Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Quy luật phủ định của phủ định. Phân tích nội dung và ý nghĩa

Quy luật phủ định của phủ định. Phân tích nội dung và ý nghĩa vừa được VnDoc.com sưu tầm và xin gửi tới bạn đọc. Bài viết tập trung phân tích quy luật phủ định của phủ định. Mong rằng qua đây các bạn có thêm nhiều tài liệu để học tập nhé. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết và tải về tại đây.

Quy luật phủ định của phủ định. Phân tích nội dung và ý nghĩa - Mẫu 1

Quy luật phủ định của phủ định là một trong ba quy luật cơ bản của triết học Mác – Lênin. Quy luật này nói lên chiều hướng phát triển của sự vật, hiện tượng.

I. Nội dung quy luật phủ định của phủ định

Quy luật phủ định của phủ định là quy luật nói lên mối liên hệ, sự kế thừa giữa cái bị phủ định và cái phủ định; do sự kế thừa đó, phủ định biện chứng không phải là sự phủ định sạch trơn, bác bỏ tất cả sự phát triển trước đó, mà là điều kiện cho sự phát triển, nó duy trì và gìn giữ nội dung tích cực của các giai đoạn trước, lặp lại một số đặc điểm cơ bản của cái xuất phát nhưng trên cơ sở mới cao hơn; do vậy, sự phát triển có tính chất tiến lên không phải theo đường thẳng mà theo đường xoáy ốc.

II. Phân tích nội dung quy luật phủ định của phủ định

1. Định nghĩa về phủ định biện chứng:

– Trước khi tìm hiểu phủ định biện chứng là gì, ta cần hiểu thế nào là phủ định.

Phủ định là sự thay thế sự vật, hiện tượng này bằng sự vật, hiện tượng khác trong quá trình vận động và phát triển.

Bất cứ sự vật, hiện tượng nào trong thế giới đều trải qua quá trình sinh ra, tồn tại, phát triển và diệt vong. Sự vật cũ mất đi được thay bằng sự vật mới.

Sự thay thế đó là phủ định. Phủ định là tất yếu trong quá trình vận động và phát triển của sự vật. Không có phủ định, sự vật không phát triển được.

Ví dụ:

+ Trong quá trình phát triển của các phương tiện giao thông, xe máy là sự phủ định đối với xe đạp. Xê ô tô là sự phủ định đối với xe máy.

+ Trong sự phát triển của gia đình, con giỏi hơn cha tức là con đã phủ định cha. Ông cha ta thường hay nói “con hơn cha là nhà có phúc” là ý như vậy.

– Phủ định biện chứng là quá trình tự thân phủ định, tự thân phát triển, là mắt khâu trên con đường dẫn tới sự ra đời của cái mới, tiến bộ hơn so với cái bị phủ định.

Theo quan điểm duy vật biện chứng, sự chuyển hóa từ những thay đổi về lượng dẫn đến những thay đổi về chất; sự đấu tranh thường xuyên của các mặt đối lập làm cho mâu thuẫn được giải quyết, từ đó dẫn đến sự vật cũ mất đi, sự vật mới ra đời thay thế.

Sự thay thế diễn ra liên tục tạo nên sự vận động, phát triển không ngừng của sự vật. Sự vật mới ra đời là kết quả của sự phủ định sự vật cũ. Điều đó có nghĩa là sự phủ định là tiền đề, điều kiện cho sự phát triển liên tục, cho sự ra đời của cái mới thay thế cái cũ. Đó là phủ định biện chứng.

Ví dụ:

+ Trong ngành sản xuất điện thoại thông minh, iPhone 11 là sự phủ định đối với iPhone X.

+ Khi gieo trồng, cây lúa là sự phủ định biện chứng đối với hạt thóc.

+ Trong chăn nuôi, con gà đạp trứng ra đời là sự phủ định biện chứng đối với quả trứng.

2. Đặc điểm của phủ định biện chứng:

Phủ định biện chứng có hai đặc điểm cơ bản là tính khách quan và tính kế thừa.

2.1. Tính khách quan:

– Phủ định biện chứng mang tính khách quan do nguyên nhân của sự phủ định nằm ngay trong bản thân sự vật. Nguyên nhân đó chính là kết quả giải quyết những mâu thuẫn bên trong sự vật.

– Nhờ việc giải quyết những mâu thuẫn mà sự vật luôn phát triển. Vì thế, phủ định biện chứng là một tất yếu khách quan trong quá trình vận động, phát triển của sự vật. Đương nhiên, mỗi sự vật có phương thức phủ định riêng tùy thuộc vào sự giải quyết mâu thuẫn của bản thân chúng.

– Phủ định biện chứng không phụ thuộc vào ý muốn, ý chí chủ quan của con người. Con người chỉ có thể tác động mà cho quá trình phủ định ấy diễn ra nhanh hay chậm trên cơ sở nắm vững quy luật phát triển của sự vật.

2.2. Tính kế thừa:

– Phủ định biện chứng là kết quả của sự phát triển tự thân của sự vật nên nó không thể là sự thủ tiêu, sự phá hủy hoàn toàn cái cũ

– Cái mới chỉ có thể ra đời trên nền tảng cái cũ, chúng không thể từ hư vô. Cái mới ra đời là sự phát triển tiếp tục của cái cũ trên cơ sở gạt bỏ những mặt tiêu cực, lỗi thời, lạc hậu của cái cũ và chọn lọc, giữ lại, cải tạo những mặt còn thích hợp, những mặt tích cực, bổ sung những mặt mới phù hợp với hiện thực.

– Trong quá trình phủ định biện chứng, sự vật khẳng định những mặt tốt, tích cực và chỉ phủ định những cái lạc hậu, cái tiêu cực.

Có thể nói, sự phát triển chẳng qua chỉ là sự biến đổi trong đó những giai đoạn sau bảo tồn tất cả những mặt tích cực được tạo ra ở giải đoạn trước và bổ sung thêm những mặt mới phù hợp với hiện thực.

Phủ định biện chứng không chỉ là sự khắc phục cái cũ, sự vật cũ, mà còn là sự liên kết giữa cái cũ và cái mới, sự vật cũ với sự vật mới, quá khứ và hiện tại. Phủ định biện chứng là mắt khâu tất yếu của mối liên hệ và sự phát triển.

Ví dụ:

Trong bất kỳ loài sinh vật nào, các thế hệ con cái đều kế thừa những yếu tố tích cực của cha mẹ và bỏ qua những yếu tố lạc hậu.

– Tuy vậy, cũng cần lưu ý là, những nhân tố tích cực của sự vật cũ được giữ lại vẫn phải được cải tạo, phải được biến đổi cho phù hợp với điều kiện mới.

3. Phủ định của phủ định: Hình thức “xoáy ốc” của sự phát triển:

– Sự vật ra đời và tồn tại đã khẳng định chính nó. Trong quá trình vận động của sự vật ấy, những nhân tố mới xuất hiện sẽ thay thế những nhân tố cũ. Khi đó, sự phủ định biện chứng lần 1 diễn ra: Sự vật ban đầu không còn nữa mà bị thay thế bằng sự vật mới, trong đó những nhân tố tích cực của sự vật ban đầu được giữ lại.

– Tuy nhiên, sau một thời gian, sự vật mới ra đời ở trên lại bị phủ định bằng sự vật mới khác. Đó là sự phủ định lần 2. Cứ thế tiếp tục, tùy vào sự vật sẽ có phủ định lần 3, lần 4…, lần n.

Sau 2 hoặc nhiều lần phủ định, sẽ có một sự vật mới dường như lặp lại (rất giống) với sự vật ban đầu, song không phải là sự trùng lặp hoàn toàn với sự vật ban đầu đó, mà ở nấc thang cao hơn; nó được bổ sung những nhân tố mới và chỉ bảo tồn những nhân tố tích cực đối với sự phát triển tiếp tục của nó.

Sau 2 hoặc nhiều lần phủ định dẫn đến sự xuất hiện sự vật mới mà dường như lặp lại sự vật ban đầu thì ta có một chu kỳ phát triển. Ở đây có sự phủ định của phủ định.

Ví dụ:

+ Một quả trứng là sự khẳng định ban đầu (trong điều kiện được ấp) => Phủ định lần 1 tạo ra gà mái con => Phủ định lần 2 (gà mái con lớn lên) sinh ra nhiều quả trứng.

+ Một hạt thóc là sự khẳng định ban đầu (được gieo trồng) => Phủ định lần 1 tạo ra cây lúa => Phủ định lần 2, cây lúa sinh ra nhiều hạt thóc.

Ở 2 ví dụ trên ta có một chu kỳ phát triển: Từ một quả trứng ban đầu đến nhiều quả trứng mới. Từ một hạt thóc ban đầu đến nhiều hạt thóc mới. Từ một đến nhiều tức là có sự phát triển lên nấc thang cao hơn. Đó là kết quả phủ định của phủ định.

– Sự phát triển biện chứng thông qua những lần phủ định biện chứng là sự thống nhất giữa loại bỏ, kế thừa và phát triển. Mỗi lần phủ định biện chứng được thực hiện sẽ mang lại những nhân tố tích cực mới.

Như thế, những lần phủ định biện chứng nối tiếp nhau sẽ tạo ra xu hướng tiến lên không ngừng, như việc sẽ ngày càng có nhiều quả trứng hơn, ngày càng có nhiều hạt thóc hơn.

– Quy luật phủ định của phủ định biểu hiện sự phát triển do mâu thuẫn.

Mỗi lần phủ định là kết quả đấu tranh và chuyển hóa của các mặt đối lập trong bản thân sự vật. Các mặt đối lập ở đây là mặt khẳng định và mặt phủ định.

Phủ định lần 1 sẽ làm cho sự vật cũ chuyển thành cái đối lập với mình (như quả trứng ban đầu đối lập với gà mái con; gà mái con là vật trung gian). Sau một hoặc nhiều lần phủ định tiếp theo sẽ ra đời một sự vật mới đối lập với cái trung gian (nhiều quả trứng sinh ra đối lập với gà mái con).

Mà đối lập với cái trung gian nghĩa là dường như tương đồng với sự vật ban đầu, dường như quay trở lại thời điểm xuất phát (như việc một quả trứng sinh ra nhiều quả trứng, một hạt thóc sinh ra nhiều hạt thóc).

Như thế ta thấy, đặc điểm quan trọng nhất của sự phát triển biện chứng thông qua phủ định của phủ định chính là sự phát triển dường như quay trở lại cái cũ, nhưng trên cơ sở cao hơn.

– Sự phủ định của phủ định là giai đoạn kết thúc của một chu kỳ phát triển, đồng thời lại là điểm xuất phát của một chu kỳ phát triển tiếp theo. Cứ thế, các chu kỳ phát triển cứ nối tiếp nhau tạo thành sự phát triển, sự tiến lên vô cùng tận của thế giới, nhưng không phải theo đường thẳng mà theo hình xoáy ốc.

– Sở dĩ nói “theo hình xoáy ốc” vì “hình xoáy ốc” đã biểu đạt được các đặc trưng của quá trình phát triển biện chứng: tính kế thừa, tính lặp lại nhưng không quay trở lại và tính chất tiến lên của sự phát triển.

Mỗi vòng mới của đường “xoáy ốc” thể hiện trình độ cao hơn của sự phát triển, đồng thời dường như quay lại cái đã qua, lặp lại vòng trước. Sự nối tiếp nhau của các vòng thể hiện tính vô tân của sự phát triển, tính vô tận của sự tiến lên từ thấp lên cao.

III. Ý nghĩa phương pháp luận rút ra từ quy luật phủ định của phủ định

Quy luật phủ định của phủ định làm sáng tỏ chiều hướng vận động, phát triển của các sự vật và có ý nghĩa phương pháp luận trong nhận thức và hoạt động thực tiễn.

1. Cái mới nhất định sẽ xuất hiện từ cái cũ nhưng ta không được phủ sạch cãi cũ.

Trong nhận thức và hoạt động thực tiễn, ta cần lưu ý rằng cái mới nhất định sẽ thay thế cái cũ, cái tiến bộ nhất định sẽ chiến thắng cái lạc hậu. Cái mới ra đời từ cái cũ, kế thừa tất cả những gì tích cực của cái cũ. Do đó, ta cần chống thái độ phủ định sạch trơn cái cũ.

2. Chúng ta phải chủ động phát hiện, bồi dưỡng, thúc đẩy cái mới.

Trong thực tiễn, ta phải biết phát hiện và quý trọng cái mới, phải tin tưởng vào tương lai phát triển của cái mới. Mặc dù cái mới lúc đầu còn yếu ớt, ít ỏi, ta phải ra sức ủng hộ, bồi dưỡng, phát huy cái mới, tạo điều kiện cho cái mới chiến thắng cái cũ.

Trong khi đấu tranh với cái cũ, chúng ta phải biết sàng lọc, gạn đục khơi trong, giữ lấy những gì còn tích cực, có giá trị từ cái cũ, cải tạo cái cũ cho phù hợp với những điều kiện mới. Chúng ta phải chống thái độ “hư vô chủ nghĩa” trong khi nhìn nhận, đánh giá quá khứ.

3. Phải khắc phục thái độ bảo thủ, loại bỏ những hủ tục trong xã hội.

Trong khi chống thái độ hư vô chủ nghĩa, phủ định sạch trơn quá khứ, chúng ta cũng phải khắc phục thái độ bảo thủ, khư khư giữ lại những cái lỗi thời cản trở sự phát triển của lịch sử.

Chúng ta phải nhận thức rõ những cái lỗi thời, ví dụ như những hủ tục cũ trong việc cưới xin, tang lễ, hội hè…, quan niệm “có nếp có tẻ” trong việc sinh con… sẽ gây ra nhiều tốn kém và nhiễu nhương.

Quy luật phủ định của phủ định. Phân tích nội dung và ý nghĩa - Mẫu 2

Quy luật phủ định hay quy luật phủ định của phủ định là một trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật trong triết học Mác - Lênin, chỉ ra khuynh hướng của sự phát triển, theo đó sự phát triển của sự vật, hiện tượng có xu hướng, khuynh hướng lặp lại giai đoạn đầu nhưng ở trình độ cao hơn, phát triển theo hình xoắn trôn ốc.

"Phủ định cái phủ định là gì? Là một quy luật vô cùng phổ biến và chính vì vậy mà có tầm quan trọng và có tác dụng vô cùng to lớn về sự phát triển của tự nhiên, của lịch sử và của tư duy"

Sự phủ định

Theo triết học Mác - Lênin thì bất cứ sự vật, hiện tượng nào trong thế giới đều trải qua quá trình sinh ra, tồn tại, phát triển và diệt vong. Sự vật cũ mất đi được thay thế bằng sự vật mới. Sự thay thế đó là tất yếu trong quá trình vận động và phát triển của sự vật. Không như vậy sự vật không phát triển được. Sự thay thế đó được triết học gọi là sự phủ định.

Theo quan điểm duy vật biện chứng, sự chuyển hoá từ những thay đổi về lượng dẫn đến những thay đổi về chất, sự đấu tranh thường xuyên của các mặt đối lập làm cho mâu thuẫn được giải quyết, từ đó dẫn đến sự vật cũ mất đi sự vật mới ra đời thay thế. Sự thay thế diễn ra liên tục tạo nên sự vận động và phát triển không ngừng của sự vật. Sự vật mới ra đời là kết quả của sự phủ định sự vật cũ. Điều đó cũng có nghĩa là sự phủ định là tiền đề, điều kiện cho sự phát triển liên tục, cho sự ra đời của cái mới thay thế cái cũ. Đó là phủ định biện chứng.

Phủ định biện chứng là phạm trù triết học dùng để chỉ sự phủ định tự thân, sự phát triển tự thân, là mắt khâu trong quá trình dẫn tới sự ra đời sự vật mới, tiến bộ hơn sự vật cũ. Tuy nhiên có sự phủ định chỉ là phá hủy cái cũ, không tạo tiền đề cho sự tiến lên và lực lượng phủ định được đưa từ ngoài vào kết cấu của sự vật, tức là sự tự phủ định, là sự phủ định tạo tiền đề cho sự phát triển tiếp theo, cho cái mới ra đời thay cái cũ.

Phủ định biện chứng có các đặc trưng cơ bản là tính khách quan và tính kế thừa.

- Tính khách quan: vì nguyên nhân của sự phủ định nằm ngay trong bản thân sự vật. Đó chính là giải quyết những mâu thuẫn bên trong sự vật. Nhờ việc giải quyết những mâu thuẫn mà sự vật luôn luôn phát triển. Mỗi sự vật có phương thức phủ định riêng tuỳ thuộc vào sự giải quyết mâu thuẫn của bản thân chúng. Điều đó cũng có nghĩa, phủ định biện chứng không phụ thuộc vào ý muốn, ý chí của con người. Con người chỉ có thể tác động làm cho quá trình phủ định ấy diễn ra nhanh hay chậm trên cơ sở nắm vững quy luật phát triển của sự vật.

- Kế thừa: vì phủ định biện chứng là kết quả của sự phát triển tự thân của sự vật, nên nó không thể là sự thủ tiêu, sự phá huỷ hoàn toàn cái cũ. Cái mới chỉ có thể ra đời trên nền tảng cái cũ. Cái mới ra đời không xóa bỏ hoàn toàn cái cũ mà có chọn lọc, giữ lại và cải tạo những mặt còn thích hợp, những mặt tích cực, nó chỉ gạt bỏ ở cái cũ những mặt tiêu cực, lỗi thời, lạc hậu, gây cản trở cho sự phát triển. Do vậy, phủ định biện chứng đồng thời cũng là khẳng định.

Cái mới trong phủ định biện chứng là cái biểu hiện sự phát triển phù hợp quy luật của sự vật, hiện tượng, là biểu hiện sự chuyển hóa từ giai đoạn thấp đến giai đoạn cao trong quá trình phát triển.

Nội dung quy luật

Sự ra đời và tồn tại của sự vật đã khẳng định chính nó. Trong quá trình vận động của sự vật, những nhân tố mới xuất hiện sẽ thay thế những nhân tố cũ, sự phủ định biện chứng diễn ra. Sự vật đó không còn nữa và bị thay thế bởi sự vật mới, trong đó có những nhân tố tích cực được giữ lại. Song sự vật mới này sẽ lại bị phủ định bởi sự vật mới khác.

Sự vật mới khác ấy dường như là sự vật đã tồn tại, song không phải là sự trùng lặp hoàn toàn, mà nó có được bổ sung những nhân tố mới và chỉ bảo tồn những nhân tố tích cực, thích hợp với sự phát triển tiếp tục của nó. Sau khi sự phủ định diễn ra 2 lần thì sự phủ định của phủ định được thực hiện, sự vật mới hoàn thành một chu kỳ phát triển. Sự phát triển biện chứng thông qua những lần phủ định biện chứng như trên là sự thống nhất hữu cơ giữa lọc bỏ, bảo tồn và bổ sung thêm những nhân tố tích cực mới. Do vậy, thông qua những lần phủ định biện chứng của bản thân, sự vật sẽ ngày càng phát triển.

Phạm trù phủ định biện chứng mới nói lên một giai đoạn, một mắt khâu, một nấc thang trong quá trình phát triển nhất định. Với tư cách là cái phủ định (lần thứ 1), cái mới cũng chứa đựng trong mình xu hướng dẫn tới sự phủ định lần thứ 2 (phủ định của phủ định).

Trong sự vận động vĩnh viễn của thế giới vật chất, dây chuyền của những lần phủ định biện chứng là vô tận, cái mới phủ định cái cũ, nhưng rồi cái mới lại trở nên cũ và lại bị cái mới sau phủ định. Cứ như vậy, sự phát triển của sự vật, hiện tượng diễn ra theo khuynh hướng phủ định của phủ định từ thấp đến cao một cách vô tận theo đường "xoáy ốc" hay "vòng xoáy trôn ốc". Sau mỗi chu kỳ phủ định của phủ định, cái mới được ra đời lặp lại cái cũ nhưng trên cơ sở cao hơn.

Sự phát triển theo đường "xoáy ốc" là sự biểu thị rõ ràng, đầy đủ các đặc trưng của quá trình phát triển biện chứng của sự vật: tính kế thừa, tính lặp lại, tính tiến lên. Mỗi vòng của đường "xoáy ốc" thể hiện sự lặp lại nhưng cao hơn, thể hiện trình độ cao hơn của sự phát triển.

Quy luật phủ định của phủ định biểu hiện sự phát triển của sự vật là do mâu thuẫn trong bản thân sự vật quyết định. Mỗi lần phủ định là kết quả đấu tranh và chuyển hoá giữa các mặt đối lập trong bản thân sự vật - giữa mặt khẳng định và mặt phủ định. Sự phủ định lần thứ nhất diễn ra làm cho sự vật cũ chuyển thành cái đối lập với cái khẳng định ban đầu. Sự phủ định lần thứ hai, sự vật mới với tư cách là cái phủ định của phủ định đối lập với cái phủ định và trở lại cái ban đầu nhưng không giống nguyên vẹn như cái cũ mà trên cơ sở cao hơn, tốt hơn.

Phủ định của phủ định là sự thống nhất biện chứng của cái khẳng định và phủ định, là kết quả của sự tổng hợp tất cả nhân tố tích cực của cái khẳng định ban đầu và cái phủ định lần thứ nhất, cũng như các giai đoạn trước đó. Cái tổng hợp này là sự lọc bỏ những giai đoạn đã qua, vì vậy, nó có nội dung phong phú hơn, toàn diện hơn. Kết quả của sự phủ định của phủ định là điểm kết thúc của một chu kỳ phát triển và cũng là điểm khởi đầu cho kỳ phát triển tiếp theo. Sự vật lại tiếp tục biện chứng chính mình để phát triển. Cứ như vậy sự vật mới ngày càng mới hơn. Theo triết học Mác-Lênin thì quy luật phủ định của phủ định là quy luật phổ biến của sự phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy.

Ý nghĩa phương pháp luận

Quy luật phủ định của phủ định đã chỉ rõ sự phát triển là khuynh hướng chung, là tất yếu của các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan. Song, quá trình phát triển không diễn ra theo đường thẳng nhưng quanh co phức tạp, phải trải qua nhiều lần phủ định, nhiều khâu trung gian. Điều đó giúp chúng ta tránh được cách nhìn phiến diện, giản đơn trong việc nhận thức các sự vật, hiện tượng, đặc biệt là các hiện tượng xã hội, và do vậy cần phải kiên trì đổi mới, khắc phục khuynh hướng bi quan, chán nản, dao động trước những khó khăn của sự phát triển.

Quy luật phủ định của phủ định cũng khẳng định tính tất thắng của cái mới, vì cái mới là cái ra đời phù hợp với quy luật phát triển của sự vật. Mặc dù khi mới ra đời, cái mới có thể còn non yếu, song nó là cái tiến bộ hơn, là giai đoạn phát triển cao hơn về chất so với cái cũ. Vì vậy, trong nhận thức và hoạt động thực tiễn, cần có nhận thức đúng về cái mới và có thái độ đúng đối với cái mới đồng thời chủ động phát hiện ra cái mới, tạo điều kiện cho cái mới phát triển.

Phải có cái nhìn biện chứng trong khi phê phán cái cũ, cần phải biết sàng lọc, kế thừa những yếu tố hợp lý của cái cũ, tránh thái độ “hư vô chủ nghĩa”, “phủ định sạch trơn”.

Lí luận nhận thức của chủ nghĩa duy vật biện chứng nghiên cứu bản chất, tính quy luật, những hình thức và phương pháp nhận thức, vấn đề chân lý. Nó giải đáp một cách đúng đắn và đầy đủ mặt thứ hai trong vấn đề cơ bản của triết học.

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới các bạn bài viết Quy luật phủ định của phủ định. Phân tích nội dung và ý nghĩa. Bài viết cho ta thấy được nội dung quy luật phủ định của phủ định, nội dung phân tích cũng như ý nghĩa của phương pháp luận rút ra từ quy luật phủ định của phủ định. Mong rằng qua bài viết này các bạn có thêm nhiều tài liệu để học tập môn Triết học hơn nhé. Mời các bạn cùng tham khảo thêm một số tài liệu được VnDoc.com biên soạn ở bậc cao đẳng đại học nhé.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm