Phân tích các chức năng của tiền tệ
Phân tích các chức năng của tiền tệ được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Phân tích các chức năng của tiền tệ
Theo Mác khi vàng được sử dụng làm tiền tệ thì tiền tệ gồm có 5 chức năng: thước đo giá trị, phương tiện lưu thông, phương tiện thanh toán, phương tiện cất trữ, phương tiện cất trữ và tiền tệ thế giới.
Các nhà kinh tế học cho rằng tiền tệ có 3 chức năng gồm: phương tiện trao đổi, đơn vị tính toán, dự trữ giá trị.
A. 5 chức năng theo Mác
1. Thước đo giá trị
Giá trị của tiền được dùng làm phương tiện để so sánh với giá trị của hàng hóa hoặc dịch vụ, thông qua quan hệ này tiền đã thực hiện chức năng thước đo giá trị.
– Khi thực hiện chức năng này thì:
+ Giá trị của tiền được coi là chuẩn mực (1 bên là tiền, 1 bên là hàng)
+ Tiền là thước đo hao phí lao động xã hội kết tinh trong một hàng hóa nào đó
VD: 1 m vải gồm có đối tượng lao động (bỏ ra 1 giờ hay 2 hoặc người khác 3 giờ) và công cụ lao động (máy dệt, kim khâu, kéo..)
Các điều kiện để thực hiện các chức năng này:
+ Tiền phải có đầy đủ giá giá trị (giá trị danh nghĩa và giá trị nội tại mà NN thừa nhận nó là tiền)
+ Tiền có tiêu chuẩn giá cả (là một hàm lượng vàng được luật NN ấn định cho tiền đơn vị và tên gọi của nó.)
Khi đo giá trị của HH thì người mua và người bán chỉ cần liên tưởng để so sánh đến giá trị của HH và giá trị của tiền mà không quan tâm đến số tiền (Số tiền đó sẽ mua được bao nhiêu HH tức là sức mua của đồng tiền cao hay thấp). Và bây giờ người ta đo giá trị của HH bằng 1 thước đo giá trị do NN qui định.=> Vì vậy trên thế giới mỗi quốc gia có 1 thước đo giá trị riêng và nó dựa trên cơ sở:
+ Năng suất lao động
+ Trình độ phát triển của nền KT
2. Phương tiện lưu thông
Tiền làm môi giới trung gian trong trao đổi HH, DV với nhau, quá trình này diễn ra như sau: Hàng – Tiền – Hàng (H – T – H) trong đó:
Tiền là phương tiện quan trọng trong việc trao đổi HH – DV, nó tiến bộ hơn so với trao đổi trực tiếp (H- H). Vì:
+ Nghiệp vụ:
H – T: bán hàng để lấy tiền
T – H: lấy tiền để mua hàng
+ Lưu thông HH tách rời hành vi mua và bán cả về không gian lẫn thời gian
Khi thực hiện chức năng này thì tiền có phải có đầy đủ các giá trị sau:
+ Phải dùng tiền mặt vì phải chuyển quyền sở hữu khi mua và bán
+ Lưu thông chỉ chấp nhận một số lượng tiền nhất định. Số lượng nhiều hay ít phụ thuộc vào:
Tổng giá cả HH đưa ra thị trường
Tốc độ lưu thông của tiền tệ
Số lượng tiền cần thiết cho lưu thông chịu tác động của cả hai yếu tố trên. Mối quan hệ hữu cơ giữa hai yếu tố này là nội dung của qui luật số lượng tiền cần thiết cho lưu thông. (Qui luật lưu thông tiền tệ) có công thức như sau:
3. Phương tiện dự trữ giá trị
Dự trữ giá trị là tích lũy một lượng giá trị nào đó bằng những phương tiện chuyển tải giá trị được xã hội thừa nhận với mục đích là chuyển hóa thành HH- DV trong tương lai.
Thực hiện chức năng này, các phương tiện chuyền tải gía trị phải được giá trị xã hội thừa nhận, tức phải đảm bảo các yêu cầu sau:
+ Dự trữ giá trị bằng những phương tiện hiện thực chứ không phải bằng một lượng tiền “tưởng tượng”
+ Giá trị dự trữ bằng những phương tiện được xã hội thừa nhận
+ Mang tính thời gian (theo yêu cầu của chủ sở hữu, trong tương lai gần có thể là dấu hiệu giá trị, tương lai xa hơn có thể là vàng, ngoại tệ)
4. Phương tiện thanh toán
Tiền được sử dụng làm công cụ thanh toán các khoản nợ về HH và DV trong mua bán trước đây
Tiền và hàng vận động độc lập tương đối với nhau về không gian và thời gian
+ Không gian: có thể mua bán ở chỗ này nhưng có thể thanh toán ở chỗ khác hoặc tại chỗ
+ Thời gian: có thể trả nợ trước hoặc sau khi mua (độc lập) hoặc là tiền trao cháo múc (đưa tiền liền – Không độc lập)
Chức năng phương tiện thanh toán xuất hiện phát sinh quan hệ tín dụng (bán chịu). Do đó làm cho khối lượng tiền tệ cần thiết cho lưu thông tại một thời điểm nhất định cũng thay đổi: Trong thanh toán có thể dùng tiền mặt, chuyển khoản, bù trừ
5. Chức năng tiền tệ thế giới
Tiền tệ thế giới là phương tiện thanh toán và chi trả chung giữa các quốc gia
Khi thực hiện chức năng tiền tệ thế giới thì chỉ có tiền mặt và tiền có giá trị hoàn toàn nhưng phải đưa về dạng nén, thỏi để thực hiện việc thanh toán cuối cùng.
Còn trong thanh toán quốc tế thì người ta sử dụng ngoại tệ mạnh, ví dụ: USD, EUR, Yên, ..
B. 3 chức năng theo theo các nhà kinh tế học
Các nhà kinh tế học cho rằng tiền tệ có 3 chức năng gồm: phương tiện trao đổi, đơn vị tính toán, dự trữ giá trị.
Chức năng phương tiện trao đổi
Là một phương tiện trao đổi, tiền tệ được sử dụng như một vật môi giới trung gian trong việc trao đổi các hàng hóa, dịch vụ. Đây là chức năng đầu tiên của tiền tệ, nó phản ánh lý do tại sao tiền tệ lại xuất hiện và tồn tại trong nền kinh tế hàng hóa.
Trong nền kinh tế trao đổi trực tiếp, người ta phải tiến hành đồng thời hai dịch vụ bán và mua với một người khác. Điều đó là đơn giản trong trường hợp chỉ có ít người tham gia trao đổi, nhưng trong điều kiện nền kinh tế phát triển, các chi phí để tìm kiếm như vậy quá cao. Vì vậy người ta cần sử dụng tiền làm môi giới trong quá trình này, tức là người ta trước hết sẽ đổi hàng hóa của mình lấy tiền sau đó dùng tiền mua thứ hàng hóa mình cần. Rõ ràng việc thực hiện lần lượt các giao dịch bán và mua với hai người sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc thực hiện đồng thời hai giao dịch đối với cùng một người.
Để thực hiện chức năng phương tiện trao đổi tiền phải có những tiêu chuẩn nhất định:
– Được chấp nhận rộng rãi: nó phải được con người chấp nhận rộng rãi trong lưu thông, bởi vì chỉ khi mọi người cùng chấp nhận nó thì người có hàng hóa mới đồng ý đổi hàng hóa của mình lấy tiền;
– Dễ nhận biết: con người phải nhận biết nó dễ dàng;
– Có thể chia nhỏ được: để tạo thuận lợi cho việc đổi chác giữa các hàng hóa có giá trị khác nhau;
– Dễ vận chuyển: tiền tệ phải đủ gọn nhẹ để dễ dàng trong việc trao đổi hàng hóa ở khoảng cách xa;
– Không bị hư hỏng một cách nhanh chóng;
– Được tạo ra hàng loạt một cách dễ dàng: để số lượng của nó đủ dùng trong trao đổi;
– Có tính đồng nhất: các đồng tiền có cùng mệnh giá phải có sức mua ngang nhau.
Chức năng đơn vị đánh giá.
Chức năng thứ hai của tiền là một đơn vị đánh giá, tức là tiền tệ được sử dụng làm đơn vị để đo giá trị của các hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế. Qua việc thực hiện chức năng này, giá trị của các hàng hóa, dịch vụ được biểu hiện ra bằng tiền, như việc đo khối lượng bằng kg, đo độ dài bằng m…nhờ đó mà việc trao đổi hàng hóa được diễn ra thuận lợi hơn.
Nếu giá trị hàng hóa không có đơn vị đo chung là tiền, mỗi hàng hóa sẽ được định giá bằng tất cả các hàng hóa còn lại, và như vậy số lượng giá các mặt hàng trong nền kinh tế ngày nay sẽ nhiều đến mức người ta không còn thời gian cho việc tiêu dùng hàng hóa, do phần lớn thời gian đã dàng cho việc đọc giá hàng hóa. Khi giá của các hàng hóa, dịch vụ được biểu hiện bằng tiền, không những thuận tiện cho người bán hàng hóa mà việc đọc bảng giá cũng đơn giản hơn rất nhiều với chi phí thời gian ít hơn sử dụng cho các giao dịch.
Là một đơn vị đánh giá, nó tạo cơ sở thuận lợi cho việc sử dụng tiền làm phương tiện trao đổi, nhưng cũng chính trong quá trình trao đổi sử dụng tiền làm trung gian, các tỉ lệ trao đổi được hình thành theo tập quán – tức là ngay từ khi mới ra đời, việc sử dụng tiền làm phương tiện trao đổi đã dẫn tới việc dùng tiền làm đơn vị đánh giá. Đầu tiên những phương tiện được sử dụng làm tiền để biểu hiện giá trị hàng hóa cũng có giá trị như các hàng hóa khác. Cơ sở cho việc tiền biểu hiện giá trị các hàng hóa khác chính là tiền cũng có giá trị sử dụng như các hàng hóa khác (Theo phân tích của Marx về sự phát triển của các hình thái biểu hiện giá trị hàng hóa: giá trị hàng hóa được biểu hiện ở giá trị sử dụng của hàng hóa đóng vai trò vật ngang giá, vật ngang giá chung). Vì vậy trong thời đại ngày nay, mặc dù các phương tiện được sử dụng là tiền không còn có giá trị như các hàng hóa khác nhưng nó được mọi người chấp nhận trong lưu thông (có giá trị sử dụng đặc biệt), do đó vẫn được sử dụng để đánh giá giá trị các hàng hóa. Trong bất kể nền kinh tế tiền tệ nào việc sử dụng tiền làm đơn vị đo lường giá trị đều mang tính chất trừu tượng, vừa có tính pháp lý, vừa có tính quy ước.
Chức năng phương tiện dự trữ giá trị
Là một phương tiện dự trữ giá trị, tiền tệ là nơi cất giữ sức mua qua thời gian. Khi người ta nhận được thu nhập mà chưa muốn tiêu nó hoặc chưa có điều kiện để chi tiêu ngay, tiền là một phương tiện để cho việc cất giữ sức mua trong những trường hợp này hoặc có thể người ta giữ tiền chỉ đơn thuần là việc để lại của cải.
Việc cất giữ như vậy có thể thực hiện bằng nhiều phương tiện ngoài tiền như: Cổ phiếu, trái phiếu, đất đai, nhà cửa…, một số loại tài sản như vậy đem lại một mức lãi cao hơn cho người giữ hoặc có thể chống đỡ lại sự tăng cao về giá so với việc giữ tiền mặt. Tuy nhiên người ta vẫn giữ tiền với mục đích dự trữ giá trị bởi vì tiền có thể chuyển đổi một cách nhanh chóng ra các tài sản khác, còn các tài sản khác nhiều khi đòi hỏi một chi phí giao dịch cao khi người ta muốn chuyển đổi nó sang tiền. Những điều đó cho thấy, tiền là một phương tiện dự trữ giá trị bên cạnh các loại tài sản khác.
Việc thực hiện chức năng phương tiện dự trữ giá trị của tiền tốt đến đâu tuỳ thuộc vào sự ổn định của mức giá chung, do giá trị của tiền được xác định theo khối lượng hàng hóa mà nó có thể đổi được. Khi mức giá tăng lên, giá trị của tiền sẽ giảm đi và ngược lại. Sự mất giá nhanh chóng của tiền sẽ làm cho người ta ít muốn giữ nó, điều này thường xảy ra khi lạm phát cao. Vì vậy để tiền thực hiện tốt chức năng này, đòi hỏi sức mua của tiền phải ổn định.
---------------------------------------
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Phân tích các chức năng của tiền tệ. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.