Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Giải thích câu tục ngữ: Giấy rách phải giữ lấy lề

Văn mẫu lớp 9: Giải thích câu tục ngữ: Giấy rách phải giữ lấy lề được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

I. Dàn ý Giải thích câu tục ngữ: Giấy rách phải giữ lấy lề

Dàn ý Giải thích câu tục ngữ: Giấy rách phải giữ lấy lề mẫu 1

1. Mở bài

Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: câu tục ngữ: Giấy rách phải giữ lấy lề.

2. Thân bài

a. Giải thích

Giấy rách: là những tờ giấy đã bị biến dạng so với trạng thái nguyên vẹn ban đầu vốn có của nó. Nghĩa bóng ở đây chỉ những điều thiếu thốn, chưa hoàn hảo, vẹn tròn của con người trong cuộc sống.

Lề: Lề mang nghĩa đen chỉ bộ phận gắn kết giữa giấy vào quyển vở, có vai trò cố định và làm cho quyển vở đẹp đẽ; nghĩa bóng chỉ khí chất, cốt cách tốt đẹp vốn có của con người.

→ Câu nói khuyên nhủ con người: dù bạn có lâm vào hoàn cảnh nào, dù bạn còn nhiều khuyết điểm nhưng hãy luôn giữ cho mình một nhân cách cao đẹp, bạn đều xứng đáng được tôn trọng, yêu thương.

b. Phân tích

Trong xã hội sẽ có người giàu, kẻ nghèo, nhiều giai cấp khác nhau; mỗi người một cá tính, một phẩm hạnh. Nhưng bất cứ con người nào, hoàn cảnh sống nào mà ta vẫn giữ được cho mình cốt cách thanh tao thì đều đáng được tôn trọng, yêu quý.

Xã hội này sẽ trở nên suy thoái nếu con người sống không có đạo đức, vô nhân tính; xã hội sẽ phát triển tốt đẹp; giàu tình yêu thương nếu con người biết hướng đến những điều tốt đẹp.

Là con người, ta phải có nhân cách đạo đức. Nhân cách ấy giúp ta giữ gìn bản thân sống tốt đẹp và nhân cách giúp ta dễ gần gũi, thân ái với mọi người trong cộng đồng xã hội. Nếu trong xã hội mọi người đều có ý thức được điều này thi xã hội sẽ tiến bộ, văn minh và tươi đẹp hơn.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về những người sống có lòng tự trọng, tự tôn để minh họa cho bài làm văn của mình.

d. Phản đề

Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người chưa nhận thức được giá trị của bản thân mình, thậm chí là sẵn sàng bán rẻ bản thân để đạt được những lợi ích, giá trị vật chất trước mắt,… Những người này thật đáng bị chỉ trích.

e. Liên hệ bản thân

Mỗi người cần phải nhận thức được giá trị của bản thân mình, tích cực rèn luyện, trau dồi bản thân thật tốt cũng như không để những cám dỗ của cuộc sống làm ảnh hưởng đến ta. Sống và làm việc với những nhân cách cao đẹp nhất.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: câu tục ngữ: Giấy rách phải giữ lấy lề.

Dàn ý Giải thích câu tục ngữ: Giấy rách phải giữ lấy lề mẫu 2

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Câu tục ngữ “Giấy rách phải giữ lấy lề” (Học sinh lựa chọn cách dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào khả năng của mình).

2. Thân bài

a. Giải thích

  • “Giấy rách”: nghĩa đen chỉ tờ giấy không còn lành lặn; nghĩa bóng chỉ sự nghèo khó, khổ hạnh của đời người.
  • “lề”: nghĩa đen chỉ bộ phận gắn kết giữa giấy vào quyển vở, có vai trò cố định và làm cho quyển vở đẹp đẽ; nghĩa bóng chỉ những phẩm chất tốt đẹp, vững chắc của con người.

→ Câu nói mang ý nghĩa: dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt nào, nghèo đói hay thiếu thốn thì con người hãy giữ lấy những giá trị cốt lõi, phẩm chất tốt đẹp của mình.

b. Phân tích

  • Trong xã hội sẽ có người giàu, kẻ nghèo, nhiều giai cấp khác nhau; mỗi người một cá tính, một phẩm hạnh; nếu người giàu nhưng không có đạo đức tốt cũng bị người đời coi thường, thiếu đi sự tôn trọng; nhưng nếu người nghèo nhưng tấm lòng họ lương thiện, hướng về điều tốt đẹp sẽ được người khác yêu quý, giúp đỡ.
  • Sự giàu nghèo không nói lên bạn là ai, nhưng những điều bạn thể hiện và tính cách của bạn mới là thước đo đánh giá con người.
  • Xã hội sẽ trở nên suy thoái nếu con người sống không có đạo đức, vô nhân tính; xã hội sẽ phát triển tốt đẹp; giàu tình yêu thương nếu con người biết hướng đến những điều tốt đẹp.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng minh họa cho bài làm văn của mình.

Lưu ý: dẫn chứng phải xác thực, gần gũi và tiêu biểu, được nhiều người biết đến.

d. Phản biện

Trong cuộc sống có nhiều người tuy có điều kiện vật chất tốt nhưng lại mắc bệnh vô cảm; ích kỉ, nhỏ nhen chỉ nghĩ đến bản thân mình mà không quan tâm đến người khác,… → những người này đáng bị xã hội thẳng thắn phê phán, chỉ trích.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: câu nói “Giấy rách phải giữ lấy lề” và rút ra bài học, liên hệ bản thân.

II. Văn mẫu Giải thích câu tục ngữ “Giấy rách phải giữ lấy lề”

Giải thích câu tục ngữ “Giấy rách phải giữ lấy lề” mẫu 1

Con người sống trong xã hội cần nhiều phẩm chất tốt đẹp để giúp cho quê hương, đất nước của mình ngày càng phát triển văn minh, hiện đại hơn. Một trong những đức tính con người cần có cho mình để ngày càng tốt đẹp hơn chính là lòng tự trọng. Để khuyên nhủ con cháu sống với lòng tự trọng, ông cha ta đã có câu: “Giấy rách phải giữ lấy lề”. Giấy rách là những tờ giấy không còn được lành lặn, đã bị xé đi, vấy bẩn. Giấy rách ở đây ám chỉ hoàn cảnh, những khó khăn, éo le và cả những cám dỗ của cuộc sống bủa vây con người. Còn lề là bộ phận giữ cho cuốn vở được vẹn nguyên ám chỉ bản lĩnh, những vẻ đẹp vốn có của con người. Dân gian ta mượn hình ảnh giấy và lề để nhắn nhủ con người sống hãy biết giữ mình, có chính kiến, bản lĩnh, lòng tự trọng để không bị những cám dỗ cuốn đi. Ngày nay, nhịp sống hiện đại của con người trôi chảy nhanh hơn bao giờ hết. Chúng ta có rất nhiều cơ hội và cám dỗ ngoài kia không thể lường trước được. Việc rèn luyện cho bản thân những đức tính tốt đẹp đã khó, để duy trì và giữ nó lại càng khó hơn. Những cám dỗ sẽ mang lại cho ta lợi ích trước mắt nhưng lâu dài nó sẽ trực tiếp hủy hoại nhân cách, cuộc sống của con người ta. Hãy là một công dân có chính kiến, có định hướng rõ ràng, biết điểm dừng, biết thế nào là đủ để kiểm soát bản thân mình tốt hơn, để tránh trượt vào những sa ngã. Bên cạnh đó, ta cũng cần chỉ trích, phê phán những con người có lối sống thực dụng, sẵn sàng vì tư lợi cá nhân mà quên đi giá trị bản thân, làm sai lệch đạo đức, thậm chí là cả pháp luật để trục lợi về mình. Cuộc sống của chúng ta do chính ta làm chủ, hãy cầm bút và vẽ lên tờ giấy của cuộc đời mình một bức tranh tuyệt đẹp, mang lại giá trị và ý nghĩa lớn lao cho đời, đừng để đánh mất đi chính mình rồi sau này hối tiếc.

Giải thích câu tục ngữ “Giấy rách phải giữ lấy lề” mẫu 2

Giá trị của mỗi người nằm ở lòng tự trọng, ở giá trị của bản thân mình. Chúng ta có thể nghèo về vật chất chứ không thể để thân tâm mình bị ảnh hưởng. Để khuyên nhủ con cháu mình sống trước sau như một, ông cha ta đã sáng tác ra câu tục ngữ: “Giấy rách phải giữ lấy lề”. Giấy rách” nghĩa đen chỉ tờ giấy không còn lành lặn; nghĩa bóng chỉ sự nghèo khó, khổ hạnh của đời người. Lề nghĩa đen chỉ bộ phận gắn kết giữa giấy vào quyển vở, có vai trò cố định và làm cho quyển vở đẹp đẽ; nghĩa bóng chỉ những phẩm chất tốt đẹp, vững chắc của con người. Câu tục ngữ khuyên nhủ con người dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt nào, nghèo đói hay thiếu thốn thì con người hãy sống có lòng tự trọng, giữ lấy những giá trị cốt lõi, phẩm chất tốt đẹp của mình. Người có lòng tự trọng là luôn biết giá trị của bản thân mình. Họ biết mình là ai, có những gì, tự hào về điều gì và không để người khác xâm phạm đến những điều ấy. Sống tự trọng là biết giữ gìn phẩm giá, nhân cách, dám bênh vực lẽ phải dù có ảnh hưởng đến quyền lợi bản thân. Là con người trong xã hội tiên tiến, ta phải có nhân cách đạo đức. Nhân cách ấy giúp ta giữ gìn bản thân sống tốt đẹp và nhân cách giúp ta dễ gần gũi, thân ái với mọi người trong cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, trong xã hội, bên cạnh những người đang ra sức giữ gìn nhân cách phẩm chất của mình được tốt đẹp thì có một số người đã bị tha hoá, biến chất. Họ là những người chỉ sống bằng hình thức bên ngoài, chạy theo vật chất xa hoa. Khi gặp sự cố không hay thì họ đổ lỗi cho hoàn cảnh mà không dám nhận hậu quả của sự suy thoái về đạo đức. Những người này cần xem xét lại chính mình và sửa đổi nếu muốn cuộc sống tốt đẹp hơn. Cuộc sống quá ngắn để chúng ta đi sai hướng, sống với những suy nghĩ sai lệch. Hãy giữ cho mình bản tính tốt đẹp và trở thành một người công dân tốt.

Giải thích câu tục ngữ “Giấy rách phải giữ lấy lề” mẫu 3

Người xưa có câu: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Cuộc sống dù có khó khăn, thiếu thốn thì hãy luôn giữ cho bản thân mình những đức tính quý báu, sự trong sạch. Chính vì thế, câu tục ngữ “Giấy rách phải giữ lấy lề” mang ý nghĩa, thông điệp vô cùng đúng đắn.

Giấy rách theo nghĩa đen là tờ giấy không còn lành lặn, đẹp đẽ, tinh khôi mà đã bị vấy bẩn, nhàu nát. Nghĩa bóng trong câu tục ngữ này chỉ sự nghèo khó, khổ hạnh của đời người và là cả những biến cố làm thay đổi cuộc sống con người. Lề mang nghĩa đen chỉ bộ phận gắn kết giữa giấy vào quyển vở, có vai trò cố định và làm cho quyển vở đẹp đẽ; nghĩa bóng chỉ những phẩm chất tốt đẹp, vững chắc của con người. Câu nói giúp con người hiểu rằng dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt nào, nghèo đói hay thiếu thốn hãy giữ lấy những giá trị cốt lõi, phẩm chất tốt đẹp của mình để bản thân mình luôn trong sạch.

Trong xã hội sẽ có người giàu, kẻ nghèo, nhiều giai cấp khác nhau; mỗi người một cá tính, một phẩm hạnh; nếu người giàu nhưng không có đạo đức tốt cũng bị người đời coi thường, thiếu đi sự tôn trọng; nhưng nếu người nghèo nhưng tấm lòng họ lương thiện, hướng về điều tốt đẹp sẽ được người khác yêu quý, giúp đỡ. Hơn nữa, sự giàu nghèo không nói lên bạn là ai, nhưng những điều bạn thể hiện và tính cách của bạn mới là thước đo đánh giá con người. Xã hội này sẽ trở nên suy thoái nếu con người sống không có đạo đức, vô nhân tính; xã hội sẽ phát triển tốt đẹp; giàu tình yêu thương nếu con người biết hướng đến những điều tốt đẹp.

Thực tế đã chứng minh có nhiều con người tuy rơi vào hoàn cảnh éo le nhưng vẫn giữ được phẩm chất tốt đẹp cho bản thân mình. Nhiều chiến sĩ cách mạng trước kia dù cho bị quân thù tra tấn khổ sở đến cỡ nào hoặc bị bọn chúng dụ dô bằng những lời được mật, những vật chất, chức tước khác nhưng chúng ta vẫn kiên quyết giữ vững tinh thần đấu tranh và cuối cùng đã dành thắng lợi vang dội.

Tuy nhiên, trong cuộc sống có nhiều người tuy có điều kiện vật chất tốt nhưng lại mắc bệnh vô cảm; ích kỉ, nhỏ nhen chỉ nghĩ đến bản thân mình mà không quan tâm đến người khác. Lại có những người vì lợi ích trước mắt mà sẵn sàng bán rẻ bản thân mình, sẵn sàng làm việc xấu để trục lợi,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn phê phán, chỉ trích.

Mỗi chúng ta được tự lựa chọn cho bản thân mình cách sống, cách làm người. Chính vì thế, hãy sống và trở thành một người có ích cho xã hội để không phải hổ thẹn với lương tâm và để xã hội này tô điểm thêm màu sắc của những thông điệp tốt đẹp, quý giá.

Nghị luận xã hội về câu tục ngữ Giấy rách phải giữ lấy lề - Bài mẫu 4

Phẩm giá, đạo đức của con người rất quan trọng. Người ta có thể sống thiếu về vật chất chứ không thể nào đánh mất nhân cách, danh dự, lòng tự của mình được. Vì vậy, ông bà xưa có nói: "Giấy rách phải giữ lấy lề". Câu tục ngữ trên nhằm nhắc nhở chúng ta: Dù trong bất cứ hoàn cảnh khó nào cũng phải giữ gìn nhân cách, phẩm giá của con người.

Theo như câu tục ngữ, tờ giấy kia dù có bị "rách", không còn nguyên vẹn nhưng phải giữ được "cái lề" của nó để người ta còn nhận ra là "tờ giấy". Con người cũng vậy, dù bị nghèo túng, lâm vào tình thế bức bách, ta cũng phải có tự trọng, không nên làm những điều bậy bạ, xấu xa… Sống ở trên đời, người ta quý trọng nhau là ở nhân cách, phẩm giá chứ không chỉ biết có tiền. Có tiền thật nhiều, sang trọng hơn người nhưng lại thiếu đạo đức, không nhân cách thì liệu mọi người có quý yêu ta không? Trong những lúc khó khăn thiếu thốn hoặc lúc nguy nan khốn đốn thì nhân cách của con người thường được thể hiện rõ nhất. Xưa kia, danh tiếng Trần Bình Trọng khi bị giặc bắc giữa cái sống và cái chết, ông đã kháng khái chọn cái chết mà ngàn đời sau còn lưu danh muôn thuở: "Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm vương đất Bắc". Còn nhà văn Ngô Tất Tố đã xây dựng hình tượng nhân vật chị Dậu đầy cảm phục. Chồng thì "bị trói gô" ở đình làng vì không có tiền nộp sưu cho Nhà nước, còn con thì "đói vàng cả mắt", vậy mà chị đã mạnh dạn ném nắm bạc vào mặt tên tri phủ Tư Ân để giữ gìn tiết hạnh với chồng. Càng xúc động và khâm phục biết bao trước cái chết của Lão Hạc – nhân vật trong chuyện "Lão Hạc" của Nam Cao thì thà ăn bả chó để chết chứ không tiếp tục sống đói nghèo để rồi sẽ theo gót Binh Tư làm nghề ăn trộm nuôi thân. Thật đáng trân trọng biết bao những cuộc đời cao đẹp.

Là con người, ta phải có nhân cách đạo đức. Nhân cách ấy giúp ta giữ gìn bản thân sống tốt đẹp và nhân cách giúp ta dễ gần gũi, thân ái với mọi người trong cộng đồng xã hội. Nếu trong xã hội mọi người đều có ý thức được điều này thi xã hội sẽ tiến bộ, văn minh và tươi đẹp hơn.

Thế nhưng, bên cạnh những người đang ra sức giữ gìn nhân cách phẩm chất của mình được tốt đẹp thì có một số người đã bị tha hoá, biến chất. Họ là những người chỉ sống bằng hình thức bên ngoài, chạy theo vật chất xa hoa. Khi gặp sự cố không hay thì họ đổ lỗi cho hoàn cảnh mà không dám nhận hậu quả của sự suy thoái về đạo đức. Thật là điều ngạc nhiên khi có những "giấy"bị "rách" mà vẫn cố giữ được "cái lề", còn nhiều tờ giấy vẫn nguyên hình dáng hình mà đánh mất cái lề của nó đi. Đó mới là cảnh tượng đau lòng xã hội ta ngày nay không phải là không có trường hợp này, vì vậy Đảng và nước đang ra sức giữ lại những "cái lề, cái lối” ấy mà từ bao đời nay ông cha đã vun đắp cho được tốt đẹp, như tổ tiên ta đã từng nhắc nhở "Đói cho sạch, rách cho thơm" đó sao.

Đã qua rồi những năm tháng chiến tranh, đói nghèo, cuộc sống mới đầy đủ thì câu tục ngữ này là một lời giáo huấn quý báu cho những ai coi thường nhân cách, bán rẻ danh dự, lương tâm. Ta đừng vì một nghịch cảnh nào, vì một lý do nào… mà quên đi lời dạy sâu sắc trên. Ta phải giữ gìn bảo vệ và quý yêu truyền thống, bản sắc của dân tộc, như vậy là ta đã giữ "cái lề” của xã hội, của đất nước

Từ hình ảnh "tờ giấy" ông cha ta giáo dục lớp con cháu đời sau bằng bài học đạo đức làm người thật sâu sắc và quý báu. Để xứng đáng và không hổ thẹn với người đi trước, chúng ta cần phải thận trọng khi bắt tay vào một công việc gì mà việc đó có liên quan đến danh dự bản thân, danh dự gia đình, danh dự của đất nước hầu tránh được những hậu quả sau này.

---------------------------

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Giải thích câu tục ngữ: Giấy rách phải giữ lấy lề cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 9 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 9 và biết cách soạn bài lớp 9 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Đồng thời các dạng đề thi học kì 1 lớp 9, đề thi học kì 2 lớp 9 mới nhất cũng sẽ được chúng tôi cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
39
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Soạn Văn 9 Sách mới

    Xem thêm