Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Một số quy định chung của giao dịch chứng khoán

Một số quy định chung của giao dịch chứng khoán được chúng tôi sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức trong chương trình Đại học để hoàn thành học phần của mình một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

1. Thời gian giao dịch

Thời gian giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán thường có hai dạng: dạng hai phiên giao dịch (phiên sáng và phiên chiều) và dạng một phiên. Yếu tố quyết định thời gian giao dịch là quy mô của thị trường chứng khoán, đặc biệt là quy mô thanh khoản.

Tại hầu hết các sở giao dịch chứng khoán trên thế giới, giao dịch chứng khoán thường diễn ra trong các ngày làm việc trong tuần. Cũng có nơi, do thị trường nhỏ bé và kém thanh khoản nên thực hiện giao dịch cách ngày. Tuy nhiên, việc giao dịch cách ngày cùng với chu kỳ thanh toán kéo dài có thể ảnh hưởng lớn đến tính thị trường của chứng khoán, cơ hội đầu tư của công chúng cũng như vòng quay tài chính của thị trường.

2. Loại giao dịch

Giao dịch chứng khoán có thể được phân loại thành giao dịch thông thường, giao dịch giao ngay và giao dịch kỳ hạn dựa trên chu kỳ thanh toán giao dịch.

Sau khi giao dịch chứng khoán diễn ra, xử lý thanh toán sau giao dịch là một quá trình phức tạp và đòi hỏi có thời gian. FIBV và G-30 khuyến nghị chuẩn mực chu kỳ thanh toán T+3 cho các giao dịch thông thường (regular transaction) ở các thị trường. Việc rút ngắn chu kỳ thanh toán có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hút người đầu tư Ngoài ra, chu kỳ thanh toán càng được rút ngắn thì rủi ro thanh toán càng được giảm thiểu.

Giao dịch giao ngay (cash transaction) là loại giao dịch được thanh toán ngay trong ngày giao dịch (ngày T). Loại giao dịch này hầu như không có rủi ro thanh toán vì quá trình thanh toán được thực hiện ngay sau khi giao dịch diễn ra. Giao dịch giao ngay thường được áp dụng ở một số thị trường có hệ thống thanh toán tiên tiến và chủ yếu đối với giao dịch trái phiếu

Giao dịch kỳ hạn (forward transaction) là loại giao dịch được thanh toán vào một ngày cố định được xác định trước hoặc theo sự thỏa thuận giữa hai bên mua và bán. Hiện nay loại giao dịch này hầu như không còn được sử dụng.

3. Nguyên tắc khớp lệnh

Trong khớp lệnh định kỳ, mỗi lần khớp lệnh sẽ hình thành một mức giá thực hiện duy nhất - là mức giá thỏa mãn điều kiện thực hiện được một khối lượng giao dịch lớn nhất. Để xác định những lệnh được thực hiện trong mỗi lần khớp lệnh, một số nguyên tắc khớp lệnh được áp dụng. Nguyên tắc khớp lệnh chính yếu được tất cả các thị trường áp dụng là ưu tiên về giá - lệnh mua với giá cao nhất và lệnh bán với giá thấp nhất được thực hiện trước. Ngoài ra, một số nguyên tắc khớp lệnh thứ yếu thường được áp dụng bao gồm ưu tiên về thời gian, ưu tiên cho khách hàng, ưu tiên theo khối lượng và phân bổ theo tỷ lệ.

4. Lệnh giao dịch

Trên các thị trường chứng khoán quốc tế, có rất nhiều loại lệnh giao dịch được sử dụng nhưng các nguyên tắc khớp lệnh thì không thay đổi. Trên thực tế, phần lớn các lệnh giao dịch được người đầu tư sử dụng là lệnh giới hạn và lệnh thị trường.

Lệnh giới hạn (limit order) là loại lệnh giao dịch trong đó người đặt lệnh chỉ ra mức giá giới hạn đối với việc thực hiện giao dịch của mình. Lệnh giới hạn mua chỉ ra mức giá tối đa mà người đặt lệnh chấp nhận thực hiện giao dịch; lệnh giới hạn bán chỉ ra mức giá tối thiểu mà người đặt lệnh chấp nhận thực hiện giao dịch. Lệnh thị trường (market order) là loại lệnh được sử dụng rất phổ biến ở các thị trường tiên tiến. Khi sử dụng loại lệnh này, người đầu tư sẵn sàng mua hoặc bán chứng khoán theo mức giá thị trường hiện tại, hay mức giá tốt nhất hiện có trên thị trường (mức giá đặt mua cao nhất và mức giá đặt bán thấp nhất). Đối với lệnh thị trường, người đầu tư có thể yên tâm về khả năng lệnh giao dịch của mình sẽ được thực hiện, nhưng không chắc chắn về mức giá thực hiện.

Lệnh thị trường là một công cụ hữu hiệu có thể sử dụng nhằm nâng tỷ lệ giao dịch được thực hiện trên thị trường, đồng nghĩa với tăng cường tính thanh khoản của thị trường. Lệnh thị trường cũng tỏ ra thuận tiện cho người đầu tư vì họ không cần phải chỉ ra mức giá giao dịch cụ thể. Bên cạnh đó, việc áp dụng lệnh thị trường giúp cho các công ty chứng khoán tiết kiệm được thời gian và nâng cao hiệu quả hoạt động do giảm bớt được sự sai sót và nhầm lẫn xuất phát từ yêu cầu sửa và hủy lệnh của người đầu tư. Mặc dù vậy, lệnh thị trường có thể gây ra sự biến động giá bất thường, ảnh hưởng đến sự ổn định giá chứng khoán trên thị trường, do lệnh thị trường luôn tiềm ẩn khả năng được thực hiện ở một mức giá không thể dự tính trước. Do đó, lệnh thị trường thường không được áp dụng ngay từ đầu ở các thị trường mới hình thành.

Ngoài lệnh giới hạn và lệnh thị trường còn có hai loại lệnh đặc biệt khác là lệnh dừng và lệnh giới hạn dừng. Đối với lệnh dừng (stop order), người đầu tư phải chỉ rõ mức giá dừng. Tại thời điểm đặt lệnh, nếu là lệnh bán, mức giá dừng phải thấp hơn mức giá hiện hành và ngược lại, nếu là lệnh mua, mức giá dừng phải cao hơn. Sau khi đặt lệnh, nếu giá thị trường đạt tới hoặc vượt qua mức giá dừng thì khi đó lệnh dừng thực tế sẽ trở thành lệnh thị trường (vì vậy lệnh dừng có thể được coi là lệnh thị trường có điều kiện). Lệnh giới hạn dừng (stop limit order) là loại lệnh được sử dụng nhằm khắc phục sự bất định về mức giá thực hiện tiềm ẩn trong lệnh dừng. Đối với lệnh giới hạn dừng, người đầu tư phải chỉ rõ hai mức giá - một mức giá dừng và một mức giá giới hạn. Khi giá thị trường đạt tới hoặc vượt qua mức giá dừng thì lệnh giới hạn dừng thực tế sẽ trở thành lệnh giới hạn tại mức giá giới hạn (vì vậy lệnh giới hạn dừng có thể được coi là lệnh giới hạn có điều kiện).

Tại các thị trường phát triển, thông thường khi đặt lệnh người đầu tư sẽ chỉ rõ giới hạn thời gian đối với việc thực hiện lệnh, nghĩa là khoảng thời gian người môi giới cần cố gắng thực hiện được lệnh cho khách hàng. Đối với lệnh ngày (day order), người môi giới sẽ cố gắng thực hiện lệnh trong ngày (nếu người đầu tư không chỉ rõ giới hạn thời gian, người môi giới sẽ tự coi đó là lệnh ngày), nếu đến cuối ngày vẫn chưa được thực hiện, lệnh giao dịch sẽ bị hủy. Lệnh ngỏ (open orđer), hay còn gọi là lệnh hiệu lực - đến khi - hủy bỏ (good - til1- cancel), có hiệu lực tới khi được thực hiện hoặc người đầu tư quyết định hủy bỏ. Ngược lại với lệnh ngỏ là lệnh thực hiện - hoặc - không (fill - or - kill). Lệnh này sẽ bị hủy bỏ nếu người môi giới không thể thực hiện được ngay lập tức.

5. Đơn vị giao dịch

Các sở giao dịch thường có quy định về khối lượng giao dịch tối thiểu của một lệnh giao dịch, gọi là lô chẵn (round - lot hay board - lot) hay đơn vị giao dịch (trading unit). Đơn vị giao dịch là một trong những yếu tố có thể tác động đến cung - cầu trong giao dịch chứng khoán. Đơn vị giao dịch lớn có thể hạn chế khả năng tham gia giao dịch của người đầu tư cá nhân; ngược lại, đơn vị giao dịch nhỏ có thể gây mất thời gian do phải xử lý khối lượng lệnh giao dịch quá lớn. Thông thường, đơn vị giao dịch được quy định thống nhất (100 hoặc 1.000 cổ phiếu), song cũng có trường hợp đơn vị giao dịch được quy định tương ứng với thị giá của chứng khoán trên thị trường.

6. Đơn vị yết giá

Đơn vị yết giá (quotation unit) là bước giá tối thiểu (tick-size) trong giao dịch chứng khoán. Đơn vị yết giá là yếu tố có tác động đến tính thanh khoản của chứng khoán cũng như hiệu quả đầu tư của người đầu tư. Đơn vị giao dịch lớn có thể mang lại sự tập trung về mức giá của lệnh giao dịch nhưng lại hạn chế lựa chọn về số lượng mức giá đối với người đầu tư; ngược lại, đơn vị yết giá nhỏ cho phép người đầu tư có thể có nhiều lựa chọn về mức giá giao dịch nhưng lệnh giao dịch có thể bị dàn trải.

7. Biên độ dao động giá

Hầu hết các sở giao dịch trên thế giới đều có những công cụ nhằm ngăn chặn những biến động bất thường của giá chứng khoán trong ngày giao dịch. Tập trung lệnh giao dịch thông qua áp dụng khớp lệnh định kỳ và thời gian giao dịch ngắn là những biện pháp thường thấy nhằm hạn chế những biến động giá bất thường của chứng khoán tại các thị trường mới hình thành. Tại các thị trường phát triển, khi hoạt động diễn ra liên tục, biện pháp thường được sử dụng là ngừng giao dịch trong những tình huống giá chứng khoán biến động bất thường.

Trong số các biện pháp ổn định giá trên thị trường chứng khoán, biên độ dao động giá (price change limits) được sử dụng phổ biến, đặc biệt là tại các thị trường mới hình thành. Biên độ dao động giá quy định khoảng dao động giá cho phép đối với từng chứng khoán trong ngày giao dịch. Theo đó, lệnh giao dịch của người đầu tư khi đặt phải nằm trong khuâng biên độ cho phép. Lệnh giao dịch có mức giá vượt quá giới hạn trên (giá trần - ceiling) hoặc giới hạn dưới (giá sàn - floor) bị coi là không hợp lệ và sẽ bị hệ thống giao dịch từ chối.

Biên độ dao động giá, với khả năng ngăn chặn những đột biến về giá, có thể đảm bảo tính ổn định của thị trường, góp phần củng cố lòng tin của công chúng đầu tư vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, biên độ dao động giá cũng có thể làm tổn hại đến cơ chế xác lập giá của thị trường vốn dựa trên sự tương tác cung-cầu, theo đó có thể làm giảm tính thanh khoản của thị trường.

---------------------------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Một số quy định chung của giao dịch chứng khoán về yếu tố quyết định thời gian giao dịch là quy mô của thị trường chứng khoán, đặc biệt là quy mô thanh khoản...

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn lý thuyết bài Một số quy định chung của giao dịch chứng khoán. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu thuộc các chuyên ngành khác trong Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm