Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9 Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc năm học 2015 - 2016
Đề thi học sinh giỏi cấp Tỉnh môn Địa lý lớp 9
Để hỗ trợ các bạn học sinh lớp 9 trong việc tìm kiếm những tài liệu chất lượng phục vụ cho quá trình ôn thi học sinh giỏi cấp Tỉnh môn Địa lý. VnDoc.com đã sưu tầm và xin được gửi tới bạn: Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9 Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc năm học 2015 - 2016.
Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9 Phòng GD&ĐT Đoan Hùng, Phú Thọ năm học 2016 - 2017
Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9 Phòng GD&ĐT Phù Ninh, Phú Thọ năm học 2016 - 2017
Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9 Sở GD&ĐT Nghệ An năm học 2015 - 2016 bảng A
Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9 Sở GD&ĐT Nghệ An năm học 2015 - 2016 bảng B
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC | KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 NĂM HỌC 2015 - 2016 ĐỀ THI MÔN: ĐIA LÍ Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian giao đề. |
Câu I (2,0 điểm)
1. Nhà thơ Phạm Tiến Duật từng viết: "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây bên nắng đốt, bên mưa quây". Hãy cho biết hiện tượng "nắng đốt" và "mưa quây" xảy ra ở sườn nào của dãy Trường Sơn và vào mùa nào? Giải thích hiện tượng trên.
2. Hãy nêu những thành tựu trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống ở nước ta.
Câu II (3,0 điểm)
1. Tại sao công nghiệp năng lượng là ngành công nghiệp trọng điểm của nước ta?
2. Phân tích những điều kiện thuận lợi và khó khăn về tự nhiên đối với sự phát triển và phân bố ngành giao thông vận tải nước ta.
Câu III (2,0 điểm)
1. Chứng minh rằng Đồng Bằng Sông Hồng có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch.
2. Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp phải vấn đề khó khăn lớn nào về tự nhiên? Giải thích nguyên nhân, nêu hậu quả của nó đến sản xuất và biện pháp khắc phục.
Câu IV (3,0 điểm)
Dựa vào bảng số liệu: Giá trị sản xuất nông nghiệp phân theo ngành của nước ta giai đoạn 2000 - 2012. (Đơn vị: Nghìn tỉ đồng)
Năm | 2000 | 2005 | 2010 | 2012 |
Tổng số | 129,1 | 183,3 | 540,2 | 746,5 |
Trồng trọt | 101,0 | 134,8 | 396,7 | 533,2 |
Chăn nuôi | 24,9 | 45,1 | 135,1 | 200,9 |
Dịch vụ nông nghiệp | 3,2 | 3,4 | 8,4 | 12,4 |
1. Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện sự chuyển dịch cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp phân theo ngành của nước ta giai đoạn từ 2000 đến 2012.
2. Qua biểu đồ đã vẽ rút ra nhận xét và giải thích.
----------Hết----------
Thí sinh được sử dụng Atlat địa lí Việt Nam. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH MÔN ĐỊA LÝ LỚP 9
I. LƯU Ý CHUNG:
- Khi chấm bài, học sinh làm theo cách khác, nếu đúng và đủ ý thì vẫn cho điểm tối đa.
- Điểm toàn bài giữ nguyên (không làm tròn).
II. HƯỚNG DẪN CHẤM:
Câu I (2,0 điểm)
1. Nhà thơ Phạm Tiến Duật từng viết: "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây bên nắng đốt, bên mưa quây". Hãy cho biết hiện tượng "nắng đốt" và "mưa quây" xảy ra ở sườn nào của dãy Trường Sơn và vào mùa nào? Giải thích hiện tượng trên.
- Hiện tượng "nắng đốt" ở sườn Đông, "mưa quây" ở sườn Tây của dãy Trường Sơn.
- Thời gian vào mùa hạ (từ tháng 5 đến tháng 10).
- Giải thích: Vào mùa hạ gió mùa Tây Nam thổi tới gặp dãy Trường Sơn chắn gió, gây mưa nhiều ở sườn đón gió (sườn Tây của dãy Trường Sơn) và gây ra hiệu ứng fơn khô nóng ở sườn khuất gió (sườn Đông của dãy Trường Sơn).
2. Hãy nêu những thành tựu trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống ở nước ta.
* Đời sống người dân đã và đang được cải thiện:
- Tỉ lệ người lớn biết chữ đạt trên 90%.
- Mức thu nhập bình quân đầu người tăng.
- Người dân được hưởng các dịch vụ xã hội ngày càng tốt hơn.
- Tuổi thọ trung bình được nâng cao, tỉ lệ tử vong, suy dinh dưỡng của trẻ em ngày càng giảm, nhiều dịch bệnh được đẩy lùi.
Câu II (3,0 điểm)
1. Tại sao công nghiệp năng lượng là ngành công nghiệp trọng điểm của nước ta?
* Khái niệm: Là ngành có thế mạnh lâu dài, đem lại hiệu quả kinh tế cao và có tác động đến các ngành kinh tế khác.
* Công nghiệp năng lượng là ngành công nghiệp trọng điểm vì:
- Thế mạnh lâu dài:
- Nguồn nhiên liệu phong phú: Than antraxít ở Quảng Ninh với trữ lượng hơn 3 tỷ tấn, than nâu, than bùn; dầu khí với trữ lượng vài tỷ tấn dầu, hàng trăm tỷ m3 khí; tiềm năng thủy điện lớn, khoảng 30 triệu KW,...
- Thị trường tiêu thụ rộng lớn, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
- Mang lại hiệu quả cao:
- Đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Than, dầu thô còn phục vụ xuất khẩu thu ngoại tệ; nâng cao đời sống nhân dân, tạo điều kiện để công nghiệp hóa nông thôn.
- Tác động đến các ngành kinh tế khác: Phát triển năng lượng đi trước một bước nhằm tạo cơ sở thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển (dẫn chứng).
2. Phân tích những điều kiện thuận lợi và khó khăn về tự nhiên đối với sự phát triển và phân bố ngành giao thông vận tải nước ta.
* Thuận lợi:
- Tự nhiên nước ta có nhiều thuận lợi đối với sự phát triển và phân bố đầy đủ các loại hình vận tải.
- Nước ta có đường bờ biển dài 3.260km, ven biển có nhiều vũng, vịnh, nhiều hải cảng; nằm gần các tuyến đường biển quốc tế thuận lợi để phát triển giao thông đường biển.
- Lãnh thổ kéo dài theo hướng Bắc - Nam, có dải đồng bằng ven biển thuận lợi cho phát triển giao thông theo chiều Bắc - Nam.
- Mạng lưới sông ngòi dày đặc với nhiều hệ thống sông lớn, lượng nước dồi dào, thuận lợi cho giao thông đường sông phát triển.
* Khó khăn:
- Địa hình nhiều đồi, núi cao; hướng chính là Tây Bắc - Đông Nam, gây khó khăn cho giao thông theo hướng Đông - Tây
- Sông ngòi nước ta dày đặc, mưa bão, lũ lụt,... nên việc xây dựng và bảo vệ đường xá, cầu cống đòi hỏi tốn kém nhiều công sức và tiền của.
Câu III (2,0 điểm)
1. Chứng minh rằng Đồng Bằng Sông Hồng có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch.
- Vị trí giao thông thuận lợi với các vùng trong nước, với nước ngoài,...
- Có tài nguyên du lịch phong phú:
- Tài nguyên du lịch tự nhiên: Thắng cảnh, bãi biển đẹp, vườn quốc gia,... (dẫn chứng).
- Tài nguyên du lịch nhân văn: Di tích văn hóa lịch sử, lễ hội, làng nghề,... (dẫn chứng).
- Cơ sở hạ tầng và mạng lưới đô thị phát triển, có các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng.
2. Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp phải vấn đề khó khăn lớn nào về tự nhiên? Giải thích nguyên nhân, nêu hậu quả của nó đến sản xuất và biện pháp khắc phục.
- Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp phải vấn đề khó khăn về tự nhiên là: Xâm nhập mặn.
- Nguyên nhân: Hiện nay khí hậu của vùng đang là mùa khô nên thiếu nước ngọt, triều cường làm xâm nhập mặn rất nặng nề.
- Hậu quả: Gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, làm cho nhiều diện tích lúa bị chết,...
- Biện pháp khắc phục: Cần có nước ngọt để rửa mặn.
Câu IV (3,0 điểm)
1. Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện sự chuyển dịch cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp phân theo ngành của nước ta giai đoạn từ 2000 đến 2012.
* Xử lí số liệu: Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp phân theo ngành của nước ta giai đoạn 2000 - 2012 (Đơn vị: %)
Năm | 2000 | 2005 | 2010 | 2012 |
Tổng số | 100 | 100 | 100 | 100 |
Trồng trọt | 78,2 | 73,5 | 73,4 | 71,4 |
Chăn nuôi | 19,3 | 24,6 | 25,0 | 26,9 |
Dịch vụ nông nghiệp | 2,5 | 1,9 | 1,6 | 1,7 |
Lưu ý: Nếu thiếu, sai tên bảng số liệu cho 0,25 điểm.
* Vẽ biểu đồ: Biểu đồ miền. Vẽ biểu đồ khác không cho điểm.
- Yêu cầu:
- Vẽ biểu đồ cần đảm bảo chính xác, khoa học; tính thẩm mỹ
- Ghi đủ các nội dung: Tên biểu đồ, kí hiệu, chú giải, số liệu, đơn vị, năm.
- Lưu ý: Nếu thiếu, sai mỗi lỗi trừ 0,25 điểm.
2. Qua biểu đồ đã vẽ rút ra nhận xét và giải thích.
* Nhận xét:
- Tỉ trọng giữa các ngành có sự chênh lệch (dẫn chứng).
- Tỉ trọng của các ngành có sự chuyển dịch từ 2000 đến 2012 (dẫn chứng).
* Giải thích:
- Tỉ trọng ngành trồng trọt cao và giảm do là ngành sản xuất truyền thống dựa trên nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển.
- Tỉ trọng ngành chăn nuôi ngày càng tăng do có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển như: Cơ sở thức ăn, giống, nhu cầu của thị trường ngày càng tăng,...
- Tỉ trọng dịch vụ nông nghiệp nhỏ và còn nhiều biến động do nước ta đang ở giai đoạn đầu, chuyển từ nông nghiệp cổ truyền sang nông nghiệp hàng hóa.