Giải bài tập Ngữ văn lớp 10: Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng

Giải bài tập Ngữ văn lớp 10

Mời thầy cô cùng các bạn học sinh tham khảo tài liệu: Giải bài tập Ngữ văn lớp 10: Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng, tài liệu chắc chắn sẽ là nguồn thông tin hữu ích dành cho các bạn học sinh tham khảo để học tốt Ngữ văn 10. Mời các bạn và thầy cô tham khảo.

Lời giải hay bài tập Ngữ văn lớp 10: Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng

I. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

Về Lí Bạch, các em đã được học hai bài thơ Vọng Lư Sơn bộc bố (Xa ngắm thác núi Lư) và Tĩnh dạ tứ (Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh) ở trung học cơ sở (một bài về vẻ đẹp của thiên nhiên, một bài về tình quê hương). Lên lớp 10, các em được học thêm bài thơ này của ông về tình bạn. Trước khi trả lời các câu hỏi trong phần Hướng dẫn học bài, các em cần:

- Đọc kĩ Tiểu dẫn để nắm được tác giả (chú ý phần “nội dung thơ Lí Bạch”).

- Đọc bản phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ (so sánh bản dịch thơ với bản dịch nghĩa xem đã sát đúng chưa).

- Xem ba chú thích về địa danh, tên người để hiểu rõ hơn nội dung bài thơ.

- Đọc bản dịch thơ của Ngô Tất Tố nhiều lần để có cảm nhận chung về tác phẩm. Dưới đây là một số gợi ý để trả lời các câu hỏi.

1. Xác lập mối quan hệ giữa không gian, thời gian và con người trong bài thơ. Mối quan hệ ấy có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện khung cảnh và tâm tình người đưa tiễn?

- Không gian: Từ lầu Hoàng Hạc đến Dương Châu, thắng cảnh nổi tiếng của Trung Quốc. Nhưng “nối thắng cảnh thần tiên với thắng cảnh phồn hoa là một dòng sông li biệt” (Bình giảng thơ Đường, NXB Giáo dục). Không gian chia li trải ra mênh mang, vời vợi theo dòng Trường Giang.

- Thời gian: Lí Bạch tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng vào một buổi sáng mùa xuân trong sáng, đẹp trời giữa tiết tháng ba - mùa hoa khói.

- Con người: cố nhân (bạn cũ). Trong thơ cổ, từ “cố nhân” bao giờ cũng hàm nghĩa rất thiết tha, sâu nặng. Ở đây là tình bạn tri âm giữa hai nhà thơ lớn thời Thịnh Đường. Mối quan hệ giữa không gian, thời gian và con người trong bài thơ là mối quan hệ vừa có sự đối lập lại hòa hợp với nhau để tạo ra một khung cảnh chia ly buồn và đẹp, nói lên tình bạn trong sáng và sâu nặng của nhà thơ trong buổi tiễn đưa. Thời tiết đẹp, phong cảnh đẹp càng khiến cho nỗi buồn chia li thêm thấm thía. Và người bạn cũ, như một cánh chim hoàng hạc ra đi làm tan cả niềm vui sum họp. Hai câu thơ tả cảnh mà man mác tình người li biệt.

2. Vì sao Lí Bạch chỉ thấy “cánh buồm lẻ loi” (cô phàm) của “cố nhân” trên sông Trường Giang tấp nập...thuyền bè xuôi ngược?

- Đấy chính là tình bạn thiết tha và sâu nặng của Lí Bạch: Bạn đi rồi, tất cả tâm hồn nhà thơ như bị hút vào cánh buồm của Mạnh Hạo Nhiên mà không nhìn thấy thuyền bè nào khác nữa trên sông. Và ông thấy rõ đó là một “cánh buồm lẻ loi” (cô phàm) khi bạn ra đi không có mình bên cạnh. Một chữ “cô” mà chất chứa bao nỗi buồn cho bạn, cho mình trong buổi tiễn đưa ly biệt.

- Cánh buồm ấy hiện lên trong mắt nhà thơ như thế nào? Cô phàm viễn ảnh bích không tận Ban đầu còn rõ (cô phàm), rồi mờ dần, xa dần (viễn ảnh), cho đến khi bóng buồm mất hút vào khoảng trời nước xanh thẳm bao la (bích không tận). Cái tài của câu thơ là không chỉ vẽ được sự xa dần và mất hút của cánh buồm, mà còn nói lên được tâm trạng của thi nhân lúc bấy giờ. Ta như thấy ông vẫn còn đứng lặng, đăm đắm dõi theo cánh buồm dần xa khuất trong vô vọng. Còn đâu “cánh buồm lẻ loi” của “cố nhân” mà chỉ thấy sông Trường Giang chảy vào cõi trời. Cố nhân đã đi vào khoảng trời nước xa xăm ... để lại một mình ông cô đơn trong nỗi buồn li biệt. (Ngô Tất Tố đã dịch bài thơ này thành 4 câu lục bát rất hay. Chỉ tiếc là ở câu 3, ông chỉ dịch 2 chữ “đã khuất” mà thiếu cái ý dần xa (viễn ảnh) của cánh buồm trong cái nhìn đăm đắm dõi theo của Lí Bạch).

3. Tự đặt mình vào vị trí của người đưa tiễn để cảm nhận tâm tình của thi nhân. Các em tự đặt mình vào vị trí của người đưa tiễn, khi bạn đã đi rồi:

- Nhìn theo cánh buồm dần xa và mất hút vào khoảng không xanh biếc.

- Chỉ còn nhìn thấy dòng sông chảy vào cõi trời. để cảm nhận tâm tình của thi nhân, xem những điều Lí Bạch bộc lộ trong bài tứ tuyệt như vậy có đúng không, có chân thành, sâu sắc, cao đẹp không? (Từ suy nghĩ của bản thân, kết hợp với những điều phân tích trên đây để trả lời câu hỏi này).

II. LUYỆN TẬP

1. Tìm “ý ở ngoài lời” qua bài thơ.

Gợi ý

“Ý ở ngoài lời” (ý tại ngôn ngoại) là những điều mà nhà thơ không nói đến trong bài thơ nhưng người đọc vẫn cảm thấy được nhờ cách nói hàm súc, ẩn ý, các yếu tố nghệ thuật trong bài thơ. Đó chính là cái hay của thơ Đường, một loại thơ cô đọng, hàm súc, dồn nén ý và kết cấu rất chặt chẽ. Dựa vào điều giải thích trên đây, các em nên trao đổi với nhau trong nhóm, tổ để tìm “ý ở ngoài lời” qua bài thơ của Lí Bạch (Thử xem, trong bài thơ, Lí Bạch có câu nào, chữ nào nói về tình bạn của mình không và bài thơ đã bộc lộ tình bạn sâu sắc của thi nhân như thế nào ?).

2. Tự phát biểu những suy ngẫm của bản thân về vị trí và ý nghĩa của tình bạn trong cuộc sống ngày nay.

-------------------------------

Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Giải bài tập Ngữ văn lớp 10: Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng. Để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 10. Cùng chủ đề này, VnDoc.com mời bạn đọc tham khảo bài soạn văn mẫu bài Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăngđọc lại bài thơ Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng mà VnDoc.com đã sưu tầm, tổng hợp.

Đánh giá bài viết
1 304
Sắp xếp theo

    Học tốt Ngữ Văn lớp 10

    Xem thêm