Các mô hình giải thưởng chất lượng
Các mô hình giải thưởng chất lượng được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Các mô hình giải thưởng chất lượng
1. Giải thưởng Deming (The Deming Price)
Giải thưởng Deming do hiệp hội các nhà khoa học và kỹ thuật Nhật Bản (JUSE) sáng lập vào năm 1951. Giải thưởng này mang tên William Edwards Deming, nhà thống kê học người Mỹ được xem là cha đẻ của lý thuyết quản lý chất lượng hiện đại. Giải thưởng này được xét trao tặng hàng năm cho 3 loại đối tượng: giải thưởng Deming cho các nhân, giải thưởng Deming về ứng dụng và giải thưởng Deming về kiểm soát chất lượng cho doanh nghiệp. Giải thưởng Deming về ứng dụng được trao cho tổ chức công cộng hoặc tư nhân và được trao cho các doanh nghiệp chi nhánh, các công ty con của các tập đoàn lớn và các doanh nghiệp hiện đại.
Mục tiêu của giải thưởng Deming là thúc đẩy các doanh nghiệp phấn đấu để đạt được kết quả tốt đẹp trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thông qua việc thực thi hữu hiệu các hoạt động kiểm soát chất lượng và kỹ thuật như phân tích quá trình, các phương pháp thống kê và các nhóm chất lượng. Việc xét thưởng được tiến hành trên cơ sở 10 chuẩn mực sau đây:
- Chính sách và lập kế hoạch của doanh nghiệp.
- Tổ chức và quản lý.
- Huấn luyện, phổ biến kiến thức về kiểm soát chất lượng.
- Thu thập và phổ biến các thông tin về chất lượng.
- Phân tích.
- Tiêu chuẩn hóa.
- Kiểm soát.
- Đảm bảo chất lượng.
- Kết quả.
- Các kế hoạch cho tương lai.
Khi cân nhắc để xét thưởng Deming, các khía cạnh sau đây cũng được xem xét đến: chi phí, năng suất, cung ứng, an toàn và môi trường.
2. Giải thưởng Baldrige (The Baldrige Award)
Giải thưởng chất lượng quốc gia Malcolm Baldrige được thiết lập năm 1987 tại Mỹ. Đây là một giải thưởng chất lượng có uy tín rất lớn, là một trong 3 mô hình giải thưởng chất lượng kiểu mẫu trên thế giới, bên cạnh các giải thưởng Deming và giải thưởng chất lượng Châu Âu. Theo thống kê hiện nay có khoảng 40% các quốc gia xây dựng mô hình giải thưởng chất lượng quốc gia của mình dựa vào giải thưởng chất lượng Malcolm Baldrige, 50% theo giải thưởng chất lượng Châu Âu và 5% theo giải thưởng chất lượng Deming. Tổ chức năng suất châu Á (APO) có 18 nước thành viên thì có 13 nước, trong đó có Việt Nam, đã xây dựng hệ thống giải thưởng chất lượng quốc gia của mình theo kiểu mẫu Malcolm Baldrige. Các tiêu chí của giải thưởng chất lượng Malcolm Baldrige mang tính toàn cầu.
Malcolm Baldrige là tên một Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ. Ông đã có những ý tưởng rất độc đáo về hoạt động chất lượng ở Mỹ vào đầu những năm 80. Đặc biệt, ông cho rằng, cần phải có một đạo luật về chất lượng được Quốc hội phê chuẩn. Ông đã nghiên cứu để có thể sớm cho ra đời đạo luật này. Không may ông đã bị tai nạn và từ trần. Khi luật về giải thưởng chất lượng của Mỹ được phê chuẩn, người ta đã lấy tên ông đặt cho giải thưởng này để tưởng nhớ công của người đã khởi xướng phong trào chất lượng tại Mỹ. Giải thưởng này thiết lập nhằm mục đích:
- Kích thích các doanh nghiệp ở Mỹ nâng cao chất lượng.
- Thiết lập các tiêu chuẩn để đánh giá thành tích cải tiến chất lượng của các doanh nghiệp.
- Đưa ra các doanh nghiệp điểm hình đạt thành tích tốt trong cải tiến chất lượng.
- Giúp đỡ các tổ chức khác học tập kinh nghiệm quản lý chất lượng của các doanh nghiệp đã đoạt giải thưởng.
Các giải thưởng Baldrige được xét trao cho các tổ chức thuộc 5 loại hình tổ chức như sau:
- Doanh nghiệp sản xuất
- Doanh nghiệp dịch vụ
- Doanh nghiệp nhỏ (có số lượng người lao động dưới 500 người)
- Tổ chức giáo dục
- Tổ chức y tế.
Mỗi loại hình tổ chức chỉ được trao 2 giải thưởng mỗi năm.
Do giải thưởng Baldrige được thiết lập trên cơ sở nghiên cứu mô hình của Giải thưởng Deming nên, nhìn chung, cả hai giải thưởng này có những yêu cầu tương đối giống nhau, đặc biệt là về các tiêu chí đánh giá tổ chức tham dự. Tuy nhiên, các tiêu chí của giải thưởng được quy định chi tiết và cụ thể hơn so với các tiêu chí của Giải thưởng Deming và hệ thống đánh giá giữa hai chương trình giải thưởng này cũng có những sự khác biệt đáng kể.
Quá trình triển khai chương trình giải thưởng Baldrige hàng năm được thực hiện như sau:
Trước hết, các tổ chức tham dự phải nộp đề nghị tham dự. đề nghị tham dự này được nhóm chuyên gia của Hội đồng các chuyên gia xét thưởng (Examiners Board) xem xét. Hội đồng này bao gồm khoảng 150 chuyên gia chất lượng được lựa chọn từ các ngành công nghiệp, cơ quan chính phủ, các viện nghiên cứu và trường đại học. Khi được chấp nhận, tổ chức tham dự phải nộp hồ sơ tham dự. Sau giai đoạn thẩm xét hồ sơ, các tổ chức tham dự sẽ bước vào giai đoạn đánh giá và xét thưởng gồm 4 bước sau đây:
- Bước 1: Đánh giá độc lập của các chuyên gia đánh giá.
- Bước 2: Đánh giá thống nhất của nhóm chuyên gia đánh giá (mỗi nhóm gồm ít nhất là 6 chuyên gia đánh giá).
- Bước 3: Đánh giá tại chỗ.
- Bước 4: Lựa chọn và xét thưởng.
Bảy tiêu chí đánh giá, mỗi tiêu chí ứng với số điểm tối đa quy định, đó là:
Tiêu chí 1: Vai trò của lãnh đạo – 125 điểm
Tiêu chí 2: Thông tin và phân tích – 85 điểm
Tiêu chí 3: Hoạch định chiến lược – 85 điểm
Tiêu chí 4: Phát triển nguồn nhân lực – 85 điểm
Tiêu chí 5: Quản l chất lượng của quá trình – 85 điểm
Tiêu chí 6: Chất lượng và kết quả kinh doanh – 450 điểm
Tiêu chí 7: Hướng vào thị trường và thỏa mãn khách hàng – 85 điểm
Toàn bộ 7 tiêu chí nêu trên đều là những yêu cầu cơ bản rất cần thiết cho việc cải tiến và nâng cao chất lượng hoạt động của bất kỳ tổ chức nào.
7 tiêu chí trên được cụ thể hóa thành 28 hạng mục đánh giá với 91 vấn đề. Việc đánh giá cho điểm đối với từng nội dung, hạng mục và tiêu chí được tiến hành trên cơ sở 3 khía cạnh đánh giá, đó là: Tiếp cận, thực hiện và kết quả. Tâm điểm của cả 7 tiêu chí này là vai trò của người lãnh đạo cao nhất – người dẫn dắt và điều hành để doanh nghiệp tiến tới mục tiêu đề ra. Các tiêu chí 2, 3, 5 sẽ là những tiêu chí nỗ lực của toàn doanh nghiệp dẫn đến sự tiến bộ thông qua tiêu chí 6 và tác động đến tiêu chí 7.
3. Giải thưởng chất lượng châu Âu (The European Quality Award – EQA)
Năm 1988, trước kết quả nhanh chóng và khả quan mà giải thưởng Baldrige của Mỹ thu được, 14 doanh nghiệp xuyên quốc gia của Châu Âu đã thành lập diễn đàn quản trị chất lượng Châu Âu – EFQM (European Foundation for Quality Management) để xúc tiến nguyên tắc TQM ở Tây Âu. Năm 1991, với sự hỗ trợ của Tổ chức Chất lượng Châu Âu – EOQ (European Organizetion for Quality) và ủy ban Châu Âu – EC (European Comission), EFQM đã lập ra hai loại giải thưởng cho các doanh nghiệp: EQP (The European Quality Price) cho các doanh nghiệp đáp ứng được toàn bộ các chuẩn mực xét thưởng và EQA (The European Quality Award) với mục đích khuyến khích.
Tất cả các doanh nghiệp, dù là công hay tư, lớn hay nhỏ, sản xuất hay dịch vụ cũng đều có thể đề nghị được xét thưởng. Cũng giống như ở các giải thưởng khác, các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi doanh lợi, các hiệp hội thương mại và nghề nghiệp đều không được tham gia xét thưởng.
9 tiêu chí xét thưởng của EQA là:
Tiêu chí 1: Vai trò của lãnh đạo – 100 điểm
Tiêu chí 2: Chính sách và chiến lược – 80 điểm
Tiêu chí 3: Hướng đến công nhân viên – 90 điểm
Tiêu chí 4: Nguồn nhân lực và tài lực – 90 điểm
Tiêu chí 5: Quá trình – 140 điểm
Tiêu chí 6: Thỏa mãn yêu cầu khách hàng – 200 điểm
Tiêu chí 7: Thỏa mãn yêu cần nội bộ – 90 điểm
Tiêu chí 8: Trách nhiệm và uy tín đối với xã hội – 60 điểm
Tiêu chí 9: Kết quả kinh doanh – 150 điểm
Một số các chuẩn mực đánh giá của EQA đòi hỏi sự nghiên cứu thêm nữa về các yếu tố cấu thành của quản lý chất lượng. Ngoài các chuẩn mực của giải thưởng Baldrige như vai trò của lãnh đạo, quản lý nhân lực, chính sách và chiến lược, nguồn lực, quá trình và thỏa mãn của khách hàng, ba chuẩn mực sau của EQA là: thỏa mãn yêu cầu của công nhân viên của doanh nghiệp, tác động đối với xã hội và kết quả kinh doanh mới là yếu tố cần lưu ý.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Các mô hình giải thưởng chất lượng về khái niệm và đặc điểm của một số giải thưởng như giải thưởng Deming, giải thưởng Baldrige và giải thưởng chất lượng châu Âu...
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Các mô hình giải thưởng chất lượng. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.