Phân tích và chứng minh Thúy Kiều là một cô gái "Sắc đành đòi một tài đành họa hai"

Văn mẫu lớp 9: Phân tích và chứng minh Thúy Kiều là một cô gái "Sắc đành đòi một tài đành họa hai" dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 9 hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra môn Ngữ văn 9 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Chứng minh Thúy Kiều là một cô gái "Sắc đành đòi một tài đành họa hai" mẫu 1

Trước hết là vẻ đẹp hiện lên của Thúy Kiều, Nguyễn Du giới thiệu nàng là một người con gái xinh đẹp. Ở nàng ta thấy một người con gái đẹp một cách hoàn mĩ, nàng đẹp về cả nhan sắc, tâm hồn, tình cảm và tài năng. Thế nhưng chính sự hoàn mỹ ấy đã làm cho cuộc đời Kiều trở nên gian truân bạc mệnh trong xã hội phong kiến - nơi mà cuộc đời người phụ nữ không thể có hạnh phúc được.

Thứ nhất là nét đẹp về nhan sắc, theo Nguyễn Du thì nàng có một nhan sắc trời cho, trên đời chỉ có một chứ không bao giờ có hai. Vẻ đẹp ấy được Nguyễn Du thể hiện qua những câu thơ trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều:

“Kiều càng sắc sảo mặn mà

Xem bề tài sắc lại là phần hơn

Làn thu thủy, nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh

Một hai nghiêng nước nghiêng thành

Sắc đành đòi một tài đành họa hai”

Đó chính là vẻ đẹp của nàng Thúy Kiều, một vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, khiến cho ai nhìn cũng đắm say muốn chinh phục. Thế nhưng đó chỉ là những người nam tử thôi còn với vẻ đẹp khiến cho hoa ghen, liễu hờn ấy lại khiến cho những người con gái khác đố kị. Thật vậy, chính vì nhan sắc chỉ có một trên thế gian cho nên chính thiên nhiên cảnh vật cũng ghen với nàng chứ huống chi con người.

Không chỉ có một nhan sắc trời cho Kiều còn có tài năng mà thể hiện sự khuê các của những tiểu thư khuê các:

“Cung thương làu bậc ngũ âm

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương”

Nàng hội tụ đầy đủ những gì là tài năng của những người con gái thời xưa. Một người con gái thời ấy được coi là có tài nếu như có thể biết ngâm thơ vịnh cảnh, đàn nhạc cung bậc. Nói tóm lại là cầm, kỳ, thi, họa. Và người con gái ở đây không những xinh đẹp mà còn có tài đánh đàn, ngâm thơ, họa cảnh nữa.

Thúy kiềuĐã có nhan sắc, có tài năng rồi Kiều lại còn rất có tình cảm và sống trân trọng những người xung quanh mình. Trước hết là cha mình, hành động thể hiện tình cảm của Kiều đối với cha và gia đình mình chính là nàng quyết định bán mình để chuộc lấy cha. Người cha của Kiều bị hãm hại chính vì thế mà Kiều quyết định hi sinh mình, quyết định trở thành món hàng để bán mình chuộc cha. Không chỉ thế người con gái ấy tuy vì nghĩa mà hi sinh chữ tình nhưng không quên chàng Kim Trọng. Nàng quyết định trao duyên cho Thúy Vân, em gái nàng. Nàng tự nguyện quỳ xuống lạy em để mong em thay chị nối duyên với chàng Kim:

“Cậy em em có chịu lời

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa

Giữa đường đứt gánh tương tư

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em”

Trên những chuyến lưu lạc trên trần đời Kiều đã gặp hai người đàn ông mà Kiều cảm thấy có ơn nhất. Đó chính là Thúc Sinh và Từ Hải. Hai người quân tử ấy đều cứu Kiều ra khỏi chốn lầu xanh. Kiều đã sống với họ như những người vợ chồng. Không phải vì Kiều lẳng lơ mà là do Kiều đang trả ơn họ. Đồng thời chính sự cảm kích đã khiến cho Kiều thấy yêu mến họ.

Tuy nhiên chính vì tài sắc như vậy mà Kiều có một cuộc đời gian truân vất vả. So với Thúy Vân, cả hai chị em đều xinh đẹp nhưng vẻ đẹp của cô em lại được người khác thấy mến thấy yêu chứ không đố kỵ như vẻ đẹp của chị. Và Kiều bước vào những chuyến gian nan, vào cuộc sống thanh lâu hai lượt thanh y hai lần. Chịu cảnh là người kĩ nữ lầu xanh có thể ở với bất cứ người đàn ông nào. Cuộc đời bạc mệnh ấy nhưng Kiều đã không đánh mất mình, Kiều hai lần tự tử đã cho thấy được tâm hồn của Kiều vẫn biết thẹn.

Qua nhan sắc tài năng và cuộc đời của Kiều ta thấy được quan niệm nghệ thuật tiến bộ của Nguyễn Du về con người. Ông đề cao, cảm thông sâu sắc đối với cuộc sống và con người, đặc biệt là những con người nhỏ bé, bất hạnh, những người phụ nữ. Những con người vốn bị coi rẻ trong xã hội vẫn được ông đề cập đến một cách trân trọng, thương yêu. Đồng thời ông cũng khái quát bản chất tàn bạo của xã hội phong kiến, bộc lộ sự phẫn nộ đối với những kẻ chỉ vì đồng tiền mà hãm hại người khác, chà đạp lên nhân phẩm của người khác. Ông là người đầu tiên trong văn học trung đại đã nêu lên một cách tập trung vấn đề về thân phận những người phụ nữ có sắc đẹp và tài năng văn chương nghệ thuật. Ông đã đề cập đến một số vấn đề rất mới nhưng cũng rất quan trọng của chủ nghĩa nhân đạo trong văn học: xã hội cần phải trân trọng những giá trị tinh thần, do đó cần phải trân trọng những chủ thể đã sáng tạo ra những giá trị tinh thần đó. “Truyện Kiều” thấm đẫm tinh thần ngợi ca, trân trọng vẻ đẹp kì diệu của tình yêu đôi lứa.

Qua đây ta thấy Nguyễn Du, một người nghệ sĩ tài ba đã mang đến một hình tượng nhân vật Thúy Kiều – đại diện cho những người phụ nữ tài hoa nhưng bạc mệnh trong xã hội phong kiến. Chính cái xã hội ấy đã chà đạp lên những phẩm chất và vẻ đẹp mà đáng nhẽ ra phải có cuộc sống hạnh phúc của họ. Đồng thời đại thi hào cũng thể hiện được đặc sắc nghệ thuật tiến bộ về con người của mình.

Chứng minh Thúy Kiều là một cô gái "Sắc đành đòi một tài đành họa hai" mẫu 2

Chân dung Thúy Kiều: Sau những câu thơ giới thiệu chung về hai chị em và vẻ đẹp riêng của Thúy Vân thì Nguyễn Du đã để cho Thúy Kiều xuất hiện:

Kiều càng sắc sảo mặn mà,

So bề tài sắc lại là phần hơn:

Làn thu thủy nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.

Một hai nghiêng nước nghiêng thành.

Sắc đành đòi một tài đành họa hai.

Cũng giống như khi tả Thúy Vân, nhà thơ vẫn dùng bút pháp so sánh, ẩn dụ và ước lệ. Tác giả vẫn sử dụng cách gợi tả và những chuẩn mực thiên nhiên để làm đối tượng so sánh. Nét vẽ của thi nhân đã tập trung gợi tả vẻ đẹp của đôi mắt, bởi đôi mắt là sự thể hiện phần tinh anh của tâm hồn và trí tuệ. Cái sắc sảo của trí tuệ, cái mặn mà của tâm hồn đều liên quan tới đôi mắt. Hình ảnh ước lệ làn thu thủy (làn nước mùa thu) gợi lên thật sống động vẻ đẹp của đôi mắt trong sáng, long lanh, linh hoạt; còn hình ảnh ước lệ nét xuân sơn (nét núi mùa xuân) lại gợi lên đôi lông mày thanh tú trên gương mặt trẻ trung.

Vẻ đẹp của Kiều là phi thường, lộng lẫy, không tạo nên sự hài hòa, êm đềm giữa con người với tự nhiên mà đến mức làm thiên nhiên, tạo hóa phải đố kỵ, ghen ghét: hoa ghen, liễu hờn. Hai động từ ghen và hờn có dụng ý đối chọi với nhan sắc của Thúy Kiều. Mức độ so sánh mạnh, gay gắt hơn so với hai từ thua và nhường. Điều đó chứng tỏ nhan sắc của Kiều đã vượt ra ngoài khuôn khổ ngoài tưởng tượng, ngoài quy luật của tự nhiên, khiến cho tạo hóa phải ganh ghét.

Vẻ đẹp của Thúy Kiều còn có sức lôi cuốn mạnh mẽ, làm nghiêng nước nghiêng thành, vẻ đẹp của Kiều không có thang bậc nào cao hơn để đánh giá, cho nên xếp hàng đầu, xếp thứ nhất. Câu thơ sắc đành đòi một tài đành họa hai đã khẳng định tuyệt đối sắc đẹp của Kiều đến mức độc nhất vô nhị, không ai có thể sánh nổi.

Nhưng không chỉ có nhan sắc mà Thúy Kiều còn là một cô gái thông minh và rất mực tài hoa:

Thông minh vốn sẵn tính trời,

Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.

Cung thương lầu bậc ngũ âm,

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.

Khúc nhà tay lựa nên chương,

Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân.

Trí tuệ, tài năng của Thúy Kiều cũng được Nguyễn Du đẩy lên tới cực đoan, tuyệt đỉnh: vừa do trời phú, thiên bẩm vừa đa dạng, cái gì cũng giỏi, cũng hơn người. Không cần học hành gian khổ, lớn lên Kiều đã trở thành một giai nhân tuyệt sắc, một tài nữ hiếm thấy. Các từ ngữ tuyệt đối, cực đoan được sử dụng kế tiếp: vốn sẵn, pha nghề, đủ mùi, lầu, ăn đứt,...

Tài của Kiều đạt tới mức lý tưởng theo quan niệm thẩm mĩ phong kiến, gồm đủ cả cầm (đàn), kỳ (cờ), thi (làm thơ), họa (vẽ tranh). Đặc biệt, tài đàn của nàng đã là sở trường, năng khiếu (nghề riêng), vượt lên trên mọi người (ăn đứt). Cực tả cái tài của Kiều cũng là để ca ngợi cái tâm đặc biệt của nàng. Cung đàn Bạc mệnh mà Kiều sáng tác chính là sự ghi tiếng lòng của một trái tim đa sầu, đa cảm.

Vẻ đẹp của Kiều là sự kết hợp của cả sắc - tài - tình. Nhưng xét cho cùng thì tài hoa của Kiều cũng không vượt ra ngoài khuôn khổ quan niệm về tài năng của văn nhân, tài tử thời phong kiến.

Chứng minh Thúy Kiều là một cô gái "Sắc đành đòi một tài đành họa hai" mẫu 3

Một trong những độc đáo của Truyện Kiều đó chính là nghệ thuật miêu tả. Nhắc tới miêu tả người ta không thể không nhắc tới bút pháp tả người của Nguyễn Du và đoạn trích được xem là hay nhất nói về tài năng tả người của Nguyễn Du đó là "chị em Thúy Kiều". Trong đó tác giả đặc biệt chú ý đến nhan sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành của Thúy Kiều mà không lẫn với bất kì cô gái đẹp nào.

Bốn câu đầu giới thiệu khái quát về nhân vật Thúy Kiều và Thúy Vân về cái nhìn khách quan ban đầu:

"Đầu lòng hai ả tố nga

Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân

Mai cốt cách tuyết tinh thần

Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười."

Với bút pháp ước lệ, tác giả đã gợi được vẻ thanh cao, duyên dáng, trong trắng của người thiếu nữ ở hai chị em Thuý Kiều: "Mai cốt cách, tuyết tinh thần" cốt cách như mai, tinh thần như tuyết. Đó là vẻ đẹp hoàn hảo mang tính hình thể, tâm hồn cả hai đều đẹp "mười phân vẹn mười" nhưng mỗi người lại mang vẻ đẹp riêng.Câu thơ đầu đã khái quát đặc điểm của nhân vật: "Kiều càng sắc sảo mặn mà". Nàng sắc sảo về trí tuệ và mặn mà về tâm hồn.

Để miêu tả vẻ đẹp của Thúy Kiều tác giả phải dùng tới 12 câu thơ để có thể khắc họa được hết của nàng:

"Kiều càng sắc sảo mặn mà

So bề tài sắc lại là phần hơn

Làn thu thủy nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh

Một hai nghiêng nước nghiêng thành,

Sắc đành đòi một tài đành họa hai.

Thông minh vốn sẵn tính trời,

Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.

Cung thương làu bậc ngũ âm,

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương."

Gợi tả vẻ đẹp của Kiều tác giả vẫn dùng những hình tượng ước lệ: thu thuỷ, xuân sơn, hoa, liễu. Đặc biệt khi hoạ bức chân dung Kiều, tác giả tập trung gợi tả vẻ đẹp đôi mắt. Hình ảnh "Làn thu thuỷ, nét xuân sơn" là hình ảnh mang tính ước lệ, đồng thời cũng là hình ảnh ẩn dụ, gợi lên một đôi mắt đẹp trong sáng, long lanh, linh hoạt như làn nước mùa thu, đôi lông mày thanh tú như nét mùa xuân. Đôi mắt đó là cửa sổ tâm hồn, thể hiện phần tinh anh của tâm hồn, trí tuệ. Tả Kiều, tác giả không cụ thể như khi tả Vân mà chỉ đặc tả đôi mắt theo lối điểm nhãn - vẽ hồn cho nhân vật, gợi lên vẻ đẹp chung của một trang giai nhân tuyệt sắc. Vẻ đẹp ấy làm cho hoa ghen, liễu hờn, nước nghiêng thành đổ. Nguyễn Du không miêu tả trực tiếp nhân vật mà miêu tả sự ghen ghét, đố kị hay ngưỡng mộ, say mê trước vẻ đẹp đó, cho thấy đây là vẻ đẹp có chiều sâu, có sức quyến rũ, cuốn hút lạ lùng.

Vẻ đẹp tiềm ẩn phẩm chất bên trong cao quý, cái tài, cái tình đặc biệt của Kiều. Tả Thuý Vân chỉ tả nhan sắc, còn tả Thuý Kiều, tác giả tả sắc một phần thì dành hai phần để tả tài. Kiều rất mực thông minh và đa tài "Thông minh vốn sẵn tính trời". Tài của Kiều đạt đến mức lý tưởng theo quan niệm thẩm mĩ phong kiến, hội đủ cầm, kỳ, thi, hoạ "Pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm".

Tác giả đặc tả tài đàn - là sở trường, năng khiếu, nghề riêng của nàng "Cung thương lầu bậc ngũ âm, Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương". Không chỉ vậy, nàng còn giỏi sáng tác nhạc. Cung đàn Bạc mệnh của Kiều là tiếng lòng của một trái tim đa sầu đa cảm "Khúc nhà tay lựa nên chương, Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân".

Tả tài, Nguyễn Du thể hiện được cả cái tình của Kiều:

Chân dung Thuý Kiều là bức chân dung mang tính cách và số phận. Vẻ đẹp khi cho tạo hoá phải ghen ghét, các vẻ đẹp khác phải đố kị, tài hoa trí tuệ thiên bẩm "lai bậc" đủ mùi, cả cái tâm hồn đa sầu đa cảm khiến Kiều không thể tránh khỏi định mệnh nghiệt ngã, số phận éo le, gian khổ bởi "Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau". "Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen". Cuộc đời Kiều hẳn là cuộc đời hồng nhan bạc mệnh.

Có thể nói tác giả đã rất tinh tế khi miêu tả nhân vật Thuý Kiều: Tác giả miêu tả chân dung Thuý Vân trước để làm nổi bật chân dung Thuý Kiều, ca ngợi cả hai nhưng đậm nhạt khác nhau ở mỗi người: chỉ dành bốn câu thơ để tả Vân, trong đó dành tới 12 câu thơ để tả Kiều, Vân chỉ tả nhan sắc, Kiều cả tài , sắc, tình đều đặc đặc tả. Đó chính là thủ pháp đòn bẩy.

Tóm lại, đoạn trích đã thể hiện bút pháp miêu tả nhân vật đặc sắc của Nguyễn Du khắc họa nét riêng về nhan sắc, tài năng, tính cách, số phận nhân vật bằng bút pháp nghệ thuật cổ điển.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Phân tích và chứng minh Thúy Kiều là một cô gái "Sắc đành đòi một tài đành họa hai" cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 9 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 9 và biết cách soạn bài lớp 9 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

Đánh giá bài viết
11 8.851
Sắp xếp theo

    Soạn Văn 9 - Văn 9

    Xem thêm