Bộ đề thi học kì 2 Ngữ văn 10 Kết nối tri thức - Số 2
Bộ đề kiểm tra cuối học kì 2 Ngữ văn 10 Kết nối tri thức
Bộ đề thi học kì 2 Ngữ văn 10 Kết nối tri thức - Số 2 là tài liệu hữu ích giúp bạn đọc có thể trau dồi, luyện tập nội dung kiến thức để chuẩn bị thật tốt cho kì thi học kì 2 lớp 10 nhé. Đề thi gồm có 2 phần đọc hiểu và làm văn. Thí sinh làm bài trong thời gian 90 phút. Đề có đáp án và lời giải chi tiết kèm theo. Mời các bạn cùng theo dõi đề thi dưới đây nhé.
1. Đề thi học kì 2 lớp 10 môn Văn Kết nối - Đề 1
Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:
Tưng bừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội
Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội diễn ra từ 1-10 đến 10-10-2010. Trong những ngày Đại lễ, người dân Thủ đô và các du khách thập phương được đắm chìm trong không khí linh thiêng, hào hoa của đất Thăng Long xưa, đồng thời cảm nhận nét hiện đại, mạnh mẽ của Hà Nội ngày nay.
Ngày khai mạc được tổ chức trọng thể vào sáng 1-10-2010 tại Vườn hoa Lý Thái Tổ và đường Đinh Tiên Hoàng, xung quanh hồ Hoàn Kiếm.
Ngày khai mạc mở màn cho trên 50 hoạt động khác nhau trong 10 ngày Đại lễ. Có thể kể tới các hoạt động văn hoá nghệ thuật như: “Đêm Hồ Gươm lung linh và trình diễn áo dài truyền thống”, biểu diễn các điệu múa cổ Thăng Long - Hà Nội, biểu diễn Âm nhạc của các nghệ sỹ nổi tiếng Việt Nam, biểu diễn của các đoàn nghệ thuật quốc tế tại các sân khấu ngoài trời, Chương trình Lễ hội đường phố của Tuổi trẻ Thủ đô và cả nước tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám…
Hoạt động trưng bày hiện vật lịch sử 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, số 9 và 18 Hoàng Diệu khai mạc ngày 2-10. Kế tiếp đó, trong 10 ngày Đại lễ có nhiều triển lãm như: Triển lãm các trận đánh và chiến dịch nổi tiếng trong lịch sử quân sự Việt Nam, Triển lãm và Liên hoan thư pháp Thăng Long - Hà Nội tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Triển lãm Những tấm lòng với Thăng Long Hà Nội tại Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị …
Trong dịp Đại lễ còn có Liên hoan ẩm thực Hà thành tại Công viên nước Hồ Tây, Liên hoan nghệ thuật Diều - Hà Nội tại Quảng trường Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Liên hoan Du lịch quốc tế Thăng Long - Hà Nội tại Thiên đường Bảo Sơn…
Nhiều công trình trọng điểm chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng sẽ được khánh thành trong dịp này. Tổ chức Kỷ lục Guinness đã trao Bằng chứng nhận “Bức tranh gắn gốm lớn nhất thế giới” cho “Con đường gốm sứ”.
Các Bộ ngành, địa phương cũng tưng bừng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội như: Liên hoan Xiếc, Múa rối quốc tế, Triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế; Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng và triển lãm ảnh về "Các vùng kinh đô"... tại Phú Thọ; Lễ hội Cố đô Hoa Lư tại Ninh Bình; Lễ hội Làng Sen tại Nghệ An; Festival Tây Sơn - Bình Định và Liên hoan Võ cổ truyền Quốc tế tại Bình Định... Bên cạnh đó, hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng được tổ chức tại một số địa điểm ở nước ngoài.
Sự kiện quan trọng trong dịp Đại lễ là Lễ Mít tinh, Diễu binh, Diễu hành diễn ra sáng 10-10 tại Quảng trường Ba Đình. Đây là chương trình mít tinh, diễu binh diễu hành cấp quốc gia quy mô lớn nhất từ trước tới nay với sự tham gia của 31.000 người.
Khép lại 10 ngày Đại lễ, Đêm hội văn hoá nghệ thuật kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình là đêm nghệ thuật hoành tráng được chốt lại bằng màn bắn pháo hoa nghệ thuật.
(Theo thegioidisan.vn)
Lựa chọn đáp án đúng nhất:
Câu 1. Phong cách ngôn ngữ của văn bản trên là gì?
A. Nghệ thuật
B. Chính luận
C. Báo chí
D. Sinh hoạt
Câu 2. Theo đoạn trích, sự kiện nào được tổ chức mang tầm quốc gia, có quy mô lớn và số người tham gia đông nhất từ trước tới nay?
A. Trình diễn áo dài truyền thống
B. Liên hoan ẩm thực Hà Thành
C. Liên hoan Võ cổ truyền Quốc tế tại Bình Định
D. Mít tinh, diễu binh diễu hành tại Quảng trường Ba Đình
Câu 3. Nội dung chính được đề cập trong phần sa pô (đoạn văn in đậm) của văn bản là gì?
A. Thời gian diễn ra và không khí nổi bật của những ngày đại lễ
B. Tóm tắt diễn biến của các hoạt động trong dịp lễ
C. Tâm trạng của người dân Thủ đô và các du khách thập phương
D. Không khí chung của Thăng Long – Hà Nội xưa và nay
Câu 4. Câu văn sau sử dụng biện pháp nghệ thuật gì?
Trong dịp Đại lễ còn có Liên hoan ẩm thực Hà thành tại Công viên nước Hồ Tây, Liên hoan nghệ thuật Diều - Hà Nội tại Quảng trường Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Liên hoan Du lịch quốc tế Thăng Long - Hà Nội tại Thiên đường Bảo Sơn…
A. Nhân hoá
B. Liệt kê
C. Nói quá
D. So sánh
Câu 5. Từ “đại lễ” trong văn bản có nghĩa là gì?
A. Ngày nghỉ lễ nhiều nhất trong năm
B. Ngày lễ lớn, có ý nghĩa quan trọng
C. Nghi lễ trọng đại được tiến hành
D. Ngày lễ có nhiều đồ vật dâng lên tổ tiên để tỏ lòng tôn kính
Câu 6. Các sự việc được thuật lại theo trình tự chủ yếu nào?
A. Theo thời gian (từ trước đến sau)
B. Theo không gian (từ thủ đô đến các địa phương)
C. Theo các mảng hoạt động
D. Theo tầm quan trọng của các sự kiện
Câu 7. Các sự kiện được đề cập đến trong văn bản khơi gợi những tình cảm chủ yếu nào từ phía người đọc?
(1) Tự hào về truyền thống của dân tộc
(2) Bất ngờ về những thay đổi giữa Hà nội xưa và nay
(3) Mến yêu thủ đô ngàn năm văn hiến
(4) Ngưỡng mộ trước những thành quả của đất nước
A. (1) – (3) – (4)
B. (1) – (2) – (3)
C. (2) – (3) – (4)
D. (1) – (2) – (4)
Trả lời câu hỏi/ Thực hiện yêu cầu:
Câu 8. Chỉ ra những hoạt động trong dịp Đại lễ cho thấy sự tri ân của nhân dân ta đối với tổ tiên.
Câu 9. Theo anh/ chị, đất nước ta tổ chức đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội nhằm những mục đích gì?
Câu 10. Qua sự kiện Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, hãy viết đoạn văn từ 5 – 7 câu nêu suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa nét đẹp truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
II. VIẾT (4,0 điểm)
“Một người đã đánh mất niềm tin vào bản thân thì chắc chắn sẽ còn đánh mất thêm nhiều thứ quý giá khác.” Anh/ chị hãy viết bài văn nghị luận thuyết phục người khác đừng bao giờ đánh mất niềm tin vào bản thân.
2. Đề thi học kì 2 lớp 10 môn Văn Kết nối - Đề 2
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:
Sẽ là thảm họa nếu nước Mỹ coi nhẹ vấn đề cấp bách này. Mùa hè oi bức của những người dân da đen bất mãn sẽ không qua đi, cho tới khi làn gió thu của tự do và bình đẳng tới. 1963 sẽ không phải là năm kết thúc, mà là năm bắt đầu. Với những ai đang hy vọng viển vông rằng người da đen chỉ đang xả bớt sự bực bội và rồi sẽ trở nên hài lòng, thì xin thưa, nếu nước Mỹ phớt lờ chúng tôi để trở lại với công việc kinh doanh thường nhật, thì người da đen sẽ khiến họ phải giật mình tỉnh giấc. Nước Mỹ sẽ không bình yên cho tới khi người da đen nhận được quyền công dân của mình. Những cơn lốc của các cuộc nổi dậy sẽ làm rung chuyển nền móng của nước Mỹ chừng nào công lý chưa soi sáng nơi đây.
Nhưng có một điều mà tôi phải nói với những con người đang đứng trước ngưỡng cửa của lâu đài công lý, rằng trong quá trình lấy lại địa vị đáng có của chúng ta, chúng ta không được phép để bản thân phạm phải tội lỗi. Đừng thỏa mãn cơn khát tự do của chúng ta bằng cách uống chén hận thù và cay đắng. Chúng ta vĩnh viễn phải cư xử dựa trên nền tảng phẩm cách và nguyên tắc cao. Chúng ta không được cho phép cuộc kháng nghị sáng tạo của chúng ta trở nên bạo lực. Xin được nhắc lại rằng chúng ta phải nâng bản thân lên tới tầm cao mà sức mạnh vật chất có thể gặp được sức mạnh tâm hồn.
Tinh thần chiến đấu mới đang sục sôi bên trong cộng đồng người da đen không được phép dẫn chúng ta tới việc ngờ vực toàn bộ tất cả người da trắng, bởi vì rất nhiều người anh em da trắng, những người có mặt ở đây ngày hôm nay, đã nhận ra rằng vận mệnh của tất cả chúng ta gắn liền với nhau, rằng tự do của tất cả chúng ta là không thể tách rời.
Chúng ta không thể bước đi đơn độc.
Chúng ta phải đảm bảo rằng chúng ta đang đồng hành cùng nhau.
Chúng ta không thể quay lưng.
Sẽ có những người hỏi, “Chừng nào thì các bạn mới hài lòng?” Chúng tôi sẽ không bao giờ hài lòng khi người da đen vẫn còn là nạn nhân của những hành động hung ác ghê tởm của cảnh sát. Chúng tôi sẽ không hài lòng, khi tấm thân mệt mỏi sau một quãng đường dài vẫn không thể tìm được nơi nghỉ ngơi trong các nhà nghỉ bên đường hay khách sạn trong thành phố. Chúng tôi sẽ không hài lòng khi những người da đen còn phải di chuyển từ khu tập trung da đen nhỏ tới khu tập trung da đen lớn hơn. Chúng tôi sẽ không hài lòng khi những đứa trẻ da đen bị tước đoạt nhân phẩm và tự trọng bởi những tấm biển “Chỉ dành cho người da trắng”. Chúng tôi sẽ không hài lòng khi một người da đen ở Mississippi không được bầu cử, khi một người da đen ở New York tin rằng anh chẳng có gì để bầu. Không, không, chúng tôi không hài lòng, và chúng tôi sẽ không hài lòng cho đến khi mưa công lý tuôn rơi cùng với dòng sông của chính nghĩa.
Tôi hiểu rằng để các bạn tới được đây, có những người đã phải vượt qua nhiều gian nan và thử thách lớn. Có những người chỉ vừa mới bước ra khỏi xà lim. Có những người đến từ khu vực mà hành trình kiếm tìm tự do khiến bạn phải đối diện với giông bão bức hại cùng những cơn gió dữ bạo hành từ cảnh sát. Các bạn đã trở thành những con người khổ đau nhưng sáng tạo. Hãy tiếp tục với niềm tin rằng khổ đau rồi sẽ có ngày hồi báo. Hãy quay trở lại Mississippi, trở lại Alabama, trở lại Nam Carolina, trở lại Georgia, trở lại Louisiana, trở lại những khu ổ chuột và khu tập trung của người da đen tại các thành phố phía Nam, và mang trong mình niềm tin rằng bằng cách này hay cách khác, tình thế có thể và sẽ thay đổi.
Đừng đắm chìm trong tuyệt vọng, tôi xin được chia sẻ với mọi người ở đây hôm nay, các bạn của tôi.
(Trích Tôi có một giấc mơ – Diễn văn chính trị của Martin Luther King năm 1963, Dẫn theo http://trithucvn.org)
Lựa chọn đáp án đúng nhất:
Câu 1. Văn bản trên sử dụng phương thức biểu đạt nào là chính?
A. Nghị luận
B. Thuyết minh
C. Miêu tả
D. Biểu cảm
Câu 2. Văn bản sử dụng thao tác lập luận nào là chính?
A. Bác bỏ
B. Bình luận
C. Phân tích
D. So sánh
Câu 3. Văn bản đề cập tới vấn đề nào?
A. Nạn phân biệt chủng tộc
B. Ảnh hưởng bạo lực
C. Tác động của công lí
D. Tác động của vật chất
Câu 4. Theo tác giả, điều gì “Sẽ là thảm họa nếu nước Mỹ coi nhẹ vấn đề cấp bách này’?
A. Cơn gió dữ bạo hành từ cảnh sát
B. Sự đối xử thiếu bình đẳng
C. Sự bất mãn của người da đen
D. Hành động hung ác ghê tởm của cảnh sát
Câu 5. Mục đích của văn bản là gì?
A. Đòi quyền tự do, dân chủ, xoá bỏ chính sách phân biệt chủng tộc, đòi quyền được đối xử bình đẳng của người da đen
B. Thảm cảnh của người da đen dưới chính sách phân biệt chủng tộc của người Mĩ, đòi quền bình đẳng, tự do dân chủ
C. Khẳng định quyền bình đẳng của người da đen và kêu gọi sự đấu tranh giành quyền bình đẳng cho người da đen
D. Lên án cuộc chiến tranh phân biệt chủng tộc, đối xử thiếu bình đẳng của chính quyền Mĩ đối với người da đen
Câu 6. Quan điểm của tác giả trong bài viết là gì?
A. Người da đen cần phải được bố trí việc làm đầy đủ
B. Người da đen phải được tự do như người da trắng
C. Kêu gọi sự đấu tranh giành quyền bình đẳng cho người da đen.
D. Người da đen phải được đối xử bình đẳng với người da trắng
Câu 7. Ý nào khái quát được nội dung của đoạn trích
A. Bài viết đưa ra thực trạng người da đen đang phải chịu đó là sự bất bình đẳng, vì thế người da đen đã đang và sẽ đấu tranh đòi quyền bình đẳng của mình. Chừng nào người da đen được bình đẳng thì cuộc đấu tranh mới dừng lại
B. Cảnh báo thực trạng nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ đang gia tăng, người da đen đang tổ chức biểu tình, làn sóng biểu tình đang dâng cao, điều ấy gây bất ổn cho cục diện chính trị nước Mỹ.
C. Cảnh báo những nguy cơ của tình trạng phân biệt chủng tộc ở Mỹ đang diễn ra vào mùa hè, làm sóng đấu trang của người da đen đang bùng phát mạnh mẽ, và nó chỉ dừng lại khi người Mỹ đối xủa công bằng với họ.
D. Những tác hại tiềm ẩn của tình trạng phân biệt chủng tộc ở Mỹ, người da đen bị đối xử bất công, điều ấy sẽ gây ra tình trạng bất ổn về chính trị ở nước Mỹ trong thời gian sắp tới, và chỉ dừng lại khi người da đen được đối xủa công bằng
Trả lời câu hỏi/ Thực hiện yêu cầu:
Câu 8. Tác dụng của biện pháp tu từ điệp cấu trúc “chúng ta không thể…” trong phần cuối đoạn trích?
Câu 9. Nhận xét về cách sắp xếp các luận điểm trong văn bản.
Câu 10. Anh/chị có suy nghĩ như thế nào về nạn phân biệt chủng tộc?
II. VIẾT (4,0 điểm)
Hãy viết bài văn nghị luận bàn về hành trình theo đuổi ước mơ của mỗi người.
Mời các bạn cùng tải về bản DOC hoặc PDF để xem đầy đủ nội dung bộ đề nhé