Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Các hình thức giao dịch kinh doanh

Chúng tôi xin giới thiệu bài Các hình thức giao dịch kinh doanh được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Căn cứ vào phương thức tiếp xúc

Giao dịch trực tiếp

Đó là giao dịch giữa hai hay nhiều nhà kinh doanh trực tiếp quan hệ với nhau để bàn bạc thỏa thuận về danh mục hàng hóa, khối lượng hàng hóa kinh doanh, thanh toán và các dịch vụ kèm theo.

Giao dịch thương mại trực tiếp cho phép các nhà giao dịch hiểu rõ yêu cầu của nhau. Nó đảm bảo nhanh chóng giải quyết các yêu cầu của hai bên, kịp thời điều chỉnh khi có những thanh đổi, hai bên có thể hợp tác với nhau trong đầu tư sản xuất, thiết kế sản phẩm và hỗ trợ nhau ở các khâu khác.

Việc giao dịch kinh doanh trực tiếp được thực hiện qua các bước sau đây:

Đầu tiên tất cả các bên giao dịch đều phải nghiên cứu và tìm hiểu tình hình chung và môi trường, điều kiện và đối tác.

Bước thứ hai là hai bên hay nhiều trực tiếp tiếp xúc với nhau để bàn bạc, thỏa thuận các vấn đề về kinh doanh, đây thường là giai đoạn gay go và mất thời gian nhất. Khi đã thống nhất với nhau họ có thể đi tới các thỏa thuận cụ thể.

Bước cuối cùng là thực hiện các thỏa thuận và kết thúc giao dịch. Đây là giai đoạn phức tạp và có nhiều việc phải làm. Tín nhiệm và khả năng tái quan hệ phụ thuộc nhiều vào giai đoạn này. Thực hiện thành công hay không thành công các cam kết thùy thuộc vào thiện chí của các bên. Mỗi bên phải tự xác định trách nhiệm và cố gắng thực hiện đầy đủ các cam kết về phần mình thì sẽ đảm bảo thành công. Trong quá trình thực hiện có vấn đề gì phát sinh cần phải thỏa thuận thì hai bên mua bán gặp nhau và cùng giải quyết.

Giao dịch giữa các bên trực tiếp sẽ làm cho quá trình giao dịch diễn ra nhanh chóng. Các bên sẽ có thông tin đầy đủ về thị trường và khả năng trực tiếp chi phối thị trường sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp không thể giao dịch trực tiếp được, chẳng hạn với bạn hàng nước ngoài mà doanh nghiệp lại không được xuất khẩu trực tiếp, những thị trường và khách hàng quá mới lạ ta không am hiểu; Do những quy định về luật pháp và thông lệ không thể quan hệ trực tiếp, số lượng đầu mối giao dịch trực tiếp quá lớn mà khối lượng lại nhỏ bé. Trong nhiều trường hợp ta phải giao dịch qua trung gian.

Giao dịch gián tiếp

Khác với giao dịch trực tiếp, giao dịch qua trung gian có sự tham gia của người thứ ba (bên thứ ba). Việc thiết lập quan hệ mua bán, thỏa thuận các điều kiện mua bán, phương thức mua bán và thanh toán đều phải qua người thứ ba trung gian. Người trung gian phổ biến trên thị trường là người đại lý hoặc người môi giới:

Đại lý là người được quyền thực hiện một hoặc một số công việc do một hay nhiều người khác, gọi là người ủy thác, giao cho và nhận thù lao (hoa hồng) của người ủy thác. Quan hệ giữa người ủy thác với đại lý là quan hệ hợp đồng đại lý.

Có nhiều loại đại lý khác nhau. Cách chung nhất người ta xếp thành hai loại đại lý:

Loại thứ nhất, những đại lý thông thường là người được phép thay mặt người ủy thác toàn quyền giải quyết mọi vấn đề hoặc làm một phần việc được ủy thác. Nó bao gồm: Đại lý hoa hồng; Đại lý bao tiêu; Đại lý gửi bán.

Loại thứ hai là đại lý đặc quyền là người đại lý duy nhất cho một người ủy thác để thực hiện một hành vi nào đó tại một khu vực và trong một thời gian do hợp đồng quy định. Một chủng loại đại lý độc quyền bao hàm một giao kèo (hợp đồng) hợp pháp xác định giữa chủ quyền và đại lý đặc quyền trong đó chỉ rõ nghĩa vụ và đặc quyền của mỗi bên. Quan hệ là đặc quyền trong khung cảnh người ủy thác thỏa thuận bán các loại hàng hóa và dịch vụ trong phạm vi lãnh thổ khu vực xác định chỉ qua một người bán và một người phân phối đơn nguyên. Trong trường hợp có nhiều hơn một đại lý sẽ có đại lý đặc quyền được lựa chọn để phục vụ cho một khu vực đã định.

Môi giới là người trung gian giao tiếp giữa người mua và người bán. Người môi giới là người nắm được thông tin đầy đủ cả về người mua và người bán. Trên cơ sở các thông tin nhận được về cả hai phía họ tiến hành chắp nối giữa người mua và người bán. Họ đóng vai trò tích cực trong việc dàn xếp giữa người mua và người bán. Khi tiến hành nghiệp vụ, người môi giới hàng mang danh người ủy thác, không chiếm hữu hàng hóa, không chịu trách nhiệm cá nhân trước những người ủy thác về việc khách hàng không thực hiện hợp đồng.

Người môi giới cũng có thể chỉ quan hệ với một phía người bán hoặc người mua dưới dạng chỉ dẫn, cung cấp thông tin về phía đối tác. Họ chỉ ra cơ hội để đương sự tiến hành hoạt động kinh doanh. Các trung tâm tư vấn, môi giới trong lĩnh vực thương mại rất phát triển ở nước ta trong thời gian gần đây. Môi giới trong hoạt động thương mại với nước ngoài, trong lĩnh vực mua bán kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại, trong kinh doanh bất động sản rất phát triển và có thể thu được những khoản lợi lớn.

Căn cứ theo địa điểm

Xét giao dịch kinh doanh theo địa điểm ta có giao dịch ở văn phòng; giao dịch ở cửa hàng; giao dịch ở hội chợ triển lãm và giao dịch ở Sở giao dịch.

Giao dịch ở văn phòng

Những khách hàng truyền thống, khách hàng mua buôn thường đến giao dịch ở văn phòng hãng, công ty. Những ưu thế của giao dịch tại văn phòng là khách hàng có thể nhận thấy cơ sở vật chất kỹ thuật của công ty, xem xét quy trình công nghệ sản xuất. Được tiếp xúc với những người có trách nhiệm một cách nhanh chóng. Mọi vấn đề xoay quanh hàng hóa, mua bán đều được giải đáp nhanh chóng. Do đó, những công ty có kinh nghiệm rất coi trọng giao dịch ở văn phòng.

Giao dịch ở văn phòng cần chú ý phải gây được ấn tượng tốt đẹp, tạo dựng niềm tin của khách hàng. Nghệ thuật chiều khách ở chỗ này có vị trí rất quan trọng. Cần phải có cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho việc chiều khách này bao gồm cơ sở vật chất, phương tiện đón tiếp, phương tiện thông tin liên lạc lại cho khách… Tiếp theo, tranh thủ giới thiệu với khách hàng về hãng của mình. Cho khách hàng tiếp xúc với hàng hóa và có thể được đưa xem quy trình sản xuất. Tất nhiên những bí mật, bí quyết thì không được cho khách hàng biết.

Đối với những hàng hóa có giá trị cao, công nghệ hiện đại và mới thì có thể giới thiệu với khách hàng những cơ sở đã mua hàng và đang hoạt động tốt.

Giao dịch ở cửa hàng

Hệ thống các cửa hàng của doanh nghiệp chủ yếu thực hiện chức năng bán lẻ. Song có nhiều trường hợp có thể bán buôn theo yêu cầu của khách hàng và còn là văn phòng đại diện của công ty. Do đó, vấn đề giao dịch qua các cửa hàng cũng là một vấn đề mà doanh nghiệp phải quan tâm nhất là các cửa hàng lớn, cửa hàng trung tâm, những cửa hàng ở vùng xa với doanh nghiệp. Các cửa hàng thông qua trưng bày, giới thiệu hàng hóa, tuyên truyền, quảng cáo để khuếch trương thanh thế của doanh nghiệp. Lựa chọn được người phụ trách cửa hàng giỏi là biện pháp quan trọng để tăng cường khả năng giao dịch ở cửa hàng.

Giao dịch tại hội chợ triển lãm

Hội chợ là thị trường hoạt động định kỳ, được tổ chức vào một thời gian và ở một địa điểm cố định, trong một thời hạn nhất định, tại đó người bán đem trưng bày hàng hóa của mình và tiếp xúc với người mua để ký hợp đồng mua bán.

Về mặt nội dung, người ta phân biệt triển lãm và hội chợ tổng hợp (nơi trưng bày và mua bán hàng hóa của nhiều ngành) với triển lãm và hội chợ chuyên ngành (nơi chỉ trưng bày và mua bán hàng hóa của một ngành).

Về mặt quy mô tổ chức, triển lãm và hội chợ có thể mang tính chất địa phương, quốc gia hay quốc tế.

Trình tự tiến hành tham gia hội chợ và triển lãm ở nước ngoài.

Khi nhận lời mời của ban tổ chức hội chợ (hoặc triển lãm) cần phải nghiên cứu vấn đề liên quan đến tổ chức, trước hết là:

Mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức hội chợ hoặc triển lãm đó.

Tính chất, vị trí, thời gian và thời hạn công tác

Điều kiện và thể thức trưng bày các vật triển lãm đó.

Thành phần tham dự và thành phần khách tham quan.

Tiếp đó, các công ty, tổ chức kinh tế có thể tham dự xây dựng kế hoạch tham gia hội chợ hoặc triển lãm đó, dự trù kinh phí… Ban tổ chức hội chợ hoặc triển lãm thường gửi cho các đơn vị tham gia một bản điều lệ trong đó ghi rõ những điều kiện chủ yếu của việc tham gia như: Mục đích, chỗ bố trí, thời gian và chế độ hoạt động, mức tiền nước, tiền điện thoại… danh mục đại thể của triển lãm, các nguyên tắc hải quan, nguyên tắc sử dụng các phương tiện quảng cáo…

Bản điều lệ được dùng làm cơ sở ký kết các hợp đồng liên quan giữa ban tổ chức với doanh nghiệp.

Công tác chuẩn bị của các công ty hoặc tổ chức kinh tế tham gia triển lãm thường bao gồm những việc như:

Lập kế hoạch công tác chung và kế hoạch công trình triển lãm. Trong đó kế hoạch công tác chung (còn gọi là kế hoạch tổng quát) xác định mục đích, yêu cầu đạt được trong việc tham gia trưng bày, xác định hình thức tổng quát trong trưng bày, các số liệu tuyên truyền, các câu trích dẫn vv… Còn kế hoạch công trình triển lãm chỉ ra một cách cụ thể thiết kế triển lãm, cách bố trí vật trưng bày… lập kế hoạch và biện pháp làm việc, thời gian, chế độ công tác… Lập kế hoạch và có biện pháp mua bán tại hội chợ hoặc triển lãm đó, dự kiến khối lượng hợp đồng sẽ ký kết, dự kiến các mặt hàng mua bán, xác định phương hướng mở rộng quan hệ thì trường.

* Lập danh mục hàng sẽ trưng bày.

Lập đề án thiết kế kỹ thuật và mỹ thuật trên cơ sở kế hoạch tổng quát và kế hoạch công trình triển lãm. Đề án thiết kế kỹ thuật và mỹ thuật phải do các họa sỹ xây dựng.

Lập kế hoạch cho các biện pháp tuyên truyền có tính chất đại chúng.

Lựa chọn và huấn luyện cán bộ công tác tại hội chợ hoặc triển lãm.

Lập lịch công tác chuyên chở và bốc dỡ vật trưng bày.

* Công việc chuẩn bị cho các hoạt động mua bán tại hội chợ và triển lãm bao gồm:

Tìm hiểu tính chất của cuộc hội chợ hoặc triển lãm, điều lệ của nó, thành phần và số lượng nước tham gia, danh mục và chất lượng hàng hóa sẽ trưng bày và sẽ mua bán tại đó.

Nghiên cứu tình hình hàng hóa và giá cả hiện hành trên thị trường.

Chuẩn bị và kịp thời phân phát các tài liệu quảng cáo, các tài liệu thông tin thương nghiệp.

Xây dựng các mẫu đơn chào hàng, mẫu hợp đồng, có dự tính về giá cả, số lượng, phẩm chất, yêu cầu kỹ thuật, thời hạn giao hàng và điều kiện thanh toán.

Kịp thời phân phát giấy mời đến thăm gian hàng của mình.

Thao diễn thử các máy móc, cho thí nghiệm các mặt hàng cần thiết.

Chuẩn bị những nhân viên thuyết minh có trình độ cao về nghiệp vụ, về ngôn ngữ, am hiểu về chính trị, thương mại và có tinh thần trách nhiệm.

Chuẩn bị những vật lưu niệm định bán tại chỗ. Chuẩn bị điều kiện vật chất để tiến hành đàm phán thương mại.

Giao dịch ở Sở giao dịch

Đây là địa điểm để tổ chức các phiên đấu thầu, đấu giá các lô hàng hóa đơn. Hoạt động của Sở giao dịch hàng hóa theo những quy chế cho chính phủ ban hành.

---------------------------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Các hình thức giao dịch kinh doanh về giao dịch tại hội chợ triển lãm, ở cửa hàng, ở văn phòng, phương thức tiếp xúc..

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Các hình thức giao dịch kinh doanh. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm