Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn Phòng GD&ĐT Thành phố Bắc Giang năm học 2017 - 2018
Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn
Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn Phòng GD&ĐT Thành phố Bắc Giang năm học 2017 - 2018 là tài liệu ôn thi vào lớp 10 có chất lượng dành cho quý thầy cô và các em học sinh lớp 9 tham khảo, quen dần với các dang đề kiểm tra, từ đó đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới.
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn tỉnh Bắc Giang năm học 2016 - 2017
Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn Phòng GD&ĐT Yên Lạc, Vĩnh Phúc năm học 2017 - 2018
PHÒNG GD& ĐT TP. BẮC GIANG | ĐỀ THI THỬ VÀO LỚP 10 THPT Năm học 2017 - 2018 Môn: Ngữ văn Thời gian làm bài: 120 phút |
Câu 1: (2 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
"Gia đình là ngôi thánh đường đầu tiên cho tuổi thơ những điều hay lẽ phải, niềm tin và lí tưởng sống. Đó là nơi chúng ta tìm về để được an ủi, nâng đỡ. Đó là những món ăn đơn sơ cũng là mĩ vị. Đó là nơi tiền bạc không quý bằng tình yêu. Đó là nơi ngay cả nước sôi cũng reo lên niềm hạnh phúc".
(Trích Phép màu nhiệm của đời)
a. Nội dung của đoạn văn trên nói về vấn đề gì?
b. Câu văn "Đó là nơi ngay cả nước sôi cũng reo lên niềm hạnh phúc" sử dụng biện pháp tu từ gì?
c. Chỉ ra phép liên kết có trong đoạn văn.
d. Xét về cấu tạo ngữ pháp, câu văn sau thuộc kiểu câu gì?: "Đó là nơi chúng ta tìm về để được an ủi, nâng đỡ".
Câu 2: (3 điểm)
Từ đoạn văn trên, hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của em về vai trò, ý nghĩa quan trọng của gia đình trong cuộc sống mỗi con người.
Câu 3: (5 điểm)
Cảm nhận về tình cảnh của ông Sáu (truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng) trong những ngày nghỉ phép.
- Hết-
Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn Văn
Câu 1: Căn cứ vào đoạn văn và trả lời các câu hỏi (2,0)
a. Nội dung của đoạn văn trên nói về vai trò, ý nghĩa quan trọng của gia đình trong cuộc sống mỗi con người. (0,5)
b. Câu văn "Đó là nơi ngay cả nước sôi cũng reo lên niềm hạnh phúc"sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa. (0,5)
c. Phép liên kết có trong đoạn văn: phép lặp: đó là nơi; phép thế: gia đình, đó (0,5)
d Xét về cấu tạo ngữ pháp, câu văn sau thuộc kiểu câu đơn: Đó là nơi chúng ta tìm về để được an ủi, nâng đỡ" (0,5)
Câu 2: Viết bài văn trình bày suy nghĩ của em về vai trò, ý nghĩa quan trọng của gia đình trong cuộc sống mỗi con người. (3,0)
a. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận
Có đầy đủ Mở bài, Thân bài, Kết bài. Mở bài nêu được vấn đề cần nghị luận; Thân bài triển khai được các luận điểm của vấn đề; Kết bài kết luận được vấn đề. (0,5)
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: (0,25)
c. Triển khai vấn đề: vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học trong nhận thức và hành động. (1,5)
- Giải thích: gia đình là tập hợp những người cùng sống chung thành một đơn vị nhỏ nhất trong xã hội, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và huyết thống, thường gồm có vợ chồng, cha mẹ, con cái.
- Bàn luận: Vai trò của gia đình:
- Là nơi sinh thành, nuôi dưỡng, bỗi đắp tâm hồn, tình cảm.
- Là chỗ dựa tinh thần vững chắc trong cuộc sống, là chốn về bình yên sau những vất vả gian lao, nơi luôn rộng mở khoan dung sau những sai lầm, vấp ngã.
- Là nguồn động viên, hỗ trợ về tinh thần để mọi người luôn nỗ lực hơn, mạnh mẽ và vững vàng hơn trong cuộc sống.
- Phê phán những người mải chạy theo tiền tài, địa vị, đuổi theo những cám dỗ khác mà quên đi gia đình.
- Bài học trong nhận thức và hành động: rút ra những bài học phù hợp cho bản thân.
- Hiểu được vai trò ý nghĩa của gia đình
- Phải biết yêu thương, trân trọng những người thân trong gia đình, có ý thức vun đắp hạnh phúc gia đình.
d. Sáng tạo: cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng về vấn đề nghị luận (0,5)
e. Chính tả: đảm bảo những quy tắc về chuẩn chính tả, dùng từ, đặt câu. (0,25)
Câu 3: Cảm nhận về tình cảnh của ông Sáu (truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng) trong những ngày nghỉ phép. (5,0)
a. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận
Có đầy đủ Mở bài, Thân bài, Kết bài. Mở bài giới thiệu được tác giả, tác phẩm và nhân vật trong tác phẩm; Thân bài triển khai được các luận điểm thể hiện cảm nhận về tình cảnh của nhân vật; Kết bài khái quát được nội dung nghị luận về tình cảnh của nhân vật. (0,5)
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: tình cảnh của nhân vật ông Sáu trong những ngày nghỉ phép. (0,25)
c. Triển khai các luận điểm nghị luận: vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
Thí sinh có thể sắp xếp các luận điểm theo nhiều cách nhưng về cơ bản, cần nêu được cảm nhận về tình cảnh của nhân vật ông Sáu trong những ngày nghỉ phép. Dưới đây là một số nội dung định hướng chấm bài:
- Ông Sáu đi kháng chiến phải xa gia đình trong tám năm cho nên nỗi nhớ gia đình - nhớ con gái da diết, khôn nguôi. (0,75)
- Được nghỉ phép về thăm nhà nhưng thật trớ trêu khi ông Sáu muốn ôm, nhận con thì lại đáp lại là sự xa lánh của bé Thu. (1,0)
- Khi giải toả hiểu lầm, bé Thu nhận ba thì cũng chính là lúc ông Sáu phải xa con gái yêu quý của mình. Nỗi ân hận, day dứt khi trót đánh con luôn giày vò ông. (1,0)
- Tình huống éo le, bất ngờ, kịch tính đã làm nổi bật tình cha con sâu nặng ở nhân vật này. (0,75)
d. Sáng tạo: có cách diễn đạt độc đáo; suy nghĩ, kiến giải mới mẻ về vẻ đẹp của nhân vật. (0,5)
e. Chính tả: đảm bảo những quy tắc về chuẩn chính tả, dùng từ, đặt câu. (0.25)
* LƯU Ý KHI CHẤM BÀI:
- Giám khảo cần nắm vững yêu cầu chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm đếm ý cho điểm một cách máy móc, linh hoạt trong việc vận dụng hướng dẫn chấm.
- Cần khuyến khích những bài làm có tính sáng tạo, nội dung bài viết có thể không trùng với yêu cầu trong đáp án nhưng lập luận thuyết phục, văn phong sáng rõ.
- Việc chi tiết hóa điểm số của các ý (nếu có) phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của mỗi phần và được thống nhất trong Hội đồng chấm thi. Cho điểm lẻ thấp nhất đến 0,25 và không làm tròn.