Những điểm mới về kỳ thi THPT Quốc Gia 2017
Những điểm mới về kỳ thi THPT Quốc Gia 2017
Bộ GD&ĐT mới đây đã công bố quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2017 kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25/01/2017. Vậy kì thi THPT Quốc Gia năm 2017 có gì mới? Nếu trong hai năm 2015, 2016, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức trong 4 ngày với 8 môn thi, năm nay, kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ rút xuống chỉ còn hơn một nửa thời gian với 5 bài thi.
Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia 2017
Theo quy chế mới, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức 5 bài thi gồm 3 bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Hai bài thi tổ hợp gồm các môn khoa học nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Để xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh học chương trình THPT phải dự 4 bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và chọn một trong hai môn khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Quy chế cũng khẳng định lại rằng kiến thức thi năm nay nằm hoàn toàn trong nội dung lớp 12. Từ năm 2019 trở đi, thí sinh sẽ thi toàn bộ kiến thức trong chương trình THPT.
Mỗi tỉnh thành phố sẽ tổ chức một cụm thi, tuy nhiên điểm khác biệt năm nay là các cụm thi đều do sở GD-ĐT chủ trì. Bộ GD-ĐT sẽ cử giảng viên, cán bộ các trường ĐH, CĐ về phối hợp tổ chức thi.
Các trường ĐH đóng trên địa bàn những tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp trung học tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi (tổng điểm 3 bài/môn thi của tổ hợp dùng để xét tuyển) thấp hơn điểm sàn 1 điểm (theo thang điểm 10) và phải học bổ sung kiến thức một học kỳ trước khi vào học chính thức.
Về điểm sàn, kỳ tuyển sinh năm 2017 Bộ GD-ĐT vẫn giữ điểm sàn song từ năm 2018 trở đi, khi các trường đã công khai đầy đủ và chuẩn xác các thông tin theo quy định thì mỗi trường tự xác định điểm sàn cho trường mình.
Quy chế thi năm 2017 quy định thí sinh không bị giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải được ĐKXT sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Theo quy chế, Bộ GD-ĐT yêu cầu tất cả các trường phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước khi thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia; chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của đề án; đồng thời, gửi về Bộ GD&ĐT để phục vụ công tác thanh, kiểm tra.
Về vấn đề đăng ký dự thi (ĐKDT) kỳ thi THPT quốc gia 2017, Bộ GDĐT lưu ý khi ĐKDT thí sinh cần chú khai báo đầy đủ các thông tin trong phiếu ĐKDT, trong đó đặc biệt chú ý các thông tin về: Các thông tin cá nhân; đối tượng dự thi; đăng ký thi các bài thi/môn thi thành phần (các bài thi bắt buộc và các bài thi tự chọn); chế độ ưu tiên (nếu có); các bài thi sử dụng để xét tốt nghiệp THPT...
Đặc biệt khác so với năm 2016, năm nay thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển cùng với đăng ký dự thi. Để có thể đăng ký xét tuyển đúng, thí sinh cần tham khảo thông tin tuyển sinh của các trường trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD- ĐT và trang thông tin điện tử của các trường; ngoài ra, thí sinh cũng cần lưu ý các quy định: được đăng ký không hạn chế số ngành, số trường và các nguyện vọng được xếp thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới.
Kỳ thi THPT quốc gia 2017 cũng là năm đầu tiên tổ chức các bài thi tổ hợp, chính vì thế đại diện Bộ GD- ĐT cũng đưa ra lưu ý thí sinh một số điểm trong cách thức triển khai. Theo đó, bài thi tổ hợp gồm các môn thi thành phần, cụ thể là: Bài khoa học tự nhiên gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học; Bài khoa học xã hội gồm Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công (dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục THPT); tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí (đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT).
Khi ĐKDT, thí sinh cần đăng ký môn thi tự chọn khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội dùng để xét tốt nghiệp THPT. Quy chế cho phép các thí sinh thi cả 2 bài thi tự chọn này. Trong trường hợp này, bài thi nào có kết quả cao hơn sẽ được lấy để xét công nhận tốt nghiệp THPT (do phần mềm máy tính thực hiện).
Khi dự thi môn thành phần đầu tiên, thí sinh cần lưu ý ghi đủ thông tin trên phiếu trả lời trắc nghiệm, đặc biệt là các thông tin về số báo danh, mã đề thi. Đặc biệt, thí sinh cần lưu ý các môn thi thành phần trong một bài thi tổ hợp phải có cùng một mã đề thi. Do đó, thí sinh cần lưu ý kiểm tra mã đề thi trước khi làm bài;
Thí sinh sẽ phải nộp lại đề thi, giấy nháp khi hết thời gian làm bài đối với môn thi thành phần để sau đó thi môn thành phần tiếp theo (ví dụ thí sinh phải nộp lại đề thi, giấy nháp môn Vật lý trước khi nhận đề thi môn Hóa học; nộp lại đề thi, giấy nháp môn Hóa học trước khi nhận đề thi môn Sinh học).