Khái niệm và bản chất của quá trình thực hiện chiến lược
Chúng tôi xin giới thiệu bài Khái niệm và bản chất của quá trình thực hiện chiến lược được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Khái niệm và bản chất của quá trình thực hiện chiến lược
1. Khái niệm quá trình thực hiện chiến lược
Sau khi lựa chọn và quyết định chiến lược, quản trị gia phải có một sự chuyển giao mang ý nghĩa chiến lược. Đó là việc chuyển giao từ giai đoạn xây dựng chiến lược sang giai đoạn thực hiện, thực chất là sự chuyển giao trách nhiệm từ những người xây dựng chiến lược cho các quản trị viên theo chức năng và các bộ phận. Mặc dù 2 giai đoạn này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau nhưng công tác tổ chức thực hiện chiến lược vẫn có những đặc thù khác hẳn và yêu cầu đặt ra cho giai đoạn này cũng khác so với giai đoạn xây dựng chiến lược.
Tổ chức thực hiện chiến lược là một giai đoạn có ý nghĩa quan trọng đảm bảo sự thành công của toàn bộ quá trình quản trị chiến lược. Thực tế cho thấy các doanh nghiệp thường đầu tư quá nhiều thời gian vào lựa chọn và quyết định chiến lược nhưng dường như lại cho rằng chiến lược đó sẽ diễn ra một cách đương nhiên. Các mục tiêu chiến lược không bao giờ tự đạt được mà muốn biến chúng thành hiện thực đòi hỏi trước hết phải phân tích cặn kẽ, hình thành các chính sách, phân bổ nguồn lực bởi mọi kế hoạch ngắn hạn hơn một cách hợp lý và tổ chức thực hiện chúng. Chừng nào việc triển khai thực hiện chưa được tiến hành một cách khoa học và có hiệu quả thì các chiến lược vẫn chỉ dừng lại trên giấy tờ. Trong giai đoạn thực hiện, các kế hoạch định hướng sẽ được chuyển hoá thành hành động cụ thể. Có thể khẳng định tổ chức thực hiện chiến lược là một giai đoạn có vị trí rất quan trọng để biến chiến lược thành hiện thực. Xây dựng chiến lược đúng đắn, phù hợp với môi trường kinh doanh là hết sức quan trọng, nhưng triển khai thực hiện chiến lược cũng là nhân tố quan trọng bảo đảm cho chiến lược thành công.
Như vậy về mặt bản chất, thực hiện chiến lược là quá trình chuyển các ý tưởng chiến lược đã được hoạch định thành các hành động cụ thể của tổ chức, hay nói cách khác là chuyển từ “lập kế hoạch các hành động" sang "hành động theo kế hoạch". Tổ chức thực hiện chiến lược là tiến trình biến đổi các chiến lược thành các chính sách, các chương trình hành động hay các dự án, được tiến hành thông qua một cơ cấu tổ chức hữu hiệu nhằm đạt được các mục tiêu và hoàn thành các nhiệm vụ. Các nhà quản trị cần triển khai các chiến lược thành các chương trình hành động cụ thể, chẳng hạn: chương trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, chương trình phát triển mạng lưới bán hàng, chương trình quảng cáo… hoặc các dự án: dự án nghiên cứu marketing, dự án đầu tư xây dựng nhà máy mới, dự án khai thác nguồn nguyên liệu mới.
Tổ chức thực hiện chiến lược không dừng lại ở các ý tưởng mà phải biến các ý tưởng chiến lược thành các chính sách, kế hoạch cụ thể, phù hợp thực tiễn và biến chúng thành hiện thực. Tổ chức thực hiện chiến lược là khó và phức tạp hơn so với hoạch định chiến lược vì nó bao gồm nhiều công việc từ hình thành các chính sách hợp lý, xây dựng các kế hoạch ngắn hạn hơn,...
Tổ chức thực hiện chiến lược thường được gọi là giai đoạn hoạt động của quản trị chiến lược. Tổ chức thực hiện có nghĩa là huy động đội ngũ quản trị viên và công nhân viên tham gia vào việc thực hiện các mục tiêu chiến lược đã đặt ra. Việc thực hiện chiến lược đòi hỏi tính kỷ luật cao, sự tận tuỵ và đức hy sinh của mỗi cá nhân trong tổ chức.
Sự thành công của việc tổ chức thực hiện chiến lược tập trung vào khả năng thúc đẩy động viên mọi người tham gia vào quá trình thực hiện chiến lược. Bởi vì các hoạt động thực hiện chiến lược đều ảnh hưởng tới tất cả các nhân viên và các quản trị viên trong doanh nghiệp. Mọi bộ phận và các phòng ban phải xác định rõ những công việc cần làm để thực hiện phần của mình trong quá trình thực hiện chiến lược của doanh nghiệp và làm thế nào để công việc được thực hiện một cách tốt nhất.
Như vậy, hoạch định chiến lược và thực hiện chiến lược là hai giai đoạn khác nhau nhưng có mối quan hệ biện chứng với nhau. Khi hình thành chiến lược luôn phải tính tới việc triển khai, thực hiện chiến lược đó như thế nào. Mặt khác, hoạch định chiến lược là để tìm ra phương án, là cơ sở ban đầu cho việc tổ chức thực hiện chiến lược nhưng tổ chức thực hiện chiến lược lại cung cấp thông tin cũng như các kinh nghiệm cần thiết để hoạch định chiến lược một cách tốt hơn.
Hoạch định chiến lược | Thực hiện chiến lược |
Hoạch định chiến lược là quá trình phân tích môi trường kinh doanh, xác định tầm nhìn, sứ mạng, các mục tiêu chiến lược và chiến lược của tổ chức | Thực hiện chiến lược là quá trình biến ý tưởng thành hành động, cụ thể hoá các mục tiêu dài hạn thành mục tiêu hàng năm, xây dựng các chính sách và phân bổ các nguồn lực để thực hiện chiến lược đã được hoạch định |
Định vị các lực lượng trước khi hành động (đặt vị trí các nguồn lực trước hành động) | Quản lý các lực lượng khi hành động (quản trị các nguồn lực trong công việc) |
Nhấn mạnh đến hiệu quả tài chính | Nhấn mạnh đến hiệu quả hoạt động |
Cơ bản là một quá trình tư duy | Cơ bản là quá trình hoạt động (tác nghiệp) |
Đòi hỏi có tầm nhìn sâu rộng, kỹ năng phân tích và trực giác tốt | Đòi hỏi những kỹ năng quản trị, lãnh đạo, khuyến khích động viên, phối hợp hoạt động giữa các bộ phận, thành viên trong tổ chức |
Cần sự phối hợp của một vài cá nhân | Cần sự tham gia, phối hợp của mọi thành viên, mọi bộ phận trong tổ chức |
Nội dung và các công cụ để hoạch định tương đối như nhau giữa các tổ chức có quy mô và loại hình hoạt động khác nhau | Thực thi chiến lược có sự khác nhau rất lớn giữa các quy mô và loại hình hoạt động của tổ chức. |
Bảng 6.5. Sự khác nhau giữa hoạch định chiến lược và thực hiện chiến lược
2. Các nguyên tắc khi tổ chức thực hiện chiến lược
Các chính sách kinh doanh phải được xây dựng trên cơ sở hướng vào thực hiện hệ thống mục tiêu chiến lược.
Trong trường hợp môi trường kinh doanh không biến động ngoài giới hạn đã dự báo, các kế hoạch triển khai phải nhất quán và nhằm thực hiện các mục tiêu chiến lược.
Kế hoạch càng dài hạn hơn càng mang tính khái quát hơn, kế hoạch càng ngắn hạn hơn thì tính cụ thể càng phải cao hơn.
Doanh nghiệp phải đảm bảo dự trữ đủ các nguồn lực cần thiết trong suốt quá trình triển khai chiến lược một cách có hiệu quả.
Kế hoạch phải được phổ biến đến mọi người lao động và phải có sự tham gia và ủng hộ nhiệt tình của họ.
Luôn dự báo và phát hiện sớm các thay đổi ngoài dự kiến để chủ động thực hiện các thay đổi cần thiết đối với các hoạt động có liên quan.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Khái niệm và bản chất của quá trình thực hiện chiến lược về khái niệm quá trình thực hiện chiến lược và các nguyên tắc khi tổ chức thực hiện chiến lược...
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Khái niệm và bản chất của quá trình thực hiện chiến lược. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.