Phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp
Phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp
Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ tính thuế bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất.
1. Công thức tính
Thuế TNDN phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất thuế TNDN
- Nếu doanh nghiệp nếu có trích quỹ phát triển khoa học và công nghệ thì thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp được xác định như sau:
Thuế TNDN phải nộp = (Thu nhập tính thuế - Phần trích lập quỹ KH&CN) x Thuế suất thuế TNDN
- Nếu doanh nghiệp đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc loại thuế tương tự thuế thu nhập doanh nghiệp ở ngoài Việt Nam thì doanh nghiệp được trừ số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp nhưng tối đa không quá số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
2. Kỳ tính thuế
- Được xác định theo năm dương lịch.
- Trường hợp doanh nghiệp áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch thì kỳ tính thuế xác định theo năm tài chính áp dụng.
- Kỳ tính thuế đầu tiên đối với doanh nghiệp mới thành lập và kỳ tính thuế cuối cùng đối với doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, sáp nhập, chia tách, giải thể, phá sản được xác định phù hợp với kỳ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán.
- Chú ý:
1) Trường hợp kỳ tính thuế năm đầu tiên của doanh nghiệp mới thành lập kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và kỳ tính thuế năm cuối cùng đối với doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản có thời gian ngắn hơn 03 tháng thì được cộng với kỳ tính thuế năm tiếp theo (đối với doanh nghiệp mới thành lập) hoặc kỳ tính thuế năm trước đó (đối với doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia tách, giải thể, phá sản) để hình thành một kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm đầu tiên hoặc kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm cuối cùng không vượt quá 15 tháng.
2) Đơn vị sự nghiệp có phát sinh hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (tương ứng với mức thuế suất 25%) sau khi đã thực hiện ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (nếu có) mà các đơn vị này hạch toán được doanh thu nhưng không hạch toán và xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ, cụ thể như sau:
- Đối với dịch vụ: 5%;
- Đối với kinh doanh hàng hóa: 1%;
- Đối với hoạt động khác: 2%.
3) Doanh nghiệp có doanh thu, chi phí, thu nhập chịu thuế và thu nhập tính thuế bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu, chi phí, thu nhập chịu thuế và thu nhập tính thuế bằng ngoại tệ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Đối với loại ngoại tệ không có tỷ giá hối đoái với đồng Việt Nam thì phải quy đổi thông qua một loại ngoại tệ có tỷ giá hối đoái với đồng Việt Nam.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp về đặc điểm, công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp...
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.