Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi và câu hỏi xoay quay bài thơ Bếp Lửa (Bằng Việt) mà em cần biết

Tuyển tập câu hỏi và bài tập về bài thơ Bếp lửa

Đề thi và câu hỏi xoay quay bài thơ Bếp Lửa (Bằng Việt) mà em cần biết là tài liệu văn mẫu lớp 9 hay, giúp các em ôn luyện cho kì thi cuối học kì 2 cũng như kì thi tuyển sinh vào 10 sắp tới tốt nhất. Cùng tham khảo dưới đây em nhé!

Để tiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về giảng dạy và học tập các môn học lớp 9, VnDoc mời các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các bạn học sinh truy cập nhóm riêng dành cho lớp 9 sau: Nhóm Tài liệu học tập lớp 9. Rất mong nhận được sự ủng hộ của các thầy cô và các bạn.

Câu 1: Hãy nêu nhận xét về hình ảnh tượng trưng của hình tượng “bếp lửa”.

Gợi ý:

Hình ảnh bếp lửa vốn là hình ảnh thật của bếp lửa mà ngày ngày người bà nhen lửa nấu cơm.

Nhưng bếp lửa lại trở thành hình ảnh tượng trưng, gợi lại tất cả những kỷ niệm ấm áp của hai bà cháu. Lửa thành ra ngọn lửa tình yêu, lửa niềm tin, ngọn lửa bất diệt của tình bà cháu, tình quê hương đất nước.

Bếp lửa mà người bà ấp iu hay chính là tình yêu thương mà bà nâng niu dành tất cả cho cháu, từ việc dạy cháu làm, chăm cháu học, bảo cháu nghe.

Bếp lửa cũng là nơi bà nhóm lên tình cảm, khát vọng cho người cháu. Nhóm lửa do đó cũng vừa có nghĩa thực, vừa có ý nghĩa tượng trưng.

Câu 2: Bài thơ Bếp lửa là lời của nhân vật nào nói với nhân vật nào, nói với ai và nói về việc gì? Nêu mạch cảm xúc của bài thơ?

Trả lời:

Bài thơ là lời của người cháu nói với bà, nói về kỉ niệm tuổi thơ bên bà và những suy ngẫm về cuộc đời bà và hình ảnh bếp lửa.

Mạch cảm xúc của bài thơ: Bài thơ được mở ra với hình ảnh bếp lửa, bài thơ giống như lời tâm sự của người cháu hiếu thảo gửi cho người bà.

Bắt đầu ngọn nguồn cảm xúc từ hình ảnh bếp lửa. Từ đó gợi lại kỉ niệm tuổi thơ được bà chăm sóc, nuôi nâng. Từ những kỉ niệm người cháu thấu hiểu, suy ngẫm về cuộc đời bà, về lẽ sống giản dị và cao quý. Mạch cảm xúc thơ đi từ hồi tưởng đến hiện tại, từ kỉ niệm tới suy ngẫm.

Câu 3: Phân tích giá trị nghệ thuật của điệp từ “nhóm” trong khổ thơ sau:

“Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi

Nhóm nồi xôi gạp mới xẻ chung vui

Nhóm dậy cả những tâm tình cuổi nhỏ”.

Trả lời:

- Điệp từ "nhóm" được nhắc lại 4 lần làm toả sáng hơn nét “kỳ lạ” và thiêng liêng bếp lửa. Bếp lửa của tình bà đã nhóm lên trong lòng cháu bao điều thiêng liêng, kỳ lạ. Từ: "nhóm" đứng đầu mỗi dòng thơ mang nhiều ý nghĩa : Từ bếp lửa của bà những gì được nhóm lên, khơi lên ?

- Khơi dậy tình cảm nồng ấm.

- Khơi dậy tình yêu thương, tình làng nghĩa xóm, quê hương.

- Khơi dậy những kỷ niệm tuổi thơ, bà là cội nguồn của niềm vui, của ngọt bùi nồng đượm, là khởi nguồn của những tâm tình tuổi nhỏ.

=> Đó là bếp lửa của lòng nhân ái, chia sẻ niềm vui chung.

Câu 4: Trong bài thơ “Bếp lửa” nhà thơ Bằng Việt có viết:

“Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen

Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn

Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…”

a. Vì sao ở hai câu cuối, tác giả dùng từ “ ngọn lửa” mà không nhắc lại từ “bếp lửa”? Ngọn lửa ở đây có ý nghĩa gì? Em hiểu những câu thơ trên như thế nào?

b. Viết một đoạn văn ngắn (8-10 câu) nêu nhận xét về ý nghĩa tượng trưng của hình tượng bếp lửa trong bài thơ.

Gợi ý:

– Ở cầu đầu dùng “bếp lửa” => đây là hình ảnh tả thực xuyên suốt bài thơ thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm => là cơ sở để xuất hiện hình ảnh ngọn lửa ở hai câu thơ sau.

– Từ “bếp lửa” chuyển thành “ngọn lửa” có ý nghĩa:

– Ngọn lửa của tình yêu thương.

– Ngọn lửa của sức sống , niềm tin, huy vọng mà bà muốn truyền cho cháu.

– Bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn là người truyền lửa, sức sống niềm tin cho các thế hệ tiếp nối.

Câu 5: Chỉ ra từ láy trong đoạn thơ trên. Những từ láy ấy giúp em hiểu hình dung gì về hình ảnh “bếp lửa” mà tác giả nhắc tới.

Trả lời:

Từ láy gợi lên hình ảnh về bếp lửa:

+ Chờn vờn: dòng hồi tưởng được bắt đầu bằng hình ảnh thân thương, ấm áp: bếp lửa “chờn vờn sương sớm”. Gợi tả hình ảnh bếp lửa có thật được cảm nhận bằng thị giác ẩn hiện trong sương sớm “chờn vờn”.

+ Ấp iu: gợi bàn tay dịu dàng, kiên nhẫn, khéo léo và tấm lòng chi chút, tỉ mỉ của người nhóm lửa.

→ Điệp ngữ “một bếp lửa” kết hợp với các từ láy “chờn vờn”, “ấp iu” gợi lên hình ảnh sống động, chân thực và lung linh của một bếp lửa gần gũi, thân thuộc trong gia đình người Việt.

Hình ảnh bếp lửa tự nhiên, đánh thức dòng hồi tưởng của cháu về bà, người nhóm lửa mỗi sớm mai. Hình ảnh bài thơ lúc nào cũng chập chờn, lay động.

Câu 6: Trong bài thơ “Bếp lửa” nhà thơ Bằng Việt

“Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen

Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn

Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng …”

a. Chép chính xác 8 câu thơ tiếp nối đoạn thơ trên.

b. Trong những dòng thơ em vừa chép có hiện tượng dùng từ chuyển nghĩa. Chỉ ra những từ đó và cho biết ý nghĩa biểu đạt của nó trong câu thơ.

c. Cho những từ: le lói, liu riu. Theo em, những từ này có thể thay thế cho từ “ấp iu” trong đoạn thơ em vừa chép được không? Vì sao?

d. Đoạn thơ được trích dẫn là những suy ngẫm sâu sắc và tình cảm chân thành của nhà thơ đối với người bà vô cùng yêu thương và kính trọng.

Hãy triển khai nội dung trên thành một đoạn văn nghị luận theo phương pháp lập luận quy nạp (khoảng 12 câu). Trong đoạn có sử dụng câu chứa lời dẫn trực tiếp và câu nghi vấn bộ lộ cảm xúc (có gạch chân và ghi chú thích).

Gợi ý:

b. Từ “nhóm” trong hai câu thơ: “Nhóm niềm yêu thương …”và “ nhóm dậy cả tâm tình…” được dùng với nghĩa chuyển (theo phương thức ẩn dụ)

=> có nghĩa là khơi dậy hay gợi lên niềm yêu thương, những kí ức đẹp, có giá trị trọng cuộc đời con người.

c. Những từ này không thể thay thế cho từ “ấp iu” và :

– căn cứ vào sự kết hợp với từu sau nó là từ “nồng đượm” thì không thể là “le lói nồng đượm” hay “liu riu nồng đượm” => vô lý.

– từ “nhóm” của câu thơ này được hiểu theo nghĩa chuyển nên chỉ có từ “ấp iu” mới diễn tả được sự yêu thương, quan tâm lo lắng của người bà dành cho cháu.

Câu 7: Mở đầu bài thơ “khi con tu hú” nhà thơ Tố Hữu đã viết “ Khi con tu hú gọi bầy”. Âm thanh của tiếng chim tu hú ấy gợi cho em nhớ tới bài thơ nào đã được học ở chương trình ngữ văn 9? Tên tác giả?

a. Chép nguyên văn đoạn thơ có âm thanh của tiếng chim tu hú trong bài thơ đó.

b. Nêu nội dung chính của đoạn thơ em vừa chép.

c. Bằng một đoạn văn T-P-H khoảng 10 câu, hãy phân tích nội dung đoạn thơ em vừa chép.

Gợi ý:

Bài “bếp lửa” của Bằng Việt.

HS chép được đoạn thơ “ tám năm ròng …. Những cánh đồng xa”

Nội dung chính: hình ảnh bếp lửa gợi sự liên tưởng đến tiếng chim tu hú với những tháng tuổi thơ sống bên bà.

Câu 8: Dưới đây là đoạn thơ cuối trong bài thơ “ Bếp lửa” của Bằng Việt.

“ … Giờ cháu đã đi xa, có ngọn khói trăm tàu

Có lửa trăm nhà niềm vui trăm ngả

Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở

Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?…”

a. Đoạn thơ trên là lời của nhân vật nào, nói về ai và về điều gì?

b. Bài thơ được kết thúc bằng câu nghi vấn : “sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa? Nêu tác dụng của câu nghi vấn?

c. Bằng một đoan văn khoảng 10 câu: có sử dụng phép lặp liên kết và một câu đảo trật tự từ em hãy phân tích đoạn thơ trên để thấy được tình cảm sâu nặng với bà, với quê hương, đất nước của người cháu.

Gợi ý:

a. Lời của nhân vật người cháu.

- Nói về người bà

- Nói về tình cảm sâu nặng của cháu với bà, quê hương đất nước.

b. Tác dụng. gợi cho người đọc cảm nhận như có một nỗi nhơ khắc khoải, thưởng trực một nỗi nhớ đau đáu, khôn nguôi, luôn nhớ về bà cũng chính là nhớ về quê hương đất nước, cội nguồn của đứa cháu.

(câu nghi vấn được dùng để bộc lộ cảm xúc).

c. Câu chủ đề: tình cảm sâu nặng với bà, với quê hương đất nước của người cháu.

Triển khai:

– Khoảng cách về không gian, thời gian: Khói trăm tàu, lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả không thể làm cháu lãng quên ánh sáng và hơi ấm từ bếp lửa của bà, của quê hương, không quên được những tận tụy hi sinh của đời bà
=> đó là đạo lý thủy chung cao đẹp của con người Việt Nam.

Nghệ thuật: cần phân tích điệp từ nối “nhưng” ở câu thơ thứ 3

Phân tích câu thơ kết (xem ý b).

Câu 9. Hình ảnh bếp lửa gợi lại những kỷ niệm nào giữa bà và cháu? Vì sao người cháu có “ngọn lửa trăm tàu, có lửa trăm nhà, có niềm vui trăm ngả mà vẫn không quên nhắc về bếp lửa”?

Gợi ý:

Hình ảnh bếp lửa gợi lại trong lòng cháu kỷ niệm về năm lên bốn tuổi đói kém, bếp khói hun nhèm mắt. Rồi những mùa vải chín, chim tu hú kêu, những câu chuyện kể của bà. Những việc bà dạy bảo, bà chăm cháu học, bà lo lắng cho mọi người. Bếp lửa gợi lại những niềm vui của nồi xôi gạp mới, niềm yêu thương, những tâm tình tuổi thơ. Bếp lửa tượng trưng cho tình cảm vững bền của bà cháu, tình quê hương sâu nặng. Chính vì thế, khi người cháu đi xa, có những niềm vui mới, có những tình cảm mới, có những bến bờ mới, nhưng vẫn không thể quên bếp lửa, nơi ủ sẵn tình cảm bà cháu, quê hương.

Câu 10: Phân tích đoạn thơ sau:

“Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

Mấy chục năm rồi đến tận bây giờ

…………..

Ôi kỳ lạ và thiêng liêng bếp lửa!”

Gợi ý:

Mở đoạn: Những suy ngẫm sâu sắc của tác giả về người bà, về bếp lửa.

Thân đoạn:

– Suy ngẫm của người cháu về bà.

– Đó là sự tần tảo, đức hinh sinh, tấm lòng yêu thương chia sẻ của bà, hình ảnh bà luôn gắn với hình ảnh bếp lửa ( HS cần căn cứ vào cụm từ chỉ thời gian: đời bà, mấy chục năm, từ láy tượng hình lận đận, hình ảnh ẩn dụ : nắng mưa)

– Bà đã nhóm dậy những gì cao quý, thiêng liêng nhất của một con người: nhóm niêm yêu thương, niềm tin, nghị lực (phân tích đa nghĩa của từ “nhóm”).

– Suy ngẫm của người cháu về bếp lửa (câu cuối) hình ảnh bà gắn với bếp lửa. Bếp lửa vốn thân thuộc trong mỗi gia đình bỗng trở lên kì lạ => bếp lửa kì diệu thiêng liêng có sức tỏa sáng nâng đỡ tâm hồn cháu trong suốt cuộc đời.

Kết đoạn : suy nghĩ và ước mơ của tác giả.

Câu 11: Vì sao đã bao lâu rồi mùi khói của bếp lửa khiến người cháu có cảm giác “Nghĩ lại tới giờ sống mũi còn cay”.

Trả lời:

- Đứa cháu sau bao năm xa cách với bếp lửa và mùi khói nhưng vẫn mang cảm giác “Nghĩ lại tới giờ sống mũi còn cay”:

+ Người cháu luôn xúc động, bồi hồi mỗi khi nghĩ về những năm tháng khốn khó của tuổi thơ.

+ Cháu cảm thấy kỉ niệm sống dậy, người cháu thương nhớ bà và tình bà cháu vẫn vẹn nguyên.

→ Đây là dòng cảm xúc chân thật và xúc động của đứa cháu về bà và về tuổi thơ của mình.

Câu 12: Đoạn thơ có nhắc tới tiếng chim tu hú, trong chương trình ngữ văn THCS cũng có bài thơ nói tới tiếng chim tu hú, nêu tên bài thơ và tác giả. Âm thanh tiếng chim tu hú ở hai bài thơ có ý nghĩa khác nhau như thế?

Trả lời:

Bài thơ nhắc tới tiếng chim tu hú trong chương trình ngữ văn THCS: "Khi con tu hú" của Tố Hữu.

Khi con tu hú gọi bầy

Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần

Tiếng chim tu hú trong hai bài thơ:

+ Trong bài "Bếp lửa" của Bằng Việt: tiếng chim tu hú báo hiệu mùa hè, mở ra sự ấm áp, tha thiết của tình bà cháu, tiếng chim tu hú gợi nhớ về những ngày tháng tuổi thơ được bà chăm sóc, dạy dỗ.

+ Trong bài "Khi con tu hú" của Tố Hữu: tiếng chim tu hú quen thuộc, báo hiệu mùa hè. Tiếng tu hú gọi bầy như thôi thúc người chiến sĩ phá bỏ rào cản để đón nhận vẻ đẹp, sự tự do của sự sống tươi đẹp bên ngoài.

Câu 13. Tìm biện pháp tu từ và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong hai câu thơ dưới đây:

Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe

Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học.

Trả lời:

Hai câu thơ trên sử dụng biện pháp liệt kê:

+ Các cụm từ: bà bảo, bà dạy, bà chăm diễn tả sâu sắc tấm lòng nhân hậu, tình yêu thương bao la và sự chăm sóc tận tình của bà dành cho người cháu.

+ Từ “bà” và “cháu” được lặp lại nhiều lần nhằm gợi tả tình bà cháu quấn quít, yêu thương.

+ Người bà thay thế cha mẹ là chỗ dựa vững chắc cho cháu.

→ Hình ảnh người bà tần tảo, khuya sớm, bà là sự kết hợp cao quý tình cha, nghĩa mẹ, công thầy.

Những hình ảnh về bà in đậm trong tâm trí người cháu và gây xúc động mỗi khi cháu nhớ về.

Câu 14. Hình ảnh bếp lửa xuyên suốt cả bài thơ. Hãy phân tích ý nghĩa của hình tượng đó.

Trả lời:

Hình ảnh bếp lửa trong bài thơ là hình ảnh đa nghĩa:

- Bếp lửa gắn chặt với hình ảnh người bà, vì vậy khi người cháu bắt gặp hình ảnh “bếp lửa chờn vờn sương sớm” ở xứ người thì tuổi thơ sống dậy.

- Bếp lửa tượng trưng cho sự tần tảo, đức hi sinh cảu người bà. Bàn tay bà nhóm lên tình yêu thương, sự hiểu biết cho đứa cháu.

- Bếp lửa còn là biểu tượng của gia đình, của quê hương.

- Bếp lửa là minh chứng cho tình bà cháu ấm áp, tha thiết.

- Hình ảnh ngọn lửa góp phần bổ sung ý nghĩa cho hình ảnh bếp lửa:

+ Ngọn lửa là niềm tin thiêng liêng, cao đẹp nâng đỡ người cháu trên hành trình cuộc đời.

+ Ngọn lửa là tấm lòng, sự vững vàng, tình yêu thương của người bà luôn dạt dào, bất tận.

Câu 15. Viết đoạn văn khoảng 12 câu làm rõ tình cảm của người cháu dành cho người bà trong khổ thơ cuối bài thơ.

Đoạn văn tham khảo

Bài thơ Bếp Lửa kết thúc với 4 câu thơ cuối là tất cả tình cảm chất chứa, nỗi niềm thương nhớ về người bà. Dù cháu có xa bà, ở nơi xứ người thì tình yêu thương, sự kính trọng và nỗi nhớ vẫn luôn hướng về bà. Lời tự bộc bạch chân thành của tác giả thể hiện nỗi niềm khắc khoải, trăn trở chỉ với một câu hỏi “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”. Với khoảng không gian cách trở, có niềm vui trăm ngả nhưng không làm cháu lãng quên đi ánh sáng ấp áp từ bếp lửa thân thuộc chốn quê nhà, cũng như hình ảnh bà hiền hậu, tảo tần. Bởi tất cả những điều thân thiết từ tuổi thơ, gia đình, quê hương đã nâng đỡ giúp cháu có sức mạnh trên suốt hành trình dài rộng của cuộc đời. Tất cả sự biết ơn, thương kính bà cũng chính là biểu hiện cao đẹp cụ thể của tình yêu thương, sự gắn bó với gia đình, đất nước.

---------

Mời các bạn tham khảo thêm một số tài liệu liên quan đến bài thơ Bếp lửa:

Ngoài Đề thi và câu hỏi xoay quay bài thơ Bếp Lửa (Bằng Việt) mà em cần biết, mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo các đề thi học kì 2 lớp 9 các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề Thi vào lớp 10 năm 2020 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn ôn thi tốt!

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Soạn Văn 9 Sách mới

    Xem thêm