Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Bản chất và nội dung của nghiên cứu khả thi

Bản chất và nội dung của nghiên cứu khả thi được VnDoc sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức lý thuyết đầy đủ của môn Lập và phân tích dự án đầu tư để hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

1. Bản chất và mục đích của nghiên cứu khả thi

a. Bản chất của nghiên cứu khả thi

Xét về mặt hình thức, tài liệu nghiên cứu khả thi là một tập hợp hồ sơ trình bày một cách chi tiết và có hệ thống tính vững chắc, hiện thực của một hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội theo các khía cạnh thị trường, kỹ thuật, tài chính, tổ chức quản lý và kinh tế xã hội.

Ở nước ta, nghiên cứu khả thi thường được gọi là lập luận chứng kinh tế kỹ thuật. Nghiên cứu khả thi được tiến hành dựa vào kết quả của các nghiên cứu cơ hội đầu tư và nghiên cứu tiền khả thi đã được các cấp có thẩm quyền chấp nhận. ở giai đoạn nghiên cứu khả thi, dự án được soạn thảo kỹ lưỡng hơn, đảm bảo cho mọi dự đoán, mọi tính toán đạt được ở mức độ chính xác cao trước khi đưa ra để các cơ quan kế hoạch, tài chính, ngân hàng, các định chế tài chính quốc tế thẩm định.

b. Mục đích của nghiên cứu khả thi

Như phần trên đã đề cập, quá trình nghiên cứu khả thi được tiến hành qua 3 giai đoạn. Giai đoạn nghiên cứu cơ hội đầu tư nhằm loại bỏ ngay những dự kiến rõ ràng không khả thi mặc dù không cần đi sâu vào chi tiết. Tính không khả thi này được chứng minh bằng các số liệu thống kê, các tài liệu thông tin kinh tế dễ tìm. Điều đó giúp cho tiết kiệm được thì giờ, chi phí của các nghiên cứu kế tiếp.

Mục đích nghiên cứu khả thi là xem xét lần cuối cùng nhằm đi đến những kết luận xác đáng về mọi vấn đề cơ bản của dự án bằng các số liệu đã được tính toán cẩn thận, chi tiết, các đề án kinh tế - kỹ thuật, các lịch biểu và tiến độ thực hiện dự án trước khi quyết định đầu tư chính thức.

Như vậy, nghiên cứu khả thi là một trong những công cụ thực hiện kế hoạch kinh tế của ngành, của địa phương và của cả nước, để biến kế hoạch thành hành động cụ thể và đem lại lợi ích kinh tế xã hội cho đất nước, lợi ích tài chính cho nhà đầu tư.

2. Nội dung chủ yếu của nghiên cứu khả thi

Nghiên cứu khả thi còn được gọi là lập dự án đầu tư. Nội dung chủ yếu của dự án đầu tư bao gồm các khía cạnh kinh tế vi mô và vĩ mô, quản lý và kỹ thuật. Các khía cạnh này ở các dự án thuộc các ngành khác nhau đều có nét đặc thù riêng. Do đó việc chọn lĩnh vực để mô tả kỹ thuật soạn thảo và phân tích dự án sẽ ra một mô hình tương đối hoàn chỉnh. Mô hình này có thể được sử dụng tham khảo khi soạn thảo các dự án thuộc các ngành khác.

Nội dung chủ yếu cụ thể của một dự án đầu tư bao gồm các vấn đề sau đây:

a. Xem xét tình hình kinh tế tổng quát liên quan đến dự án đầu tư

Có thể coi tình hình kinh tế tổng quát là nền tảng của dự án đầu tư. Nó thể hiện khung cảnh đầu tư có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển và hiệu quả kinh tế tài chính của dự án đầu tư. Tình hình kinh tế tổng quát được đề cập trong dự án bao gồm các vấn đề sau:

+ Điều kiện về địa lý tự nhiên (địa hình, khí hậu, địa chất ...) có liên quan đến việc lựa chọn, thực hiện và phát huy hiệu quả của dự án sau này.

+ Điều kiện về dân số và lao động có liên quan đến nhu cầu và khuynh hướng tiêu thụ sản phẩm, đến nguồn lao động cung cấp cho dự án.

+ Tình hình chính trị, các chính sách và luật lệ có ảnh hưởng đến sự quan tâm của nhà đầu tư.

+ Tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, của địa phương, tình hình phát triển sản xuất kinh doanh của ngành, của cơ sở (tốc độ gia tăng GDP, tỷ lệ đầu tư so với GDP, quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng, GDP/đầu người, tỷ suất lợi nhuận sản xuất kinh doanh...) có ảnh hưởng đến quá trình thực hiện và sự phát huy hiệu quả của sự dự án.

+ Tình hình ngoại hối (cán cân thanh toán ngoại hối, dự trữ ngoại tệ, nợ nần và tình hình thanh toán nợ...) đặc biệt đối với các dự án phải nhập khẩu nguyên vật liệu, thiết bị.

+ Hệ thống kinh tế và các chính sách bao gồm:

- Cơ cấu tổ chức hệ thống kinh tế theo ngành, theo quan hệ sở hữu, theo vùng lãnh thổ để đánh giá trình độ và lợi thế so sánh của dự án đầu tư.

- Các chính sách phát triển, cải cách kinh tế, chuyển dịch cơ cấu nhằm đánh giá trình độ nhận thức, đổi mới tư duy và môi trường thuận cho đầu tư đến đâu.

+ Thực trạng kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân theo thời hạn, theo mức độ chi tiết, theo các mục tiêu, các ưu tiên, các công cụ tác động để từ đó thấy được khó khăn, thuận lợi, mức độ ưu tiên mà dự án sẽ được hưởng ứng, những hạn chế mà dự án phải tuân theo.

+ Tình hình ngoại thương và các định chế có liên quan như tình hình xuất nhập khẩu, thuế xuất nhập khẩu, chính sách tỷ giá hối đoái, các luật lệ đầu tư cho người nước ngoài, cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế... Những vấn đề này đặc biệt quan trọng đối với các dự án sản xuất hàng xuất khẩu, nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc. Chẳng hạn chính sách tỷ giá hối đoái không thích hợp (tỷ giá đồng nội địa so với ngoại tệ thấp) sẽ gây ra tình trạng càng xuất khẩu càng lỗ, thuế xuất khẩu quá cao sẽ gây khó khăn trong cạnh tranh với hàng hoá của các nước khác trên thị trường ngoài nước, các luật lệ đầu tư có tác dụng khuyến khích và thu hút đầu tư nước ngoài...

Các dữ kiện và số liệu để nghiên cứu tình hình kinh tế tổng quát của dự án trên đây có thể thu thập dễ dàng trong các niên giám, báo cáo thống kê, tạp chí, sách báo và tài liệu kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, những dự án nhỏ không cần nhiều dữ kiện kinh tế vĩ mô như vậy. Còn các dự án lớn thì tùy thuộc vào mục tiêu, đặc điểm và phạm vi tác dụng của dự án mà lựa chọn trong các vấn đề kinh tế tổng quát trên đây những vấn đề nào có liên quan đến dự án để xem xét.

Đối với các cấp thẩm định dự án, các vấn đề kinh tế vĩ mô được xem xét không chỉ ở góc độ tác động của nó đối với dự án, mà cả tác động của dự án đối với nền kinh tế ở giác độ vĩ mô như lợi ích kinh tế xã hội do dự án đem lại, tác động của dự án đối với sự phát triển của nền kinh tế, của ngành đối với cải cách cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế đối ngoại...

b. Nghiên cứu về thị trường

Thị trường là nhân tố quyết định việc lựa chọn mục tiêu và quy mô của dự án. Ngay cả trong trường hợp dự án đã ký được các hợp đồng bao tiêu cũng phải nghiên cứu thị trường nơi người bao tiêu sẽ bán sản phẩm và uy tín của người bao tiêu trên thị trường.

Mục đích nghiên cứu thị trường ở đây nhằm xác định:

+ Thị trường cung cầu sản phẩm hoặc dịch vụ của dự án hiện tại, tiềm năng phát triển của thị trường này trong tương lai, các yếu tố kinh tế và phi kinh tế tác động đến nhu cầu của sản phẩm hoặc dịch vụ.

+ Các biện pháp khuyến thị và tiếp thị cần thiết để có thể giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm của dự án (bao gồm cả chính sách giá cả, tổ chức, hệ thống phân phối, bao bì, trang trí, quảng cáo...)

+ Khả năng cạnh tranh của sản phẩm so với sản phẩm cùng loại có sẵn và các sản phẩm có thể ra đời sau này.

Để nghiên cứu thị trường cần:

Các thông tin cần thiết cho nghiên cứu nhu cầu ở tầm vĩ mô và vi mô. Trường hợp thiếu thông tin, hoặc thông tin không đủ tin cậy, tuỳ thuộc vào mức thiếu thông tin có thể sử dụng các phương pháp khác nhau để đoán như ngoại suy từ các trường hợp tương tự, từ tình hình của quá khứ, sử dụng các thông tin gián tiếp có liên quan, tổ chức điều tra bằng phỏng vấn, hoặc khảo sát lấy mẫu phân tích để bổ sung.

Có các chuyên gia có kiến thức về sản phẩm của dự án, về những sản phẩm có thể thay thế, về quy luật và cơ chế hoạt động của thị trường, pháp luật, thương mại, chính trị, xã hội để có thể lựa chọn, phân tích và rút ra được những kết luận cụ thể và xác đáng.

Nội dung của nghiên cứu thị trường:

Đối với thị trường nội địa:

  • Nhu cầu hiện tại và tương lai về sản phẩm của dự án. Ai là khách hàng chính? Ai là khách hàng mới?
  • Nhu cầu hiện tại được đáp ứng ra sao? (bao nhiêu do địa phương sản xuất, bao nhiêu do các địa phương khác trong nước đáp ứng, bao nhiêu do nhập khẩu, nhập khẩu từ khu vực nào trên thế giới);
  • Ước lượng mức gia tăng nhu cầu ngoài nước hàng năm về sản phẩm của dự án;
  • Ước lượng mức gia tăng nhu cầu ngoài nước hàng năm về sản phẩm của dự án.
  • Ước giá bán và chất lượng sản phẩm của dự án, dự kiến kiểu dáng, bao bì... để có thể cạnh tranh với các cơ sở sản xuất khác trong và ngoài nước, hiện tại và tương lai. Trường hợp phải cạnh tranh với hàng nhập, cần sự hỗ trợ gì của Nhà nước. Chi phí cần thiết cho sự cạnh tranh này.

Đối với thị trường xuất khẩu:

  • Khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu về mặt giá cả, kiểu dáng, chất lượng và sự phụ thuộc về cung ứng vật tư, khả năng tài chính, quản lý và kỹ thuật.
  • Khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu (ở khu vực nào, khối lượng bao nhiêu hàng năm). Cần phải làm gì để mở rộng thị trường xuất khẩu?
  • Quy định của thị trường xuất khẩu về bao bì, phẩm chất, vệ sinh.
  • Khế ước tiêu thụ sản phẩm: Thời hạn bao lâu? Số lượng tiêu thụ, giá cả;
  • Dự kiến thị trường thay thế khi cần thiết.
  • Để có thể xuất khẩu được, cần sự hỗ trợ gì của Nhà nước.
  • Vấn đề tiêu thụ sản phẩm:
  • Các cơ sở tiếp thị và phân phối sản phẩm.
  • Chi phí cho công tác tiếp thị và phân phối sản phẩm.
  • Sản phẩm dự kiến bán cho ai (qua hệ thống thương nghiệp, bán trực tiếp, qua các đại lý...).
  • Phương thức thanh toán: chuyển khoản, tiền mặt;
  • Về vấn đề cạnh tranh:

Xem xét các cơ sở cạnh tranh chính trong nước hiện có và trong tương lai, tình hình và triển vọng hoạt động của các cơ sở này, lợi ích so sánh của sản phẩm do dự án sản xuất (chi phí sản xuất, kiểu dáng, chất lượng...)

Xem xét khả năng thắng trong cạnh tranh với hàng nhập, cần điều kiện gì;

Sản phẩm cuối cùng của nghiên cứu khả thi là báo cáo nghiên cứu khả thi. Nội dung chủ yếu của báo cáo này là:

  • Những căn cứ để xác định sự cần thiết phải đầu tư.
  • Lựa chọn hình thức đầu tư.
  • Chương trình sản xuất và các yếu tố phải đáp ứng.
  • Các phương án địa điểm cụ thể phù hợp với quy hoạch xây dựng.
  • Phương án giải phóng mặt bằng, kế hoạch tái định cư.
  • Phân tích lựa chọn phương án kỹ thuật, công nghệ.
  • Các phương án kiến trúc, giải pháp xây dựng, thiết kế sơ bộ của các phương án đề nghị lựa chọn, giải pháp quản lý và bảo vệ môi trường.
  • Xác định rõ nguồn vốn, khả năng tài chính, tổng mức đầu tư và nhu cầu vốn theo tiến độ. Phương án hoàn trả vốn đầu tư.
  • Phương án quản lý khai thác dự án và sử dụng lao động.
  • Phân tích hiệu quả đầu tư.
  • Các mốc thời gian chính thực hiện đầu tư.
  • Kiến nghị hình thức quản lý thực hiện dự án.
  • Xác định chủ đầu tư.
  • Mối quan hệ và trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến dự án.

---------------------------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Bản chất và nội dung của nghiên cứu khả thi về bản chất và mục đích của nghiên cứu khả thi, nội dung chủ yếu của nghiên cứu khả thi, xem xét tình hình kinh tế tổng quát liên quan đến dự án đầu tư, nghiên cứu về thị trường...

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn bài Bản chất và nội dung của nghiên cứu khả thi. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm