Khái niệm về bất ổn vĩ mô và bất bình đẳng thu nhập
Khái niệm về bất ổn vĩ mô và bất bình đẳng thu nhập được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức lý thuyết môn Kinh tế công cộng để hoàn thành học phần của mình một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Khái niệm về bất ổn vĩ mô và bất bình đẳng thu nhập
Bất ổn vĩ mô
Nền kinh tế thị trường, xét theo thời gian, vận động theo chu kỳ. Tổng sản lượng thực tế của nền kinh tế không tăng trưởng một cách đều đặn theo sự sự tích lũy các nguồn lực chung của nó mà lại có xu hướng biến động lúc cao, lúc thấp so với mức sản lượng tiềm năng. Vào thời kỳ phồn thịnh, nền kinh tế tăng trưởng nhanh, sản lượng đạt cao so với tiềm năng, công ăn việc làm dồi dào, do đó, tỷ lệ thất nghiệp hay tỷ lệ những người không có việc làm thấp. Trong trạng thái nền kinh tế tăng trưởng quá "nóng", giá cả hàng hóa cũng thường tăng nhanh hay nói cách khác, tỷ lệ lạm phát lúc này thường cao. Sự phồn thịnh của nền kinh tế thường không duy trì được lâu. Dần dần nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại, đến một lúc nào đó, trạng thái xuống dốc của nền kinh tế biểu lộ rõ rệt ở sự suy thoái. Sản lượng thực tế càng ngày càng thấp so với mức sản lượng tiềm năng. Khi nền kinh tế tăng trưởng chậm hoặc không tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng. Nhiều nhà máy phải đóng cửa hay chỉ sản xuất cầm chừng. Không chỉ lao động mà các nguồn lực khác của nền kinh tế cũng không được sử dụng hết công suất. Trong bối cảnh đó, thu nhập của người dân bị giảm sút. Trên thị trường, hàng hóa bị đình đốn, khó tiêu thụ. Vì thế, giá cả hàng hóa thường hạ hoặc khó tăng: tỷ lệ lạm phát chung của nền kinh tế lúc này, trái ngược với thời kỳ phồn thịnh, thường thấp.
Khi nền kinh tế kéo dài thời kỳ suy thoái đến điểm "đáy" thấp nhất của nó (đôi khi người ta gọi giai đoạn trầm trọng nhất của thời kỳ suy thoái là giai đoạn khủng hoảng của nền kinh tế), dần dần sự suy thoái sẽ chậm lại, và nền kinh tế sẽ lại phục hồi. Khi dự trữ máy móc, thiết bị của nền kinh tế xuống thấp một mức nào đó, người ta lại buộc phải gia tăng đầu tư để phục hồi, thay thế những máy móc, thiết bị cũ đã bị hư hỏng. Theo đà đó và cùng với những xung lực khác, nền kinh tế dần dần lấy lại được đà tăng trưởng. Sản lượng thực tế tăng dần đuổi theo và vượt mức sản lượng tiềm năng. Cứ thế, nền kinh tế lại dần đạt được thời kỳ phồn thịnh mới, trước khi dần dần lại rơi vào một thời kỳ suy thoái mới... Vì sự biến động sản lượng cứ lặp đi lặp lại như vậy nên được gọi là tính chu kỳ của nền kinh tế.
Sự vận động của nền kinh tế thị trường, xét trên góc độ vĩ mô, theo những chu kỳ như vậy tạo nên một sự mất ổn định vĩ mô. Sản lượng lên xuống thất thường mặc dù xét dài hạn, nó vẫn bộc lộ một xu hướng hay tiềm năng tăng trưởng nào đó. Nền kinh tế lúc phải gánh chịu tỷ lệ lạm phát cao, lúc lại rơi vào suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp cao. Điều đó tạo ra sự bấp bênh và rủi ro đối với cuộc sống của nhiều người trong xã hội. Tính bất ổn định vĩ mô là một thất bại thị trường. Chính phủ có chức năng khắc phục thất bại sự bất ổn vĩ mô nhằm giảm bớt tổn thất phúc lợi xã hội.
Đói nghèo và bất bình đẳng thu nhập
Đói nghèo và bất bình đẳng thu nhập là một biểu hiện của thất bại thị trường, đồng thời cần đến sự can thiệp từ cả ba nhóm chức năng Nhà nước, gồm: giảm chi phí giao dịch, khắc phục thất bại thị trường, và can thiệp mang tính gia trưởng tích cực.
Giá cả các yếu tố sản xuất hình thành trên nguyên tắc khan hiếm tương đối có thể là một cách để thị trường sử dụng các yếu tố sản xuất một cách có hiệu quả. Một yếu tố sản xuất ít khan hiếm cần có giá thấp nhằm khuyến khích xã hội sử dụng nó nhiều hơn. Ngược lại, một yếu tố sản xuất quá khan hiếm cần được xã hội sử dụng một cách tiết kiệm và việc định giá cao trên thị trường về loại yếu tố sản xuất này là một cách để thị trường định hướng điều đó. Tuy nhiên, cách thức hoạt động như vậy của thị trường yếu tố sản xuất có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong phân phối thu nhập. Nó không hề đảm bảo sự công bằng về thu nhập. Thậm chí theo nguyên tắc của thị trường, sự phân hóa giàu nghèo, hay sự chênh lệch về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư là không tránh khỏi.
Khi những người khác nhau sở hữu với những mức độ rất khác nhau về các nguồn lực, thu nhập của họ không thể giống nhau. Một người chỉ có nguồn lực lao động như nguồn tạo ra thu nhập duy nhất thường nghèo hơn rất nhiều so với một người có khả năng lao động tương đương song lại sở hữu nhiều tài sản khác như cổ phiếu, đất đai, hay nhà máy. Ngay giữa những người chỉ có nguồn lực lao động là duy nhất thì chất lượng lao động mà họ sở hữu lại cũng có thể là rất khác nhau. Mức lương thị trường mà họ nhận được do đó cũng rất chênh lệch. Những người chỉ có khả năng làm những công việc giản đơn thường có thu nhập thấp hơn rất nhiều so với những người lao động có tay nghề cao, làm được các công việc phức tạp mà xã hội đang có nhu cầu cao.
Sự chênh lệch thu nhập hay phân hóa giàu nghèo giữa các bộ phận dân cư trong xã hội có thể trở thành vấn đề xã hội nghiêm trọng khi nó vượt quá một giới hạn nào đó. Một khi trong xã hội có quá nhiều người nghèo đói - những người có thu nhập quá thấp và bấp bênh, sống chật vật cả với việc thỏa mãn những nhu cầu tối thiểu (ăn, mặc, ở...), đồng thời của cải hay sản phẩm xã hội lại quá tập trung trong tay một số người giàu thì sự chênh lệch thu nhập, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội đã trở nên sâu sắc. Hiện trạng như vậy chứa đựng mầm mống của những xung đột xã hội, tạo ra những bất ổn định về mặt xã hội. Vì thế, sự chênh lệch giàu nghèo hay sự bất công bằng về thu nhập được xem như là một thất bại thị trường, đòi hỏi Nhà nước phải can thiệp.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Khái niệm về bất ổn vĩ mô và bất bình đẳng thu nhập về yếu tố sản xuất hình thành trên nguyên tắc khan hiếm tương đối có thể là một cách để thị trường sử dụng các yếu tố sản xuất một cách có hiệu quả....
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn lý thuyết bài Khái niệm về bất ổn vĩ mô và bất bình đẳng thu nhập. Các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu thuộc các chuyên ngành khác trong Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.