Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương năm 2016 - 2017 (Chuyên)
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương năm 2016 - 2017 (Chuyên) được VnDoc sưu tầm và đăng tải nhằm giúp các em học sinh có thêm nhiều tài liệu ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn để tham khảo chuẩn bị tốt cho kì thi tuyển sinh sắp tới đây đạt kết quả cao. Mời các em cùng tham khảo.
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT môn Toán sở GD&ĐT Hải Dương năm 2016 - 2017
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn sở GD&ĐT Thanh Hóa năm 2016 - 2017
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HẢI DƯƠNG | ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT CHUYÊN NGUYỄN TRÃI NĂM HỌC 2016 – 2017 Môn thi: NGỮ VĂN (Chuyên) Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian giao đề (Đề thi gồm: 01 trang) |
Câu 1 (2,0 điểm)
Nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm điều gì qua đoạn văn sau:
... Không khéo rồi thằng con trai anh lại trễ mất chuyến đò trong ngày, Nhĩ nghĩ một cách buồn bã, con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình, vả lại nó đã thấy có gì đáng hấp dẫn ở bên kia sông đâu? Họa chăng chỉ có anh đã từng trải, đã từng in gót chân khắp mọi chân trời xa lạ mới nhìn thấy hết sự giàu có lẫn mọi vẻ đẹp của một cái bãi bồi sông Hồng ngay bờ bên kia, cả trong những nét tiêu sơ, và cái điều riêng anh khám phá thấy giống như một niềm mê say pha lẫn với nỗi ân hận đau đớn, lời lẽ không bao giờ giải thích hết.
(Bến quê - Nguyễn Minh Châu, Ngữ văn 9, tập 2)
Câu 2 (3,0 điểm)
Trình bày suy nghĩ của em về vấn đề đặt ra trong câu chuyện dưới đây:
Bài thuyết giảng
Tại ngôi làng nhỏ, vào ngày chủ nhật, có vị giáo sư thường đến nói chuyện về cuộc sống. Hôm nay ông đến thăm nhà của cậu bé vốn không hề muốn chơi hay kết bạn với ai.
Cậu bé mời vị giáo sư vào nhà và lấy cho ông một chiếc ghế ngồi bên bếp lửa cho ấm.
Trong im lặng, hai người cùng ngồi nhìn những ngọn lửa nhảy múa. Sau vài phút, vị giáo sư lấy cái kẹp, cẩn thận nhặt một mẩu than hồng đang cháy sáng ra và đặt nó sang bên cạnh lò sưởi.
Rồi ông lại ngồi xuống ghế, vẫn im lặng. Cậu bé cũng im lặng quan sát mọi việc.
Cục than đơn lẻ cháy nhỏ dần rồi tắt hẳn.
Vị giáo sư nhìn đồng hồ và nhận ra đã đến giờ ông phải đi thăm nhà khác. Ông chậm rãi đứng dậy, nhặt cục than lạnh đặt vào giữa bếp lửa. Ngay lập tức, nó lại bắt đầu cháy, tỏa sáng với ánh sáng và hơi ấm của những cục than xung quanh nó.
Khi vị giáo sư đi ra cửa, cậu bé chủ nhà nắm tay ông nói:
- Cảm ơn bài thuyết giảng của bác!
(Phỏng theo Vặt vãnh và hoàn hảo, NXB Văn hóa Thông tin)
Câu 3 (5,0 điểm)
Viết về tình yêu con, nhà thơ Y Phương có cách biểu hiện cảm xúc và sáng tạo hình ảnh rất riêng.
Hãy làm rõ điều đó qua bài thơ Nói với con của Y Phương.
Đáp án đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Toán thành phố Hà Nội năm học 2016 - 2017
Câu 1:
Trên cơ sở khái quát về Nguyễn Minh Châu và Bến quê, nêu vị trí đoạn trích:
Sau nhiều ngày nằm trên giường bệnh, qua khung cửa sổ, Nhĩ bất chợt nhận ra vẻ đẹp lạ lùng của bãi bồi bên kia sông mà trước kia chưa bao giờ Nhĩ nhận thấy. Nhĩ khát khao được một lần đặt chân lên bãi đất ấy, song vì căn bệnh hiểm nghèo, Nhĩ đành nhờ con trai thay mình sang bên kia sông.
Nội dung đoạn văn
Cảm xúc của Nhĩ:
- Lo lắng vì con trai có thể trễ chuyến đò duy nhất trong ngày: Không khéo rồi thằng con trai anh lại trễ mất chuyến đò trong ngày.
- Buồn bã khi nhận ra những cái vòng vèo, chùng chình lấy đi bao thời gian, năng lượng sống của đời người nhưng không trách giận con vì đó là điều thật khó tránh trên đường đời, vì con còn trẻ, lại chưa thấy được bên kia sông có gì hấp dẫn.
- Niềm mê say và nỗi day dứt, ân hận, đau đớn vì đã bỏ lỡ vẻ đẹp bình dị, gần gũi của quê hương, giờ đây chỉ có thể ngóng vọng chứ không sao chạm tới.
Suy ngẫm của Nhĩ về thực tế của đời người:
- Khi còn trẻ, chưa từng trải để nhận ra điều gì là quan trọng, cần thiết, người ta có thể bị lôi cuốn, thu hút bởi những thú vui bên đường mà bỏ lỡ cái đích ngay trước mặt.
- Người đã từng trải sẽ nhận thấy hết vẻ đẹp của bãi bồi bên kia sông, sự giàu có và trong những nét tiêu sơ, những điều riêng có thể khám phá thấy,...
Đặc sắc nghệ thuật
- Lời độc thoại nội tâm.
- Ngôn ngữ vừa tinh tế, vừa sâu sắc, chất chứa cảm xúc và nặng trĩu suy tư, triết lí.
- Thông điệp nhà văn gửi gắm qua đoạn văn
- Con người trên đường đời thật khó tránh khỏi những điều vòng vèo, chùng chình để rồi lỡ mất cơ hội khám phá những vẻ đẹp gần gũi ngay bên mình. Đây cũng là bài học sâu sắc về cách sống, thái độ sống mà mỗi người phải tự suy ngẫm, trải nghiệm.
Câu 2:
a. Về kỹ năng
- Biết phát hiện vấn đề và làm kiểu bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí.
- Lập luận chặt chẽ, có dẫn chứng minh hoạ hợp lý, phong phú.
- Diễn đạt lưu loát, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
b. Về kiến thức
Trên cơ sở nắm nội dung câu chuyện, học sinh cần làm rõ các ý sau:
Giới thiệu câu chuyện và vấn đề đặt ra trong câu chuyện.
Vấn đề đặt ra trong câu chuyện
Cậu bé (người nghe thuyết giảng) không hề muốn chơi hay kết bạn với ai: lối sống khép kín, cá nhân, cô độc.
Bài thuyết giảng của vị giáo sư:
- Nhặt mẩu than hồng đang cháy sáng ra và đặt nó sang bên cạnh lò sưởi: tách cá nhân ra khỏi môi trường tập thể, cộng đồng, thế giới mà nó cần thuộc về.
- Cục than đơn lẻ cháy nhỏ dần rồi tắt hẳn: sống cá nhân, cô độc là tự diệt.
- Nhặt cục than lạnh đặt vào giữa bếp lửa. Ngay lập tức, nó lại bắt đầu cháy, tỏa sáng với ánh sáng và hơi ấm của những cục than xung quanh nó: cá nhân khi được tiếp sức bởi tập thể, cộng đồng lại có thể tỏa sáng; khi góp ánh sáng và hơi ấm của mình cùng với những cá nhân khác mới có thể tạo ra thứ ánh sáng rực rỡ và bền vững hơn.
Thông điệp từ câu chuyện: Khi sống đơn độc, lẻ loi, tách khỏi tập thể, cộng đồng, cá nhân sẽ đẩy mình đến chỗ tự diệt. Chỉ khi hòa mình vào với mọi người để cùng nhau sống, cùng nhau nỗ lực, cá nhân mới tìm thấy niềm vui, phát huy được năng lực, sở trường, sức mạnh của chính mình, mới thực sự sống và sống một cách có ý nghĩa.
Phân tích ý nghĩa của vấn đề
Sống đơn độc, lẻ loi, cá nhân sẽ đẩy mình đến chỗ tự diệt:
- Mỗi cá nhân sinh ra và lớn lên đều có mối quan hệ không thể tách rời gia đình và cộng đồng nhưng mỗi người chỉ có một giới hạn nhất định về khả năng nên không thể tự mình đáp ứng hết được mọi yêu cầu của cuộc sống, cũng không thể tự mình tạo cho mình một cuộc sống trọn vẹn.
- Cuộc sống vốn phức tạp lại luôn biến động, đổi thay với những bất ngờ, những điều xảy ra ngoài dự liệu của con người. Nếu chỉ có một mình, cá nhân sẽ khó hoặc không thể ứng phó hết được.
- Trong cuộc sống, có những điều xảy ra nằm ngoài khả năng giải quyết của một cá nhân (thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh,...). Nếu không hợp sức, một cá nhân nhỏ nhoi hoàn toàn có thể bị nhấn chìm, đè bẹp.
Khi hòa mình với mọi người, cùng nhau sống, cùng nhau nỗ lực, cá nhân mới thực sự sống và sống một cách có ý nghĩa:
- Hòa mình với mọi người, cá nhân sẽ có được niềm vui (giao lưu, chia sẻ, đồng cảm, tri kỉ,...).
- Gắn bó với mọi người, cá nhân có thể giúp mọi người và cũng nhận được sự giúp đỡ từ người khác. Sự gắn bó khiến sức mạnh cá nhân có thể được nhân lên bởi sức mạnh chung của tập thể, cộng đồng.
- Sống giữa mọi người, thế mạnh của mỗi cá nhân được phát huy, điểm yếu được bù đắp; những đóng góp của cá nhân được thừa nhận, trân trọng, tôn vinh, lưu giữ,...
- Sống cùng mọi người, cá nhân sẽ bắt kịp nhịp vận hành của đời sống để không tụt hậu, lệch nhịp, lạc điệu,...
- (Học sinh cần có dẫn chứng xác thực, cụ thể trong đời sống để làm rõ luận điểm )
Bàn luận, mở rộng
- Cần phân biệt giữa lối sống hòa đồng với lối sống a dua theo đám đông. Sự hòa đồng cho ta niềm vui và sức mạnh, thói a dua chỉ khiến ta đánh mất chính bản thân mình.
- Cần có ý thức hòa mình vào cộng đồng, trân trọng sức mạnh của cộng đồng song cần nhận thức đầy đủ về công việc và cuộc sống của bản thân để có sự lựa chọn đúng đắn: khi nào cần hòa mình với mọi người, khi nào cần tư duy độc lập, việc gì cần phối hợp sức mạnh chung của tập thể, việc gì cá nhân phải tự giải quyết bằng năng lực, nội lực của chính mình...
Khẳng định ý nghĩa câu chuyện và liên hệ bản thân
Câu 3
Giới thiệu: khái quát về tác giả, tác phẩm, đề tài tình yêu con trong thơ ca; cách thể hiện cảm xúc và sáng tạo hình ảnh rất riêng của nhà thơ Y Phương khi nói về tình yêu con.
Cách biểu hiện cảm xúc riêng
Hình thức lời tâm tình của cha với con; giọng điệu tha thiết, trìu mến, tin yêu; thể thơ tự do; ngôn ngữ mộc mạc, bình dị mà sâu sắc, mang đậm dấu ấn cách tư duy của người miền núi (cặp đại từ nhân xưng cha - con, cách dùng cụm từ người đồng mình, sự trở đi trở lại của hô ngữ con ơi...).
Trong lời tâm tình của người cha với con, Y Phương đã thể hiện một tình yêu con mang màu sắc riêng: không chỉ bao bọc, chở che mà hướng tới để hình thành cho con một diện mạo tâm hồn, một bản lĩnh sống, bản lĩnh văn hóa; tiếp sức cho con, khích lệ con để con sống sâu sắc, tình nghĩa, sống mạnh mẽ, kiêu hãnh như chính con người quê hương mình.
- Giúp con cảm nhận được sự ấm áp của tình cảm gia đình, sự hào phóng, rộng lượng của quê hương để hình thành trong con tình yêu gia đình, quê hương.
- Giúp con hiểu những khó khăn, vất vả, những gian nan, thử thách để từ đó khơi dậy niềm yêu thương, sự trân trọng, mối đồng cảm với con người quê hương và hình thành trong con sức mạnh, bản lĩnh để con sống cho mạnh mẽ.
- Khơi dậy trong con niềm tự hào về bản sắc, truyền thống quê hương để hình thành ý thức tiếp nối truyền thống đó.
- Nhắn nhủ, động viên, khích lệ con hãy lên đường bằng chính sức mạnh và tầm vóc của quê hương mình.
Cách sáng tạo hình ảnh riêng
Thế giới hình ảnh trong bài thơ: cụ thể, gần gũi, quen thuộc, giàu giá trị biểu tượng mà vẫn mang màu sắc riêng của người miền núi (không gian núi rừng, con đường, thung, đá, sông, suối, thác ghềnh,...)
Cách sử dụng hình ảnh:
- Lối tư duy bằng hình ảnh đã quy tụ các biện pháp tu từ như hoán dụ, ẩn dụ, so sánh, nhân hóa, điệp và đối... đều là những phương tiện tạo hình, tạo nghĩa rất hiệu quả (Sống trên đá không chê đá gập ghềnh / Sống trong thung không chê thung nghèo đói / Sống như sông như suối / Lên thác xuống ghềnh).
- Có nhiều cách tạo hình rất thú vị: sử dụng từ ngữ giàu giá trị tạo hình để mô tả (đan, cài, ken,... đục đá kê cao quê hương, làm phong tục); sử dụng lối liên tưởng độc đáo (Cao đo nỗi buồn / Xa nuôi chí lớn). Chính cách tạo hình của nhà thơ đã vẽ lên một bức tranh đời sống vùng cao với màu sắc, đường nét, âm thanh, hình khối... thực hơn cả đời thực. Vì thế toàn bộ thế giới nghệ thuật thơ Y Phương đi vào tâm trí bạn đọc tự nhiên qua con đường trực giác để người đọc có thể cảm nhận một cách trực tiếp.
Tư duy bằng hình ảnh là lối tư duy đặc trưng của người miền núi, nó khiến lời thơ vừa cụ thể vừa thể hiện trí tưởng tượng bay bổng diệu kì; vừa hồn nhiên như trẻ thơ lại vừa gợi những liên tưởng sâu sắc. Bản sắc độc đáo của văn chương miền núi đã thấm vào, tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho lời thơ và sức lay động của thông điệp trong thơ Y Phương
Đánh giá chung: sáng tạo của Y Phương và sức lan tỏa của bài thơ.