Quan điểm và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước Việt Nam

Quan điểm và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước Việt Nam được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức lý thuyết môn Chủ nghĩa xã hội khoa học để hoàn thành học phần của mình một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam về dân tộc giải quyết quan hệ dân tộc

Đảng cộng sản Việt Nam ngay từ khi mới ra đời đã thực hiện nhất quán những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin về dân tộc. Căn cứ vào thực tiễn lịch sử đấu tranh cách mạng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam cũng như dựa vào tình hình thế giới trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng vấn đề dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc có tầm quan trọng đặc biệt. Trong mỗi thời kỳ cách mạng, Đảng và Nhà nước ta coi việc giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc là nhiệm vụ có tính chiến lược nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, cũng như tiềm năng của từng dân tộc và đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội XII khẳng định: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp. Chống kỳ thị dân tộc, nghiêm trị những âm mưu hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”1.

Tựu trung lại, quan điểm cơ bản của Đảng ta về vấn đề dân tộc thể hiện ở các nội dung sau:

- Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam.

- Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển, cùng nhau phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu chia rẽ dân tộc.

- Phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh - quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tốt chính sách dân tộc; quan tâm phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất.

- Ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các vùng dân tộc và miền núi, trước hết, tập trung vào phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, đi đôi với bảo vệ bền vững môi trường sinh thái; phát huy nội lực, tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc, đồng thời tăng cường sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và sự giúp đỡ của các địa phương trong cả nước.

- Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành và toàn bộ hệ thống chính trị” .

Chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước Việt Nam

Chính sách dân tộc cơ bản của Đảng và Nhà nước ta được thể hiện cụ thể ở những điểm sau:

Về chính trị: thực hiện bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển giữa các dân tộc. Chính sách dân tộc góp phần nâng cao tính tích cực chính trị của công dân; nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số về tầm quan trọng của vấn đề dân tộc, đoàn kết các dân tộc, thống nhất mục tiêu chung là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Về kinh tế, nội dung, nhiệm vụ kinh tế trong chính sách dân tộc là các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số nhằm phát huy tiềm năng phát triển, từng bước khắc phục khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, giữa các dân tộc. Thực hiện các nội dung kinh tế thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế ở các vùng dân tộc thiểu số, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực hiện tốt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng căn cứ địa cách mạng.

Về văn hóa: xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người, phát triển ngôn ngữ, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân các dân tộc. Đào tạo cán bộ văn hóa, xây dựng môi trường, thiết chế văn hóa phù hợp với điều kiện của các tộc người trong quốc gia đa dân tộc. Đồng thời, mở rộng giao lưu văn hóa với các quốc gia, các khu vực và trên thế giới. Đấu tranh chống tệ nạn xã hội, chống diễn biến hòa bình trên mặt trận tư tưởng- văn hóa ở nước ta hiện nay.

Về xã hội: thực hiện chính sách xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từng bước thực hiện bình đẳng xã hội, công bằng thông qua việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, dân số, y tế, giáo dục trên cơ sở chú ý đến tính đặc thù mỗi vùng, mỗi dân tộc. Phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở và các tổ chức chính trị - xã hội ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số.

Về an ninh quốc phòng, tăng cường sức mạnh bảo vệ tổ quốc trên cơ sở đảm bảo ổn định chính trị, thực hiện tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phối hợp chặt chẽ các lực lượng trên từng địa bàn. Tăng cường quan hệ quân dân, tạo thế trận quốc phòng toàn dân trong vùng đồng bào dân tộc sinh sống.

Thực hiện đúng chính sách dân tộc hiện nay ở Việt Nam là phải phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh-quốc phòng các địa bàn vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, rừng núi, hải đảo của tổ quốc.

Như vậy, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta mang tính chất toàn diện, tổng hợp, bao trùm tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, liên quan đến mỗi dân tộc và quan hệ giữa các dân tộc trong cộng đồng quốc gia. Phát triển kinh tế - xã hội của các dân tộc là nền tảng để tăng cường đoàn kết và thực hiện quyền bình đẳng dân tộc, là cơ sở để từng bước khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các dân tộc. Do vậy, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta mang tính cách mạng và tiến bộ, đồng thời còn mang tính nhân văn sâu sắc. Bởi vì, chính sách đó không bỏ sót bất kỳ dân tộc nào, không cho phép bất cứ tư tưởng kỳ thị, chia rẽ dân tộc nào; đồng thời nó còn nhằm phát huy nội lực của mỗi dân tộc kết hợp với sự giúp đỡ có hiệu quả của các dân tộc anh em trong cả nước.

---------------------------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Quan điểm và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước Việt Nam về việc dựa vào tình hình thế giới trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng vấn đề dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc có tầm quan trọng đặc biệt....

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn lý thuyết bài Quan điểm và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu thuộc các chuyên ngành khác trong Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Đánh giá bài viết
1 3.660
Sắp xếp theo

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm