Những câu chuyện về tinh thần đoàn kết của Bác

Bài học về tinh thân đoàn kết luôn là điều Bác Hồ thường răn dạy mọi người. Đại đoàn kết dân tộc chính là bài học thắng lợi của dân tộc Việt Nam. Trong bài viết này VnDoc xin chia sẻ một số câu chuyện ý nghĩa về tinh thần đoàn kết của Bác, mời các bạn cùng tham khảo.

1. Tấm lòng của Bác đối với thương binh, liệt sĩ

Ngày 10 tháng 3 năm 1946 báo Cứu quốc đăng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam Bộ. Trong thư có đoạn Người viết: "Tôi xin kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng".

Tiếp sau đó, trong Thư gửi đồng bào miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại viết: "Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam đã vì Tổ quốc mà hy sinh anh dũng".

Hơn nửa tháng sau khi đi Pháp về, ngày 7 tháng 11 năm 1946, Người đã đến dự lễ "Mùa đông binh sĩ" do Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam tổ chức tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội, vận động đồng bào ở hậu phương đóng góp tiền của để may áo trấn thủ cho chiến sĩ, thương binh, bệnh binh.Cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp đã thu hút nhiều thanh niên nam nữ tham gia quân đội. Một số chiến sĩ đã hy sinh anh dũng, một số nữa là thương binh, bệnh binh, đời sống gặp nhiều khó khăn, mặc dầu anh chị em tình nguyện chịu đựng không kêu ca, phàn nàn.

Trước tình hình ấy, tháng 6 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ chọn một ngày nào đó trong năm làm "Ngày thương binh" để đồng bào ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh. Có lẽ - trừ những ngày kỷ niệm quốc tế - "Ngày thương binh" là ngày kỷ niệm trong nước đầu tiên được tổ chức.Hưởng ứng và đáp lại tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một hội nghị trù bị đã khai mạc tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gồm có một số đại biểu ở Trung ương, khu và tỉnh. Hội nghị nhất trí lấy ngày 27 tháng 7 hàng năm là ngày thương binh liệt sĩ và tổ chức ngay lần đầu trong năm 1947.

Báo Vệ quốc quân số 11, ra ngày 27 tháng 7 năm 1947 đã đăng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thường trực Ban tổ chức " Ngày thương binh toàn quốc " Đầu thư Người viết :" Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, anh em, vợ con, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù? Đó là những chiến sĩ mà nay một số đã thành ra thương binh".

Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích:"thương binh là người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đã chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy ".

Cuối thư, Người vận động đồng bào nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ thương binh. Bản thân Người đã xung phong góp chiếc áo lụa, một tháng lương và tiền ăn một bữa của Người và của tất cả các nhân viên của Phủ Chủ tịch, tổng cộng là một ngàn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127 đồng) để tặng thương binh.Năm sau, ngày 27 tháng 7 năm 1948, trong một thư dài đầy tình thương yêu, Bác nói: " Nạn ngoại xâm như trận lụt to đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc, đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con, dân ta. Trong cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào".

Người xót xa viết: " Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Ngày nay, bố mẹ họ mất một người con yêu quý. Vợ trẻ trở nên bà goá. Con dại trở nên mồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài tử sĩ. Tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được. Và những tử sĩ sẽ không thể tái sinh".

Bài học kinh nghiệm:

- Người từng khẳng định: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người đã có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Người luôn nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân ta bất kể trong hoàn cảnh nào cũng phải luôn ghi nhớ công ơn to lớn của các đồng chí - những người đã hy sinh tính mệnh hoặc bỏ lại một phần xương máu của mình trên chiến trường vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

- Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ không chỉ là sự tiếc thương, ngậm ngùi, đau xót và tự hào, mà còn gợi lên tinh thần bất khuất, làm hồi sinh sức sống mãnh liệt của cả dân tộc, của những người đã hy sinh, những người cống hiến một phần cơ thể của mình cho đất nước. Người đã làm cho sự hy sinh, mất mát của các thương binh, liệt sĩ càng thêm cao đẹp hơn bằng cách gắn sự tổn thất lớn lao ấy vào ý thức của những người còn sống về nghĩa vụ và trách nhiệm đối với những người đã khuất cũng như những người đã để lại một phần xương máu ở chiến trường. Bác đã làm cho những điều vinh quang càng vinh quang, đáng tự hào hơn, trách nhiệm của những người còn sống đối với gia đình liệt sĩ và các thương binh càng cao hơn.

2. Chiếc áo ấm - Bài học về sự chăm lo của Bác Hồ

Một đêm mùa đông năm 1951, gió bấc tràn về mang theo những hạt mưa lâm thâm làm cho khí trời càng thêm lạnh giá. Thung lũng bản Ty co mình lại trong yên giấc, trừ một ngôi nhà sàn nhỏ còn phát ra ánh sáng. Ở đây, Bác vẫn thức, vẫn làm việc khuya như bao đêm bình thường khác. Bỗng cánh cửa nhà sàn hé mở, bóng Bác hiện ra. Bác bước xuống cầu thang, đi thẳng về phía gốc cây, chỗ tôi đang đứng gác.

- Chú làm nhiệm vụ ở đây có phải không?

- Thưa Bác, vâng ạ!

- Chú không có áo mưa?

Tôi ngập ngừng nhưng mạnh dạn đáp:

- Dạ thưa Bác, cháu không có ạ!

Bác nhìn tôi từ đầu đến chân ái ngại:

- Gác đêm, có áo mưa, không ướt, đỡ lạnh hơn...

Sau đó, Bác từ từ đi vào nhà, dáng suy nghĩ...

Một tuần sau, anh Bảy cùng mấy người nữa đem đến cho chúng tôi 12 chiếc áo dạ dài chiến lợi phẩm. Anh nói:

- Bác bảo phải cố gắng tìm áo mưa cho anh em. Hôm nay có mấy chiếc áo này, chúng tôi mang lại cho các đồng chí. Được một chiếc áo như thế này là một điều quý, nhưng đối với chúng tôi còn quý giá và hạnh phúc hơn khi Bác trực tiếp chăm lo, săn sóc với cả tấm lòng yêu thương của một người cha.

Sáng hôm sau, tôi mặc chiếc áo mới nhận được đến gác nơi Bác làm việc. Thấy tôi, Bác cười và khen:

- Hôm nay chú có áo mới rồi.

- Dạ thưa Bác, đây là áo anh Bảy đem đến cho tiểu đội chúng cháu mỗi người một chiếc ạ.

Nghe tôi thưa lại, Bác rất vui. Bác ân cần dặn dò thêm:

- Trời lạnh, chú cần giữ gìn sức khỏe và cố gắng làm tốt công tác.

Dặn dò xong, Bác trở lại ngôi nhà sàn để làm việc. Lòng tôi xiết bao xúc động. Bác đã dành áo ấm cho chúng tôi trong lúc Bác chỉ mặc một chiếc áo bông mỏng đã cũ. Đáng lẽ chúng tôi phải chăm lo cho Bác nhiều hơn, còn Bác, Bác lại lo nghĩ đến chúng tôi nhiều quá.

Từ đấy, chúng tôi cũng trân trọng giữ gìn chiếc áo Bác cho như giữ lấy hơi ấm của Bác. Hơi ấm ấy đã truyền thêm cho chúng tôi sức mạnh trong mỗi chặng đường công tác.

Bài học kinh nghiệm:

- Câu chuyện này tả lại tình yêu thương ân cần của Bác dành cho những cán bộ phục vụ quanh mình. Dù bận trăm công nghìn việc, nhưng khi thấy người chiến sĩ cảnh vệ canh gác dưới chân lán bị ướt và lạnh, Bác đã đôn đốc quân nhu chóng tìm áo ấm cho các anh. Chỉ một chiếc áo nhưng đã làm ấm cơ thể, ấm lòng anh chiến sĩ và hàng triệu triệu con tim người Việt.

- Như trong lời bài hát Thuận Nguyễn có viết: “Bác Hồ Người là tình yêu thiết tha nhất. Trong toàn dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân. Cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam. Bác thương những cụ già xuân về gửi biếu lụa Bác thương đàn cháu nhỏ trung thu gửi quà cho. Bác thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng Bác thương người chiến sĩ đứng gác ngoài biên cương Bác viết thư thăm hỏi gửi muôn vàn yêu thương.”

3. Chuyện kể về Bác Hồ - Tấm gương mẫu mực về tinh thần đoàn kết

“Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn”

Khu vườn Bách thảo hôm ấy sống động hẳn lên trong ánh sáng và màu sắc của hàng vạn thanh niên thủ đô liên hoan chào mừng Đại hội lần thứ III của Đảng. Đoàn nhạc Giao hưởng chúng tôi gồm 120 diễn viên ngồi rải ra trên một bãi cỏ rộng, vẫn bị nuốt đi trong hình vòng cung của dàn hợp xướng gồm hơn 800 anh chị em thanh niên, sinh viên các trường đại học.

Khoảng 8 giờ tối, khi chúng tôi đang tập lại vài câu nhạc cho thuần tay, các bạn hợp xướng đang thử lại giọng thì đầu kia Bách thảo nổi lên tiếng reo hò, rồi tiếng vỗ tay cứ từng đợt, từng đợt nổi dậy như sóng cồn, dường như có một nỗi vui mừng đặc biệt gì khiến những tràng vỗ tay như không tùy thuộc ở ý muốn người vỗ mà lại lên xuống theo từng nhịp thở hồi hộp của cả một rừng người. Chúng tôi vui mừng lộ ra nét mặt. Đúng là Bác đến! Tiếng vỗ tay cứ gần lại, rồi lại lan xa, kéo dài giây phút hồi hộp của chúng tôi. Nhưng kìa! Đúng Bác rồi! Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nhớ ra được lúc đó tôi và các bạn có reo lên hay không, có vỗ tay không? Tâm trí tôi tập trung ở cả nơi Bác, ở con đường ven hồ đang hiện ra một cảnh tượng tuyệt vời. Những bóng điện đủ các màu trĩu trịt rọi sáng các tầng lá làm cho cây lá như được tạo ra bằng một thứ ngọc bích mỏng tang đang xao động. Tôi nghĩ đến những chuyện cổ tích đọc hồi bé, những khu vườn tiên đầy cây vàng quả ngọc. Từ trong vòm lá cây thần thoại ấy, Bác đi ra, mặc bộ quần áo bà ba bằng lụa, tay áo rộng phất phơ. Râu và tóc Bác đã bạc trắng như bông. Phong thái ung dung của Bác thật là hài hòa với phong cảnh lúc đó. Bác giống như một vị tiên từ trong giấc mơ của tôi ngày bé bước ra, đang dạo chơi trong khu vườn của Người.

Đằng sau tôi, phía dàn hợp xướng có tiếng xuýt xoa:

- Trời ơi! Bác đẹp quá!

Bác đi về phía chúng tôi. Các đồng chí Ban tổ chức khu ca nhạc thấy Bác, khách quốc tế và các đồng chí cùng đi đông quá, vội chạy lo tìm ghế cho Bác và các đại biểu. Nhưng gom góp lại cũng chỉ hơn chục cái, ai ngồi ai không?

Vừa lúc đó, Bác đã nhanh nhẹn bước tới, hình như việc giải quyết linh hoạt các khó khăn dù lớn dù nhỏ đã thành thói quen đối với Bác. Bác âu yếm cười với chúng tôi rồi ngồi ngay xuống bãi cỏ phía trước. Các đại biểu Đảng bạn đi sau đều theo Bác mà ngồi cả xuống cỏ. Ban tổ chức thở phào, trút được mối lo. Số ghế ít ỏi được chuẩn bị đâm ra lại thừa.

Anh Nguyễn Hữu Hiếu chỉ huy chúng tôi trình bày bài ca ngợi Đảng và ca ngợi Bác. Chưa bao giờ chúng tôi biểu diễn trong trạng thái say mê đến thế! Âm hưởng bài hát ca ngợi Bác chưa dứt, niềm say mê của chúng tôi chưa kịp lắng xuống thì Bác đã đứng lên tiến về phía chúng tôi. Chúng tôi sung sướng chờ nghe tiếng nói hồn hậu của Bác mà phần lớn chúng tôi chỉ được nghe qua loa truyền thanh. Nhưng không, Bác không nói chuyện với chúng tôi mà bước gần đến bục chỉ huy rồi bước lên. Và trước nỗi vui thích đến muốn reo lên của chúng tôi, Bác cầm đũa chỉ huy từ tay anh Nguyễn Hữu Hiếu. Chúng tôi càng thích thú khi thấy các đồng chí bạn xôn xao kinh ngạc. Nhiều vị đứng lên, rồi tất cả đứng lên để nhìn cho rõ Bác hơn. Các đồng chí ngạc nhiên là phải, vì trong quá trình hoạt động của Bác, mọi người chỉ biết Bác đã từng trải qua rất nhiều nghề, nhưng có ai nghe nói Bác chỉ huy dàn nhạc bao giờ đâu, mà đây lại là một dàn nhạc giao hưởng hiện đại với cả khối hợp xướng ngót nghìn người.

Bác thì vẫn điềm tĩnh vui vẻ hỏi chúng tôi:

- Các cháu hát được bài Kết đoàn chứ?

Không biết chúng tôi đã trả lời Bác hay mượn dịp này để reo hò lên cho hả cái vui đang chộn rộn trong lồng ngực. Tình cảm chúng tôi đối với Bác lúc ấy y như tình cảm của một bầy con đối với người bố vui tính, một tình cảm thân thiết, kính yêu, không hề có một khoảng cách nào giữa chúng tôi và Bác. Và chúng tôi đã đàn và hát bài Kết đoàn dưới sự chỉ huy của Bác.

Bác đứng trên bục cao, chúng tôi ngồi dưới nhìn lên, hình Bác lồng lộng in lên nền lá cây rực rỡ những chùm đèn. Tay áo lụa của Bác vung vào khoảng ánh sáng đó, hay chính từ thân Bác đã phát ra vầng ánh sáng muôn mầu đó… Bác không nói lời dạy bảo gì khác đối với chúng tôi. Bác chỉ bắt nhịp cho chúng tôi hát bài Kết đoàn, chính là chúng tôi đã hát lên lời dạy bảo của Bác.

Chúng tôi đang sống trong niềm vui say nồng nhiệt nhất dưới cánh tay chỉ huy của Bác, thì Bác ra đi, Bác trao lại đũa chỉ huy, vẫy tay chào chúng tôi và nhanh nhẹn đi khuất vào rừng ánh sáng mà từ đấy Bác đã đi ra. Chúng tôi những muốn đứng cả dậy chạy theo Bác. Nhưng… Bài hát Bác đã bắt nhịp cho chúng tôi hát, chúng tôi không có quyền bỏ dở, nhiệm vụ Bác đã giao, chúng tôi phải hoàn thành!

Và chúng tôi vẫn giữ nguyên đội ngũ.

Và tiếng hát tiếp tục cất lên, tiếng hát bay lên vòm trời cao vợi bao la, khiến cho những vì sao cũng long lanh xúc động.

4. “Câu chuyện cái đồng hồ” và bài học về sự đoàn kết 

“Đoàn kết” là một truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa đến nay của dân tộc ta. Trong quá trình dựng nước và giữ nước, nhân dân ta thực hiện tốt bài học đoàn kết nên luôn giành được những thắng lợi vẻ vang, đã giúp nhân dân ta giữ vững được nền độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Tinh thần đoàn kết được ông cha ta lưu truyền lại qua lời dạy của câu ca dao “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đúc kết điều đó thành chân lý có giá trị muôn đời, Bác đã khẳng định rõ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”.
Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều câu chuyện xuất phát từ những đồ dùng thông hàng ngày chứa đựng những giá trị và có ý nghĩa sâu sắc. Và câu chuyện của Bác về “Chiếc đồng hồ” chính là một biểu hiện của những giá trị ấy.

Giữa mùa thu năm 1954, Bác đến thăm Hội nghị rút kinh nghiệm cải cách ruộng đất ở Hà Bắc. Tại hội nghị, được biết có lệnh của Trung ương rút bớt một số cán bộ đi học lớp tiếp quản thủ đô. Ai nấy cũng đều háo hức muốn đi, nhất là những người quê ở Hà Nội. Bao năm xa nhà, nhớ thủ đô, nay được dịp về công tác, ai ai cũng có nguyện vọng đề nghị cấp trên chiếu cố. Tư tưởng cán bộ dự hội nghị có nhiều phân tán. Ban lãnh đạo ít nhiều thấy khó xử. Lúc đó, Bác lên diễn đàn, giữa mùa thu nhưng trời vẫn còn nóng, mồ hôi ướt đẫm hai bên vai áo nâu của Bác, Bác hiền từ nhìn khắp hội trường và nói chuyện về tình hình thời sự. Khi nói đến nhiệm vụ của toàn Đảng trong lúc này, Bác bỗng rút trong túi áo giơ ra một chiếc đồng hồ và hỏi các đồng chí cán bộ trong hội trường từng câu hỏi về chức năng của từng bộ phận trong chiếc đồng hồ. Ai ai cũng đồng thanh trả lời đúng hết các câu hỏi của Bác.

Đến câu hỏi: Trong cái đồng hồ, bộ phận nào là quan trọng?

Khi mọi người còn đang suy nghĩ thì Bác lại hỏi:

- Trong cái đồng hồ, bỏ một bộ phận đi có được không?

Mọi người đồng thanh đáp thưa Bác không ạ.

Nghe mọi người trả lời, Bác bèn giơ cao chiếc đồng hồ lên và nói:

- Các chú ạ, các bộ phận của một chiếc đồng hồ cũng ví như các cơ quan của một Nhà nước, như các nhiệm vụ của cách mạng. Đã là nhiệm vụ của cách mạng thì đều là quan trọng, đều cần phải làm. Các chú thử nghĩ xem: trong một chiếc đồng hồ mà anh kim đòi làm anh chữ số, anh máy lại đòi ra ngoài làm cái mặt đồng hồ…cứ tranh nhau chỗ đứng như thế thì có còn là cái đồng hồ được không ?

Người căn dặn: Đối với chi bộ, đảng bộ hay tất cả các cơ quan, đơn vị cũng vậy, mỗi phòng, ban là một bộ phận không thể thiếu. Tất cả đều có một nhiệm vụ riêng, dù việc lớn việc nhỏ nhưng đó đều là một phần quan trọng trong một tập thể, mỗi nhiệm vụ như một mắc xích nối lại với nhau để tạo thành một khối vững chắc, thì mỗi chúng ta phải thật sự đoàn kết, nổ lực, cố gắng phát huy khả năng của mình, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Việc so bì, tính toán thiệt hơn về quyền lợi, trách nhiệm hay ngại việc nặng tìm việc nhẹ thì sẽ dẫn đến mất đoàn kết, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung

Chỉ trong ít phút ngắn ngủi, câu chuyện chiếc đồng hồ của Bác đã làm cho nhiều cán bộ dự hội nghị trong hội trường đánh tan suy nghỉ cá nhân của mình.

Câu chuyện tuy ngắn nhưng lại mang giá trị lớn, tư tưởng lớn của Người về tinh thần đoàn kết dân tộc. Có đoàn kết mới tạo nên sức mạnh tập thể, sức mạnh dân tộc để đánh thắng giặc ngoại xâm, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đối với cơ quan, đơn vị chúng ta cũng vậy, cũng giống như một chiếc đồng hồ, mỗi cá nhân, mỗi ban là một bộ phận không thể thiếu. Tất cả đều có một nhiệm vụ riêng, dù lớn dù nhỏ nhưng đó đều là một phần quan trọng trong một tổ hợp tập thể, mỗi nhiệm vụ như một mắc xích nối lại với nhau. Để tạo nên một mối nối thật sự vững chắc thì mỗi chúng ta - một mắc xích phải thật sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng phát huy khả năng của mình, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đoàn kết để ổn định, để đổi mới, sáng tạo, để làm nên tất cả bởi lẽ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”./.

Câu chuyện về bài học đại đoàn kết

5. Tư tưởng Đại đoàn kết của Bác

Tư tưởng đoàn kết đến với Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh khá sớm. Ngay từ những năm 1920, khi còn đang bôn ba hoạt động tìm đường cứu nước ở nước ngoài, trong nhiều bài báo, bài nói chuyện, Người đã kêu gọi tinh thần đoàn kết giữa người lao động ở các nước chính quốc với quần chúng nhân dân ở các nước thuộc địa. Lời kêu gọi đã dần dần thức tỉnh những người cộng sản, những người dân chủ ở các nước quan tâm nhiều hơn đến phong trào giải phóng dân tộc ở những nước đang bị chế độ thực dân xâm chiếm.

Kể từ khi trở về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh càng có điều kiện hiểu sâu hơn giá trị của tinh thần đoàn kết. Những ai nghiên cứu về lịch sử văn hóa Việt Nam từ thời Hùng Vương dựng nước, đều không xa lạ với câu chuyện Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ sinh ra 100 trứng. Từ “bọc trứng” đó sản sinh ra hàng triệu, hàng chục triệu người Việt Nam sau này. Từ đó, trong ngôn ngữ Việt Nam, từ xa xưa đã xuất hiện hai tiếng “đồng bào”. Đồng bào có nghĩa là cùng chung một bọc trứng (đồng = cùng, bào = bọc). Hai tiếng “đồng bào” từ xa xưa vốn đã mang ý nghĩa một thông điệp cực kỳ quan trọng: Những người Việt Nam chúng ta, dù sinh sống ở đâu, ở trong hay ngoài nước, ở vùng đồng bằng hay rừng núi, hải đảo đều có chung một cội nguồn, một sự gắn bó máu thịt với nhau. Tất cả chúng ta đều có chung một bà mẹ. Tất cả chúng ta đều là những phần tử từ bọc trứng của mẹ Âu Cơ. Có lẽ Hồ Chí Minh là người hiểu sâu sắc nhất ý nghĩa to lớn của tinh thần đoàn kết và phổ biến sâu rộng chân lý đó trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ta.

Ngay khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng nước ta, cùng với rất nhiều hoạt động thực tiễn nhằm tuyên truyền tổ chức lực lượng cách mạng, Hồ Chí Minh đã dành thời gian để viết cuốn “Lịch sử nước ta” bằng thơ. Chắc chắn đây không phải là công việc dễ dàng, vì đòi hỏi ở tác giả một vốn kiến thức phong phú và hệ thống về lịch sử dân tộc. Một tập thơ ngắn, chưa đầy 250 dòng, nhưng đã thâu tóm được toàn bộ lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương dựng nước đến các phong trào cách mạng đầu thế kỷ XX. Đây là một hành động vô cùng cần thiết để tổ chức và huấn luyện, giáo dục cán bộ, đảng viên và quần chúng lúc bấy giờ. Tư tưởng chủ đạo của tập “diễn ca” “Lịch sử nước ta” là cùng với chủ nghĩa yêu nước, dân tộc ta đã sớm phát huy tinh thần đoàn kết (đoàn kết trong các triều đại phong kiến, đoàn kết toàn dân, và quan trọng nhất là sự đoàn kết chung sức chung lòng giữa những người lãnh đạo đất nước với toàn thể nhân dân). Đồng thời cho thấy, thời kỳ nào mà triều đình phong kiến quay lưng lại với nhân dân, thì tất yếu khối đoàn kết dân tộc bị lỏng lẻo và thời kỳ đó đất nước, nhân dân – đồng bào thường bị lâm vào cảnh bị áp bức bóc lột. Hồ Chí Minh viết:

“Kể gần sáu trăm năm giời

Ta không đoàn kết bị người tính thôn”.

Có thể dẫn thêm một số ví dụ từ “Lịch sử nước ta” của Bác Hồ về sự thắng – bại liên quan đến tinh thần đoàn kết, như: Thời Mai Hắc Đế, dù rất thương dân bị lầm than đau khổ, Mai Hắc Đế đã lãnh đạo cuộc chiến tranh chống xâm lược Tàu, nhưng:

“Vì dân đoàn kết chưa sâu

Cho nên thất bại trước sau mấy lần”.

Trái lại, đến đầu thế kỷ XVIII, với sự xuất hiện của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, nhân dân ta đã “cùng nhau một lòng” giành được những chiến công rực rỡ:

“Nguyễn Huệ là kẻ phi thường

Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm giặc Tàu

Ông đà chí cả mưu cao

Dân ta lại biết cùng nhau một lòng

Cho nên Tàu dẫu tàn hung

Dân ta vẫn giữ non sông một nhà…”.

Nói là tổng kết lịch sử, nhưng thực chất là rút ra những bài học lớn mà cha ông để lại. Trong hoàn cảnh những năm đầu của cách mạng, bài học lớn nhất của lịch sử, theo Bác Hồ là bài học về tính cộng đồng, về tinh thần đoàn kết. Chính vì vậy, kết thúc tập thơ “Lịch sử nước ta”, Người viết:

“Hỡi ai con cháu Rồng Tiên

Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau.

… Dân ta xin nhớ chữ đồng

Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”.

Khám phá ra những bài học lịch sử của quá khứ là để hiểu những thông điệp, những lời truyền dạy của tổ tiên. Tinh thần đó được thể hiện rất rõ trong dịp Trung ương và quân đội ta trở về tiếp quản Thủ đô (1954). Khi Bác Hồ cùng Đại đoàn Quân Tiên phong dừng chân tại Đền Hùng (Phú Thọ), tại đây Người nói một câu bất hủ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Có thể coi đó là lời thề thiêng liêng của Bác, của cả dân tộc trước anh linh tổ tiên. “Công dựng nước” mà Bác nói ở đây không chỉ có ý nghĩa tạo lập nên giang sơn đất nước, mà còn có ý nghĩa tạo ra sức sống và hồn cốt của dân tộc. Vì vậy, “giữ lấy nước” mà Người nói cũng có nghĩa phải giữ lấy từng tấc đất của Tổ quốc, đồng thời, phải giữ cho được những đạo lý làm người Việt Nam mà tổ tiên ta đã dày công vun đắp.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân ta lại phải đương đầu với các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và cuộc kháng chiến chống xâm lược của đế quốc Mỹ. Đó là các cuộc chiến tranh hoàn toàn không cân sức. Về phương diện kinh tế, vũ khí, đất nước ta thua xa đối phương. Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc trong những ngày đầu kháng chiến, trong các bài phát biểu của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhấn mạnh đến tinh thần đoàn kết. Chính câu nói “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” đã được Người nói ra trong thời kỳ gian lao nhất của cách mạng, của dân tộc. Bằng cảm nhận thực tế một cách sâu sắc, Người đã phát hiện ra một số biểu hiện đáng lo ngại trong nhân dân, trong cán bộ và cả trong quân đội. Tuy chưa thật phổ biến, nhưng rõ ràng những hiện tượng “dao động”, “phân tâm”, “mơ hồ” đó sẽ làm suy yếu tinh thần cách mạng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân và quân đội. Vì vậy để diễn đạt đầy đủ tư tưởng của mình, Người nhấn đi nhấn lại 3 lần chữ “đoàn kết” và cũng nhấn 3 lần chữ “thành công”. Có đoàn kết thì sẽ thành công và muốn thành công thì trước hết phải đoàn kết. Lịch sử dân tộc đã chứng minh điều đó. Ngoài yêu cầu phải đoàn kết toàn dân, Hồ Chí Minh còn luôn nhấn mạnh đến đoàn kết giữa nhân dân và quân đội; đoàn kết giữa nhân dân với cán bộ, đảng viên; đoàn kết trong nội bộ các cơ quan, các tổ chức Đảng và Nhà nước.

Ngoài ra, ở thời đại Hồ Chí Minh, mối liên hệ giữa các quốc gia dân tộc không ngừng mở rộng. Sự liên kết quốc tế giữa các quốc gia đã hình thành. Chính xuất phát từ đó, chữ “đại đoàn kết” mà Bác Hồ dùng ở đây còn có ý nghĩa mới: Đoàn kết giữa dân tộc ta, cuộc kháng chiến của chúng ta với lương tri ở mọi quốc gia trên thế giới. Tư tưởng đoàn kết của Bác đã nhanh chóng trở thành động lực của các cuộc kháng chiến và cũng là động lực trong xây dựng đời sống mới, trong các quan hệ xã hội mới trên đất nước ta.

Tư tưởng đoàn kết của Người cũng đã tạo nên một luồng sinh khí mới trong đời sống văn hóa, nghệ thuật của dân tộc. Hàng loạt các tác phẩm thuộc các loại hình thơ, ca, văn xuôi, kịch, báo chí… của những văn nghệ sĩ tiêu biểu đã góp phần thắp sáng tư tưởng lớn của Bác. Hình ảnh cán bộ với nhân dân, quân đội với nhân dân được thể hiện một cách hấp dẫn như “cá với nước”. Một trong những thành công về phương diện này phải kể đến các tác phẩm như bài thơ “Bộ đội về làng” của Hoàng Trung Thông, bài hát “Tấm áo mẹ vá năm xưa” của Nguyễn Văn Tý… Những bài thơ, bài ca của thời kỳ lịch sử đó, cho đến nay vẫn in đậm trong trái tim, khối óc của hàng triệu triệu người Việt Nam. Những thiên phóng sự về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của các nhà văn, nhà báo, học giả đến từ nước ngoài, đã minh chứng cho sự thắng lợi – thành công gắn liền với tư tưởng đại đoàn kết của Bác Hồ.

Ngày nay cùng với sự xuất hiện nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu, bên cạnh nhiều thuận lợi giúp đất nước phát triển nhanh chóng, dân tộc ta cũng phải đương đầu với không ít thách thức, đặc biệt trong lĩnh vực đời sống tinh thần. Trong lịch sử cách mạng nước ta, có lẽ chưa có lúc nào chủ nghĩa cá nhân, đầu óc trục lợi lại xuất hiện khá phổ biến như hiện nay. Đáng chú ý, nhiều tính toán ích kỷ, xấu xa, sẵn sàng “bán rẻ linh hồn cho quỷ sứ” đã và đang xuất hiện trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trong đó có những cán bộ ở cấp cao, cấp chiến lược.

Khi một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống, thì sự suy thoái đó sẽ như những “vi rút độc” tìm cách thâm nhập, lan rộng vào những người thiếu “sức đề kháng”, bao gồm cả cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Nếu “vi rút” này không được ngăn chặn hữu hiệu, thì nguy cơ đầu tiên – nguy cơ của mọi nguy cơ – mà chúng ta phải nhận chính là sự suy giảm niềm tin – mất đoàn kết – thiếu thống nhất trong Đảng, giữa Đảng với nhân dân, giữa nhân dân với Đảng.

Hồ Chí Minh từng nhiều lần phê phán thái độ “làm quan cách mạng” của một số cán bộ Đảng và Nhà nước, phê phán tư tưởng bè phái trong một số thôn xã, phê phán việc phân biệt các sắc tộc – chủng tộc, phê phán hiện tượng một số cán bộ quân đội còn làm phiền hà nhân dân… Đó là những nguyên nhân làm ảnh hưởng, suy thoái tinh thần đoàn kết của nhân dân.

Ngay từ 1969, khi hoàn thành bản Di chúc lịch sử, Bác Hồ đã yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên “phải giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Câu nói đó của Người chắc chắn có nguồn gốc từ một thực tế lúc bấy giờ, tuy rằng thực tế đó chưa trở thành một hiện tượng xã hội lớn. Nhưng, như trên đã nói, sự xuất hiện kinh tế thị trường và hậu quả từ mặt trái của nó, sẽ là “cái bẫy” của “xã hội tiêu dùng vật chất” khiến không ít người lao vào tiền bạc, tiện nghi, thậm chí trác táng trong lối sống. Đối với họ, các khái niệm “hy sinh”, “lý tưởng”, “đầy tớ của dân” đã trở nên xa lạ. Trước tình hình đó, từ sau Đổi mới, Đảng ta đã có rất nhiều nghị quyết nhằm xây dựng chỉnh đốn Đảng. Đích thân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng… Các nghị quyết gần đây của Đảng đã khẳng định chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù không đội trời chung với đạo đức cách mạng. Đảng yêu cầu các tổ chức đảng, các cơ quan pháp luật phải nghiêm trị những cán bộ, đảng viên suy thoái, tự diễn biến… bất cứ họ là ai, ở cương vị nào, đương chức hay đã nghỉ hưu. Tinh thần và nội dung của các nghị quyết gần đây của Đảng trong công cuộc chống tham nhũng, suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang từng bước góp phần làm trong sạch Đảng, nâng cao đạo đức của người cán bộ. Từ đó, Đảng sẽ từng bước thực hiện bằng được lời dạy của Bác: Phải giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

Khi sự đoàn kết thực sự trong Đảng được củng cố thì trí tuệ của Đảng, trái tim của Đảng sẽ trở nên trong sáng. Sự trong sáng đó sẽ tỏa ánh sáng trong đời sống quần chúng nhân dân. Chỉ khi đó đất nước chúng ta mới có đủ các điều kiện phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng mong muốn. Và cũng chỉ khi đó mỗi người Việt Nam mới có đủ điều kiện, toàn tâm toàn ý thực hiện lời kêu gọi của Người.

6. Câu chuyện của Bác về đoàn kết

Bác Hồ với chiến sĩ người dân tộc

Anh hùng La Văn Cầu, dân tộc Tày mãi mãi không quên bữa cơm của Bác "đãi" với rau, thịt gà… những "sản phẩm" do chính Bác nuôi, trồng. Bác hỏi thăm mẹ Cầu, gửi quà cho mẹ, dặn cán bộ tạo mọi điều kiện để Cầu về thăm mẹ, giúp đỡ gia đình.

Nhiều chiến sĩ người dân tộc đã lấy họ Hồ cho mình như Hồ Vai, Hồ Can Lịch, Hồ Văn Bột... Mùa thu năm 1964, chị Choáng Kring Thêm - chiến sĩ người dân tộc Cà Tu, tham gia đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được ra miền Bắc, gặp Bác Hồ. Chị Thêm kể: "Đoàn chúng tôi vừa bước xuống xe thì đã thấy Bác đứng chờ ngay ngoài sân.

Bác ôm hôn thắm thiết các thành viên trong đoàn. Chúng tôi theo Bác đến dãy bàn tiếp khách kê ngay ngoài vườn đầy hoa và nắng. Thấy tôi mặc bộ quần áo dân tộc, Bác nói:

- Cháu đúng là con gái dân tộc Cà Tu giữ được tính chất của dân tộc mình. Chị Ngân, chị Cao gặp Bác, mừng quá khóc lên. Bác dịu dàng bảo:

- Các cháu gái đừng khóc. Gặp Bác phải vui chứ. Hai cháu hãy kể cho Bác nghe bà con ta ở tiền tuyến đánh Mỹ như thế nào?

Tôi thưa:

- Thưa Bác, cháu thương, cháu nhớ Bác. Tất cả đồng bào dân tộc miền Nam đều thương nhớ Bác. Sau đó tôi kể Bác nghe một số chuyện chiến đấu của mẹ Giớn, anh Bên, em Thơ...Bác nói:

- Cuộc kháng chiến của đồng bào miền Nam ta là toàn dân, toàn diện. Trẻ, già, gái, trai, Kinh, Cà Tu, Cà Tang và đồng bào các dân tộc khác đều sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi".

Tôi hiểu đó là Bác dành tình thương mênh mông của Bác cho tất cả chúng ta.

Bài học kinh nghiệm

Câu chuyện ngắn gọn nhưng cho chúng ta nhiều bài học lớn: Bài học về tình cảm, sự quan tâm đối với các dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam; bài học về vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc để có thành công lớn... Điều chúng ta phải quan tâm là làm gì để thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, đặc biệt là việc đề ra các chính sách đối với các dân tộc thiểu số, quan tâm đến các vùng sâu, vùng xa để tạo ra sức mạnh to lớn của cả dân tộc, xây dựng đất nước giàu đẹp, mọi người dân đều ấm no, hạnh phúc.

7. Bác Hồ với chiến sĩ người dân tộc

Bác của chúng ta yêu quý mọi chiến sĩ. Đối với các chiến sĩ gái, chiến sĩ người dân tộc, Bác còn chăm sóc hơn vì đây là những người làm cách mạng khó khăn hơn chiến sĩ trai, chiến sĩ người Kinh nhiều.

Anh hùng La Văn Cầu, dân tộc Tày mãi mãi không quên bữa cơm của Bác "đãi" với rau, thịt gà… những "sản phẩm" do chính Bác nuôi, trồng. Bác hỏi thăm mẹ Cầu, gửi quà cho mẹ, dặn cán bộ tạo mọi điều kiện để Cầu về thăm mẹ, giúp đỡ gia đình.

Nhiều chiến sĩ người dân tộc đã lấy họ Hồ cho mình như Hồ Vai, Hồ Can Lịch, Hồ Văn Bột...Mùa thu năm 1964, chị Choáng Kring Thêm - chiến sĩ người dân tộc Cà Tu, tham gia đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được ra miền Bắc, gặp Bác Hồ. Chị Thêm kể:"Đoàn chúng tôi vừa bước xuống xe thì đã thấy Bác đứng chờ ngay ngoài sân.

Bác ôm hôn thắm thiết các thành viên trong đoàn. Chúng tôi theo Bác đến dãy bàn tiếp khách kê ngay ngoài vườn đầy hoa và nắng. Thấy tôi mặc bộ quần áo dân tộc, Bác nói:

- Cháu đúng là con gái dân tộc Cà Tu giữ được tính chất của dân tộc mình.Chị Ngân, chị Cao gặp Bác, mừng quá khóc lên. Bác dịu dàng bảo:

- Các cháu gái đừng khóc. Gặp Bác phải vui chứ. Hai cháu hãy kể cho Bác nghe bà con ta ở tiền tuyến đánh Mỹ như thế nào?

Tôi thưa:

- Thưa Bác, cháu thương, cháu nhớ Bác. Tất cả đồng bào dân tộc miền Nam đều thương nhớ Bác.Sau đó tôi kể Bác nghe một số chuyện chiến đấu của mẹ Giớn, anh Bên, em Thơ...Bác nói:- Cuộc kháng chiến của đồng bào miền Nam ta là toàn dân, toàn diện. Trẻ, già, gái, trai, Kinh, Cà Tu, Cà Tang và đồng bào các dân tộc khác đều sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi". Tôi hiểu đó là Bác dành tình thương mênh mông của Bác cho tất cả chúng ta.

Bài học kinh nghiệm:

- Bác đã dành tình cảm sâu nặng, tình thương mênh mông và tấm lòng nhân ái bao la đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đối với đồng bào miền Nam, đặc biệt là những người trực tiếp tham gia chiến đấu, trải qua nhiều gian khổ. Đồng thời, Bác luôn động viên và khẳng định niềm tin của mình vào sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, nếu thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc tốt, nhất định chúng ta sẽ thành công trên bất cứ mặt trận nào.

- Câu chuyện ngắn gọn nhưng cho chúng ta nhiều bài học lớn: Bài học về tình cảm, sự quan tâm đối với các dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam; bài học về vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc để có thành công lớn... Điều chúng ta phải quan tâm là làm gì để thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, đặc biệt là việc đề ra các chính sách đối với các dân tộc thiểu số, quan tâm đến các vùng sâu, vùng xa để tạo ra sức mạnh to lớn của cả dân tộc, xây dựng đất nước giàu đẹp, mọi người dân đều ấm no, hạnh phúc.

Xem thêm

Đánh giá bài viết
53 67.966
Sắp xếp theo

    Bài thu hoạch

    Xem thêm