Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn trường THCS Đoàn Lập, Hải Phòng năm 2014 - 2015

Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn

Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn trường THCS Đoàn Lập, Hải Phòng năm 2014 - 2015 được VnDoc.com sưu tầm và giới thiệu tới các bạn học sinh nhằm giúp các em học sinh có thêm nhiều tài liệu ôn thi vào lớp 10 môn Văn hiệu quả. Mời các em cùng tham khảo.

Đề thi thử vào lớp 10 lần 2 môn Toán trường THCS Hương Sơn, Hà Tĩnh năm 2015 - 2016

Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn trường THCS Thành Đông, Vĩnh Long năm 2013 - 2014

Trường THCS Đoàn Lập KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 MÔN NGỮ VĂN
NĂM HỌC: 2014 – 2015
Thời gian: 120 phút

Đề thi thử

I) TRẮC NGHIỆM: (2,0 điểm). Ghi lại chỉ một chữ cái đứng trước đáp án đúng

Câu 1: Nội dung chính của đoạn trích Cảnh ngày xuân là gì?

A. Tả lại vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều.

B. Tả lại cảnh chị em Thúy Kiều đi chơi xuân.

C. Tả cảnh mọi người đi lễ hội trong tiết Thanh minh.

D. Tả lại cảnh thiên nhiên mùa xuân rực rỡ.

Câu 2: Nhận định nào sau đây nói đúng nhất về truyện truyền kì?

A. Là những truyện kể về các sự việc hoàn toàn có thật.

B. Là những truyện kể về các nhân vật lịch sử.

C. Là những truyện kể về các sự việc hoàn toàn do tác giả tự tưởng tượng ra.

D. Là những truyện kể có sự đan xen giữa những yếu tố có thật và những yếu tố hoang đường.

Câu 3: Lựa chọn các từ "thành kính, đau xót, tự hào, trầm lắng" để điền vào chỗ trống trong câu văn sau sao cho phù hợp:

Cảm hứng bao trùm bài thơ Viếng lăng Bác là niềm xúc động thiêng liêng,... lòng biết ơn và... pha lẫn... khi tác giả từ miền Nam ra viếng lăng Bác; cảm hứng đó đã tạo nên giọng thơ... trang nghiêm.

Câu 4: Nối cột A (tên tác phẩm) với cột B (giai đoạn sáng tác) cho chính xác.

A B
1. Đồng chí a. Giai đoạn sau kháng chiến chống Pháp (1954 – 1965)
2. Mùa xuân nho nhỏ b. Giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954)
3. Bài thơ về tiểu đội xe không kính c. Giai đoạn kháng chiến chống Mĩ (1965 – 1975)
4. Đoàn thuyền đánh cá d. Giai đoạn từ năm 1975 đến 1985
5. Sang thu e. Giai đoạn từ 1986 đến 2000

Câu 5: Ngôi kể của truyện Những ngôi sao xa xôi giống với tác phẩm nào sau đây? Hãy chọn hai đáp án đúng trong bốn đáp án sau:

A. Làng; B. Lặng lẽ SaPa; C. Chiếc lược ngà; D. Cố hương

Câu 6: Từ ngữ gạch chân trong câu văn "Chắc có, các anh ấy có những cái ống nhòm có thể thu cả trái đất vào tầm mắt." đóng vai trò gì?

A. Khởi ngữ đầu câu; B. Kết nối với câu trước nó

C. Thành phần chủ ngữ của câu; D. Thành phần trạng ngữ của câu

Câu 7: Mùa xuân nho nhỏ được viết giống thể thơ của tác phẩm nào sau đây? Hãy chọn hai đáp án đúng trong bốn đáp án sau:

A. Đêm nay Bác không ngủ; C. Đồng chí

B. Bài thơ về tiểu đội xe không kính; D. Sang thu

Câu 8: Trong những đề văn sau, đề nào không thuộc loại đề nghị luận xã hội?

A. Suy nghĩ của em về bài học từ truyện ngụ ngôn Đẽo cày giữa đường.

B. Suy nghĩ của em về vẻ đẹp của tình đồng chí trong bài thơ Đồng chí.

C. Bình luận về đạo lí Ăn quả nhớ kẻ trồng cây của dân tộc ta.

D. Bàn về lòng dũng cảm.

II. TỰ LUẬN (8,0 điểm)

Câu 1: Cho hai câu thơ sau:

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim

a) Hai câu thơ trên trích trong tác phẩm nào? Tác giả là ai?

b) Hình ảnh "trái tim" trong câu thơ là hình ảnh ẩn dụ hay hoán dụ? Tại sao?

c) Bằng hình thức một đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu), phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ đó. Trong đó có câu hỏi tu từ, gạch chân câu hỏi tu từ.

Câu 2: Cảm nhận về hình ảnh anh bộ đội thời kháng chiến chống Pháp được thể hiện trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu.

Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn

I. Trắc nghiệm.

Câu 1 2 3 4 5 6 7 8
Đáp án B D

thành kính, tự hào,

đau xót, trầm lắng

1b, 2d, 3c,

4a, 5d

C,D A A,D B

II. Tự luận

Câu 1:

Câu a: (0,5 điểm). Hai câu được trích trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Câu b: (0,5 điểm). Hình ảnh "trái tim" trong câu thơ "Chỉ cần trong xe có một trái tim" là hình ảnh hoán dụ. (0,25 điểm)
"Trái tim" chỉ người lính lái xe Trường Sơn với lửa nhiệt và yêu thương rực cháy. (0,25 điểm)

Câu c: Đoạn văn (2.0 điểm)

  • Đúng hình thức đoạn văn, đủ số câu, diễn đạt rõ ràng, câu, chữ không sai (0.25 điểm)
  • Sử dụng câu hỏi tu từ và gạch chân đúng câu hỏi tu từ đó (0. 25 điểm)
  • Làm rõ hiệu quả của biện pháp tu từ cần phải hướng vào các ý cơ bản sau: (1,5 điểm)
  • "Trái tim" chỉ người lính lái xe Trường Sơn với lửa nhiệt và yêu thương rực cháy.
  • Trái tim của họ đau xót trước cảnh nhân dân miền Nam sống trong khói bom thuốc súng, đất nước bị chia cắt thành hai miền.
  • Trái tim ấy dạt dào tình yêu Tổ quốc, luôn luôn sục sôi căm thù giặc Mĩ bạo tàn.
  • Yêu thương, căm thù chính là động lực thôi thúc những người chiến sĩ khát khao giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
  • Đằng sau ý nghĩa ấy, câu thơ còn muốn hướng con người về chân lí thời đại của chúng ta: Sức mạnh quyết định chiến thắng không phải là vũ khí tối tân mà là con người giàu ý chí, anh hùng, lạc quan, chiến thắng.
  • Đây là câu thơ hay nhất của bài thơ là nhãn tự, là con mắt thơ bật sáng chủ đề tỏa sáng vẻ đẹp hình tượng người lính lái xe Trường Sơn thời chống Mĩ.

Câu 2:

A. Về kĩ năng - Nắm vững phương pháp làm bài nghị luận văn học.

  • Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận. Đặc biệt, phải nắm vững thao tác phân tích một bài thơ.
  • Bố cục và hệ thống ý sáng rõ.
  • Văn trôi chảy, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục.
  • Không mắc lỗi diễn đạt; không sai lỗi chính tả, dùng từ; trình bày bài rõ ràng.

B. Về kiến thức

Bài làm có thể trình bày theo nhiều cách, song phải đảm bảo các ý cơ bản sau đây:

1. Mở bài: Giới thiệu nhà thơ Chính Hữu và hoàn cảnh sáng tác bài thơ Đồng chí:

  • Nhà thơ Chính Hữu trở thành người lính từ những ngày đầu kháng chiến. Gắn bó với hai cuộc kháng chiến, Chính Hữu thành công nhất ở hình tượng người lính với những phẩm chất cao đẹp của tình đồng chí, đồng đội và sự gắn bó tiền tuyến hậu phương.
  • Bài thơ Đồng chí được sáng tác vào đầu năm 1948, thời điểm cuộc kháng chiến diễn ra khó khăn gian khổ nhất. Từ trải nghiệm chân thực về những gian khổ và cả những ấm áp thiêng liêng của tình đồng đội, bài thơ là lời ca về hình ảnh người lính vệ quốc giản dị mà cao quí và tình đồng chí thắm thiết sâu nặng giữa những ngày gian khổ ấy.
  • Trung tâm bài thơ là hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ những ngày đầu cuộc kháng chiến: gian khổ mà anh dũng, thắm thiết tình đồng chí đồng đội, tình yêu quê hương đất nước.

2. Thân bài

* Họ mộc mạc, bình dị mà vô cùng cao quí

  • Những người lính xuất thân từ nông dân, ở những miền quê nghèo khổ "nước mặn đồng chua", "đất cày lên sỏi đá". Họ "chưa quen cung ngựa, đâu tời trường nhung".
  • Họ đến với cuộc kháng chiến với tinh thần yêu nước thật giản dị: nghe theo tiếng gọi cứu nước mà tự nguyện lên đường. Phía sau họ là bao cảnh ngộ: xa nhà, xa quê hương, phó mặc nhà cửa, ruộng vườn cho vợ con để sống cuộc đời người lính. Chữ "mặc kệ" trong câu thơ "Gian nhà không mặc kệ gió lung lay" đã lột tả được tinh thần "mến nghĩa" của những người nghĩa binh nông dân trong thơ Nguyễn Đình Chiểu, tinh thần "Ra đi không vương thê nhi" của các đấng trượng phu xưa và tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" của những người tự vệ Thủ đô những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Nhưng khi đặt cạnh hình ảnh "gian nhà không" và chữ "gió lung lay" thì có gì đó cảm động quá. Người lính không hoàn toàn "mặc kệ" như khẩu khí đâu. Đó là đức hi sinh. Hi sinh cho quê hương, đất nước. Một đức hi sinh giản dị làm cảm động lòng người.

* Trải qua những gian lao kháng chiến đã ngời lên phẩm chất anh hùng ở những người nông dân mặc áo lính hiền hậu ấy.

Cái nhìn hiện thực đã giúp nhà thơ ghi lại được những nét chân thực về cuộc đời đi chiến đấu của người lính những ngày đầu cuộc kháng chiến vô cùng thiếu thốn gian khổ.

Hình ảnh họ lam lũ với "áo rách vai", "quần có vài mảnh vá" với "chân không giày". Đói rét, gian khổ, khắc nghiệt đã khiến người lính phải chịu biết bao những cơn sốt rét giữa rừng hoang "Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi". Trong hoàn cảnh đầy thử thách đó, sống được đã là kì tích. Chính Hữu đã ghi được hình ảnh người lính can trường vượt lên vững vàng trên vị trí của mình:

Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Họ có một đời sống tình cảm đẹp đẽ, sâu sắc:

  • Lòng yêu quê hương và gia đình thể hiện qua nỗi nhớ "Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính", niềm thương "gian nhà không", qua ý thức về cảnh ngộ "Quê hương anh nước mặn đồng chua" và "Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá".
  • Họ vun đắp được tình đồng chí, đồng đội keo sơn, gắn bó. Không phải vô cớ nhà thơ đặt tên bài thơ là Đồng chí, và nhiều lần trong bài thơ hai tiếng ấy đã vang lên. Tình đồng đội, đồng chí như là sự hội tụ, tập trung tất cả những tình cảm, những phẩm chất của người lính: Lòng thương yêu giữa những người cùng cảnh ngộ, tinh thần đồng cam cộng khổ, tinh thần kề vai sát cánh trong chiến đấu, sự gắn kết giữa những người cùng chung lí tưởng, chung mục đích và ước mơ. Gian lao thử thách khiến tình đồng chí, đồng đội thêm keo sơn, sâu sắc. Ngược lại, tình đồng chí ấy lại giúp người lính có sức mạnh để vượt qua gian lao thử thách. Hình ảnh người lính Cụ Hồ trong những ngày kháng chiến chống Pháp được Chính Hữu khắc họa trong tình đồng chí cao đẹp, tình cảm mới của thời đại cách mạng.

* Họ được khắc họa và ngợi ca bằng cảm hứng hiện thực, bằng những chất thơ trong đời thường được nâng lên thành nững hình ảnh biểu tượng nên vừa chân thực, mộc mạc, vừa gợi cảm lung linh.

3. Kết bài

  • Hình ảnh người lính cách mạng trong bài thơ tiêu biểu cho hình tượng anh bộ đội cụ Hồ trong những ngày đầu kháng chiến.
  • Đó là một đóng góp của nhà thơ Chính Hữu cho đề tài người lính vệ quốc.
  • Để lại những cảm xúc, suy nghĩ và bài học sống cho người đọc.
Đánh giá bài viết
1 422
Sắp xếp theo

Luyện thi

Xem thêm