Đề đọc hiểu Ngữ văn ôn thi THPT Quốc Gia số 32
Đề đọc hiểu Ngữ văn ôn thi THPT Quốc Gia
VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh Đề đọc hiểu Ngữ văn ôn thi THPT Quốc Gia số 32. Nội dung tài liệu kèm theo lời giải chi tiết sẽ giúp các bạn học sinh học tốt Ngữ văn 10. Mời các bạn tham khảo.
Đề đọc hiểu Ngữ văn ôn thi THPT Quốc Gia số 28
Đề đọc hiểu Ngữ văn ôn thi THPT Quốc Gia số 29
Đề bài
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:
Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
Những mùa quả lặn rồi lại mọc
Như mặt trời khi như mặt trăng
Lũ chúng tôi từ bàn tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Nhỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi
(Mẹ và quả - Nguyễn Khoa Điềm)
Câu 1. Đoạn thơ thể hiện suy tư, tình cảm gì của người con?
Câu 2. Điệp ngữ “những mùa quả” kết hợp với những hình ảnh “lặn rồi lại mọc” gợi tả điều gì?
Câu 3. Hai câu thơ “Lũ chúng tôi từ bàn tay mẹ lớn lên/Còn những bí và bầu thì lớn xuống” được triển khai theo hình thức nghệ thuật nào và có ý nghĩa gì?
Câu 4. “Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn…” là một trong những hình ảnh tài hoa nhất của bài thơ. Hãy xác định thủ pháp nghệ thuật mà nhà thơ dùng để xây dựng hình ảnh và ý nghĩa thẩm mĩ của nó.
Lời giải chi tiết
Câu 1.
Bài thơ thể hiện suy tư về mẹ đặc biệt là về mối quan hệ mẹ và con (mẹ và quả), mẹ là người gieo trồng trên mảnh vườn cây, “vườn người”; quả và con là thứ thành quả chắt chiu bao công sức của mẹ; Tiếng nói ân tình, bày tỏ niềm biết ơn với công lao, tâm đức của người mẹ
Câu 2.
Điệp ngữ “những mùa quả” kết hợp với hình ảnh “lặn rồi lại mọc” đồng hiện mùa hoa trái theo thời gian và hình ảnh người mẹ như người gieo trồng, hái lượm tảo tần, chịu thương chịu khó qua năm tháng.
Câu 3.
Hai câu thơ “Lũ chúng tôi từ bàn tay mẹ lớn lên...” tổ chức theo hình thức đối vừa tương đồng và tương phản (Lớn lên và lớn xuống), tạo ra sự chuyển nghĩa liên tưởng thú vị: Chúng tôi - con cái chính là một thứ quả mà mẹ cũng gieo trồng, chăm sóc tận tụy, hy sinh lặng thầm. Hóa ra mẹ không chỉ là người trồng vườn mà còn là người chăm sóc “cây người ”
Câu 4.
Hình ảnh “chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn” là kiểu hình ảnh so sánh, ví von dáng bầu bí như giọt mồ hôi mặn của mẹ. Đó là cách hình tượng hóa giọt mồ hôi nhọc nhằn, giọt mồ hôi xanh kết tụ từ những vất vả, hi sinh của mẹ. Câu thơ thầm ca ngợi công lao mà cũng là bày tỏ lòng biết ơn của con với mẹ.
-----------------------
Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu Thi thpt Quốc gia môn Văn, Thi thpt Quốc gia môn Lịch sử, Thi thpt Quốc gia môn Địa lý mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.