nước đã bùng nổ. Nổi bật là: cuộc khởi nghĩa tại Gia-va và Xu-ma-tơ-ra (1926-1927) ở In-đô-nê-xi-a và cao trào Xô viết Nghệ-Tĩnh (1930-1931) ở Việt Nam… Những cuộc nổi dậy này đều bị chính quyền thực dân đàn áp đẫm máu.
Tranh sơn dầu về phát triển Xô viết Nghệ - Tĩnh
+ Phong trào dân chủ tư sản cũng có bước tiến rõ rệt so với những năm đầu thế kỉ XX; nhiều chính đảng có tổ chức và ảnh hưởng xã hội rộng lớn đã ra đời như: Đảng Dân tộc ở In-đô-nê-xi-a, Phong trào Tha-kin ở Miến Điện, Liên minh Thanh niên Ma-lay-a ở Mã Lai....
- Giai đoạn 1940 - 1945: phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Đông Nam Á phát triển mạnh mẽ. Năm 1940, quân phiệt Nhật Bản xâm lược các nước Đông Nam Á. Năm 1945, lợi dụng thời cơ Nhật Bản đầu hàng Đồng minh, phong trào giải phóng dân tộc đã giành thắng lợi ở một số nước.
>>> Bài tiếp theo: Lý thuyết Lịch sử 9 Kết nối tri thức bài 4
Trên đây là toàn bộ lời giải Lý thuyết Lịch sử lớp 9 bài 3: Châu Á từ năm 1918 đến năm 1945 sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Các em học sinh tham khảo thêm Lịch sử và Địa lý lớp 9 Chân trời sáng tạo và Lịch sử và Địa lý lớp 9 Cánh Diều. VnDoc liên tục cập nhật lời giải cũng như đáp án sách mới của SGK cũng như SBT các môn cho các bạn cùng tham khảo.