Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Chế độ lưu thông tiền tệ ở Việt Nam

Chế độ lưu thông tiền tệ ở Việt Nam được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

1. Thời kỳ phong kiến

Thời kì phong kiến nhà Trần đã lưu hành tiền đúc bằng đồng, dây là tiền được đúc đầu tiên ở Việt Nam.

Sau đó, Hồ Quý Ly đã ban hành tiền giấy năm 1396, đó là một thời điểm rất sớm so với lịch sử tiền giấy, nhưng chính sách ban hành tiền giấy đó không được đánh giá là tiến bộ.

Sử cũ chỉ chép lại rằng: “mùa Hạ, tháng Tư năm Bính Tý, niên hiệu Quang Thái năm thứ chín (1396) (khi đó Hồ Quý Ly chưa cướp ngôi nhà Trần) bắt đầu phát hành tiền giấy “Thông bảo hội sao”. In xong, hạ lệnh cho người đem tiền đến đổi, cứ 1 quan tiền đồng đổi lấy tiền giấy 1 quan 2 tiền. Thể thức tiền giấy dùng các hình vẽ trên đồng tiền chim muông, con vật... để biểu thị mệnh giá của tiền giấy như: Giấy 10 đồng vẽ rong biển; 30 đồng vẽ sóng; 1 tiền vẽ mây; 2 tiền vẽ rùa; 3 tiền vẽ lân; 5 tiền vẽ phượng; 1 quan vẽ rồng. Ai làm giả phải tội chết, tịch thu điền sản vào nhà nước, cấm hẳn tiền đồng không được chứa và tiêu riêng; đều thu lại chứa tại Ngao Trì, chứa tại kinh thành và ở trị sở các xứ. Ai phạm thì cũng phải tội như trên”.

Như vậy là đồng tiền giấy này đã được đưa vào trong lưu thông một cách triệt để, nó khác hẳn tiền giấy của Trung Quốc, chỉ lưu thông rất hạn chế. Chính sách này của Hồ Quý Ly là nhằm mục đích thu thập kim loại làm vũ khí cho chiến tranh. Cách phát hành tiền là đổi hoàn toàn tiền cũ lấy tiền mới, nên về lý thuyết nó không ảnh hưởng gì tới giá trị đồng tiền, mà thậm chí đó là một tư tưởng mới giúp tiết kiệm kim loại và sử dụng tiền thuận tiện hơn. Tuy nhiên, chính sách này không hợp lý đó là sự vi phạm quy luật phù hợp giữa hình thức và nội dung.

Lịch sử đã ghi nhận: vừa mới ban hành tiền giấy, nhà nước đã ban hành một chính sách độc đoán hơn cả tính chất độc đoán sẵn có của tiền giấy: Cấm hẳn tiêu tiền đúc. Thực tế, đến năm Quý Mùi (1403) tức sau bảy năm ban hành, tiền giấy vẫn không được ưa dùng, và do nhà nước cấm tiền đúc, nhân dân buộc phải trao đổi theo hình thức hàng đổi hàng. Nhà nước đã phải định giá tiền giấy cho trao đổi, lập điều luật định tội không tiêu tiền giấy.

Sự ra đời của tiền giấy không dễ dàng, vì không phải cứ ban hành một điều luật bắt buộc, cưỡng chế là người dân làm theo mà có thể thành công. Sự ra đời tiền giấy phải có những tiền đề kinh tế của nó, phải trải qua những giai đoạn thai nghén trung gian để có được lòng tin của dân chúng, có cơ chế điều hành của hệ thống tài chính - ngân hàng. Và vì vậy, thực tế chính sách tiền giấy của Hồ Quý Ly đã hoàn toàn thất bại.

Nhà nước ngoài việc dùng pháp luật cưỡng bức còn đưa ra nhiều biện pháp khác cố làm cho đồng tiền đó được lưu hành rộng rãi trong nhân dân. Năm Tân Tỵ (1401), Hồ Hán Thương đặt kho Thường bình, phát tiền giấy cho các lộ, theo thời giá đong thóc chứa vào kho ấy. Năm Nhâm Ngọ (1402), định lại các thuế về tô ruộng, theo đó: Triều đình trước mỗi mẫu thu 3 thăng thóc nay thu 5 thăng, nhưng nộp bằng tiền giấy thì được giảm đi. Thuế đinh cũng tương tự, thu bằng thóc thì thu nặng hơn trước nhưng thu bằng tiền giấy thì lại giảm đi. Bằng những biện pháp cưỡng bức kết hợp với khuyến khích như vậy mà tiền giấy vẫn không được lưu thông dù rất ít.

Bình luận về tiền giấy “Thông bảo hội sao”, người xưa đã viết: Tiền giấy chẳng qua chỉ là một mảnh giấy vuông, phí tổn chỉ đáng năm, ba tiền mà đem đổi lấy vật đáng giá năm, sáu trăm đồng của người ta, cố nhiên không phải là cái đạo đúng mức. Vả lại, người có tiền giấy cất giữ cũng dỗ rách nát, mà kẻ làm giả mạo sinh ra vô cùng, thật không phải là cách bình ổn vật giá mà lưu thông của cải của dân vậy. Quý Ly không xem kỹ đến cái gốc lợi hại, chí ham chuộng hư danh sáng chế, để cho tiền của, hàng hóa thường vẫn lưu thông tự nhiên ứ đọng, khiên dân nghe thấy đã sợ, đó không phải là chế độ an dân của nhà Hồ.

Việc ban hành tiền giấy của nhà Hồ xem như thất bại. Cùng với sự sụp đố của nhà Hồ, tiền giấy cũng chấm dứt lưu hành. Năm 1429, ngay năm thứ hai sau khi lên ngôi, Lê Thái Tổ đã cho đúc tiền đồng trở lại, nhân dân lại quay trở lại dùng tiền đồng.

2. Thời kỳ thực dân Pháp (đến 8/1945)

Thời kỳ thuộc Pháp: Từ 1858 đến 1875 khi chưa có Ngân hàng Đông Dương (NHĐD) thì trên đất Việt tiêu đồng thời nhiều loại tiền khác nhau: Tiền Franc (FRF) của Pháp, tiền Mexico, tiền Trung Quốc...

Ngân hàng Đông Dương thành lập năm 1875 và phát hành tiền Đông Dương. Đồng Đông Dương lúc bấy giờ đúc bằng Bạc (bản vị Bạc) và giấy bạc ngân hàng.

Từ 1875 khi NHĐD thành lập thì dân ta tiêu tiền Đông Dương mang bản vị bạc. Đến 1880 tiền Đông Dương mang bản vị vàng, tiêu song song với đồng Franc của Pháp và các loại tiền đồng, tiền kẽm cũ. Từ 1880 đến 1930, tiền giấy Đông Dương ra đời và mang bản vị bạc, từ 1930 đến 1936 đồng tiền này mang bản vị vàng.

Ngày 31/05/1930 Tổng thống Pháp ký sắc lệnh chuyển đồng Đông Dương (đồng Piastre) từ chế độ bản vị Bạc sang chế độ Bản vị vàng, và quy định tỷ giá đồng Đông Dương với Franc (FRF). Từ 1936 đến 1954 chế độ bản vị vàng bị sụp đổ và đồng Đông Dương neo giá trị vào đồng Franc của Pháp - có thể gọi là bản vị Franc Pháp (bản vị ngoại tệ)

Đồng Đông Dương bị Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa (VNDCCH) cấm lưu hành trên toàn cõi Việt Nam từ tháng 4/1948 nhưng đến 1954 mới thực hiện được

3. Thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ (9/1945 đến 4/1975)

Thời kỳ kháng chiến chống xâm lược Pháp 1945 - 1951: Chính quyền cách mạng của chính thể VNDCCH phải lãnh đạo toàn dân thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Kháng chiến và kiến quốc - Trong đó vấn đề tài chính, tiền tệ được đặc biệt quan tâm và coi đó là một vũ khí sắc bén, trực tiếp của cả hai nhiệm vụ chiến lược nói trên. Ngày 1/12/1945, đúng ba tháng sau ngày thành lập nước VNDCCH - Mở đầu thời đại Hồ Chí Minh 0 Việt nam, đồng tiền tài chính với chất liệu nhôm đầu tiên loại hai hào của ta được phát hành, tiếp theo đó ngày 21/1/1946 ta phát hành đồng tiền nhôm loại năm hào, ngày 31/1/1946 phát hành tiền giấy gọi là "giấy bạc Việt Nam" đầu tiên ở miền Trung, ngày 13 tháng 8/1946 phát hành giấy bạc trên toàn miền bắc và sau kỳ họp Quốc hội lần thứ hai vào tháng 11/1946, chính phủ đã cho phép Bộ Tài chính tiếp tục phát hành giấy bạc Việt nam trên phạm vi toàn quốc.

Để phù hợp với chủ trương "tự cấp, tự túc, toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến và địa phương tự lập", Chính phủ đã cho hình thành một chế độ tiền tệ đặc biệt: vừa tập trung, vừa phi tập trung: trên toàn quốc, nơi nào có điều kiện (chủ yếu là vùng tự do) thì lưu hành tiền tài chính (giấy bạc Việt Nam), nơi nào thuộc vùng địch kiểm soát thì tiêu đồng thời cả tiền Đông dương, cả tiền tài chính địa phương do chính phủ trung ương ủy quyền cho chính quyền cách mạng địa phương phát hành, và gồm cả "tiền Việt Nam hóa" bằng cách đóng dấu của ủy ban kháng chiến địa phương lên tiền địch để lưu hành... Đây không chỉ là thời kỳ đấu tranh trên các lĩnh vực chính trị, quân sự với địch, mà thuật ngữ "đấu tranh tiền tệ với địch" cũng trở thành một khẩu hiệu hành động trong chỉ đạo chiến lược của Đảng Lao động Việt Nam suốt thời kỳ toàn quốc kháng chiến (từ 19/12/1946 đến chiến thắng Điện biên phủ 1954). Đến 6/5/1951 tại sắc lệnh số 15/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký chuẩn y việc thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt nam (NHQG VN) (để thay thế “Nha Ngân khố Quốc gia” và “Nha Tín dụng Sản xuất” trực thuộc Bộ Tài Chính đã thành lập trước đó trên cơ sở “Việt nam quốc gia Ngân hàng” thuộc Bộ Tài chính được thiết lập theo sắc lệnh số 86/SL ngày 17/9/1947 của Chủ tịch Chính phủ dân chủ cộng hòa Việt Nam).

Ngay khi ra đời, NHQG đã chính thức phát hành đồng tiền giấy mang tên: "NHQG Việt Nam" thay đồng tiền Tài chính. Đổi 10 đồng tiền Tài chính lấy 1 đồng tiền NHQG - Một cuộc đổi tiền diễn ra tới 20 tháng - Dài nhất trong lịch sử đổi tiền của NHVN. Song vì tiền NHQG đầu tiên được in ra là để đổi đồng Tài chính trước đó, nên hầu hết những người có tiền đổi là thuộc khu vực công chức hưởng lương từ NSNN, nên đến tháng 2 năm 1959 Chính Phủ quyết định phân phối lại thu nhập và đã đổi tiền lần thứ hai với tỷ lệ 01 đồng NHQG mới bằng 1000 đồng NHQG cũ. Với giá trị mới này, vào thời điểm từ tháng 2/1959 đến tháng 10/1960 một đồng NGQGVN bằng 1,36 Rúp Liên Xô và cũng tương đương 1, 2 USD. Cuộc đổi tiền năm 1959 được đánh giá là “ngoạn mục” nhất trong lịch sử tiền tệ Việt nam. Đến tháng 10/ 1961 đồng tiền NHQG VN ớ miền Bắc được đổi tên thành đồng tiền Ngân hàng Nhà nước Việt nam (NHNN VN) với cùng một mệnh giá, để tránh trùng tên với đồng tiền NHQG ở miền Nam của chính phủ Sài gòn cũ.

Vào thời kỳ 1965 -1973 - thời kỳ cả nước có chiến tranh, Nhà nước đã cho phép Quân đội sử dụng đồng “tiền Trường sơn” hay còn gọi là "phiếu bách hóa" - Một hiện tượng tiền tệ kỳ diệu đã giúp quân đội có một cơ chế "phân phối" rất linh hoạt: Thay vì bộ đội hậu cần phải chuyển nhu yếu phẩm đến từng đơn vị đóng quân dọc Trường sơn, thì chỉ cần chuyển hàng đến từng binh trạm cố định. Việc phân phối sau đó đã trở nên vô cùng thuận tiện thông qua hình thức "mua hàng", và thanh toán bằng tiền Trường Sơn theo tổng định lượng vật chất đã được giá trị hóa - Tính vô danh của tiền trong quan hệ phân phối đã giảm đi một chi phí khổng lồ về thời gian, chứng từ, tem phiếu, sổ theo dõi của cả hai bên nhập hàng và nhận hàng, đặc biệt là giảm biên chế hậu cần, giảm chi phí kho lán ở từng đơn vị, và do đó cũng hạn chế thương vong xương máu trên đường đi phân phối nhu yếu phẩm cho từng đơn vị. Còn người “có tiền” thì tùy nghi chủ động đến các binh trạm để “mua” hàng cho đơn vị, đồng thời lại tạo ra được sự đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau giữa những đơn vị và cá nhân, giữa Quân đội với Thanh niên xung phong trên toàn tuyến Trường sơn - Thay vì việc ủng hộ, tương trợ lẫn nhau bằng hiện vật vốn rất khó khăn và bất tiện, thì những người lính dễ dàng ủng hộ nhau dưới hình thức giá trị của định lượng...

Chế độ tiền của chính quyền Sài gòn cũ từ 1954 đến 1975: Dưới sự đô hộ của Đế Quốc Mỹ, cả miền Nam là một thị trường tiêu thụ và cung ứng nguồn tài nguyên, sức lao động rẻ mạt - Bức tranh kinh tế thời chiến của chính quyền Sài gòn là một nền kinh tế phồn vinh giả tạo: thủ công, lắp ráp và tiêu thụ. Chính quyền Sài gòn cũ có luật nghiêm cấm lưu hành đồng tiền miền Bắc và đồng tiền

Đông Dương ở miền Nam, thành lập Ngân hàng năm 1954 và cũng lấy tên là NHQG Việt Nam, cho phép tiêu song song đồng USD và đồng tiền Quốc gia với tỷ giá 35 đồng Quốc gia bằng 1 đồng USD. Tỷ giá này ổn định từ năm 1954 đến năm 1960. Từ năm 1960 đến 1965 đồng tiền Sài gòn cũ mất giá dần dần và đến năm 1965 tỷ giá này còn 118 đ/USD. Từ năm 1966 đến 1968 sức mua của đồng tiền Sài gòn cũ tiếp tục mất giá mạnh xuống còn 250đ/ USD và đến năm 1973 thì tỷ giá này đã là 500đ/USD - giảm 14,3 lần so với thời kỳ những năm 1954 - 1960.

4. Thời kỳ thống nhất tổ quốc từ sau 4/1975 - 1978

Là giai đoạn 10 năm khôi phục kinh tế sau chiến tranh giải phóng và thống nhất nước nhà, là thời kỳ xây dựng hệ thống ngân hàng của chính quyền cách mạng; tiến hành thiết lập hệ thống ngân hàng thống nhất trong cả nước, và thanh lý hệ thống ngân hàng của chế độ cũ ở miền Nam.

Theo đó, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam của chính quyền Việt Nam cộng hòa (ở miền Nam) đã được quốc hữu hóa và sáp nhập vào hệ thống Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cùng thực hiện nhiệm vụ thống nhất tiền tệ trong cả nước, phát hành các loại tiền mới của nước CHXHCN Việt Nam, thu hồi các loại tiền cũ ở cả hai miền Nam - Bắc vào năm 1978.

Trong ba năm đầu sau ngày miền nam giải phóng, để có một thời gian đệm cần thiết và quan trọng, hai miền vẫn dùng hai đồng tiền khác nhau: Miền Bắc vẫn là tiền NHNNVN, miền Nam tiếp tục dùng tiền của chính quyền cũ. Ngày 3/5/1975 chính quyền cách mạng tiếp quản NHQG của Ngụy quyền Sài gòn, và vẫn sử dụng đồng tiền của chế độ cũ trong lưu thông để không gây rối loạn trong lưu thông tiền tệ ở miền Nam những ngày đầu giải phóng. Ngày 6/6/1975 - 5 tuần sau ngày giải phóng, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt nam đã ra Nghị định số 04/PCT - 75 về thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Đến ngày 22/ 9/1975, dưới sự lãnh đạo của Bộ chính trị và TW đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam đã tổ chức cuộc đối tiền trên quy mô toàn miền Nam, để đưa đồng tiền mới lấy tên là "Tiền Ngân hàng Việt Nam" (còn gọi là tiền giải phóng) vào lưu thông với tỷ lệ 1 đồng NHVN ăn 500đ tiền của chế độ cũ và tương đương với 1 USD. Ngày 2/5/ 1978 - Đúng dịp kỷ niệm ba năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, Nhà nước CHXHCN Việt Nam công bố đổi tiền lần thứ ba trên phạm vi toàn quốc, thống nhất tiền tệ cả nước với tỷ lệ 1đ tiền NHNN cũ ở miền Bắc hoặc 0,8 đồng tiền Giải phóng ở miền Nam băng 1đ NHNN mới.

5. Thời kỳ từ năm 1979 - 1985

Ngay sau đợt đổi tiền năm 1978 do nền kinh tế nói chung còn ở trình độ quá nghèo nàn, lạc hậu, lại do những sai lầm trong cải tạo các thành phần kinh tế - nhất là cải tạo giới công thương nghiệp miền Nam để áp dụng cơ chế bao cấp giống như ở miền Bắc trong cả nước, nên lạm phát đã liên tục gia tăng - Từ chỗ giá trị đồng tiền mới sát với sức mua của đồng Dola Mỹ (I,25 đ/1USD) đã nhanh chóng bị “giãn ra”. Đồng tiền NHNN VN mất giá mạnh so với đồng USD, đến trước ngày đổi tiền tháng 9/1985 tỷ giá giữa đồng tiền NHNN VN so với đồng USD đã là: 150đ/USD.

Tiền Việt Nam được đảm bảo bằng bản vị sức mua hàng hóa dịch vụ. Dưới hình thức tiền giấy và tiền kim loại có mệnh giá nhỏ.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của lưu thông hàng tiền và nạn khan hiếm tiền mặt nghiêm trọng trong thanh toán, ngày 14/9/1985 Nhà nước lại phải công bố đối tiền lần thứ tư theo tỷ lệ lOđ tiền NHNN cũ bằng lđ tiền NHNN mới. Tuy nhiên lẽ ra trước khi làm cuộc cách mạng về tiền thì Chính Phủ phải làm cuộc cách mạng về giá và lương, nhưng ta đã làm theo quy trình ngược: Tiền - Lương Giá. Hậu quả là cuộc đổi tiền năm 1985 đã bị coi là không thành công nhất trong lịch sử lưu thông tiền tệ Việt nam - Ngay sau khi đối tiền, tình trạng lạm phát tiếp tục gia tăng hơn bao giờ hết - chỉ 3,5 tháng sau ngày đổi tiền, Nhà nước đã phải cho phát hành thêm vào lưu thông một khối lượng lớn tiền, tương đương với 1,38 lần khối lượng tiền mới đã phát hành trong đợt đổi tiền trước đó để phục vụ công cuộc cải cách lương và giá. Tiếp đó lại là. một quá trình diễn biến phức tạp mới về quan hệ tiền - hàng và kết quả là lạm phát đã không ngừng gia tăng.

Đến cuối những năm 1980, hệ thống Ngân hàng Nhà nước về cơ bản vẫn hoạt động như là một công cụ ngân sách Nhà nước, chưa thực hiện các hoạt động kinh doanh tiền tệ theo nguyên tắc thị trường.

Sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống ngân hàng - chuyển dần sang hoạt động theo cơ chế thị trường chỉ được bắt đầu khởi xướng từ cuối những năm 80, và kéo dài cho tới ngày nay.

6. Thời kỳ từ năm 1986 - 2003

Năm 1986, lạm phát tới trên 774% ngay đôi với đồng tiền mệnh giá mới đã gấp K 10 lần đồng tiền mệnh giá cũ (nếu so với mệnh giá cũ năm 1985 thì mức lạm phát năm 1986 là trên 7700% = 77 lần) - Cơ chế tập trung quan liêu bao cấp do kéo dài quá lâu đã trở thành vật cản, và là nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm trì trệ nền kinh tế đất nước sau mười một năm giải phóng - Những say sưa trên ánh hào quang chiến thắng đã dần nhường chỗ cho những lo toan trăn trở trước vận mệnh mới của đất nước: nền kinh tế vẫn trong thế bị bao vây, cấm vận; vẫn là một nền kinh tế tiểu nông sản xuất nhỏ mang nặng bóng dáng của một thời kỳ đóng cửa, tự cấp, tự túc; Lưu thông hàng hóa, lưu thông tiền tệ vừa không phát triển, vừa tự phát phân hóa thành những mạch ngầm; Các hiện tượng “chợ đen”, “phá rào”, “hụi họ”, "núp bóng"... mọc lên như nấm từ những năm đầu của thập niên 1980 của thế kỷ 20 và đỉnh cao là cuộc tổng điều chỉnh giá - lương - tiền năm 1985 có nhiều sai lầm. Sự tan rã của “phong trào” hợp tác xã nông nghiệp từ cấp thấp đến cấp cao đã bức bách đòi hỏi phải chuyển sang cơ chế khoán, mà sau này là “giao” lại ruộng đất thời hạn dài cho Nông dân (NQ 10 của Bộ Chính Trị năm 1988); Trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ cũng có những “đỉnh cao” riêng - Đó là cuộc đổ vỡ tín dụng dây chuyền từ năm 1988 đến 1990, gây thất thoát nhiều ngàn tỷ đồng đã làm suy giảm niềm tin trong nhân dân vào tính ổn định của đồng tiền Việt Nam.

Có thể nói cho đến cuối thập niên 1980 của thế kỷ XX, gần tròn 40 năm kể từ sau khi thành lập NHQG Việt Nam, nền tiền tệ của Việt Nam vẫn cơ bản là một nền tiền tệ tài chính. Quan hệ hàng hóa - tiền tệ bị che lấp bởi quan hệ phân phối hiện vật, đồng tiền Việt Nam chưa bao giờ có bản vị hàm lượng kim khí hoặc đá quý. Sức mua thực tế môn luôn bị giảm sút ngay cả khi giá trị danh nghĩa được nhân lên sau mỗi lần đổi tiền - Hình ảnh bán trâu gửi tiết kiệm nhưng sau 1 hoặc 2 năm khi rút ra cả vốn lẫn lãi không đủ để mua lại 1 con gà vào những năm cuối thập niên 1980 của thế kỷ 20 là những sự thật đau xót, đã một thời hằn vào trí nhớ của nhiều người Việt Nam. Trong khi đó chiến tranh biên giới, chiến tranh hải đảo liên tục đe dọa. Mặt khác vì an ninh Quốc gia và khu vực, ta vẫn phải gửi một đội quân tình nguyện với trang thiết bị, hậu cần tự túc sang giúp láng giềng Cambodia thoát họa PônPốt; Quan hệ với các nước trong phe XHCN thì ngày càng bị xấu đi - Đất nước lại rơi vào một cuộc khủng hoảng cực kỳ nghiêm trọng trên mọi lĩnh vực Kinh tế, An ninh, Xã hội, Chính trị... Mức lương bình quân/tháng của công chức Nhà nước vào những năm của hơn 10 năm sau ngày giải phóng không đủ để sông ở mức trung bình quá 10 ngày!

Trước tình hình cực kỳ khó khăn đó, Đại Hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ VI năm 1986 đã công khai đánh giá một cách trung thực, thẳng thắn và toàn diện về cuộc khủng hoảng nghiêm trọng của đất nước, đồng thời khởi xướng một cuộc cách mạng rộng lớn về cơ chế quản lý chưa từng thấy trong lịch sử Kinh tế Việt Nam - Hạt nhân của cuộc cách mạng này là chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang cơ hạch toán kinh doanh, tính đúng, tính đủ, và sau này là chế thị trường có sự quản lý vĩ mô của Nhà nước - Đáp ứng đúng tính khách quan của xu thế phát triển và đã nhanh chóng, đi vào cuộc sống, xâm nhập vào mọi cấp, mọi ngành - Trong đó Ngân hàng được xem là một trong những ngành đột phá khẩu của cuộc cách mạng vĩ đại này:

Từ tháng 5/1990, hai Pháp lệnh Ngân hàng (NH) ra đời đã chính thức chuyển cơ chế hoạt động của hệ thống NHVN từ một cấp sang hai cấp - Trong đó lần đầu tiên đối tượng, nhiệm vụ và mục tiêu hoạt động của mỗi cấp được Luật pháp phân biệt rạch ròi: NHNN thực thi nhiệm vụ Quản lý Nhà nước về hoạt động NH và thực thi nhiệm vụ của một NHTW - Là Ngân hàng phát hành tiền; Là NH của các NH và là NH của Nhà nước. Trong điều hành chính sách tiền tệ, lấy nhiệm vụ giữ ổn định giá trị đồng tiền làm mục tiêu chủ yếu, và chi phối căn bản các chính sách cụ thể đối với hệ thống các NH cấp hai - cấp NHKD thuộc lĩnh vực lưu thông tiền tệ, tín dụng, thanh toán, ngoại hối và dịch vụ NH trong toàn nền KTQD.

Kể từ khi hai Pháp lệnh NH được triển khai, quan điểm về cơ cấu NH đa thành phần đã hình thành cả ở khu vực sở hữu NH và khu vực khách hàng của NH. Bắt đầu từ năm 1991 NHNN áp dụng cơ chế lãi suất thực dương, khép dần khoảng cách giữa lãi suất nội tệ và lãi suất ngoại tệ, điều chỉnh lãi suất thích ứng với cơ chế thị trường. Đã chấm dứt cơ chế “đông cứng” tỷ giá từ 1993, gắn chính sách tỷ giá với quan hệ xuất nhập khẩu và quan hệ cung cầu trên thị trường ngoại tệ; Đồng thời có chính sách quản lý ngoại hối chặt chẽ - Từng bước thực thi nguyên tắc trên đất Việt Nam chỉ tiêu tiền Việt Nam, tích cực chống lại hiện tượng Đôla hóa. NHTW tăng cường quản lý vĩ mô thông qua các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, như tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hạn mức tái cấp vốn, lãi suất tái cấp vốn và tồ chức các dạng thị trường vốn ngắn hạn như: Thị trường nội tệ liên NH; Thị trường ngoại tệ liên NH; Thị trường đấu thầu tín phiếu kho bạc và Thị trường tín dụng truyền thống. Bắt đầu từ 1994 đã xuất hiện hình thức sơ khai của thị trường sơ cấp về các công cụ nợ trung hạn như kỳ phiếu Ngân hàng thương mại, tín dụng xây dựng nhà ở có điều kiện, huy động có bảo đảm bằng vàng;

Quá trình phát triển này đã tạo môi trường để đưa công cụ nghiệp vụ thị trường mở vào sử dụng từ tháng 8/2000, ngay sau khi đã góp phần đưa Thị trường vốn dài hạn vào hoạt động (TTCK) ở Việt nam từ tháng 7 năm 2000. Trong những năm qua hệ thống NHVN cũng đã không ngừng triển khai chương trình hiện đại hóa công nghệ NH. Đến nay hầu hết các hệ thống NHNN và NHTM QD đã nối mạng thông qua từ TW đến các chi nhánh khu vực và cơ sở. Mở ra nhiều hình thức thanh toán thuận tiện như máy rút tiền tự động ATM, gửi một nơi rút ra ở nhiều nơi v.v... Tốc độ thanh toán đã tăng mạnh - Toàn nền kinh tế đã chấm dứt nạn khan hiếm phương tiện thanh toán trong khi vẫn giữ được sức mua của VND ngày càng ổn định. Nhờ phát triển các công cụ và hình thức thanh toán, tỷ lệ tiền mặt chiếm trong cơ cấu của tổng phương tiện thanh toán đã giảm dần. Bắt đầu từ 1994, chính sách cung ứng tiền đã gắn liền với kỹ thuật phân tích và quản lý động thái của lưu thông tiền tệ, chủ yếu thông qua động thái của tổng phương tiện thanh toán, song song với động thái của lượng tiền mặt trong lưu thông.

Ngày 12/12/1997 Quốc Hội nước CHXHCNVN khóa X kỳ họp thứ hai đã ban hành Luật NHNNVN đây là một cấp độ mới của bậc thang phát triển Pháp lý về NH - Theo đó cơ chế điều hành và công cụ của chính sách tiền tệ đã đổi mới mạnh mẽ theo hướng gián tiếp hóa, thị trường hóa và hiện đại hóa.

Ngày 17/6/2003 Quốc Hội khóa 11 đã thông qua Luật Sửa đổi Bổ sung một số điều của NHNNVN. Trong Chương III mục 2 “phát hành tiền giấy và tiền kim loại” đã quy định bằng pháp luật những vấn đề chủ yếu sau:

  • Đơn vị tiền tệ
  • Phát hành tiền
  • In đúc, bảo quản, vận chuyển, phát hành, tiêu hủy tiền
  • Xử lý tiền rách nát hư hỏng
  • Thu hồi, thay thế tiền
  • Tiền mẫu, tiền lưu niệm
  • Ban hành và kiểm tra giám sát thực hiện quy chế nghiệp vụ phát hành tiền
  • Các hành vi bị nghiêm cấm

7. Thời kỳ từ năm 2003 đến nay

Những năm gần đây, Việt Nam cho ra đời tiền kim loại có mệnh giá nhỏ kết hợp với việc in tiền mới (đổi chất liệu in từ cotton sang polymer), nhưng một số tờ tiền mới in đã gặp vài lỗi kỹ thuật.

Đến nay hầu hết các hệ thống NHNN và NHTM QD đã nối mạng thông suốt từ TW đến các chi nhánh khu vực và cơ sở, mở ra nhiều hình thức thanh toán thuận tiện như máy rút tiền tự động ATM, gửi một nơi rút ra ở nhiều nơi v.v. Tốc độ thanh toán đã tăng mạnh - Toàn nền kinh tế đã chấm dứt nạn khan hiếm phương tiện thanh toán trong khi vẫn giữ được sức mua của VND ngày càng ổn định. Nhờ phát triển các công cụ và hình thức thanh toán, tỷ lệ tiền mặt chiếm trong cơ cấu của tổng phương tiện thanh toán đã giảm dần

Nhờ có tốc độ tăng trưởng bình quân những năm gần đây cao, khoảng 7-8% đặc biệt là sự kiện ngày 11/1/2007 - Việt Nam chính thức trở thành thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO), nên vị thế của đồng tiền Việt Nam đã được nâng cao trên trường quốc tế.

-----------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Chế độ lưu thông tiền tệ ở Việt Nam về đặc điểm của quá trình hình thành tiền tệ qua các thời kì ở nước ta...

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Chế độ lưu thông tiền tệ ở Việt Nam. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm