Người đàn ông cô độc giữa rừng
Lý thuyết Văn 7 bài Người đàn ông cô độc giữa rừng
Lý thuyết Ngữ văn 7: Người đàn ông cô độc giữa rừng được VnDoc tổng hợp và giới thiệu nhằm giúp cho các bạn học sinh nắm được những kiến thức cơ bản về đoạn trích Người đàn ông cô độc giữa rừng như tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác... Tài liệu giúp các em triển khai các đề văn liên quan tới tác phẩm một cách dễ dàng hơn. Sau đây mời các bạn tham khảo chi tiết.
I. Tác giả văn bản Người đàn ông cô độc giữa rừng
- Đoàn Giỏi (17 tháng 5 năm 1925 - 2 tháng 4 năm 1989), là một nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957. Ông có những bút danh khác như: Nguyễn Hoài, Nguyễn Phú Lễ, Huyền Tư.
- Đoàn Giỏi sinh ở quê tại xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (ngày nay là thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).
- Tác phẩm tiêu biểu:
+ Truyện dài
Đường về gia hương (1948)
Cá bống mú (1956)
Đất rừng phương Nam (1957)
Cuộc truy tầm kho vũ khí (1962)
+ Truyện ngắn
Hoa hướng dương (1960)
+ Truyện ký
Ngọn tầm vông (1956)
II. Khái quát tác phẩm Người đàn ông cô độc giữa rừng
1. Hoàn cảnh sáng tác
Trích từ truyện Đất rừng phương Nam, phát hành năm 1957
- Vài nét về tiểu thuyết Đất rừng phương Nam:
+ Là truyện viết cho lứa tuổi thiếu nhi rất thành công và nổi tiếng của ông. Truyện đã được dịch ra nhiều tiếng nước ngoài, tái bản nhiều lần, được dựng thành phim và in trong Tủ Sách Vàng của Nhà xuất bản Kim Đồng
+ Bối cảnh của tiểu thuyết là miền Tây Nam Bộ, Việt Nam vào những năm 1945, sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Nam Bộ
+ Nội dung chính: Câu chuyện mượn hình ảnh một cậu bé bị lưu lạc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ để giới thiệu Đất rừng Phương Nam. Nơi đó, một vùng đất vô cùng giàu có, hào phóng và hùng vĩ với những con người trung hậu, trí dũng, một lòng một dạ theo kháng chiến.
Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi như một xã hội của miền sông nước Tây Nam bộ thu nhỏ. Bởi ở nơi đó, người đọc đã tìm thấy hình ảnh người dân của vùng đất phương Nam từ sông Tiền, sông Hậu trải dài đến Kiên Giang - Rạch Giá, rồi xuống tận rừng U Minh, sau đó dừng lại ở Năm Căn Cà Mau. Bối cảnh trong Đất rừng phương Nam là cả một đất trời thiên nhiên ưu đãi, cánh đồng bát ngát mênh mông, sóng nước rì rầm, rừng rậm bạt ngàn trù phú, thú rừng hoang dã muôn loài...
2. Thể loại
Tiểu thuyết là tác phẩm tự sự cỡ lớn có khả năng phản ánh hiện thực đời sống ở mọi giới hạn không gian và thời gian. Tiểu thuyết có thể phản ánh số phận của nhiều cuộc đời, những bức tranh phong tục, đạo đức xã hội, miêu tả các điều kiện sinh hoạt giai cấp, tái hiện nhiều cách đa dạng.
3. Bố cục
Tiểu thuyết được chia thành 3 phần:
- Phần 1 (từ đầu đến “mới tìm ra lửa vậy”): Hoàn cảnh gặp Võ Tòng
- Phần 2 (tiếp theo đến “nói một cách chắc chắn như vậy”): Lai lịch của Võ Tòng
- Phần 3 (còn lại): Cuộc chia tay Võ Tòng
4. Giá trị nội dung
Câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ của tía con An với chú Võ Tòng – người đàn ông cô độc giữa rừng. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đó cho người đọc thấy được tính cách, tinh thần kiên cường dũng cảm của những con người Nam Bộ trong thời kì đất nước bị xâm chiếm.
5. Đặc sắc nghệ thuật
Nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, thú vị, đậm chất Nam Bộ
- Miêu tả tính cách nhân vật qua ngoại hình, hành động
6. Tóm tắt:
Câu chuyện kể lại chuyến đi thăm chú Võ Tòng của cậu bé An và tía nuôi. Tại đây An đã được gặp chú Võ Tòng, hiểu được phần nào về con người lương thiện, chất phác và mạnh mẽ của chú.
III. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Người đàn ông cô độc giữa rừng
1. Nhân vật Võ Tòng.
* Lai lịch, tiểu sử
- Tên: Không ai biết tên thật chú là gì, mọi người gọi chú là Võ Tòng.
- Tuổi tác, quê quán: không rõ
→ Không người thân, họ hàng, một người đàn ông cô đơn.
* Hoàn cảnh
- Trước khi đi tù:
+ Có gia đình đàng hoàng, vợ là người đàn bà xinh xắn
+ Lúc vợ chửa đứa con đầu lòng, vì thèm ăn măng. Gã bèn xách dao đến bụi tre đình làng xắn một mụi măng.
+ Khi về, đi qua bờ tre nhà tên địa chủ, gã bị tên địa chủ vu vạ cho là ăn trộm.
+ Gã cãi lại, tên địa chủ đánh vào đầu hắn, hắn đánh lại và tự lên nhà việc nộp mình.
→ Võ Tòng là người đàn ông biết thương vợ con, anh cũng rất mạnh mẽ và dũng cảm khi tự đến nhà việc để nộp mình.
- Sau khi ra tù
+ Vợ gã đã làm lẽ tên địa chủ
+ Đứa con trai độc nhất gã chưa biết mặt đã chết từ khi gã ngồi trong tù
+ Gã không đi tìm tên địa chủ để quyết đấu mà bỏ làng ra đi vào rừng ở quanh năm săn bắt thú.
→ Người đàn ông cam chịu, chấp nhận số phận.
* Ngoại hình
- Cởi trần, mặc chiếc quần kaki còn mới nhưng coi bộ đã lâu không giặt (chiếc quần lính Pháp có những sáu túi. Bên hông chú đeo lủng lẳng một lưỡi lê, nằm gọn trong vỏ sắt.
→ Ngoại hình mạnh mẽ, phóng khoáng,...
* Tính cách và phẩm chất
- Hài hước, vui vẻ
+ Thể hiện trong cách trò chuyện với nhân vật tôi
“Ngồi xuống đây, chú em”
“Nhai bậy, một miếng khô nai đi chú em”
“Ờ thể nào cũng có chứ! Chú nuôi đầy rừng, muốn con cỡ nào chú bắt cho đúng con cỡ ấy”
- Gan dạ, dũng cảm
+ Trong cuộc chiến đấu với con hổ chúa.
+ Khi đánh lại tên địa chủ và dũng cảm ra nhà việc nhận tội.
+ Không thèm dùng súng “Mấy thằng nhát gan mới cần súng, vì súng ở xa cũng bắn được mà”
- Tinh thần yêu nước mãnh mẽ
+ Sẵn sàng làm nỏ tẩm thuốc cho ông Hai để bắn quân giặc.
+ Một lòng chiến đấu vì quê hương đất nước.
2. Màu sắc Nam Bộ được thể hiện trong văn bản
* Ngôn ngữ
- Sử dụng các từ ngữ địa phương đặc trưng của miền đất Nam Bộ
“Nhai bậy, chú em, anh Hai, khám, nong, bả”
* Tính cách con người
- Tía nuôi An (ông Hai): Gan dạ, dũng cảm, đi xin nỏ tẩm thuốc để chiến đấu với giặc.
- Má nuôi An: tính cách được thể hiện qua lời kể của tía “Đàn bà nhà tôi còn mê tín, tin có Trời, có Phật. Nhưng về cái gan dạ thì... chú cứ tin lời tôi, bả không thua anh em ta một bước nào đâu”
→ Những con người với phẩm chất gan dạ, phóng khoảng, giản dị đại diện cho những người dân Nam Bộ.
IV. Soạn bài Người đàn ông cô độc giữa rừng
-------------------------------------------
Trên đây là Lý thuyết Ngữ văn 7 bài Người đàn ông cô độc giữa rừng, hy vọng đây là tài liệu hay giúp các em nắm được các ý chính liên quan tới đoạn trích Người đàn ông cô độc giữa rừng như bố cục, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật, tóm tắt tác phẩm...
Ngoài tài liệu trên, mời các bạn tham khảo thêm các tài liệu học tập lớp 7 khác như Văn mẫu lớp 7, Toán 7 , Khoa học tự nhiên 7... và các Đề thi học kì 1 lớp 7, Đề thi học kì 2 lớp 7... được biên soạn và cập nhật liên tục trên VnDoc.com.
Các bài liên quan đến tác phẩm:
- Viết một đoạn văn khoảng 6-8 câu nêu lên những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của văn bản Người đàn ông cô độc giữa rừng
- Tóm tắt Người đàn ông cô độc giữa rừng
Để tiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về giảng dạy và học tập các môn học, VnDoc mời các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các bạn học sinh truy cập nhóm riêng dành cho lớp 7 sau đây:
Bài tiếp theo: Lý thuyết Ngữ văn 7: Buổi học cuối cùng