Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Phân tích bài thơ Cảnh khuya của Bác Hồ

Văn mẫu lớp 7: Phân tích bài thơ Cảnh khuya của Bác Hồ dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 7 hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra môn Ngữ văn 7 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Phân tích tác phẩm Cảnh khuya

Bài thơ miêu tả cảnh khuya núi rừng một đêm trăng, nói lên những suy tư lo lắng của Bác Hồ đối với vận mệnh của dân tộc.

Hai câu đầu làm hiện lên trước mắt người đọc một bức tranh sơn thủy về cảnh suối rừng, trăng ngàn Việt Bắc. Nhà thơ thao thức lắng nghe tiếng suối chảy rì rầm, êm nhẹ và trong trẻo từ rừng sâu vọng đến:

‘Tiếng suối trong như tiếng hát xa’

Suối là vẻ đẹp chốn lâm tuyền, vẻ đẹp rừng già Việt Bắc. Bác lấy tiếng suối so sánh với tiếng hát, là khúc nhạc rừng ví với tiếng hát xa, êm ái ngọt ngào của con người, làm cho cảnh khuya chiến khu trở nên gần gũi, mang hơi ấm cuộc đời. Câu thơ làm ta liên tưởng đến tiếng suối trong bài ‘Côn Sơn ca* của Ức Trai hơn 600 năm về trước:

‘Côn Sơn suối chảy rì rầm,

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai’

Hai hồn thơ trở nên gần gũi, thân thiết. Nguyễn Trãi đã về Côn Sơn ‘quê cũ’ để xa lánh bụi trần, danh lợi, lấy suối, đá, thông, trúc làm bầu bạn. Bác Hồ cũng đến chốn lâm tuyền Việt Bắc, xây dựng chiến khu đánh Pháp. Suối trở thành bài ca câu hát nâng*đỡ tâm hồn Bác trong những năm dài kháng chiến gian khổ.

bài thơ cảnh khuyaTả suối, ngòi bút nghệ thuật của Bác Hồ rất điêu luyện: lấy cái động (tiếng suối chảy) để miêu tả cái tĩnh (cảnh khuya) làm nổi bật sự thanh vắng, tĩnh lặng của chiến khu một đêm trăng. Càng về khuya, núi rừng như chìm trong vắng lặng mênh mông. Bác ‘chưa ngủ’ nên mới nghe rõ âm thanh rì rầm suối chảy.

Câu thứ hai tả trăng ngàn:

‘Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa’

Hai vế tiểu đối gợi lên vẻ đẹp hài hòa của cảnh vật thiên nhiên. Trăng được nhân hóa, rất thơ mộng ‘lồng’ vào cổ thụ, bóng cổ thụ lại ‘lồng’ vào hoa. Cảnh thiên nhiên trở nên hữu tình, huyền ảo. Chữ ‘lồng’ được láy lại hai lần, chất thơ trữ tình mang hồn người, quyến rũ. Ánh trăng tãi khắp núi rừng, dát vàng xuống rừng cây, ‘lồng’ và trùm lên cổ thụ. Cảnh rừng có tầng cao, tầng thấp, có mảnh sáng mảnh mờ. Nét vẽ tinh tế, gam màu nhẹ và tươi mát, sự phối sắc tài tình, mĩ cảm, hấp dẫn. Câu thơ của Bác là sự kế thừa sáng tạo vần thơ cổ, ngòi bút của Bác Hồ rất sành điệu, cổ kính:

‘Hoa giãi nguyệt, nguyệt in một tấm,

Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông.

Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng’

(Chinh phụ ngâm)

Hai câu thơ Bác đầy âm thanh nhạc điệu, trong thơ vừa có nhạc vừa có họa, rất thi vị, gợi cảm. Bác đã dành cho thiên nhiên, cây rừng, trăng ngàn những tình cảm thiết tha, nồng hậu.

Hai câu thơ 3, 4 trong bài thơ tứ tuyệt được thi pháp cổ gọi là hai câu ‘chuyển’ và câu ‘hợp’. Cấu trúc bài thơ rất đặc biệt. Hai chữ ‘chưa ngủ’ nằm cuối câu ‘chuyển’ được đưa lên vị trí đầu câu ‘hợp’, cảnh được ‘khép’ lại, tình được ‘mở’ ra. Nghệ thuật liên hoàn hay gọi là ‘ô thước kiều’ (quạ bắc cầu) làm cho thơ liền mạch, ý thơ phát triển mở rộng:

‘Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,

Chưa ngủ vì lo nổi nước nhà’

Chưa ngủ vì thi nhân xúc động trước cảnh khuya ‘như vẽ’. Chưa ngủ thao thức, bồi hồi vì ‘lo nổi nước nhà’. Nước nhà đang bị giặc Pháp xâm lăng, con thuyền kháng chiến đang băng qua ghềnh thác thì vị ‘thuyền trưởng’ chưa thể ngủ ngon giấc được!

Nguyễn Trãi đã từng thao thức vì đại nghĩa:

‘Còn một tấc lòng âu việc nước,

Đêm đêm thức nhẵn nẻo sơ chung’

(Quốc âm thi tập)

Bác Hồ cũng thao thức ‘chưa ngủ vì lo nổi nước nhà’ Cùng mang trong tâm hồn một tình yêu lớn đối với đất nước và nhân dân, thơ của Bác chứa chan tình yêu nước ‘ôm cả non sông, mọi kiếp người’ (Tố Hữu). Trong bài ‘Đi thuyền trên sông Đáy’, Bác cũng viết:

‘Lòng riêng riêng những bàn hoàn,

Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng’

Tình cảm đẹp đẽ ấy là điều tâm niệm thường trực của Bác: ‘Một ngày mà Tổ quốc chưa được thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên’.Có thể nói, câu thơ ‘Chưa ngủ vì lo nổi nước nhà’ bình dị, sáng tỏ như một chân lý, để lại ấn tượng sâu sắc vì nó ‘mênh mông bát ngát tình’.

‘Cảnh khuya’ -bài thơ tứ tuyệt tựa như một đóa hoa đậm đà hương sắc đã góp phần làm đẹp nền thơ ca kháng chiến. Câu thơ giàu hình tượng và truyền cảm. Cảnh và tình hòa hợp. Vừa cổ kính, vừa hiện đại. Tình yêu nước thiết tha, tình yêu thiên nhiên nồng hậu, lời thơ mĩ lệ, trong sáng là cốt cách, vẻ đẹp của bài thơ. Bác là nhà thơ lớn của dân tộc. Đọc thơ Bác, tình yêu của chúng ta đối với Bác gắn liền với tình yêu Tổ quốc.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Phân tích bài thơ Cảnh khuya của Bác Hồ cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 7 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 7 và biết cách soạn bài lớp 7 các bài Tác giả - tác phẩm ngữ văn 7 trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
4
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 7 Cánh diều

    Xem thêm