Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Quan niệm về đồng tiền trong tác phẩm Truyện Kiều

Văn mẫu lớp 9: Quan niệm về đồng tiền trong tác phẩm Truyện Kiều dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 9 hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra môn Ngữ văn 9 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Trình bày quan niệm về đồng tiền trong tác phẩm Truyện Kiều

Gắn với chữ “lợi” của con người trong đời sống, đồng tiền là chủ đề bàn luận từ xưa đến nay, trong văn học cũng như trong cuộc sống. Trong Truyện Kiều,viết về đồng tiền, Nguyễn Du đã tố cáo lên án với bao lời thơ cay đắng xót xa. Vậy trong đời sống hôm nay cần nhìn, nhận như thế nào về đồng tiền?

Tiền về bản chất là một vật ngang giá trong trao đổi buôn bán. Để hàng hóa lưu thông, buôn bán phát triển cần nhờ cỏ tiền. Vậy thực chất đồng tiền có tác dụng thúc đẩy kinh tế, nó là vật vô tri không thể gây hại cho con người. Có chăng thì bởi người có tiền trong tay đã lợi dụng làm hoen ố đồng tiền.

Ta không ngạc nhiên khi Sêchxpia kết tội: “Đồng tiền là con đĩ của nhân loại”. Càng không ngạc nhiên khi Nguyễn Du trong Truyện Kiều nhìn đồng tiền với một ác cảm sâu sắc.

Với Nguyễn Du, đồng tiền là thủ phạm gây ra những đau thương bất hạnh cho con người. Gia đình Kiều tan tác chia lia chỉ bởi đồng tiền:

Một ngày lạ thói sai nha

Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.

Đó chính là nguyên nhân đầu tiên trực tiếp đưa đến nỗi khổ đau vùi dập Kiều trong mười lăm năm trôi nổi. Rồi trong mười lăm năm ấy đồng tiền tiếp tục dầm Kiều trong bùn đen. Vì đồng tiền người ta đẩy Kiều lăn lóc qua các nhà chứa “Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần”. Đồng tiền đã tưởng như trói chặt nàng trong ô nhục.

Chưa hết, đồng tiền còn làm đảo lộn mọi trật tự, mọi giá trị đạo đức luân lý ở đời. Đồng tiền có thể đổi trắng thay đen, làm lệch cán cân pháp luật:

Trong tay sẵn có đồng tiền

Dẫu rằng đổi trắng thay đen khó gì.

Đồng tiền khơi dậy lòng tham, lòng ác con người. Vì tiền có kẻ sẵn sàng bất chấp tất cả: “Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê” kể cả việc mặc cả, kỳ kèo “trả giá” cho một con người “Kỳ kèo bớt một thêm hai/ Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”.

Đồng tiền với Nguyễn Du trở thành đối tượng để lên án tố cáo với tất cả niềm căm hờn. Nhân danh tình yêu thương con người, đại thi hào đã kết án đồng tiền. Đi vào thơ Nguyễn Du, đồng tiền phải chịu rủa đến muôn đời.

Song thực chất, có phải đồng tiền đáng ghét như vậy không? Lên án đồng tiền tất cả chúng ta đã bỏ quên việc lên án kẻ dùng tiền cũng như tác dụng của đồng tiền.

Trong xã hội phong kiến của Truyện Kiều,kẻ lắm tiền rặt một phường dâm ô, bạc ác. Chẳng đê tiện như Hổ Tôn Hiến cũng mưu mô xảo quyệt như Hoạn Thư, cũng tởm lợm vô học như Mã Giám Sinh, Tú Bà… “Làm tớ” cho những “thằng dại” như vậy, đồng tiền hỏi sao không thành kẻ bất nhân?

Ngày nay, nhắc đến đồng tiền ta nhắc đến một phương tiện sống hữu liệu của con người. Vẫn với vai trò giúp cho lưu thông hàng hóa, tiền – vật ngang giá là một trong những động lực thúc đẩy sản xuất phát triển.

Tuy nhiên, đồng tiền bị lên án hay được ngợi ca lại phụ thuộc vào người nắm giữ quyền sử dụng tiền. Tiền tham ô, tiền buôn lậu, tiền buôn bán ma túy, tiền hối lộ… thứ tiền ấy nhắc đến ai cũng muốn nguyền rủa. Vì thứ tiền ấy, vì những kẻ đê tiện kia mà bao nhà tan tác cha mẹ già yếu, các con mỗi đứa một tù; bao mảnh đời bị ném lên các vỉa hè, xó hẻm; bao em thơ phải khóc, phải rên xiết khổ đau… Ngược lại, ta cũng cần nhớ đến giọt nước mắt rưng rưng của những gia đình nghèo nhìn món quà của các tổ chức từ thiện; cũng cần ghi nhận sự hiện đại, tráng lệ của những công ty, tòa nhà… đánh dấu, ghi nhận sự phát triển của xã hội… Những đồng tiền tốt đẹp ấy nằm trong những đợt vận động quỹ “Vì người nghèo” trong những tài khoản “đầu tư đúng chỗ”…

Như vậy, cầm đồng tiền trong tay, mỗi người sẽ có một mục đích, cách thức sử dụng khác nhau. Mục đích sử dụng tốt đẹp chính đáng sẽ thúc đẩy sự phát triển của cá nhân, xã hội. Ngược lại sử dụng sai sẽ kìm hãm tiến bộ xã hội. Cũng cần lưu ý cách thức sử dụng tiền. Nên tiết kiệm, không quá hoang phí cũng không quá bủn xỉn. Đôi khi mục đích tốt đẹp nhưng cách thức chưa đúng sẽ gây phản tác dụng. Dùng tiền để mua sắm may mặc là chính đáng, phục vụ nhu cầu cá nhân. Nhưng nếu quá sa đà sẽ trở thành hoang phí. Lạm dụng đồng tiền sẽ phải trả những giá rất đắt (dùng tiền để hối lộ, để phục vụ nhu cầu hưởng lạc… ).

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Quan niệm về đồng tiền trong tác phẩm Truyện Kiều cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 9 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 9 và biết cách soạn bài lớp 9 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Soạn Văn 9 Sách mới

    Xem thêm