100 điều bạn có thể làm để học Tiếng Anh tốt hơn
100 điều giúp học Tiếng Anh tốt hơn
Bạn muốn học tốt Tiếng Anh để có thể nâng cao chất lượng cuộc sống, công việc và tự tin trong giao tiếp hơn? Không có gì là quá muộn và có nhiều phương pháp, tài liệu để giúp bạn đạt được điều đó. VnDoc.com mời các bạn tham khảo tài liệu 100 điều bạn có thể làm để học Tiếng Anh tốt hơn.
1. Đừng sợ mắc lỗi. Hãy tự tin lên. Chỉ khi bạn thể hiện lỗi sai ra thì người khác mới có thể giúp bạn sửa nó được.
2. Hãy sống trong tiếng Anh. Đặt bạn vào môi trường tiếng Anh mọi lúc mọi nơi sẽ giúp bạn rèn tư duy và phản xạ giao tiếp bằng ngôn ngữ mới.
3. Luyện tập hàng ngày. Hãy lập ra một kế hoạch học tập. Mỗi tuần dành ra một khoảng thời gian nhất định chỉ để học và học. Và hãy duy trì nó thành một thói quen.
4. Hãy chia sẻ với gia đình và bạn bè về kế hoạch học tập của bạn và bảo họ hãy thường xuyên nhắc nhở bạn thực hiện kế hoạch đó, cũng như đừng lôi kéo khiến bạn bỏ bê học hành.
5. Luyện tập thường xuyên cả 4 kỹ năng: Nghe – Nói – Đọc – Viết. Đừng nghiêng về một kỹ năng nào mà bỏ bê các kỹ năng khác, tất cả đều cần cho bạn giao tiếp và sử dụng tiếng Anh.
6. Thường xuyên đem theo mình một cuốn sổ ghi chú từ mới. Tập đặt câu và sử dụng các từ này tối thiểu 3 lần khi bạn nói.
7. Học thêm những kiến thức mới, tối thiểu 1 lần mỗi ngày.
8. Liệt kê từ mới thành một danh sách và học chúng để chuẩn bị cho các bài kiểm tra.
9. Hãy tìm cho mình một thời điểm thích hợp nhất cho việc học. Nếu không thích dậy sớm, hãy học vào buổi chiều, hoặc bất cứ khi nào bạn thấy thoải mái nhất và tiếp thu bài học nhanh nhất.
10. Nếu bạn ghi nhớ câu ví dụ có sử dụng một từ mới thì bạn sẽ nhớ từ đó lâu hơn so với khi bạn học từ một cách riêng biệt.
11. Lập cho mình kế hoạch để tham gia một kỳ thi nào đó. Khi bạn đặt mục tiêu tham gia một kỳ thi, bạn sẽ phải học chăm chỉ hơn.
12. Đừng chỉ nghĩ rằng học tiếng Anh để tham gia một kỳ kiểm tra. Hãy nghĩ tới những điều to lớn hơn mà bạn đạt được khi bạn giỏi tiếng Anh: kiếm tiền nhiều hơn, đời sống khá hơn, đi du học...
13. Hãy đặt một mục tiêu dài hạn và tập trung học tập vì mục tiêu đó.
14. Đặt ra những mục tiêu ngắn hạn, và tự thưởng cho mình những phần thưởng xứng đáng mỗi khi bạn hoàn thành nó.
15. Tạo cho mình một không gian nơi bạn muốn học chứ không phải là bắt buộc phải học. Bạn sẽ học được nhiều hơn nếu bạn hứng thú.
16. Xác định điều gì tốt nhất cho mình. Tìm cho mình phương pháp phù hợp nhất để giúp bạn học nhanh và dễ dàng hơn.
17. Xác định trước cách học. Bạn có thể học thuộc, đọc, nói, tóm tắt hoặc chọn các phương pháp khác. Học một mình hoặc học theo nhóm. Hãy tìm cho mình cách học tốt nhất.
18. Nhờ giúp đỡ. Nếu không hiểu điều gì, hãy hỏi ai đó. Thầy cô, bạn bè, người quen... hãy nghĩ rằng tất cả những người này có mặt trên đời để hỗ trợ bạn học tiếng Anh giỏi hơn!
19. Ôn tập! Hãy nhớ dành thời gian ôn tập lại những gì bạn đã học.
20. Đừng bao giờ ngồi học liền tù tì mấy tiếng liền mà không nghỉ. Cứ khoảng 30' một lần, hãy nghỉ ngơi, hít thở chút không khí trong lành hoặc tập một bài thể dục ngắn.
21. Đừng vội vàng. Học tập cần sự kiên trì, trình độ của bạn không thể lên nhanh vèo vèo chỉ trong một sớm một chiều đâu.
22. Nếu bạn luyện nghe, bạn nên xem những đoạn video có sẵn để có thể xem đi xem lại nhiều lần. Những lần sau bạn sẽ hiểu được nhiều thông tin hơn so với lần đầu tiên.
23. Xem các chương trình TV nước ngoài giúp bạn luyện thói quen và sự cố gắng để nắm bắt đủ thông tin chỉ trong một lần duy nhất. Khi trình độ của bạn cao lên, hãy luyện tập theo cách này. Nó sẽ giúp bạn nói chuyện với người bản xứ mà không bắt họ phải nhắc lại nhiều lần.
24. Hãy đọc các cuốn sách tiếng Anh phù hợp với trình độ của mình. Khi lựa chọn được loại sách phù hợp, bạn hoàn toàn có thể đọc trọn vẹn một cuốn tiểu thuyết mà không thấy quá áp lực. Khi hoàn thành chúng, bạn sẽ thấy được sự tiến bộ của mình và có động lực học tập hơn nhiều.
25. Đọc sách thiếu nhi cũng rất thú vị vì từ vựng dễ hơn rất nhiều nếu như bạn mới bắt đầu học tiếng Anh.
26. Nếu bạn đang muốn học thêm về câu bị động, hãy đọc các bài báo.
27. Khi luyện đọc, lần đầu tiên, hãy đọc để hiểu nghĩa chung, đừng vội vàng đọc chi tiết để hiểu từng từ một. Sau khi hiểu được nghĩa toàn bài, hãy quay lại đọc chi tiết và tra từ mới.
28. Khi đọc một đoạn văn, nếu bạn không hiểu một từ, hãy đọc cả câu với những từ xung quanh từ đó và cố gắng đoán nghĩa từ văn cảnh của đoạn văn.
29. Học các từ gốc, chúng sẽ giúp bạn đoán nghĩa của từ vựng. VD: scrib = write, min = small
30. Khi học một từ mới, hãy học tất cả các dạng của từ đó. Chẳng hạn: khi bạn học tính từ beatiful, bạn nên học thêm danh từ của nó có dạng beauty, trạng từ là beautifully, động từ beautify.
31. Học các tiền tố (dis-, un-, re-) và hậu tố (-ly, -ment, -ful) để đoán được nghĩa của các từ vựng.
32. Từ vựng tiếng Anh luôn có trọng âm. Khi học một từ mới, hãy nghe kỹ người bản ngữ phát âm, đếm số âm tiết và tìm xem trọng âm của từ nằm tại đâu. Thông thường, mỗi từ chỉ có 1 trọng âm chính và nó luôn được đặt vào một nguyên âm. Các động từ 2 âm tiết sẽ có trọng âm nằm ở âm tiết thứ 2 (beGIN), các danh từ và tính từ 2 âm tiết thì ngược lại, trong âm nằm ở âm tiết thứ nhất (TEAcher, HAPpy.)
33. Sử dụng tiếng Anh mọi lúc mọi nơi, bất cứ khi nào có thể.
34. Đừng cố dịch tiếng Anh ra ngôn ngữ của bạn. Nghĩ bằng tiếng Anh giúp bạn giao tiếp trôi chảy hơn. Hãy thử nói chuyện một mình (tất nhiên, đừng áp dụng cách này trên xe bus hoặc những chỗ đông người nếu bạn không muốn bị tống vào bệnh viện.)
35. Bạn không thể học tiếng Anh chỉ bằng những quyển sách. Giống như lái xe, bạn chỉ có thể học tốt nếu bạn luyện tập và thực hành thường xuyên.
36. Cách tự nhiên nhất để học ngữ pháp là hãy thực hành nó khi nói và viết.
37. Hãy thử viết nhật ký bằng tiếng Anh. Lúc đầu, bạn chỉ cần viết vài câu mỗi ngày thôi nhưng hãy cố gắng duy trì để tạo thành thói quen.
38. Tại sao bạn không tạo một blog tiếng Anh và chia sẻ những suy nghĩ của mình với cả thế giới nhỉ?
39. Để viết tốt hơn, hãy liệt kê tất cả các ý tưởng và suy nghĩ của mình vào một tờ giấy mà không phải quá lo lắng về ngữ pháp hay chính tả. Sau đó, hãy nghĩ về cấu trúc bài viết. Tiếp theo, hãy viết lại thành đoạn văn hoàn chỉnh về ngữ pháp và chính tả. Cuối cùng, đọc lại toàn bài để kiểm tra hoặc đưa nó ra cho người khác sửa lỗi sai giúp bạn.
40. Hãy chú ý cách đặt dấu câu vì nếu sử dụng sai bạn có thể khiến toàn bộ ý nghĩa của câu thay đổi. Thử xem trong 2 câu này nhé: "A woman without her man is nothing" (Một người phụ nữ sẽ chẳng là gì nếu không có người đàn ông của mình.) and "A woman: without her, man is nothing" (Một người phụ nữ: Nếu không có cô ấy, đàn ông chẳng là gì cả.)
41. Hát to lên! Hãy cho cả thế giới nghe giọng ca tuyệt vời của bạn. Hãy học các bài hát tiếng Anh và hát chúng thật chuẩn để luyện phát âm và tăng độ trôi chảy của bạn.
42. Hãy kết bạn qua mạng, có một người bạn để viết thư, tham gia các forum hoặc các cộng đồng học tiếng Anh. Nếu bạn không thể tìm được ai để nói chuyện trực tiếp thì đây là cách tốt nhất để giao tiếp bằng tiếng Anh.
43. Bắt chước. Hãy nghe một vài câu tiếng Anh ngắn và bắt chước lại một cách chính xác nhất. Chú ý tập trung vào nhịp và âm điệu khi bạn nói.
44. Nghe radio tiếng Anh. Ngay cả khi bạn không chú ý lắng nghe thì việc này cũng giúp tai bạn quen với cách phát âm và giọng điệu của người bản ngữ.
45. Bắt chước các bài đọc. Đọc to một đoạn văn theo băng ghi âm. Điều này sẽ giúp bạn cải thiện phát âm, ngữ điệu và nhịp đọc của mình.
46. Luyện chính tả bằng cách nghe CD hoặc nhờ một người bạn đọc một đoạn văn, bạn hãy viết lại những gì nghe được.
47. Ghi âm và nghe lại giọng nói của mình giúp bạn luyện phát âm và ngữ điệu khi nói. Nó sẽ giúp bạn xác định được vấn đề phát âm của mình nằm ở đâu để cải thiện hơn.
48. Ghi lại các bài giảng trên lớp giúp bạn dễ dàng ôn tập lại bài khi cần thiết.
49. Sử dụng một cuốn từ điển Anh – Anh giúp bạn rèn luyện tư duy và suy nghĩ theo cách của người bản ngữ.
50. Nếu bạn khó tìm được một từ điển Anh – Anh thì hãy dùng các cuốn từ điển tiếng Anh phù hợp với trình độ của mình.
51. Đừng quá phụ thuộc vào từ điển. Nó có thể giúp bạn nhưng không phải là thầy giáo của bạn. Hãy cố đoán nghĩa từ trước khi phải nhờ đến từ điển.
52. Đừng từ bỏ! Hãy luôn tích cực khi học tập. Đôi lúc bạn có thể chán nản vì mình không học nhanh như mong muốn. Ai cũng như vậy cả, vì thế đừng quá lo lắng. Cuối cùng thì bạn sẽ đạt được điều mình muốn nếu bạn kiên trì thôi.
53. Hãy vui vẻ và cảm thấy hứng thú khi học hành. Việc đó giúp bạn học tốt hơn.
54. Nếu bạn lo lắng khi nói, hãy hít thở thật sâu. Bạn sẽ nói tốt hơn nếu bạn thư giãn và cảm thấy thoải mái.
55. Những khi thấy chán nản, hãy thử xem lại các cuốn sách cũ hoặc nghe lại những bài nghe mà bạn từng luyện tập trước đây. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy chúng trở nên dễ dàng thế nào. Bởi vì trình độ của bạn đã tiến bộ hơn trước rất nhiều rồi đấy.
56. Bạn không bao giờ quá trẻ hoặc quá già để học tiếng Anh. Đừng do dự nữa mà hãy bắt tay vào học ngay!
57. Chần chừ sẽ khiến bạn trì hoãn việc học tập. Hãy bắt tay vào học ngay và đừng ỷ vào bất cứ lý do gì để cản trở việc học của bạn.
58. Nếu bạn chưa đạt được kết quả mong muốn, điều đó không có nghĩa là bạn không có khiếu học ngoại ngữ mà bởi vì bạn chưa tìm được phương pháp học tiếng Anh phù hợp.
59. Hãy học các tài liệu phù hợp với trình độ của mình. Đừng sử dụng các bài đọc hay bài nghe quá khó hoặc quá dễ. Nếu nó quá khó, bạn sẽ dễ nản nhưng nếu nó quá dễ thì bạn sẽ không tiến bộ thêm được.
60. Đừng lo lắng nếu giọng bạn chưa chuẩn. Giọng nói là một phần văn hóa của mỗi người. Hãy cố gắng nói giọng bản ngữ, nhưng nếu bạn vẫn không sửa được hẳn thì hãy chấp nhận nó là một phần trong tiếng Anh của bạn.
61. Có rất nhiều lại tiếng Anh: tiếng Anh của người Anh, tiếng Anh của người Mỹ, tiếng Anh Nam Phi,... Không có loại nào là sai hoặc quan trọng hơn loại nào cả. Tiếng Anh là tiếng Anh mà thôi.
62. Hãy phân biệt sự khác nhau giữa Anh-Anh và Anh-Mỹ. Nếu bạn chọn nói giọng Anh-Anh, hãy sử dụng từ thích hợp.
63. Hãy mang theo các tấm thẻ học từ mới bên mình. Như vậy bạn có thể tận dụng thời gian rảnh để học từ bất cứ lúc nào.
64. Hãy dùng giấy ghi nhớ và dán chúng quanh nhà bạn.
65. Hãy chú ý tới các phrasal verb. Trong tiếng Anh có hàng trăm các từ này và chúng được dùng rất phổ biến. Bạn càng biết nhiều về chúng thì bạn sẽ càng dễ dàng đoán được nghĩa khi gặp một từ mới và dần dần bạn sẽ nhận ra chúng được hình thành theo một quy luật nhất định.
66. Hãy tự tin khi đoán nghĩa từ. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy càng ngày khả năng phán đoán của bạn càng tốt hơn.
67. Hãy suy nghĩ trước khi nói và cố gắng để nói chuẩn ngữ pháp nhất có thể.
68. Gặp gỡ mọi người. Hãy cố gắng làm quen với những người nói tiếng Anh ở xung quanh bạn. Bạn có thể tham gia các câu lạc bộ hoặc tới các quán bar nơi người nước ngoài hay lui tới. Hãy mời họ uống nước và tán gẫu, họ sẽ thích như vậy đấy!
69. Hãy là người bắt đầu một cuộc trò chuyện tiếng Anh. Cố gắng giữ nhịp câu chuyện bằng các từ ngữ thể hiện rằng bạn đang lắng nghe như really, go on..., what happened then?. Đừng đợi người khác bắt chuyện với bạn, hãy chủ động làm quen với họ.
70. Hãy tổ chức các cuộc tranh luận theo nhóm. Mỗi người lựa chọn một quan điểm có sẵn và tranh luận với nhau để bảo vệ quan điểm đó. Hãy chú ý lắng nghe người khác và trình bày quan điểm của mình rõ ràng.
71. Đừng quá tập trung vào từ vựng mà quên đi ngữ pháp. Bạn cố thể dạy một con vẹt nói các từ tiếng Anh, nhưng điều đó không có nghĩa là nó có thể nói tiếng Anh. Bạn cũng vậy, chúng ta cần phải hiểu ngữ pháp để kết nối các từ thành những câu hoàn chỉnh và có nghĩa.
72. Thì động từ được dùng trong tiếng Anh để thể hiện thời gian của hành động. Bạn cần hiểu được các thì này để sử dụng chúng cho hợp lý.
73. Hãy học thuộc các động từ bất quy tắc trong tiếng Anh.
74. Hãy rèn luyện liên tục. Bạn chỉ cần dừng nói tiếng Anh một thời gian là trình độ của bạn sẽ tụt lùi ngay và tất cả công sức sẽ đổ sông đổ bể.
75. Đừng nản chí vì những điểm số thấp. Có những người đạt điểm cao trong kỳ thi nhưng lại không thể nói nổi một câu tiếng Anh với người bản ngữ. Nếu bạn có thể giao tiếp tốt, hãy tự hào vì điều đó.
76. Hãy nhớ rằng chỉ cần bạn cố gắng hết sức, bạn sẽ thành công.
77. Hãy học tiếng Anh với một người bạn. Bạn sẽ có ai đó để luyện tập và cùng động viên nhau học tập.
78. Hãy nhớ rằng cách viết và phát âm của tiếng Anh không giống nhau. Chẳng hạn vần ough có đến trên 6 cách phát âm khác nhau. Hãy làm quen với bảng phát âm tiếng Anh, nó sẽ giúp bạn phát âm chuẩn xác các từ khi gặp nó trong từ điển.
80. Luôn nhớ rằng bạn cần thời gian để tiến bộ. Thông thường bạn tiến bộ nhanh nhất khi vừa bắt đầu học. Càng học dần lên cao, thời gian để bạn nhận ra mình đã lên một trình độ mới kéo dài hơn rất nhiều. Đừng nghĩ rằng bạn đang học mà không có tiến bộ gì, chỉ là quá trình đó cần một khoảng thời gian dài hơn mà thôi.
81. Hãy sử dụng tiếng Anh hợp ngữ cảnh. Từ lóng chỉ phù hợp khi trò chuyện với bạn bè, chứ không phải trong cuộc họp.
82. Từ vựng và tiếng Anh trong sách vở thường khác với những gì chúng ta giao tiếp thông thường. Một phương pháp học tiếng Anh giao tiếp thường được áp dụng nhiều và rất hữu ích, đó là bạn hãy xem phim ảnh.
83. Ghi nhớ thành ngữ thật sự rất khó. Nhưng chúng giúp tiếng Anh của bạn trở nên phong phú và tự nhiên hơn.
84. Khi nói, người ta thường nối các từ với nhau để thuận miệng phát âm hơn. Hãy nối nguyên âm cuối cùng của từ trước với phụ âm đầu tiên của từ sau hoặc nối hai nguyên âm với nhau. Hãy luyện tập thường xuyên để quen với cách phát âm này, bạn sẽ nói trôi chảy hơn, cũng như nghe tốt hơn.
85. Hãy tận dụng nguồn tài nguyên của internet để học tiếng Anh với các trang web như BBC learning English, British Council...
86. Hãy liệt kê những điểm mạnh và yếu của bạn. Viết ra những gì bạn muốn cải thiện và tập trung học tập vì mục tiêu đó.
87. Học từ những sai lầm của mình. Chắc chắn bạn từng lặp đi lặp lại một lỗi sai ngữ pháp nào đó nhiều lần. Hãy thường xuyên làm các bài kiểm tra tiếng Anh và coi chúng như một công cụ để đánh giá trình độ của mình. Hãy cố gắng vượt qua các lỗi sai trước đây và coi chúng như những bài học đáng nhớ.
88. Học cách dùng đúng các mạo từ a/an, the. Bạn nghĩ rằng chỉ có một quy luật duy nhất đó là a/an dùng cho các từ chưa xác định, còn the dùng cho các danh từ đã xác định? Hãy cẩn thận với suy nghĩ đó và xem lại xem vì sao người ta dùng a university (chứ không phải 'an') hay vì sao lại là an hour (chứ không phải 'a hour')
89. Để nói trôi chảy hơn, hãy tự tưởng tượng ra các tình huống giao tiếp. Trước khi cần tới một nhà hàng, hãy tưởng tượng trước những gì bạn cần nói với người phục vụ và những gì anh ta sẽ nói với bạn.
90. Ngôn ngữ cử chỉ rất quan trọng trong giao tiếp. Và nó cũng rất khác nhau tùy theo từng đất nước và nền văn hóa.
Ví dụ, khi bạn giơ hai ngón tay chữ V với ý nghĩa biểu tượng của chiến thắng, điều đó có nghĩa là ổn thỏa. Nhưng nếu bạn giơ hai ngón tay như vậy với lòng bàn tay hướng vào mặt bạn, điều này sẽ hoàn toàn không ổn chút nào nếu bạn đang đứng trước một người Anh. Hãy tự tìm hiểu vì sao nhé!
91. Hãy ngủ đủ giấc. Bạn sẽ học được nhiều hơn sau khi có một giấc ngủ đủ, bởi bạn sẽ dễ tập trung hơn.
92. Nếu có điều kiện, hãy tham gia một khóa học tiếng Anh tại nước nói tiếng Anh.
93. Nếu bạn đang học ở nước ngoài, hãy kết bạn với những người đến từ các quốc gia khác nhau chứ không chỉ những đồng hương của mình. Bạn sẽ học tiếng Anh tốt hơn khi giao lưu với những người đến từ các quốc gia khác.
94. Bạn có nghĩ tới việc kiếm việc làm hoặc việc tình nguyện, hay thực tập tại nước ngoài không?
95. Hãy học từ những người thầy giỏi, vì chẳng ai muốn mình học phải những kiến thức sai cả.
96. Không ai có thể học tất tần tật về tiếng Anh cả. Vì thế đừng cố gắng quá sức và tự trách mình nếu bạn chưa biết được tất cả.
97. Khi bạn đã có một trình độ tiếng Anh nhất định, hãy thử xem bạn có thể diễn đạt một ý nghĩa với bao nhiêu cách khác nhau nhé. Phương pháp học tiếng Anh này sẽ giúp bạn làm phong phú vốn từ của mình hơn nhiều. Bạn biết chúng ta có thể nói Goodbye trong tiếng Anh bằng những cách nào không?
98. Nếu bạn đang theo một khóa học tiếng Anh, hãy học tập và chuẩn bị bài chăm chỉ trước khi tới lớp. Hãy làm bài tập đầy đủ, ôn lại bài cũ thường xuyên.
99. Đừng mất tập trung trong lớp học. Hãy tập trung vào bài học của mình để tiếp thu kiến thức tốt nhất.
100. Hãy tìm cho mình một chỗ yên tĩnh và dễ chịu để học. Bạn luôn cần một nơi mà mình có thể tập trung 100% tinh thần cho các kiến thức mới.