Học thuyết số lượng tiền tệ thô sơ
VnDoc xin giới thiệu bài Học thuyết số lượng tiền tệ thô sơ được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức lý thuyết môn Tài chính tiền tệ để hoàn thành học phần của mình một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Học thuyết số lượng tiền tệ thô sơ
Vào cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, một số nhà kinh tế mà đại diện tiêu biểu là Irving Fisher ở đại học Yale đưa ra học thuyết về số lượng tiền tệ mà nội dung chủ yếu là một học thuyết về xác định thu nhập danh nghĩa.
Trong tác phẩm “sức mua của tiền tệ”, nhà kinh tế học Mỹ Irving Fisher đưa ra mối quan hệ giữa tổng lượng tiền tệ (M) với tổng chi tiêu để mua hàng hoá, dịch vụ được sản xuất ra trong nền kinh tế dựa trên một khái niệm gọi là tốc độ lưu thông tiền tệ theo phương trình trao đổi tính theo giá trị danh nghĩa của các giao dịch trong nền kinh tế:
MVT = PT
Trong đó P là giá bình quân mỗi giao dịch, T là số lượng giao dịch tiến hành trong một năm và VT là tốc độ giao dịch của tiền tệ - tốc độ khối lượng tiền quay vòng hàng năm. Vì giá trị danh nghĩa của các giao dịch (T) rất khó đo lường cho nên học thuyết số lượng đã được phát biểu theo tổng sản phẩm (Y):
MV=PY
Trong đó V là tốc độ thu nhập đo lường số lần trung bình trong một năm một đơn vị tiền tệ được chi dùng để mua tổng số hàng hóa, dịch vụ được sản xuất ra trong nền kinh tế.
V=PY/M
Irving Fisher lập luận rằng tốc độ thu nhập được xác định bởi các tổ chức trong nền kinh tế có ảnh hưởng đến cách các cá nhân thực hiện các giao dịch. Nếu người ta dùng sổ ghi nợ và thẻ tín dụng để tiến hành các giao dịch của mình và do đó mà sử dụng tiền ít hơn thông thường khi mua thì lượng tiền được yêu cầu ít đi để tiến hành các giao dịch do thu nhập danh nghĩa gây nên (M↓so với PY) và tốc độ (PY/M) sẽ tăng lên. Ngược lại nếu mua trả bằng tiền mặt hoặc séc là thuận tiện hơn thì cần sử dụng lượng tiền nhiều hơn để tiến hành các giao dịch được sinh ra bởi cùng một mức thu nhập danh nghĩa và tốc độ sẽ giảm xuống. Tuy nhiên quan điểm của Fisher là những đặc điểm về tổ chức và công nghệ của nền kinh tế sẽ chỉ ảnh hưởng đến tốc độ một cách chậm chạp qua thời gian, cho nên tốc độ sẽ giữ nguyên một cách hợp lý trong thời gian ngắn.
Với quan điểm này, phương trình trao đổi được chuyển thành học thuyết số lượng tiền tệ với nội dung: Số lượng thu nhập danh nghĩa chỉ được xác định bởi những chuyển động trong số lượng tiền tệ.
Irving Fisher và các nhà kinh tế cổ điển khác cho rằng tiền lương và giá cả hoàn toàn linh hoạt nên coi mức tổng sản phẩm được sản xuất trong nền kinh tế (Y) thường được giữ ở mức công ăn việc làm đầy đủ, do vậy Y có thể được coi một cách hợp lý là không thay đổi trong thời gian ngắn.
Như vậy: phương trình trao đổi được viết lại:
P = (V/Y) x M = k x M
Trong đó: k (= V/Y) không thay đổi trong thời gian ngắn và thay đổi chậm trong thời gian dài. Học thuyết số lượng tiền tệ hàm ý rằng: những thay đổi trong mức giá cả chỉ là kết quả của những thay đổi trong số lượng tiền tệ thô sơ đã đi đến vấn đề cầu tiền tệ.
Phương trình trao đổi được viết lại như sau:
M =1/V×PY
Khi thị trường tiền tệ cân bằng: số lượng tiền các tổ chức và cá nhân nắm giữ (M) bằng số lượng tiền được yêu cầu (MD), vì vậy:
MD =1/V × PY = k × PY
Trong đó: k = 1/v là một hằng số
Như vậy học thuyết số lượng tiền tệ của Fisher nói nên rằng: cầu về tiền là một hàm số của thu nhập và lãi suất không có ảnh hưởng đến cầu của tiền tệ.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Học thuyết số lượng tiền tệ thô sơ về mối quan hệ giữa tổng lượng tiền tệ (M) với tổng chi tiêu để mua hàng hoá, dịch vụ được sản xuất ra trong nền kinh tế dựa trên một khái niệm gọi là tốc độ lưu thông tiền tệ theo phương trình trao đổi tính theo giá trị danh nghĩa của các giao dịch trong nền kinh tế...
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn lý thuyết bài Học thuyết số lượng tiền tệ thô sơ. Các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu thuộc các chuyên ngành khác trong Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.