Các bộ phận hợp thành

Các bộ phận hợp thành được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức lý thuyết môn Tổ chức lao động khoa học để hoàn thành học phần của mình một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Để định mức kỹ thuật lao động không những phải nghiên cứu bước công việc mà còn phải nghiên cứu sâu về các bộ phận hợp thành của bước công việc, để thiết kế kết cấu bước công việc hợp lý nhằm hoàn thành bước công việc với hao phí thời gian lao động ít nhất. Đồng thời cũng làm cơ sở để nghiên cứu phương pháp làm việc của những công nhân tiên tiến có năng suất cao. Kết cấu của bước công việc có thể được phân chia theo 2 tiêu thức: theo công nghệ và theo lao động.

Kết cấu của bước công việc theo công nghệ

Bước công việc được chia thành các giai đoạn chuyển tiếp, mỗi giai đoạn chuyển tiếp lại chia thành các bước chuyển tiếp.

Giai đoạn chuyển tiếp là một phần của bước công việc (của nguyên công), đồng nhất về mặt công nghệ, trong đó bề mặt (hay nhiều bề mặt của chi tiết) được gia công đồng thời, dụng cụ (hay nhiều dụng cụ) được sử dụng đồng thời và chế độ gia công (chế độ làm việc của máy móc, thiết bị) không đổi.

Đặc điểm của giai đoạn chuyển tiếp là có thể hoàn thành tại một nơi làm việc riêng biệt, có nghĩa là có thể tách ra thành một bước công việc (nguyên công) độc lập. Trong sản xuất hàng khối, trình độ chuyên môn hóa cao, mỗi bước công việc thường chỉ có một giai đoạn chuyển tiếp, còn trong loại hình sản xuất hàng loạt và đơn chiếc mỗi bước công việc thường bao gồm nhiều giai đoạn chuyển tiếp.

Bước chuyển tiếp là một phần việc như nhau, lặp đi lặp lại trong giai đoạn chuyển tiếp. Mỗi phần việc đó được giới hạn bằng sự bóc đi lớp vật liệu khỏi bề mặt gia công của chi tiết.

Việc phân chia bước công việc (nguyên công) về mặt công nghệ nói lên đối tượng lao động được gia công theo trình tự nào và bằng những công cụ gì.

Tác dụng của việc phân chia bước công việc giúp cho cán bộ làm công tác tổ chức lao động quan sát được quá trình thực hiện công việc, đối tượng lao động được thực hiện theo trình tự và sử dụng công cụ, dụng cụ gì để sản xuất. Từ đó, phát hiện và thay thế những bộ phận sản xuất lạc hậu, kém hiệu quả bằng những thiết bị hoặc các phương án đề xuất để quá trình sản xuất được hiệu quả hơn.

Kết cấu của bước công việc theo lao động

Bước công việc được chia thành các thao tác, rồi chia thành các động tác và cuối cùng chia thành các cử động.

Thao tác là một bộ phận của bước công việc, được biểu thị bằng tổng hợp hoàn chỉnh các mặt hoạt động của người lao động nhằm thực hiện một mục đích nhất định.

Ví dụ: Bước công việc đính túi vào thân áo có các thao tác sau đây:

- Lấy bán thành phẩm (túi và thân áo) đưa đến bàn máy định vị trước khi may.

- May.

- Cắt chỉ và xếp thành phẩm vào giỏ.

Động tác là một bộ phận của thao tác, biểu thị bằng những cử động của người lao động nhằm lấy đi hay di chuyển một vật nào đó.

Ví dụ: Thao tác lấy bán thành phẩm (túi và thân áo) đưa đến bàn máy định vị trước khi may, có các động tác sau:

- Lấy thân áo kẹp vào chân vịt.

- Lấy túi áo kẹp vào chân vịt.

- Định vị chính xác trước khi may.

Cử động là một phần của động tác, biểu thị bằng sự thay đổi vị trí, tư thế bộ phận cơ thể người lao động trong quá trình lao động.

Ví dụ: Động tác lấy thân áo kẹp vào chân vịt, có các cử động sau:

- Giơ tay ra.

- Nắm lấy thân áo.

- Đưa thân áo đến bàn máy may.

- Nhắc chân vịt lên (cùng với đưa đến bàn máy, đầu gối gạt cần điều khiển chân vịt).

- Kẹp sơ bộ thân áo dưới chân vịt.

Việc chia nhỏ bước công việc thành các bộ phận theo lao động phụ thuộc vào loại hình sản xuất. Đối với loại hình sản xuất theo khối và theo loạt lớn, bước công việc được chia thành các thao tác, các thao tác thường xuyên được lặp lại được chia ra các động tác và cử động. Đối với loại hình sản xuất theo loạt nhỏ và đơn chiếc, các thao tác được kết hợp thành các nhóm thao tác.

Tác dụng của phân chia bước công việc theo lao động giúp quan sát bước công việc dễ dàng hơn, xác định thao tác, động tác, và cử động chưa hợp lý để cải tiến. Như vậy, việc phân chia bước công việc thành các thao tác, động tác và cử động là cơ sở để hợp lý hóa bước công việc và thiết kế bước công việc hợp lý nhất, bằng cách loại bỏ những yếu tố thừa và nghiên cứu phương pháp làm việc của những người lao động có năng suất cao, chất lượng và hiệu quả tốt.

---------------------------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Các bộ phận hợp thành về việc nghiên cứu bước công việc mà còn phải nghiên cứu sâu về các bộ phận hợp thành của bước công việc, để thiết kế kết cấu bước công việc hợp lý nhằm hoàn thành bước công việc với hao phí thời gian lao động ít nhất...

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn lý thuyết bài Các bộ phận hợp thành. Các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu của các môn học trong Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Đánh giá bài viết
1 64
Sắp xếp theo

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm