Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9 huyện Phù Ninh, Phú Thọ năm 2015 - 2016

Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9

Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9 năm học 2015 - 2016 phòng GD&ĐT Phù Ninh, Phú Thọ là đề tham khảo dành cho các bạn học sinh và thầy cô nghiên cứu, học tập tốt môn Địa lý lớp 9 cũng như luyện tập và làm quen với nhiều đề học sinh giỏi hơn nhằm chuẩn bị tốt nhất cho các kì thi sắp diễn ra. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9 Sở GD&ĐT Nghệ An năm học 2015 - 2016 bảng B

Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9 Sở GD&ĐT Nghệ An năm học 2015 - 2016 bảng A

Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9 Phòng GD&ĐT Phù Ninh, Phú Thọ năm học 2016 - 2017

Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9 Phòng GD&ĐT Đoan Hùng, Phú Thọ năm học 2016 - 2017

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO PHÙ NINH

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 NĂM HỌC 2015-2016
Môn: Địa lý
Thời gian: 120 phút (không kể thời gian giao đề)

Câu 1 (4,0 điểm): Dựa vào Atlát Địa lý Việt Nam và kiến thức đã học, nhận xét và giải thích sự phân bố lượng mưa trên lãnh thổ nước ta.

Câu 2 (2,0 điểm): Chứng minh Việt Nam là nước đông dân, cơ cấu dân số trẻ, mật độ dân số cao. Vì sao tỉ lệ gia tăng tự nhiên của dân số giảm nhưng số dân vẫn tăng nhanh?

Câu 3 (5,0 điểm): Phân tích các nhân tố tự nhiên và kinh tế xã hội ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố ngành công nghiệp nước ta.

Câu 4 (5,0 điểm): Dựa vào Atlat địa lí Việt Nam và kiến thức đã học:

1. Hãy phân tích những điều kiện thuận lợi và khó khăn đối với sự phát triển kinh tế xã hội của vùng Đồng bằng Sông Hồng?

2. Nêu ý nghĩa của việc phát triển nghề rừng theo hướng Nông Lâm kết hợp ở Trung du và miền núi Bắc Bộ

Câu 5 (4,0 điểm) Cho bảng số liệu sau:

Diện tích cây công nghiệp nước ta giai đoạn 1990 2010

(Đơn vị: nghìn ha)

Năm19901995200020072010
Cây công nghiệp hàng năm542,0716,7778,1864,0797,6
Cây công nghiệp lâu năm657,3902,31.451,31.821,02.010,5
Tổng số1.199,31.619,02.229,42.685,02.808,1

Em hãy:

1. Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện tình hình phát triển diện tích cây công nghiệp của nước ta giai đoạn 1990 2010.

2. Nhận xét về tình hình phát triển diện tích cây công nghiệp của nước ta giai đoạn 1990 2010 và giải thích vì sao diện tích cây công nghiệp lâu năm liên tục tăng?

Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9

Câu 1 (4,0 điểm): Dựa vào Atlát Địa lý Việt Nam và kiến thức đã học, nhận xét và giải thích sự phân bố lượng mưa trên lãnh thổ nước ta.

Lượng mưa trung bình năm khá lớn, TB 1500mm - 2000mm do ảnh hưởng của biển, gió Tây nam ẩm ướt và bức chắn địa hình. (0,5đ)

Lượng mưa phân hóa theo mùa với 1 mùa mưa và mùa khô rõ rệt trong năm do chịu sự chi phối của hoàn lưu gió mùa. (0,5đ)

  • Mùa khô từ tháng 11 - 4, mưa ít, lượng mưa thấp do tác động của gió mùa Đông Bắc lạnh khô và Tín phong khô nóng. (0,25đ)
  • Mùa mưa từ tháng 5 - 10, mưa nhiều, lượng mưa lớn do gió tây nam, dải hội tụ nhiệt đới, bão... (0,25đ)
  • Thời gian mùa mưa và mùa khô khác nhau giữa các khu vực, các địa phương. (0,25đ)

Miền Nam, miền Bắc và Tây Nguyên: mưa vào hạ - thu (tháng 5 - 10) do gió mùa Tây Nam ẩm ướt. (0,25đ)

Duyên hải miền trung mùa hạ khô do nằm ở sườn khuất gió. Mưa vào thu-đông do chịu tác động của frông, dải hội tụ nhiệt đới, bão... (0,25đ)

Lượng mưa phân hóa khác nhau giữa các vùng lãnh thổ, các địa phương (0,25đ)

  • Những khu vực nhiều mưa, lượng mưa rất lớn (>2800 mm/năm): Huế - Đà Nẵng, Móng Cái, Hoàng Liên Sơn... do nằm ở sườn đón gió, dải hội tụ nhiệt đới, bão... (0,5đ)
  • Những khu vực ít mưa, lượng mưa rất thấp (<400 mm/năm): Lạng Sơn, cực nam Trung Bộ...đều nằm ở vùng khuất gió, địa hình thấp hoặc song song với các hướng gió... (0,5đ)
  • Khu vực mưa trung bình, (1600-2000 mm/n) phân bố rộng khắp do nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới ẩm gió mùa, tác động của biển, độ ẩm cao. (0,5đ)

Câu 2: Chứng minh Việt Nam là nước đông dân, cơ cấu dân số trẻ, mật độ dân số cao.

* Việt Nam là nước đông dân: (0,5đ)

  • Năm 2002, số dân nước ta là 79,7 triệu người (sách giáo khoa địa lí 9) (HS có thể lấy số liệu At lát Địa lí Việt Nam hoặc số liệu ngày 1/11/2013 là 90 triệu người)
  • Với số dân này nước ta đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, thứ 13 trên thế giới trong khi diện tích nước ta đứng thứ 58 trên thế giới.

* Cơ cấu dân số trẻ: (0,5đ)

Số người dưới và trong độ tuổi lao động chiếm tỉ lệ cao, trên độ tuổi lao động chiếm tỉ lệ thấp

Năm 1999:

  • Nhóm 0 – 14 tuổi (dưới tuổi lao động): 33,5%
  • Nhóm 15 – 59 tuổi (trong tuổi lao động): 58,4%
  • Nhóm 60 tuổi trở lên (trên tuổi lao động): 8,1%

* Mật độ dân số cao:

Năm 2003: 246 người/km2 (mật độ dân số thế giới 47 người/km2) (0,25đ)

Tỉ lệ gia tăng tự nhiên của dân số giảm nhưng số dân vẫn tăng nhanh vì: (0,75đ)

  • Nước ta có dân số đông, quy mô dân số lớn
  • Nước ta có cơ cấu dân số trẻ, số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ cao
  • Tỉ lệ gia tăng tự nhiên của dân số giảm nhưng vẫn thuộc loại cao trên thế giới

Câu 3: Phân tích các nhân tố tự nhiên và kinh tế xã hội ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố ngành công nghiệp nước ta.

1. Các nhân tố tự nhiên: (2,5 điểm)

  • Nước ta có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng tạo cơ sở về nguyên, nhiên liệu và năng lượng để phát triển cơ cấu công nghiệp đa ngành. Các nguồn tài nguyên có trữ lượng lớn là cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm. (0,5đ)
  • Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú: Nhiên liệu (than, dầu, khí); kim loại (sắt, mangan, crôm, đồng, thiếc, chì kẽm,...); phi kim (apatit, pirit, photphorit,...); vật liệu xây dựng (sét, đá vôi,...) tạo cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp năng lương, luyện kim, hoá chất, vật liệu xây dựng... (0,5đ)
  • Nước ta có hệ thống sông ngòi dày đặc, nhiều sông có giá trị lớn về thuỷ năng tạo điều kiện phát triển công nghiệp năng lượng (thuỷ điện). (0,5đ)
  • Tài nguyên đất, nước, khí hậu, rừng, nguồn lợi sinh vật biển nước ta rất đa dạng. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản. (0,5đ)
  • Sự phân bố tài nguyên thiên nhiên trên lãnh thổ tạo ra các thế mạnh khác nhau của các vùng. (0,5đ)

2. Các nhân tố kinh tế xã hội: (2,5 điểm)

Dân cư và lao động: (0,5đ)

  • Nước ta có số dân đông, sức mua đang tăng lên, tạo nên thị trường trong nước rộng lớn.
  • Nguồn lao động dồi dào và có khả năng tiếp thu khoa học – kĩ thuật, tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp cần nhiều lao động và cả một số ngành công nghệ cao. Đây là một điều kiện hấp dẫn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp.

Cơ sở vật chất – kĩ thuật trong công nghiệp và hạ tầng cơ sở: (0,75đ)

  • Cơ sở vật chất chưa đồng bộ và chỉ phân bố tập trung ở một số vùng. Trình độ công nghệ của nhiều ngành công nghiệp nước ta còn thấp, hiệu quả sử dụng thiết bị chưa cao, mức tiêu hao năng lượng và nguyên vật liệu còn lớn.
  • Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, cung cấp điện, nước,... đang từng bước được cải thiện, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm.

Chính sách phát triển công nghiệp: (0,5đ)

  • Chính sách công nghiệp hoá và chính sách đầu tư phát triển công nghiệp.
  • Phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, khuyến khích đầu tư nước ngoài và trong nước, đổi mới cơ chế quản lí kinh tế và đổi mới chính sách kinh tế đối ngoại.

Thị trường: (0,75đ)

  • Hàng công nghiệp nước ta có thị trường trong nước rộng lớn, nhưng đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi hàng ngoại nhập.
  • Hàng công nghiệp nước ta có lợi thế nhất định trong xuất khẩu sang các nước công nghiệp phát triển, nhưng còn hạn chế về mẫu mã, chất lượng,... Sức ép của thị trường đã và đang làm cho cơ cấu công nghiệp nước ta trở nên đa dạng, linh hoạt hơn.

Câu 4:

Dựa vào Atlat địa lí Việt Nam trang (....) (Nếu thiếu trừ 0,25 điểm)

1. Những điều kiện thuận lợi và khó khăn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng Đồng Bằng Sông Hồng (4,0đ)

* Thuận lợi: (3,0)

Điều kiện tự nhiên:

  • Có vị trí thuận lợi trong giao lưu kinh tếxã hội với các vùng trong cả nước. (0,25đ)
  • Địa hình tương đối bằng phẳng. (0,25đ)
  • Khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm, có một mùa đông lạnh là điều kiện thuận lợi để đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính. (0,25đ)
  • Hệ thống sông ngòi dày đặc (lớn nhất là sông Hồng, sông Thái Bình) có lượng nước dồi dào quanh năm, thuận lợi cho tưới tiêu. (0,25đ)
  • Đất phù sa sông Hồng rất màu mỡ thích hợp cho thâm canh lúa nước. (0,25đ)
  • Nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú là cơ sở để phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp năng lượng. (0,25đ)
  • Tài nguyên biển phong phú thuận lợi cho khai thác, nuôi trồng thủy sản (0,25đ)

Điều kiện dân cư xã hội: (1,25đ)

  • Là vùng dân cư đông đúc nhất nước ta, nguồn lao động dồi dào, mặt bằng dân trí cao. (0,25đ)
  • Kết cấu hạ tầng nông thôn hoàn thiện nhất cả nước. (0,25đ)
  • Cơ sở vật chất – kỹ thuật ngày càng hoàn thiện (0,25đ)
  • Tập trung nhiều di tích, lế hội, làng nghề truyền thống..... (0,25đ)
  • Một số đô thị được hình thành từ lâu đời (Thành phố Hà Nội, Hải Phòng). (0,25đ)

* Khó khăn: (1,0)

  • Mùa đông khí hậu lạnh, ẩm, nấm mốc sâu bệnh dễ phát triển ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. (0,25đ)
  • Mật độ dân số cao, kinh tế chuyển dịch chậm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. (0,25đ)
  • Diện tích đất phèn, đất lầy thụt lớn cần được cải tạo. (0,25đ)
  • Mùa lũ nước sông Hồng dâng cao gây ngập lụt, khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. (0,25đ)

2. Ý nghĩa của việc phát triển nghề rừng theo hướng nônglâm kết hợp ở Trung du và miền núi Bắc Bộ (1,0đ)

  • Tăng độ che phủ rừng. Hạn chế lũ quét, xói mòn đất. (0,25đ)
  • Cải thiện điều kiện sinh thủy cho các dòng sông, điều tiết nước cho các hồ thủy điện và thủy lợi. (0,25đ)
  • Là cơ sở nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất giấy. (0,25đ)
  • Góp phần sử dụng lao động nhàn rỗi trong nông nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc. (0,25đ)

Câu 5:

1. Vẽ biểu đồ (2,0đ)

Vẽ biểu đồ cột chồng giá trị tuyệt đối.

Yêu cầu: đúng dạng biểu đồ, chính xác, có tên biểu đồ, đơn vị, chú giải, số liệu ghi trên biểu đồ.

Lưu ý:

  • Vẽ biểu đồ khác: không cho điểm.
  • Nếu thiếu 1 trong các yêu cầu trên thì trừ 0,25 điểm/yêu cầu. 2,0

2. Nhận xét về tình hình phát triển diện tích cây công nghiệp và giải thích vì sao diện tích cây công nghiệp lâu năm ở nước ta liên tục tăng

a) Nhận xét (1,5 đ)

Trong giai đoạn 1990 - 2010, tổng diện tích cây công nghiệp, cây công nghiệp lâu năm và cây công nghiệp hàng năm đều tăng. (0,25đ)

Trong đó:

Tổng diện tích cây công nghiệp tăng nhanh từ 1.199,3 nghìn ha lên 2.808, 1 nghìn ha, trong vòng 20 năm tăng thêm 1.608,8 nghìn ha, tăng gấp 2,34 lần. (0,25đ)

  • Diện tích cây công nghiệp lâu năm tăng rất nhanh từ 657,3 nghìn ha lên 2.010,5 nghìn ha, trong vòng 20 năm tăng thêm 1.353,2 nghìn ha, tăng gấp 3,1 lần. (0,25đ)
  • Diện tích cây công nghiệp hàng năm tăng chậm từ 542,0 nghìn ha lên 797,6 nghìn ha, trong vòng 20 năm tăng thêm 255,6 nghìn ha, tăng gấp 1,5 lần. (0,25đ)

Cơ cấu diện tích cây công nghiệp có sự thay đổi:

  • Cây công nghiệp lâu năm chiếm ưu thế và đang có xu hướng tăng dần tỉ trọng từ 54,8 % lên 71,6%. (0,25đ)
  • Cây công nghiệp hàng năm giảm dần tỉ trọng từ 45,2% xuống 28,4%. (0,25đ)

b) Diện tích cây công nghiệp lâu năm tăng là do (0,5 đ)

  • Nước ta có điều kiện tự nhiên (đất, khí hậu...) thuận lợi cho sản xuất cây công nghiệp.
  • Thị trường mở rộng, nhất là thị trường xuất khẩu. (0,25đ)
  • Chính sách phát triển cây công nghiệp của nhà nước.
  • Các điều kiện khác: công nghiệp chế biến, lao động, cơ sở vật chất... (0,25đ)
Đánh giá bài viết
1 3.668
Sắp xếp theo

    Địa lý lớp 9

    Xem thêm